Colleen Arnold, MD*
Kinh Thánh có lời khuyên về mọi thứ dưới ánh mặt trời, ngay cả những lời chúng ta nói. Chúng ta có thể sử dụng thao tác của lời nói để tạo ra những tương tác ôn hòa hơn với người khác.
Trong thế giới ngày nay, thật tuyệt vời để nói lên suy nghĩ và tranh luận về lý lẽ của bạn, và đôi khi điều này là phù hợp. Tuy vậy, gần đây, tôi đã có một vài dịp để đưa ra những lời bình luận nhanh trí và thông minh của mình mà khi nhìn lại đó lại là những nhận xét thiếu tử tế và khoan dung.
Tôi biết là không chỉ mình tôi như vậy. Thoạt đầu, tất cả chúng ta đều đã nói những lời khiến chúng ta cảm thấy mình siêu đẳng và dí dỏm nhưng sau đó những lời này khiến chúng ta tự hỏi: Tại sao tôi lại nói như vậy? Và không chỉ những lời phê bình mang tính châm chọc ấy làm cho chúng ta phải lo nghĩ mà ngay cả những lời nói của chúng ta cũng có thể dẫn chúng ta vào đường mòn của sự tầm phào và tán dóc.
Hóa ra miệng lưỡi của chúng ta có thể là vũ khí, và trong thời điểm xung đột chính trị và COVID-19 này, điều quan trọng hơn là chúng ta phải học cách sử dụng những vũ khí đó một cách cẩn thận. Sau đây là một phương pháp 5 bước tuy đơn giản nhưng lại rất hữu ích.
1. Sự tạm ngưng hoàn hảo
Đôi khi miệng của chúng ta đi trước bộ não của chúng ta, và chúng ta phát ra những nhận xét khó nghe trước khi chúng ta đuổi kịp chính mình. Hoặc tệ hơn, chúng ta thậm chí không nhận ra những gì chúng ta đã nói cho đến hàng giờ sau, khi mà thiệt hại đã xảy ra rồi.
Bước đầu tiên trong việc huấn luyện miệng lưỡi của chúng ta là hoàn thiện khoảng dừng; mọi điều khác phát sinh từ đây. Nếu chúng ta dừng lại trước khi nói, Chúa Thánh Thần có thể giúp chúng ta chọn từ ngữ tốt đẹp. Im lặng không phải là một điều xấu và chúng ta không cần phải lấp đầy mọi khoảng trống trong cuộc trò chuyện bằng từ ngữ.
Việc tạm ngưng giúp chúng ta đưa ra những quyết định tốt đẹp hơn. Bằng cách suy nghĩ trước khi trả lời một cách tự động, tôi tránh nói “có” khi tôi không có ý như vậy. Tôi tránh nói “không” về điều gì đó mà tôi đã đồng ý với sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Một ích lợi khác của việc tạm ngưng là nó có thể giúp chúng ta trở thành người lắng nghe tốt hơn. Một thói quen phổ biến là ngắt lời người khác trong cuộc trò chuyện: “Tôi biết bạn đang nói về điều gì rồi! Đây là những gì đã xảy ra với tôi". Và ngay cả khi chúng ta không nói ra, chúng ta đang nghĩ về điều đó, sẵn sàng lao vào ngay khi người kia lấy hơi. Việc biết tạm ngưng trước khi nói cho phép một cách tiếp cận khác. Tôi có thể lắng nghe một cách cẩn thận và dành toàn bộ sự chú ý của mình khi người khác đang nói. Tôi có thể ngưng việc suy nghĩ trước câu trả lời của mình. Khi người đó nói xong, tôi có thể tạm dừng, cẩn thận lựa chọn từ ngữ trước khi nói.
2. Kiểm tra dự tính của bạn
Khi tôi đã tạm ngưng một chút và sau đó quyết định nói, bước thứ hai là xem xét “lý do tại sao” của từ ngữ và đánh giá ý định của tôi. Tôi đang tìm cách trả thù hay trả miếng chăng? Nếu vậy, tốt nhất tôi nên giữ miệng lưỡi của mình. Tôi đang khoác lác chăng? Tội kiêu ngạo thường là một tội rất tinh tế. Nếu tôi đưa ra lời khuyên, đó có phải là để làm cho bản thân thấy tốt đẹp hơn — hoặc có thể cố làm cho người khác trông tệ hơn chăng? Nếu vậy, tôi nên bỏ qua các lời nhận xét.
Và ngay cả khi câu trả lời của tôi là có mục đích tốt, liệu nó có được mong muốn không? Liệu lời nói của tôi có thực sự giúp ích cho tình huống ấy không? Lời khuyên không được yêu cầu thường có thể trở thành lời chỉ trích. “Lần sau khi nấu món này, bạn nên nấu kỹ hơn” nghe giống như là “Bạn nấu món này chưa chuẩn”. Tôi tự hỏi mình, tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó nói câu này với tôi?
3. Giám sát phương pháp của bạn
Bước thứ ba là xem xét cách chúng ta đưa ra nhận xét của mình, bao gồm từ ngữ, cử chỉ và thời điểm. Nhận xét của chúng ta phải luôn nhẹ nhàng, tôn trọng, và cần lưu tâm đến cảm xúc của người khác. Đôi khi động cơ của chúng ta là tốt, nhưng việc dùng từ ngữ của chúng ta lại thiếu tế nhị. Những lời nói cay nghiệt hiếm khi có hiệu quả và thường khiến người khác phải phòng thủ. Một lần nữa, tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó nói như vậy với tôi?
