Sáng ngày mồng 08.02, Đức Thánh Cha tiếp gần 100 tham dự viên Khoá họp Toàn thể của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích. Được tiến hành từ ngày mồng 06-09.02, bao gồm nhiều nhóm làm việc khác nhau dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng y Bộ trưởng Arthur Roche, khoá họp năm nay thảo luận về “việc đào tạo phụng vụ từ Hiến chế Sacrosanctum Concilium đến Tông thư Desiderio Desideravi” cho các thừa tác viên chức thánh và các khóa đào tạo phụng vụ cho dân Chúa.
Sau đây là nội dung Bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN KHOÁ HỌP TOÀN THỂ
CỦA BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
Hội trường Clementine
Thứ Năm, ngày mồng 08 tháng 02 năm 2024
Anh chị em thân mến!
Tôi gặp gỡ anh chị em nhân Đại hội toàn thể của anh chị em. Tôi xin chào Đức Hồng Y Tổng trưởng và tất cả anh chị em, các thành viên, cố vấn, và cộng tác viên của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Sáu mươi năm kể từ khi ban hành Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, những lời chúng ta đọc trong Lời mở đầu của Hiến chế, trong đó, các nghị phụ tuyên bố mục đích của Công đồng, vẫn tiếp tục truyền cảm hứng. Những lời này là những mục tiêu mô tả chính xác mong muốn canh tân Giáo hội theo các chiều kích cơ bản của Giáo hội: giúp cho đời sống Kitô hữu ngày càng tăng triển hơn; thích ứng cách tốt hơn những định chế có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thời đại; thúc đẩy những gì có thể góp phần vào sự hiệp nhất của mọi tín hữu trong Đức Kitô; phục hồi những gì phục vụ cho việc mời gọi mọi người bước vào lòng Giáo hội (x. SC, 1). Đây là một công cuộc canh tân mang tính tâm linh, mục vụ, đại kết và sứ vụ. Và để đạt được điều này, các Nghị phụ Công đồng biết rõ phải bắt đầu từ đâu, họ biết rằng “trách nhiệm cụ thể của Công đồng là lo canh tân và cổ võ Phụng Vụ” (sđd.). Điều này giống như nói: Không có cải tổ Phụng vụ thì không có canh tân Giáo hội.
Chúng ta chỉ có thể đưa ra lời tuyên bố như vậy khi hiểu Phụng vụ là gì theo nghĩa thần học, như những đoạn đầu tiên của Hiến chế đã tóm tắt một cách đáng ngưỡng mộ. Một Giáo hội không cảm thấy say mê phát triển tâm linh, không tìm cách nói một cách dễ hiểu với những người nam nữ trong thời đại của mình, không cảm thấy đau buồn vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, không bị lay động với lòng nhiệt thành muốn loan báo Đức Kitô cho muôn dân, là một Giáo hội bệnh tật, và đây là những triệu chứng.
Mọi trường hợp canh tân Giáo hội luôn là vấn đề chung thủy vợ chồng: Giáo hội Hiền thê sẽ ngày càng xinh đẹp khi càng yêu mến Đức Kitô Lang quân của mình hơn, đến mức thuộc trọn về Người, đến mức hoàn toàn đồng dạng với Người”. Và về vấn đề này, tôi muốn nói một điều về tác vụ của phụ nữ. Giáo hội là người nữ, Giáo hội là mẹ, và Giáo hội có hình tượng của mình nơi Đức Maria, và người nữ -Giáo hội, vốn có hình tượng là Đức Maria, còn hơn cả Phêrô; nghĩa là Đức Maria là điều gì rất khác. Mọi thứ không thể bị giản lược thành tác vụ. Bản thân người phụ nữ có một biểu tượng rất vĩ đại trong Giáo hội với tư cách là một người phụ nữ, nên đừng chỉ giảm thiểu biểu tượng này thành vai trò thừa tác viên mà thôi. Đây là lý do tại sao tôi đã nói rằng mọi trường hợp canh tân Giáo hội luôn là vấn đề về chung thủy vợ chồng, bởi vì Giáo hội là một người nữ. Các Nghị phụ Công Đồng biết rằng cần phải đặt phụng vụ vào trung tâm, bởi vì Phụng vụ là nơi tinh túy nhất để gặp gỡ Đức Kitô hằng sống. Chúa Thánh Thần, vốn là Món quà cao quý mà chính Đức Lang quân, với thập giá của mình, đã ban tặng cho Hiền thê, giúp cho việc tham gia tích cực trở nên khả thi khi không ngừng truyền cảm hứng và canh tân đời sống Phép Rửa.
