daminhthanhtam.com

Tôi đã sống Khiết tịnh chưa?

03.01.2025 Văn

TÔI ĐÃ SỐNG KHIẾT TỊNH CHƯA?

 

Khiết tịnh là một trong ba lời chúng ta tuyên khấn khi quyết định bước theo Đức Kitô trong đời thánh hiến. Vì thế chắc chắn bất cứ ai sống đời tu cũng phải học, biết và tuân giữ những đòi hỏi pháp lý, là những điều tối thiểu nhất của lời khấn khiết tịnh. Đó là từ khước những khoái lạc nhục thể, đời sống hôn nhân và quyền làm cha mẹ tự nhiên.

Tuy nhiên, một khi chúng ta được mời gọi bước theo Đấng là Tình yêu (1Ga 4,8), thì chúng ta không bao giờ lấy thế làm đủ. Trái lại, đời tu là một hành trình đáp trả tiếng gọi của Đấng là Tình yêu ấy. Như vậy, khiết tịnh, một trong những điều không thể thiếu của người dâng hiến, là công cụ của tình yêu, ngắn gọn hơn, khiết tịnh là sống yêu. Nhưng yêu ai và yêu như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Về điều này, cha Timothy Radcliff đã nói: lỗi phạm đức khiết tịnh là đã không yêu như Chúa yêu.

Tuy nhiên, để hiểu cho thấu đáo cách “yêu như Chúa yêu” cũng chẳng phải đơn giản. Mặc dù vậy, ngay giây phút hiện tại này, chúng ta vẫn có thể làm một điều gì đó hay có một tâm tình, thái độ nào đó để chứng tỏ tình yêu khiết tịnh chúng ta dâng cho Chúa và trao tặng cho tha nhân. Bởi vì khiết tịnh không phải là cái gì đó mênh mông xa vời nhưng rất thiết thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta, vì thế, người viết xin trích dịch một số câu hỏi mà tác giả John Fuellen Bach đã đưa ra trong cuốn “Proclaiming his Kingdom”, để chúng ta tự hỏi chính mình rằng “Tôi đã sống khiết tịnh chưa?”.

1. Tôi có thật sự quan tâm đến chị em trong cộng đoàn với một tình yêu cảm thông, nghĩa là chia sẻ gánh nặng cho chị em, hiện diện với chị em và hiện diện không phải như một người quen biết sơ sơ?

2. Tôi có phải là người biết sẵn sàng và vui sướng nhận ra những điều tốt lành mà người khác làm không? Tôi có thể nói với họ một lời cảm kích thật lòng không? Tôi có vượt qua được sự lãnh đạm khi biết rằng mình không được ai đánh giá cao không? Tôi có vượt qua được sự ghen tị khi tôi thấy người khác làm điều gì đó mà tôi không làm tốt được như họ không?

3. Tôi có quảng đại với người khác không hay là tôi để cho chị em tôi phải “trả” cho những gì tôi làm cho họ.

Lòng mến khách là một đức tính cao quý nhất trong Giáo hội sơ khai. Tôi có phải là một người hiếu khách, biết đón tiếp người ta vào nhà mà không quan tâm tới chi phí tốn kém không?

4. Tôi có phải là con người biết ơn không?

Nơi những con người biết ơn, luôn có một sự bén nhạy đối với những điều tốt lành tồn tại xung quanh họ. Tôi có thấy được sự thiện hảo của Thiên Chúa qua những sự vật, sự việc rất nhỏ trong cuộc sống của tôi và nơi những gì người khác làm cho tôi? Hay là tôi đã nhận lãnh tất cả như là điều đương nhiên?

Còn điều gì làm ta vui lòng hơn là một con người biết nhớ ơn và ghi ơn? Họ là những con người “có một trái tim”.

5. tất cả nhân loại đều khao khát được xác nhận, được đón nhận và được yêu. Tôi có phải là người biết nhận ra giá trị của người khác và giúp họ nhận ra chính họ không? Tôi có khả năng nhận ra sự cô đơn, sự chán nản hoặc thậm chí sự tuyệt vọng như người khác và tự động đến với họ để xoa dịu nỗi đau của họ với tình yêu cảm thông không? C.B Baars, tác giả của nhiều sách tâm lý và đời tu một lần nọ đã nhận xét: “Theo chúng tôi, nguyên nhân gây ra con số báo động của các linh mục và tu sĩ từ bỏ ơn gọi nên được khảo sát nhiều hơn trong vấn đề họ không xác định được chính họ hơn là trong khía cạnh họ bị dồn nén trong những nhu cầu tính dục”.

Qua bản câu hỏi này, ước mong mỗi chúng ta nhận ra chính mình hơn trong tương quan tình yêu khiết tịnh đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

 

Nt. Teresa Mỹ Châu, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...