Sáng thứ Sáu ngày 12.01, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 70 tham dự viên cuộc họp do Hiệp hội các Chuyên gia Trẻ Toniolo tổ chức.
Hiệp hội, được thành lập vào năm 2016, là một phần của Viện Nghiên cứu Cao cấp Giuseppe Toniolo và kết nối chương trình học bổng đại học với các Bộ của Giáo triều Roma và các nhà ngoại giao Vatican tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và liên chính phủ khác nhau. Mục đích của Viện nhằm mang đến cho những người trẻ cơ hội thực tập tại văn phòng của các cơ quan đại diện này.
Sau đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP
CỦA HIỆP HỘI CÁC CHUYÊN GIA TRẺ TONIOLO
Hội trường Clementine
Thứ Sáu, ngày 12 tháng 01 năm 2024
Anh chị em thân mến, xin chào mừng anh chị em!
Sự hợp tác của Viện Toniolo với các Bộ của Giáo triều và với các Đại diện Giáo hoàng tham gia với Liên Hiệp Quốc đã bước sang năm thứ 10 và rất quý giá. Xin cảm ơn vì sự phục vụ và nỗ lực của anh chị em, đồng thời xin cảm ơn tất cả những ai đã thúc đẩy và hỗ trợ Viện; Tôi được biết rằng gần đây Quỹ Arvedi cũng đã tham gia vào dự án có tầm quan trọng cơ bản này, giúp tăng thêm số lượng người được nhận học bổng. Xin cảm ơn.
Thật tuyệt vời khi mỗi người trong anh chị em có thể có kinh nghiệm tiếp xúc với thừa tác vụ Phêrô qua làm việc với các tổ chức quốc tế, và phát huy trải nghiệm về đức tin sống động, về đời sống Kitô hữu đang phải đối diện với những thách đố hiện nay của thế giới. Nhưng sự hiện diện của anh chị em cũng mang lại rất nhiều điều tốt đẹp cho các tổ chức của Giáo triều, trong đó anh chị em mang đến một luồng gió mới, khả năng ước mơ, và khao khát nhìn về phía trước.
Tuy nhiên, điều mà một số người ngày nay gọi là “tư duy ngắn hạn” dường như đang lan rộng: đó là một lối nghĩ được tạo thành từ một vài ký tự, sẽ bùng cháy nhanh chóng; đó là một lối nghĩ không hướng lên cao, không hướng về phía trước mà chỉ nghĩ đến điều ngay trước mắt, là kết quả của những nhu cầu nhất thời; đó là một lối nghĩ không nhìn lại lịch sử, không chứa đựng di sản lịch sử, nhưng là lối nghĩ chuyển động theo bản năng và được đo bằng khoảnh khắc; được tạo nên từ cảm xúc và gói gọn trong vài từ, dường như thay thế cho lối nghĩ vốn đã “yếu ớt” của chủ nghĩa hậu hiện đại. Và đây chính là bi kịch của chủ nghĩa hậu hiện đại: tư duy yếu kém. Đối diện với sự phức tạp của cuộc sống và thế giới, lối suy nghĩ “thiển cận” này dẫn đến sự khái quát hóa và phê phán, đơn giản hóa và bóp méo thực tế, nhằm mưu cầu lợi ích trước mắt của bản thân hơn là lợi ích của người khác và tương lai của mọi người. Tôi quan ngại khi nghe về việc những người trẻ bị rào chắn sau màn hình, đôi mắt của họ phản chiếu ánh sáng nhân tạo thay vì để khả năng sáng tạo của họ tỏa sáng. Thật vậy, bởi vì tuổi trẻ không phải là nghĩ đến việc nắm giữ thế giới trong tay, mà là làm bẩn đôi tay của mình vì thế giới; chính anh chị em đang có cả cuộc đời phía trước để cống hiến chứ không phải để cất giấu hay bảo tồn.
Khi nhìn anh chị em, tôi tin rằng niềm say mê và sự dấn thân của anh chị em là phương thuốc giải độc cho lối suy nghĩ thiển cận; bởi vì, chống lại sự cám dỗ thích ứng với những thứ phù du, anh chị em nuôi dưỡng một tầm nhìn cao, tìm kiếm những vì sao chứ không phải bụi bặm. Đây là tầm nhìn đích thực của người trẻ, nhưng cho phép tôi diễn đạt, là nhiều người trong số họ “bị vắt kiệt”: trở thành đối tượng của những màn trình diễn ngày càng đòi hỏi khắt khe, họ có nguy cơ thấy sức sống cạn kiệt, ước mơ khôn nguôi này đòi hỏi được giải thoát khỏi trái tim họ. Ước mơ không ngừng… Tôi hỏi anh chị em, nhưng đừng trả lời thành tiếng: anh chị em có ước mơ không? Anh chị em có cảm giác bồn chồn trong suy nghĩ, trong tâm hồn không? Anh chị em đang thao thức hay đã trở thành “những người hưu non”? Đừng quên: hãy không ngừng ước mơ. Thật buồn khi thấy những người trẻ thụ động và thờ ơ, nằm dài trên ghế sofa thay vì tham gia vào trường học và trên đường phố, cắm cúi vào màn hình thay vì một cuốn sách hoặc một người anh em đang cần giúp đỡ. Thật đáng buồn khi thấy những chuyên gia trẻ có bề ngoài chuyên nghiệp nhưng bên trong thiếu sức sống, những người bị vắt kiệt vì nghĩa vụ, và tìm nơi trú ẩn để theo đuổi thú vui. Tất cả chúng ta đều cần sự sáng tạo và nhiệt thành mà chỉ các bạn, những người trẻ, mới có thể mang lại cho chúng tôi: tính sáng tạo và lòng nhiệt thành, sự khao khát chân lý, lời kêu gọi hòa bình, trực giác về tương lai, và những nụ cười tràn đầy hy vọng của các bạn - chúng tôi cần những điều này! –. Tôi muốn nói với các bạn: hãy mang những điều này đến nơi bạn làm việc, dũng cảm đặt mình vào thế rủi ro. Bởi vì người trẻ là đòn bẩy đổi mới hệ thống chứ không phải là bánh răng giúp cho hệ thống vận hành.
