daminhthanhtam.com

Cảm nghiệm: Đọc Huấn thị về Quyền bính và Vâng phục (phần 2)

03.06.2024 Tiền Vĩnh thệ

Cảm nghiệm

Huấn thị QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC

Trong lịch sử xã hội loài người, dù trong bất cứ giai đoạn nào, quyền lực luôn là một cám dỗ có sức thu hút nhất. Con người hằng bao thế kỷ, đã sống trong những chế độ mà chỉ gồm hai giai tầng một là thống trị hai là bị trị. Ngay cả ngày nay, con người cũng không ngừng tìm kiếm địa vị và quyền lực cho mình: quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực tri thức,…. Dù vậy, con người lại vẫn luôn được mời gọi để vâng phục Thiên Chúa – nghĩa là sẵn sàng từ bỏ mọi cuộc tìm kiếm những thứ quyền lực trần gian để phục vụ một QUYỀN BÍNH TỐI THƯỢNG. Nhưng đó không phải là quyền lực ràng buộc con người, khiến con người trở thành nô lệ. Đó là Quyền Bính nâng con người lên cao, đưa con người đến tự do đích thực, tự do của những người con tin tưởng và vâng phục Cha của mình. Chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể, là điểm quy chiếu hoàn hảo nhất của cả quyền bính lẫn sự vâng phục này. Vì Người vừa là Đấng Vâng Phục, lại cũng vừa là Đấng thực thi quyền bính của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu, đặc biệt là người sống đời thánh hiến được mời gọi để trở thành những chứng nhân sống động của sự tìm kiếm Thiên Chúa. Nói cách khác, người tu sĩ không tìm kiếm điều gì khác ngoài việc tìm thi hành Thánh ý Chúa. Do đó, Huấn thị Quyền bính và vâng phục được trình bày như là những giải thích, hướng dẫn và suy tư về mối tương quan giữa quyền bính và vâng phục trong đời sống thánh hiến. Với ý thức cùng nhau tìm kiếm Thiên Chúa, người tu sĩ dù là trong vai trò nào, đều phải liên tục học cách lắng nghe và sẵn sàng để thi hành ý Chúa trong mỗi ngày sống của mình.

1. Vâng phục trong việc tìm kiếm Thánh ý Chúa

Đời sống con người là cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đời mình. Con người bị thôi thúc bởi một khao khát hướng về vô biên mà thường không thể giải thích hay thỏa mãn được. Đó là dấu ấn Thiên Chúa khắc ghi trong linh hồn mỗi người khi nó được dựng nên. Bởi vậy, con người sẽ không ngơi kiếm tìm Hình Ảnh đã in dấu trong linh hồn, và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khoảng trống mà chính Người đã để lại. Con người khao khát Đấng Tuyệt Đối. Đó là một điều không thể thay đổi được.

Do đó, điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người không phải là tìm kiếm cái gì mà là tìm ai. Chúng ta đi tìm ai trong đời sống này, trên mặt đất này? “Người Kitô hữu tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống và chân thật, Khởi thủy và Cùng đích mọi sự” (s. 4). Điều này đã là mục đích của mọi Kitô hữu thì lại càng phải là phương thức sống của các tu sĩ biết bao. Nhưng tìm kiếm Thiên Chúa cụ thể là tìm kiếm điều gì? Con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng đôi mắt thể lý, nhưng có thể nhận biết ý muốn của Người nhờ con mắt đức tin. Như thế tìm kiếm Thiên Chúa cũng chính là tìm kiếm Thánh ý của Người, tức là tìm kiếm sự thể hiện của Người. Đó là “tìm kiếm một ý muốn thân thiết và nhân từ, ý muốn đó ước mong sự thành toàn của chúng ta, nhất là ý muốn đó khát mong một sự đáp trả tình yêu bằng tình yêu tự nguyện, để biến chúng ta trở thành dụng cụ của tình yêu linh thánh” (s. 4).

Bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm Thánh ý là phải biết lắng nghe tiếng Chúa, sau đó là vâng phục Ý Muốn ấy. Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm không phải là một Thiên Chúa im lặng nhưng là một Thiên Chúa cất tiếng nói. Người cất tiếng trong chương trình sáng tạo, và cất tiếng qua Ngôi Lời trong chương trình cứu độ. Cứ thế, Thiên Chúa vẫn tiếp tục cất tiếng: trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội của Người, qua thụ tạo từ thiên nhiên, từ mọi sự việc, từ nhiều trung gian, và ngay cả từ trong tâm tâm của mỗi con người. Khả năng lắng nghe phụ thuộc rất nhiều vào thái độ vâng phục. Chỉ khi ta muốn vâng phục ý Chúa, ta mới chủ tâm tìm kiếm và lắng nghe Người. Thái độ vâng phục hoàn hảo nhất là thái độ vâng phục của người con. Vì đi kèm theo đó là lòng yêu mến, sự tin tưởng và phó thác. Đây chính là thái độ vâng phục mà Thiên Chúa muốn. Hơn nữa “chúng ta chỉ đạt đến sự sung mãn của mình khi chúng ta đặt mình trong kế hoạch mà Người đã dành cho chúng ta bằng một tình thương của người Cha” (s. 5). Như thế vâng phục Thiên Chúa không phải là nô lệ, là bị ràng buộc, là mất tự do. Trái lại “Vâng phục Thiên Chúa là con đường tăng trưởng,.., là con đường tự do cho con người” (s. 5). Nhưng “Điều này chỉ có thể hiểu được trong trong logic của tình yêu, của tình thân thắm thiết với Thiên Chúa, của sự gắn bó vĩnh viễn với Đấng mà làm cho con người thực sự được tự do” (s. 6).

Chính ở đây, chúng ta chiêm ngắm và học nơi Đức Giêsu, mẫu gương vâng phục trọn hảo của người con đối với Cha. Thật thế, Đức Giêsu đã luôn vâng phục Cha, với tình yêu con thảo, cho đến chết. Điều này diễn tả khía cạnh “chén đắng” của sự vâng phục. Vì không phải lúc nào cũng dễ dàng và ngọt ngào để vâng phục. Bởi Thiên Chúa luôn có những kế hoạch hoàn toàn khác biệt với những kế hoạch của con người. Chỉ khi nào chúng ta “ước mong một cách mãnh liệt chu toàn ý muốn của Chúa Cha như là khát vọng tối thượng của đời mình” (s. 8), chúng ta mới có thể mang tâm tình như Chúa Con mà phó mình hoàn toàn cho Cha, để hiểu sự vâng phục vì yêu mến cho đến tận cùng là thế nào. Chính thế mà “Người Kitô hữu, giống như Đức Kitô, được định nghĩa như một kẻ vâng phục”. Và còn hơn thế nữa khi mà người thánh hiến “biết đặt ý muốn của mình ở trong tay Chúa Cha để dâng một hy tế hoàn hảo đẹp lòng Ngài, trong việc noi gương Đức Ki-tô và học nơi Người” (s. 8).

Nhưng chúng ta nhận biết Thánh ý Chúa bằng cách nào? “Thiên Chúa biểu lộ ý muốn của Người qua tác động bên trong của Thánh Thần, Đấng “hướng dẫn mọi người đến sự thật”, và qua nhiều trung gian bên ngoài”. Bên trong, tức là với linh hồn mỗi người, bằng tiếng nói của Thần Khí, Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Người cách trực tiếp. Còn bên ngoài, một cách gián tiếp qua nhiều trung gian khác nhau. Thật quan trọng để chúng ta biết những trung gian đó là gì. Có thể kể ra ở đây các trung gian chuyển đạt ý muốn của Thiên Chúa, chẳng hạn như: những diễn biến trong cuộc sống, những đòi hỏi cụ thể của một ơn gọi đặc biệt, những luật lệ điều hành cuộc sống, những quyết nghị của những ai được kêu gọi làm người hướng dẫn các đoàn thể. Ngoài ra đối với những người sống đời thánh hiến đó còn là: đoàn sủng đã được Hội Thánh chuẩn nhận, những quy tắc thiết định của Hội dòng: Tu luật, các bề trên, cộng đoàn, các dấu chỉ thời đại,... Do được Thiên Chúa sử dụng nên dù là trung gian nhân loại nhưng vẫn có thẩm quyền, vẫn mang tính chất ràng buộc và có khả năng đưa dẫn con người đến với Thiên Chúa cách hoàn hảo (s. 9; s. 11). Bởi đó, sẵn sàng để vâng phục các trung gian bên ngoài, những trung gian được Thiên Chúa sử dụng, là dấu cho thấy mức độ gắn bó với Chúa và sự ngoan ngoãn đối với sự hướng dẫn của Thần Khí (s. 11). Thậm chí ngay cả khi sự vâng phục gây ra những đau khổ thực sự ở bên trong tâm hồn người tu sĩ, do có sự đối nghịch giữa những phán đoán của lương tâm người đó với phán đoán của các bề trên. Thì vâng phục vẫn có giá trị hơn là từ chối. Vì vâng phục giờ đây mới đúng thật là lễ hy sinh theo gương của Đức Giê-su, “Đấng đã nhờ đau khổ để học cho biết vâng phục là gì” (s. 27).

2. Quyền bính phục vụ việc tìm kiếm Thánh ý Chúa

Quyền bính trong đời tu không được đặt trong thế đối lập với vâng phục nhưng là một sự hỗ trợ. Việc thi hành quyền bính không phải là một đặc quyền có thể được sử dụng một các độc đoán, nhưng có mục đích chính yếu là giúp người khác/ cộng đoàn vững vàng hơn, chắc chắn hơn trong việc tìm kiếm và thi hành ý của Thiên Chúa. Bởi vì quyền bính được trao ban bởi Thiên Chúa và được hướng dẫn bởi Thần Khí để thi hành. Do đó, có thể nói, người thi hành quyền bính “bị đòi hỏi” rất nhiều. Sự đòi hỏi này khiến cho quyền bính trong đời sống Giáo Hội nói chung, và trong đời sống tu trì nói riêng, không phải là thẩm quyền để thị uy hay quyền lực để đàn áp người khác nhưng là một sự phục vụ, theo gương của Đức Giêsu, Đấng “đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ” (x. Mt 20, 28), đến mức có thể hiến mạng sống mình như mục tử hy sinh cho đoàn chiên, như người Samaritanô nhân hậu sẵn sàng chăm sóc mọi thương tích của tha nhân. (s. 13, 14, 20, 21). Là người “được kêu gọi làm kẻ vâng phục đầu tiên” (s. 14), người thi hành quyền bính phải luôn là gương mẫu trong sự vâng phục đối với Thiên Chúa, với những thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội. Nhờ đó, người cầm quyền trở nên mẫu gương sống động, gần gũi cho anh chị em mình về sự vâng phục và tinh thần phục vụ trong khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại. Chính khi ấy, quyền bính sẽ tìm được sự vâng phục vì tình yêu chứ không phải vì sợ hãi, trong tự nguyện vui tươi chứ không phải vì bị ép buộc.

Ngoài ra, việc đảm nhận và thi hành quyền bính là một sứ vụ cao cả, một sự hy sinh để phục vụ lợi ích của cộng đoàn và hướng dẫn cộng đoàn phục vụ Nước Chúa giữa thế giới. Theo lăng kính này, “mục tiêu chính yếu của việc thực thi quyền bính tu trì là xây dựng “một cộng đoàn huynh đệ trong Đức Kitô, ở đó Thiên Chúa được tìm kiếm và yêu mến trên hết mọi sự” (s. 14). Thế nên, một khi quyền bính không được sử dụng để kiến tạo sự hiệp nhất, xây dựng tình huynh đệ, duy trì tinh thần của đoàn sủng, thúc đẩy ý thức sống đời dâng hiến,… để làm chứng cho hiện diện của Nước Thiên Chúa, thì quyền bính ấy sẽ có nguy cơ bị lạm dụng như một loại quyền lực đàn áp hoặc bị giảm thiểu thành một kiểu quyền hành mang tính cơ chế.

Tuy nhiên, nhân vô thập toàn, những người thực thi quyền bính vẫn luôn là những con người với những yếu đuối và cần được kiện toàn mỗi ngày nhờ ân sủng và những nỗ lực cá nhân. Thế nên, không ít trường hợp việc thi hành quyền bính gặp phải những khó khăn, cản trở, và thậm chí là sự chống đối. Điều đó rất dễ làm nản lòng những ai đang được trao nhiệm vụ thi hành quyền bính. Khi ấy, việc phục vụ cộng đoàn trở nên một gánh nặng, một nỗi khổ tâm. Chính trong những trường hợp này mà quyền bính lại trở nên “con đường thánh hóa bản thân và phương thế cứu độ cho những kẻ đã gây ra đau khổ cho mình” (s. 28)

Tất cả những điều phân tích trên đây cho thấy rằng: Dù là người thi hành quyền bính hay là người vâng phục quyền bính thì điều căn cốt nhất đó là phải luôn noi gương Đức Giêsu, hiện thân của cả quyền bính và vâng phục, để tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa Cha. Đức Giêsu đã không chối bỏ những cách thức trần gian mà Cha sử dụng để hoàn tất công trình cứu độ. Người sử dụng quyền bính của Người để phục vụ người nghèo, bệnh nhân, tội nhân, và tất cả những ai chân thành tìm kiếm Thiên Chúa. Người đã luôn nêu gương về tinh thần phục vụ cách khiêm nhường, tế nhị, đầy nhân ái và quảng đại. Đồng thời, Người cũng dùng sự vâng phục để đón nhận mọi hoàn cảnh trong thân phận phàm nhân, theo kế hoạch của Cha, cho đến khi hoàn tất ơn cứu độ qua mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh.

Nói tóm lại, nơi Đức Giêsu, không có gì khác ngoài việc để cho “Ý Cha thể hiện”. Và đó không phải là nô lệ, hay vong thân nhưng là đỉnh cao của tự do, khi để cho ý riêng hoàn toàn tan hòa vào Ý Chúa. Đây cũng sẽ là con đường cho những ai muốn nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu để trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha.

Còn đối với bản thân mình, con nhận thấy rằng: Làm bề trên/ người lãnh đạo quả là một gánh nặng, một trách nhiệm đầy khó khăn. Vì nếu căn cứ vào những yêu cầu mà Huấn thị đưa ra đối với người thi hành quyền bính trong cộng đoàn thì rõ ràng là nếu không có ân sủng của Chúa, không có tình yêu lớn lao và tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đoàn, của anh chị em mình thì có lẽ, chẳng ai muốn lãnh lấy những phận vụ khó khăn này. Đồng thời, con cũng có thể nói rằng, đối với những ai đã hiểu thế nào là thực thi quyền bính cách đích thực thì vâng lời luôn dễ dàng hơn là truyền lệnh.

Nt. Maria Nguyễn Nữ Hoa Lệ, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...