daminhthanhtam.com

Đức Lêô XIV – Vị Giáo Hoàng Hiệp Hành Cho Thời Đại Mới

10.05.2025 Giáo Hội Hoàn Vũ

ĐỨC LÊÔ XIV – VỊ GIÁO HOÀNG HIỆP HÀNH CHO THỜI ĐẠI MỚI

 

 

Vào ngày 08/5/2025, khi làn khói trắng bay lên từ Nhà nguyện Sistina và Tông hiệu hiệu “Lêô XIV” được xướng lên, toàn thể Giáo hội bừng lên niềm hy vọng và xúc động. Trong những giây phút đầu tiên ra mắt cộng đoàn tín hữu, Dức Tân Giáo hoàng đã nói những lời đầu tiên đầy khiêm tốn và súc tích: “Tôi là người con của Thánh Augustinô. Tôi là Kitô hữu và là Giám mục. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước”. Đó không chỉ là một lời chào, mà là một tuyên bố thần học, mở ra một hướng đi mới cho Giáo hội trong thời đại chuyển mình – thời đại của lắng nghe, hiệp hành và phục vụ.

Đức Lêô XIV – Danh hiệu gợi nhớ truyền thống và tuyên ngôn canh tân

Tông hiệu “Lêô XIV” gợi nhớ cách sâu sắc đến Đức Giáo hoàng Lêô XIII – vị Giáo hoàng đã khai mở nền tảng Học thuyết Xã hội Công giáo với thông điệp Rerum Novarum (1891). Văn kiện này đã mạnh mẽ bênh vực phẩm giá người lao động, phê phán cả chủ nghĩa tư bản vô độ lẫn chủ nghĩa xã hội cực đoan, và đề nghị một con đường mang đậm tinh thần Tin Mừng: công lý, bác ái và đoàn kết xã hội (x. Rerum Novarum, số 1–15).

Tuy nhiên, tông hiệu ấy không chỉ mang tính hoài niệm, mà còn là một lời khẳng định: Giáo hội hôm nay phải tiếp tục dấn thân giữa một thế giới đang bị tổn thương, phân mảnh và mất phương hướng. Đức Lêô XIV đến với sứ vụ không như một người nắm quyền tối cao, nhưng như một người bạn đồng hành với Dân Chúa. Lời mời gọi “Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước” vang vọng như một định hướng hiệp hành – cốt lõi linh đạo của Hội Thánh trong thế kỷ XXI (x. Thượng Hội đồng Giám mục: Hướng dẫn mục vụ cho một Giáo hội hiệp hành, 2021–2024).

Đức Lêô XIV – Vị Mục tử cúi mình trước vết thương thời đại

Tinh thần hiệp hành nơi Đức Lêô XIV không chỉ là một mô hình quản trị, nhưng là một hình thái sống đức tin: cùng lắng nghe, cùng phân định, cùng hành động dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần. Tư tưởng ấy nối dài ý tưởng của Công đồng Vaticanô II: “Giáo hội, trong khi trung thành với kho tàng đức tin, vẫn không ngừng tiến tới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (x. Dei Verbum, số 8).

Không ai có thể phủ nhận rằng Đức Lêô XIV nhận lãnh sứ vụ trong một thời điểm đầy thách đố. Từ các vết thương của nạn lạm dụng trong lòng Giáo hội, đến khủng hoảng khí hậu, sự phân cực thần học và sự suy giảm niềm tin nơi giới trẻ – tất cả đòi hỏi một cái nhìn mục vụ sâu xa và một trái tim biết xót thương. Hình ảnh của ngài gợi nhắc đến dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,25–37) – không dừng lại ở lý thuyết, nhưng cúi mình chữa lành những vết thương của nhân loại.

Là người con của Thánh Augustinô, Đức Lêô XIV mang trong mình cảm thức sâu sắc về ân sủng và tội lỗi, về khát vọng hướng về Thiên Chúa nơi cõi lòng con người. Là Kitô hữu, ngài bước đi dưới chân Thập Giá – không đứng trên Dân Chúa, nhưng ở giữa họ như người bạn đồng hành. Là Giám mục, ngài trở thành dấu chỉ hiệp nhất, như Công đồng đã khẳng định: “Giám mục là nguyên lý và nền tảng của sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương” (x. Lumen Gentium, số 23).

Đức Lêô XIV – Người dẫn dắt Giáo Hội lữ hành trong niềm tin Phục sinh

Trước những chia rẽ, nghèo đói, chiến tranh, di dân, và cơn khủng hoảng niềm tin toàn cầu, Đức Lêô XIV được mời gọi trở nên khí cụ chữa lành và canh tân. Không phải bằng quyền lực, nhưng bằng thánh thiện và Tin Mừng, để Giáo hội trở thành “ánh sáng cho trần gian” (x. Mt 5,14) và “muối cho đời” (x. Mt 5,13). Ngài dấn thân như một khí cụ bình an trong tay Thiên Chúa, bởi ngài tin chắc rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20).

Niềm hy vọng này không phải là ảo tưởng, nhưng là xác tín bắt nguồn từ biến cố Phục Sinh. Như Đức Phanxicô từng khẳng định: “Nếu Người đã sống lại, thì Người hiện diện khắp nơi, giữa chúng ta” (Urbi et Orbi, Phục sinh 2023). Chính sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh làm nền tảng cho mọi canh tân đích thực: không đổi mới vì chiều theo trào lưu, nhưng vì vâng theo Thần Khí của Đấng Phục Sinh.

---

Hôm nay, nơi Đức Lêô XIV, Giáo hội lại một lần nữa khám phá ra căn tính thâm sâu của mình: là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô (x. 1 Cr 12,27), là dấu chỉ của Nước Trời đang đến giữa trần gian, là Dân Thiên Chúa đang lữ hành giữa lịch sử. Dẫu trải qua bao thăng trầm, Giáo hội vẫn vững bước, bởi lời hứa của Chúa Giêsu: “Con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (x. Mt 16,18).

Với Đức Lêô XIV, một chương mới của lịch sử Giáo hội đang mở ra – chương của hiệp hành, đối thoại, trung tín và thánh thiện. Trong ngài, Giáo Hội không chỉ bảo tồn truyền thống, nhưng còn sống động giữa những câu hỏi mới, khát vọng mới và những vết thương mới của nhân loại. Đức Kitô, qua người kế vị Phêrô, vẫn là Chúa của lịch sử và là Đầu của Giáo hội - hôm qua, hôm nay và đến muôn đời (x. Hr 13,8).

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...