Chúng ta giao tiếp không chỉ bằng lời nói mà còn thông qua ngôn ngữ cơ thể và nét mặt. Tôi có đang nói điều gì đó có ý nghĩa nhưng lại thể hiện qua một nụ cười giả tạo không? Tôi có đang nói điều gì đó tốt đẹp nhưng lại để lộ những suy nghĩ thực sự của mình bằng vẻ mặt khinh khỉnh chăng? Người khác có thể dễ dàng đọc được cảm xúc thật của chúng ta, và khi lời nói và cảm xúc của chúng ta trái ngược nhau, chúng ta sẽ không được tin tưởng. Lời nói của chúng ta sẽ không ích lợi.
Cuối cùng, chúng ta nên xem xét thời điểm của mình. Ví dụ: tôi không cần phải chia sẻ chi tiết về sự thăng cấp tuyệt vời của mình ngay sau khi người hàng xóm của tôi mất việc. Tôi không cần phải nói với một người bạn về phần thưởng học bổng của con gái tôi sau khi con trai cô ấy nhận được thư từ chối nhận vào đại học. Thật vậy, những người tôi yêu thương sẽ muốn chúc mừng tin vui của tôi, nhưng cần cân nhắc hơn khi chọn thời điểm thích hợp để chia sẻ.
4. Xây dựng một cầu nối
Lời nói có sức mạnh gây tổn thương và xúc phạm, nhưng cũng có sức truyền cảm hứng và chữa lành. Những lời nhận xét tử tế của chúng ta có thể làm nên điều tốt lành vô hạn trong thế giới đầy thương tổn này. Mỗi ngày đều có những cơ hội để chúng ta nhìn nhận và cảm kích lẫn nhau.
Chúng ta có thể dùng lời nói của mình để thể hiện lòng biết ơn đối với sự tử tế thay vì coi đó là điều hiển nhiên. Hãy nói lời cảm ơn dù chỉ là với những hành vi nhỏ bé. Chúng ta có thể dùng lời nói của mình để khen ngợi sự tận tâm và khó nhọc của người khác thay vì lờ đi như không có việc gì. Hãy cố gắng đưa ra ít nhất một lời khen chân thành mỗi ngày. Chúng ta có thể dùng lời nói của mình để nhắc những người chúng ta yêu quý rằng họ có ý nghĩa với chúng ta biết bao.
Hãy dành thời gian để nói với vợ / chồng hoặc con bạn rằng bạn yêu họ. Không chỉ là một câu "Yêu em! Yêu anh! Yêu con!" khi chúng ta chạy ra khỏi cửa để đi làm hoặc đi học, nhưng với sự quan tâm chân thành trong một khoảnh khắc yên tĩnh. Sự ân cần phát sinh điều tử tế và sự cảm kích của chúng ta đối với người khác cũng xoa dịu con tim của chính chúng ta.
5. Học biết lúc nào nên rời đi
Đôi khi, sự lựa chọn tốt nhất chỉ đơn giản là bỏ đi. Bất chấp thói quen xã hội là chúng ta cần phải nói lời cuối cùng. Chúng ta có thể rời khỏi cuộc trò chuyện mà không vướng vào những câu nói châm chọc tinh vi và không cần phải thuyết phục mọi người về ý kiến của mình.
Chúng ta có thể học cách nhận ra các cuộc trò chuyện mà tốt hơn là chúng ta không nên tham gia. Một số người có tính tranh luận và thích bàn cãi; một số người có tính phàn nàn nên tìm ra khuyết điểm trong mọi việc, và một số người khác thì lại có tính hay mỉa mai hoặc thích nói tầm phào. Bằng cách giữ miệng lưỡi của mình, chúng ta tránh góp phần và cổ vũ những lời nói, chỉ trích và phàn nàn tiêu cực đó.
Tôi không cần phải công kích trước mỗi bình luận nhẫn tâm mà tôi nghe thấy; không phải mọi thứ đều nhằm để xúc phạm tôi. Người nói đôi khi thường thiếu ý thức. Và những người cố tình gây khó chịu hoặc xúc phạm tôi thường làm như vậy chỉ để bản thân họ cảm thấy tốt hơn. Tôi không cần phải biện minh về mình với họ — quan điểm duy nhất của tôi rằng đó là vấn đề của Chúa!
Những bài học kinh nghiệm
Đây là những bài học khó nhưng rất đáng để học hỏi. Matthêu đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ trong Tin Mừng: “Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án" (12, 36–37). Đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn hiện nay, việc áp dụng những lời khuyên phong phú của Kinh Thánh có thể cải thiện khả năng tương tác và xoa dịu tâm hồn khô cằn của chúng ta.
Khi lời nói của chúng ta tử tế và nhẹ nhàng, tinh thần của chúng ta cũng sẽ như vậy. Chúng ta sẽ ít hối tiếc hơn, khoan dung hơn và hòa bình hơn. Hôm nay, chúng ta hãy sử dụng tốt lời nói của mình, và tin tưởng vào sự hướng dẫn của lời Chúa.
==
* Bà Colleen Arnold, MD là một bác sĩ, một nhà văn và có bằng thạc sĩ về mục vụ, hiện sống tại Lexington, Virginia, Hoa kỳ.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: St. Anthony Messenger