daminhthanhtam.com

Việc Xả Rác Và Ý Thức Về Thiện Ích Chung

27.08.2024 Suy Tư Văn hoá

VIỆC XẢ RÁC VÀ Ý THỨC VỀ THIỆN ÍCH CHUNG

 

Vào những buổi chiều mưa lớn, dọc những con đường giao thông khu vực đông dân cư, hình ảnh ai đó, vội vã mang những túi rác sinh hoạt từ trong nhà ra đường, rồi thả trôi theo dòng nước chảy xiết… đã trở thành rất quen thuộc. Thậm chí, có những lần, vì lượng nước mưa không đủ mạnh để có thể cuốn trôi những túi rác, người ta đành cố sức để nhét những túi rác to đùng ấy xuống hầm cống nước thoát… Cứ thế, những túi rác lênh đênh, vật vờ trong đường cống nước thoát… cho đến khi bị “mắc kẹt” tại một khe hố hay góc đường nào đó. Rồi, cũng có những chiếc túi rác lật lờ, khiến nước mưa ứ tắc không lối thoát và nghiễm nhiên trở thành “vật cản” trên lề đường, dù cơn mưa đã dứt từ lâu.

Một người, rồi hai người… con số những người mang rác thả ra đường dường như có sức cuốn hút và mau chóng trở thành thói quen phổ biến, đến độ vô thức...

Hơn nữa, việc xả rác ra đường không chỉ xảy ra ở những vùng đô đông đúc, chật hẹp nhưng ngay cả những vùng sông nước, cũng nhan nhản hình ảnh người sống bên bờ kênh đổ rác và nước thải ra kênh, hành khách ngồi trên ghe buông rác xuống dòng nước…

Và rồi, việc xả rác cách vô thức ấy dường như đã trở thành não trạng, thậm chí, não trạng rất chung. Khi mà, ngay tại những nơi công cộng, những khu vui chơi giải trí, những bãi tắm biển… đã có không ít người vô tư để rác ngay dưới chân chiếc cột có hàng chữ: “bỏ rác đúng nơi quy định”! Khi mà, trên những chuyến xe đường dài, du khách được phát “túi văn hoá” để đựng rác, vẫn có những người quăng những chiếc túi văn hoá ấy, qua cửa sổ, mà không hề bận tâm là chúng sẽ đi về đâu, và dừng lại tại đâu…

Nhưng, giữa những hình ảnh có vẻ sẫm màu ấy, vẫn còn đâu đó, những bức tranh thật rực rỡ. Khi có những hành khách đã “bảo quản” “túi văn hoá” cho đến khi xe nghỉ ở trạm dừng, để bỏ rác đúng nơi quy định. Khi có những người, dù trình độ học vấn của họ chỉ ở mức “xoá mù chữ”, đã âm thầm giữ lại chiếc vỏ kẹo ở túi áo… chỉ vì chưa tìm được nơi qui định để bỏ rác.

Vào cuối tháng 5/ 2021 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi cá nhân tùy tiện thải rác sinh hoạt không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt từ 100 ngàn đồng tới 2 triệu đồng (x. https://hanoimoi.com.vn).

Ai cũng hiểu rằng, luật nộp tiền phạt là biện pháp cưỡng chế để người dân tuân theo luật pháp, mới chỉ dừng lại ở mức tối thiểu. Vấn đề là ý thức về hành vi của mỗi người trong đời sống xã hội và cộng đồng, ngay từ những chi tiết nhỏ nhất là việc không xả rác tùy tiện ở môi trường công cộng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, chúng ta chú trọng nhiều đến việc phân loại rác sinh hoạt: rác phân hủy; rác khó phân hủy; rác tái chế. Phân loại các vật dụng có hóa chất, nhựa tái chế, giấy báo, thủy tinh, kim loại v.v... Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta cũng được khuyến cáo giới hạn dùng những nguyên liệu gây tác hại cho môi trường, bỏ thói quen dùng các vật dụng sẽ bỏ đi sau một lần sử dụng, tiết kiệm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như tiết kiệm nước, gìn giữ nguồn nước sạch, chăm sóc cây xanh, dùng những vật dụng thân thiện với môi trường...

Ý thức về thiện ích chung

Với thực trạng báo động sự hủy hoại môi trường sinh thái, Đức Thánh Cha ra Thông điệp Laudato Si giáo huấn về trách nhiệm chăm sóc Ngôi nhà chung toàn cầu. “Nguyên tắc thiện ích chung” là giá trị đạo đức cốt lõi mà Vị Cha chung đề nghị các tổ chức quản lý xã hội, hoạt động kinh tế, tổ chức dân sự, các tập thể cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân cần phải lưu tâm.

Thật thế, môi trường sinh thái sẽ được bảo toàn khi mỗi người biết ý thức và hành động vì công ích chứ không chỉ vì lợi ích của bản thân, quyền lợi của gia đình. Sự tự do của cá nhân không cho phép chúng ta xâm phạm, phủ nhận hoặc loại trừ tự do của người khác. Nói cách khác, sự tự do ấy phải được thể hiện trong liên đới trách nhiệm và ý thức thiện ích chung.

Khi nguyên tắc thiện ích chung là giá trị đạo đức nền tảng hướng dẫn các hành vi cử xử trong đời sống gia đình, tập thể, các tổ chức kinh tế chức xã hội, thì việc phân phối phúc lợi sẽ được thực hiện trong ôn hòa dựa trên sự tôn trọng cá nhân, tình liên đới và bổ trợ lẫn nhau. Khi hành động vì thiện ích chung thì chúng ta sẽ không dành riêng phúc lợi cho bản thân, gia đình hay “lợi ích nhóm”. Cán cân công bằng sẽ chênh lệch, hành vi bạo lực, sự thù oán sẽ nảy sinh khi quyền lợi nghiêng về cá nhân hay một nhóm nhỏ. Sự chênh lệch hưởng lợi giữa các gia đình, chênh lệch giầu nghèo là hệ quả của sự phân phối không dựa trên thiện ích chung xây dựng xã hội, sống liên đới với tha nhân.

Xa hơn nữa, Đức Thánh Cha còn mời gọi mỗi người chúng ta khi sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng đời sống xã hội hiện tại thì cần giữ “Công bằng giữa các thế hệ”, nghĩ đến “những thế hệ đến sau” trong kế hoạch phát triển xã hội và gìn giữ môi trường sinh thái. Ý thức trách nhiệm liên đới với người sống bên cạnh và những thế hệ con cháu đến sau, sẽ là động lực để mọi thành viên trong gia đình biết rèn luyện lối sống tiết kiệm, giản dị, loại bỏ thói quen lãng phí, không tạo ra nhu cầu thụ hưởng (Thông điệp Laudato Si, chương 4, số 156-162).

Vai trò của gia đình, học đường, giáo xứ,… rất cần thiết trong việc giáo dục các thành viên, đặc biệt trẻ em, là những thế hệ xây dựng xã hội trong tương lai. Lối sống của ông bà, cha mẹ, những người lớn trong gia đình, những người làm giáo dục là bài thực hành quý giá mà chúng ta để lại cho thế hệ con cháu, khi chúng ta giảng giải không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính hành động, để các em cảm nhận, và hiểu thế nào là vì “thiện ích chung”. Làm sao để mỗi người Kitô hữu chúng ta ý thức cách cư xử trong căn tính Kitô giáo, dù mới ở mức công bằng?

Có lẽ, để thói quen tốt trở thành lối sống cá nhân thì từng hành động cần phải trải qua quá trình luyện tập, được dựa trên nền tảng của ý thức và lý trí quyết định chứ nếu chỉ ngưng lại ở mức độ nhận thức cách mơ hồ qua việc nghe, đọc, nói về… thì hoàn toàn chưa đủ.

Như thế, việc bỏ rác đúng nơi, đúng quy định không chỉ là hành vi tuân theo luật pháp hoặc là cách cư xử văn minh mà còn là ý thức trách nhiệm của nhân cách, và đạo đức Kitô giáo đối với thiện ích chung.

Ước mong lời huấn dụ của thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Roma trở thành động lực giúp mỗi người chúng ta biết cố gắng rèn luyện lối sống tích cực, thực hành những thói quen tốt, ngay trong những hành vi nhỏ nhất: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người,” và hơn nữa, với mọi tạo thành (Rom 12, 8).

Nt. M. Emmanuel Hồng Yến, OP

 

 

 

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...