Do đó, đừng giữ lại những điều tốt đẹp của mình, đừng ngại mạo hiểm, đừng sợ rủi ro, nếu các bạn không mạo hiểm thì liệu ai sẽ mạo hiểm đây? Hãy chấp nhận rủi ro, bởi vì khi trao tặng chính mình, anh chị em sẽ khám phá ra mình là những món quà, những món quà độc đáo và quý giá. Trong bối cảnh phương Tây, nơi chúng ta sống được bao quanh bởi những món quà và quà tặng, bởi rất nhiều thứ, mà thường là những thứ vô dụng, bị đắm chìm trong những sản phẩm do con người tạo ra khiến chúng ta mất đi sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp xung quanh mình. Hãy thử suy nghĩ xem: có phải tôi đã mất khả năng kinh ngạc rồi chăng? Sự ngạc nhiên… khi một người trẻ mất đi khả năng ngạc nhiên, thì người đó đã là một người hưu trí rồi. Trái lại, sự sáng tạo mời gọi chúng ta trở thành những người tạo ra sự hài hòa và vẻ đẹp; thoát khỏi cơn nghiện ảo, thoát khỏi thế giới thôi miên của mạng xã hội làm tê liệt tâm hồn, để mang đến cho người khác những điều mới mẻ và đẹp đẽ. Một cuộc tìm kiếm làm bạn say mê, một lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim, một sự truy vấn khiến bạn rung động, một trang sử bạn tặng cho người khác, một giấc mơ để thực hiện, một cử chỉ yêu thương dành cho những người không thể đền đáp… Đây là sự sáng tạo, sự đồng hóa với phong cách mà Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, một phong cách nhưng không, giúp anh chị em thoát ra khỏi logic “Tôi làm để có” và “Tôi làm việc để kiếm tiền”. Sáng tạo để mở ra những cái nhìn mới mẻ trong một thế giới hài lòng với lợi nhuận. Đây là cách mà các bạn sẽ trở thành những nhà cách mạng.
Cuộc sống phải được cho đi chứ không phải được quản lý. Chứng tá của Chân phước Giuseppe Toniolo, có thể giúp các bạn trong việc này. Vị Chân phước đã rút tỉa được vẻ đẹp của cuộc sống từ đức tin và đã can đảm đương đầu với những vấn đề của thời đại mình để mang lại cho nền kinh tế một bộ mặt nhân văn. Thật tuyệt vời khi các bạn cũng để mình được thực tế thử thách bằng việc tái khám phá và suy tư lại về đức tin để rút ra những sự phong phú vô giá cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Tôi muốn kết tinh những ý tưởng này xoay quanh một chủ đề cấp thiết, đó là hòa bình. Nhìn vào hiện tại, khát vọng hướng tới sự tốt đẹp, hòa hợp, và chung sống hòa bình giữa các dân tộc, trong đó hoạt động ngoại giao luôn là phương tiện dường như xa vời. Tuy nhiên, quá nhiều hoạt động ngoại giao dường như đã quên mất bản chất của mình với tư cách là nguồn lực cần thiết để thu hẹp khoảng cách ngày càng sâu sắc trong quan hệ giữa các quốc gia. Chúng ta thấy hoạt động ngoại giao theo đuổi những kết quả mà không có lực lượng ngăn chặn, ước mơ - đối thoại-mạo hiểm vì hòa bình nhằm hạn chế việc sử dụng vũ khí. Đó là lý do tại sao chiến tranh là kết quả của những cuộc tranh giành quyền lực kéo dài, không có khởi đầu rõ ràng và không có kết thúc nhất định. Nhưng đâu là những dự án can đảm, những tầm nhìn táo bạo? Và chúng có thể đến từ ai nếu không phải từ những trái tim trẻ trung và kiên cường, vốn biết đón nhận sự thiện trong mình và nắm bắt được Tin Mừng như vốn có, để viết những trang mới về tình huynh đệ và niềm hy vọng?
Liệu có bao nhiêu khía cạnh khác, chẳng hạn như nền kinh tế, cuộc chiến chống nạn đói, sản xuất và buôn bán vũ khí, vấn đề khí hậu, truyền thông, thế giới việc làm và nhiều khía cạnh khác, đang cần được đổi mới và sáng tạo? Là một ông già vui mừng khi nhìn thấy khuôn mặt trẻ trung của các bạn, tôi giao phó cho các bạn những ước mơ này, và tôi sẽ còn vui mừng hơn nữa khi nhìn thấy Chúa Giêsu nơi anh chị em, Đấng luôn có trái tim trẻ trung, và là Đấng đã kêu gọi giới trẻ đi theo Người. Trong Chúa Giêsu, tôi xin lặp lại lời cảm ơn vì sự phục vụ của anh chị em và tôi chúc lành cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi mỗi ngày.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP