ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN: THÀNH TRÌ BẢO VỆ BA LỜI KHẤN
Hiến pháp 24 của Hội Dòng về “Ý nghĩa đời sống cộng đoàn” đã viết: “Sự hiệp thông huynh đệ được bén rễ và được xây dựng trên đức ái, giúp chị em sống hiệp nhất với nhau và trở thành mẫu gương sự hòa giải đại đồng trong Đức Kitô” (HP 24). Đời sống cộng đoàn là một thực tại sống động. Trong cộng đoàn người tu sĩ tuyên khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vì thế, để sống trọn vẹn lý tưởng đời thánh hiến, đời sống cộng đoàn được ví như thành trì giúp người tu sĩ sống ba lời khấn.
Nếu ví đời sống cộng đoàn như một ngôi nhà thì tương quan giữa mọi người phải được xây dựng trên “nền móng” của sự “thuộc về”. Trong tương quan thuộc về, mỗi người sống trong cộng đoàn liên đới, hiệp thông và “liên lụy” với nhau trong cả lầm lỗi lẫn hồng phúc hay nói khác là cả gian khổ lẫn hạnh phúc. Khi con đã cảm thấy mình thuộc về Hội Dòng, tất sẽ cống hiến ân sủng mà Chúa ban riêng cho mình để góp phần mình vào gia sản của Hội Dòng. Nếu không có cảm thức “thuộc về” thì con sẽ khó tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội Dòng. Con sẽ biến mình thành người dửng dưng “đứng ngoài cuộc” thay vì toàn tâm toàn ý tháp nhập vào hành trình của cộng đoàn.
Với lời khấn khiết tịnh, con được mời gọi sống đời dâng hiến như dấu chỉ thực tại nước trời nơi trần thế. Nét đẹp của đức khiết tịnh chính là dấu chỉ của thiên đàng. Trong tình yêu con được mời gọi hiến mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, con đường xả thân trọn vẹn, không vì một người, nhưng vì nhiều người, con đường hy tế tuyệt đối, con đường lễ vật toàn thiêu. Thế nhưng, ý thức thân phận yếu đuối, bất xứng của mình, ngoài việc cậy dựa vào ơn Chúa, tình chị em trong cộng đoàn sẽ là một phương thế giúp con vượt qua những cám dỗ về lời khấn khiết tịnh. “Cộng đoàn phải là nơi chúng ta đem lại cho nhau sự can đảm khi trái tim người anh em / chị em chao đảo, đem lại sự tha thứ khi một người vấp ngã, và đem lại chân lý cho những ai tự lừa dối mình. Chúng ta phải tin vào sự tốt lành của anh chị em khi chính họ không tin”. (Cha Timothy Radcliffe.OP, NXB Chân Lý, 2000, Hát lên bài ca mới, trang 54). Thật vậy, nếu con không tìm được hạnh phúc, niềm vui trong cộng đoàn, thì con sẽ rất dễ rơi vào cám dỗ đi tìm niềm vui, hạnh phúc ở bên ngoài cộng đoàn.
Sống lời khấn vâng phục, con không chối bỏ khả năng lý trí và phán đoán của mình nhưng con ý thức rằng con sẽ làm gì, con muốn làm gì, con cần làm gì,… tất cả đều không quan trọng cho bằng Chúa muốn con làm gì, và người tu sĩ tìm kiếm ý Chúa qua những quyết định của Bề Trên. Khi ở trong cộng đoàn, con được nhìn thấy những tấm gương sẵn sàng vâng phục của quý Dì để được sai đi đến bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì. Con thật cảm kích khi được nghe một Dì cao niên chia sẻ những kinh nghiệm sống lời khấn vâng phục: “Chị chẳng có khả năng nhưng làm đi rồi Chúa ban ơn!”. Tinh thần chung tay phục vụ của cả cộng đoàn thôi thúc con sẵn sàng trong lời thưa “xin vâng”. Hơn nữa, sự quảng đại giúp đỡ, cộng tác của chị em cũng giúp con sống lời khấn vâng phục một cách mạnh dạn và tự tin hơn.
Lời khấn khó nghèo có lẽ là lời khấn khó khăn vì theo lẽ tự nhiên con người thường hướng về sự dễ dãi và sung sướng. Nhưng đối với người tu sĩ lời khấn khó nghèo giải thoát họ khỏi nô lệ của cải vật chất. Khi sống trong cộng đoàn bản thân con không quá bận tâm ngày mai mình sẽ ăn gì, uống gì, vì con biết quý Bề trên và các vị hữu trách đã trưc tiếp lo toan sắp xếp. Sống lời khấn khó nghèo khiến con được bình an vì con không phải lo sợ bị mất mát điều gì. Cái nghèo giúp con được thanh thản vì con không cần phải mệt mỏi để tranh đấu sở hữu thật nhiều bạc tiền, tài sản vật chất hay tinh thần. Cái nghèo cũng trở nên giá trị vì nó giúp con có thể đến với những con người thấp bé trong xã hội.
“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,21). Quả thật, nếu không xác tín đời sống cộng đoàn là một “hồng ân” của Thiên Chúa, con sẽ không đủ sức mạnh, can đảm và sự kiên nhẫn để đón nhận chị em như là một “quà tặng”. Vì lý tưởng cộng đoàn được xây dựng trên sự mỏng manh yếu đuối của phận người. Tình yêu Đức Kitô đổ tràn đầy lòng con qua việc tuyên khấn sống ba lời khuyên phúc âm trong cộng đoàn, thôi thúc con yêu thương chị em mình. Sống tình huynh đệ là một hồng ân và cũng đòi hỏi nơi con lời đáp trả rất cá vị của bản thân trong đời sống cộng đoàn. Nguyện xin ơn Chúa trợ giúp cho con luôn biết sống hòa hợp, kiến tạo niềm vui và sự bình an trong đời sống chung. Vì tình huynh đệ không có niềm vui là tình huynh đệ đang chết. Một tình huynh đệ đầy niềm vui là ân huệ Thiên Chúa ban cho chị em trong cộng đoàn. Nếu một cộng đoàn tu trì tràn ngập niềm vui thì chẳng phải là dấu chỉ của Nước Trời ngay tại thế sao!
Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Ngân, OP