Mục đích của cuộc cải cách phụng vụ – trong bối cảnh rộng nhất của việc canh tân Giáo hội – chính là để “thúc đẩy việc đào tạo tín hữu và tác vụ của các mục tử vốn có chóp đỉnh và nguồn mạch trong phụng vụ” (Huấn thị Inter oecumenici, ngày 26.09.1964, 5).
Để tất cả những điều này xảy ra, việc đào tạo phụng vụ là cần thiết, nghĩa là, đào tạo trong phụng vụ và từ phụng vụ mà anh chị em đang suy tư trong những ngày này. Đây không phải là một sự chuyên môn hoá dành cho một số ít chuyên gia, nhưng là một thiên hướng nội tâm của toàn thể dân Chúa. Điều này tất nhiên không loại trừ sự ưu tiên trong việc đào tạo những người, nhờ bí tích Truyền chức, được mời gọi trở thành những người khai tâm, nghĩa là nắm tay và đồng hành với tín hữu trong việc hiểu biết các mầu nhiệm thánh. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục nỗ lực để các mục tử biết cách dẫn dắt dân chúng đến đồng cỏ tốt lành của việc cử hành phụng vụ, nơi việc loan báo Đức Kitô chết và sống lại trở thành một trải nghiệm cụ thể về sự hiện diện mang tính biến đổi cuộc sống của Người.
Trong tinh thần cộng tác hiệp hành giữa các Bộ – được mong đợi trong Tông hiến Praedicate Evangelium (x. số 8) – Tôi hy vọng rằng vấn đề đào tạo phụng vụ cho các thừa tác viên chức thánh cũng có thể được thảo luận với Bộ Văn hóa và Giáo dục, với Bộ Giáo sĩ, và với Bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Đời sống Tông đồ, để mỗi Bộ có thể đề xuất sự đóng góp cụ thể của mình. Nếu “Phụng vụ là chóp đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (SC 10), thì cần phải đảm bảo rằng việc đào tạo các thừa tác viên chức thánh cũng ngày càng mang dấu ấn khôn ngoan phụng vụ, cả trong chương trình giảng dạy nghiên cứu thần học lẫn trong kinh nghiệm đời sống chủng viện.
Cuối cùng, khi chuẩn bị những lộ trình đào tạo mới cho các thừa tác viên, chúng ta phải đồng thời nghĩ đến những lộ trình đào tạo dành cho dân Chúa. Việc bắt đầu với các cộng đoàn quy tụ vào Ngày của Chúa và các ngày lễ trong năm phụng vụ tạo thành cơ hội cụ thể trước tiên cho việc đào tạo phụng vụ. Và cũng có thể có những dịp khác mà người ta tham gia nhiều hơn vào việc cử hành và chuẩn bị: Tôi nghĩ đến các lễ bổn mạng, hoặc các Bí tích khai tâm Kitô giáo. Được chuẩn bị với sự chăm sóc mục vụ, những dịp này trở thành những cơ hội thuận lợi để người ta tái khám phá và đào sâu ý nghĩa của việc cử hành mầu nhiệm cứu độ ngày nay.
“Hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua” (Lc 22,8): những lời này của Chúa Giêsu, gợi hứng cho anh chị em suy tư trong những ngày này, diễn tả ước muốn của Chúa muốn chúng ta quây quần quanh bàn Mình và Máu Người. Những lời này là một mệnh lệnh đến với chúng ta như một lời khẩn nài yêu thương: tham gia vào việc đào tạo phụng vụ có nghĩa là đáp lại lời mời này để “chúng ta có thể ăn Lễ Vượt Qua” và sống một đời sống Vượt Qua, cả cá nhân lẫn cộng đoàn.
Anh chị em thân mến, nhiệm vụ của anh chị em thật cao cả và tốt đẹp: làm việc để dân Chúa lớn lên trong nhận thức và niềm vui được gặp gỡ Chúa bằng việc cử hành các mầu nhiệm thánh và nhờ gặp gỡ Người, họ có được sự sống nhân danh Người. Tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều vì sự dấn thân của anh chị em và tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria gìn giữ anh chị em. Và xin anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP