daminhthanhtam.com

Lễ Chúa Thăng Thiên: Một Niềm Vui Không Thể Bị Bỏ Lỡ

11.05.2024 Suy Tư

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN: MỘT NIỀM VUI KHÔNG THỂ Bị BỎ LỠ

 

Daniel B. Gallagher

 

Mỗi năm, chúng ta cử hành lễ Chúa Thăng thiên một cách đơn sơ, vì dường như sự long trọng được tập trung vào Lễ Phục sinh và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Một số người cho rằng việc chuyển ngày lễ Thăng thiên vốn là lễ buộc truyền thống từ thứ Năm (tức là 40 ngày sau Lễ Phục sinh) sang Chúa nhật kế tiếp theo lịch Phụng vụ Roma khiến tầm quan trọng của ngày lễ này bị mất đi. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng việc chuyển đổi này giúp chúng ta kết nối lễ Thăng thiên cách mật thiết hơn với lễ Phục Sinh. Dù thế nào đi nữa, có những lý do thần học sâu xa hơn giúp việc tái nhận thức mầu nhiệm Chúa Thăng thiên trở nên khả thi hơn.

Để hiểu được mầu nhiệm Chúa Thăng thiên, trước hết, chúng ta phải nhận ra nguồn gốc Kinh Thánh của hai cụm từ chính mô tả biến cố này. Chúng ta đọc trong sách Tông đồ Công vụ 1,8 rằng Chúa Giêsu “lên trời, nhưng chúng ta cũng đọc thấy Ngài “được rước lên”. Từ “lên trời”, xét theo cách sử dụng của từ này trong Cựu Ước, ám chỉ việc đăng quang của Chúa Giêsu, trong khi từ được rước lên nói đến “quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đưa Chúa Giêsu vào không gian gần gũi với Thiên Chúa” (Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24.05.2009). Đám mây đã che khuất Chúa Giêsu khỏi tầm nhìn của các môn đệ gợi lên mối tương quan của Thiên Chúa với dân Israel trong Cựu Ước qua việc ám chỉ đến đám mây mà qua đó Chúa đã dẫn dân Ngài băng qua sa mạc (x. Xh 13,21), đám mây mà qua đó Thiên Chúa hiện ra với ông Môsê trên núi Sinai (x. Xh 34,5), và đám mây mà qua đó Chúa cho thấy sự hiện diện của Ngài trong Lều Giao Ước (x. Xh 40,34 tt). Hình ảnh này cũng ám chỉ trực tiếp đến đám mây được các Tông đồ chứng kiến trên núi Biến Hình (Mt 17,5; Mc 9,7).

Chúng ta thường quên lời tuyên xưng của chúng ta trong Kinh tin kính rằng Chúa Giêsu Kitô “ngự bên hữu Thiên Chúa” liên kết chặt với sự Thăng thiên như thế nào. Theo Đức Bênêđictô XVI, cách diễn đạt ngự bên hữu Thiên Chúa, có ý cho truyền đạt rằng, qua sự Thăng thiên “con người bước vào sự thân mật với Thiên Chúa theo một cách thức mới mẻ và chưa từng có trước đây; từ nay trở đi con người tìm được chỗ trong Thiên Chúa mãi mãi” (Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24.05.2009). Nói cách khác, ngay cả khi còn ở trần gian, chúng ta vẫn cử hành sự hiện diện trên trời. Sự Thăng thiên là chìa khóa để hiểu một dạng hiện hữu chưa từng có ngay trong hiện tại, một sự hiện hữu tràn đầy sự hiện diện thần linh, chính vì Đức Kitô, trong nhân tính và thần tính của Người, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trên trời. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích “Trời”, không gì khác hơn là “con người ở trong Thiên Chúa” (sđd.), và chúng ta sống thực tại này ngay tại đây và bây giờ.

Nhận thức về sự Thăng thiên như thế sẽ có tác dụng thực tế ngay lập tức đối với đời sống tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta coi sự Thăng thiên chỉ là lời giải thích tại sao bây giờ chúng ta không thể nhìn thấy Đức Kitô trên trái đất này, hoặc chỉ là một lời khuyến khích chúng ta tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu cho đến khi Người quang lâm, thì chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để có được niềm vui sâu xa, niềm vui mà các môn đệ cảm nhận được sau khi chứng kiến Chúa Giêsu được rước lên trời (x. Lc 24,52). Thánh Leo Cả ghi nhận sự biến đổi đầy kinh ngạc của “mọi thứ trước đây khiến các môn đệ sợ hãi” thành “niềm vui” (Bài giảng 74). Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI lưu ý rằng niềm vui này “xuất phát từ thực tế là những gì đã xảy ra không phải là một cuộc chia ly” hay là một sự vắng mặt mãi mãi, nhưng đúng hơn, là một sự chắc chắn rằng “Đấng bị đóng đinh đã Phục sinh và Người đang sống, và nơi Người, những cánh cổng của Thiên Chúa, những cánh cổng của sự sống vĩnh cửu, đã được mở ra cho nhân loại mãi mãi. Tại cốt lõi, Thăng thiên không phải là mầu nhiệm về sự vắng mặt tạm thời của Chúa, nhưng là “hình thức hiện diện mới, dứt khoát, và không thể ngăn cản của Người nhờ sự tham gia vào quyền năng vương giả của Thiên Chúa” (Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24.05.2009).

Nếu chúng ta không chắc liệu niềm vui của mình có thực sự bắt nguồn từ sự Thăng thiên hay không, chúng ta phải trả lời một câu hỏi đơn giản: Liệu chúng ta có nhiệt thành chia sẻ niềm vui này với người khác chăng? Sự gần gũi giữa Lễ Thăng thiên và Lễ Hiện Xuống nhắc nhở chúng ta rằng, được khích lệ như các môn đệ, chúng ta sẵn sàng làm cho sự hiện diện của Chúa trở nên hữu hình qua chứng tá đời sống của chúng ta. Cảnh tượng “hai người đàn ông mặc áo trắng” (Cv 1,10) liên kết sự Thăng thiên với Biến hình (x. Mt 17,1-8) và Phục sinh (Lc 24,4), ngụ ý rằng cuộc đời của chúng ta được đắm chìm trong vinh quang trước phục sinh, phục sinh, và sau Phục sinh của Chúa. Dù yếu đuối, tội lỗi và bất toàn, chúng ta vẫn có thể biểu lộ vinh quang của Chúa qua đời sống của mình nhờ niềm vui của sự Thăng thiên. Sự Biến hình nhắc chúng ta rằng đau khổ đang cận kề. Sự Phục sinh khích lệ chúng ta rằng đau khổ không kéo dài mãi mãi. Sự Thăng thiên nhắc nhở chúng ta rằng đau khổ sắp đến chính là điều dẫn đến niềm vui kéo dài bất tận.

Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng Giáo hội hiện hữu chỉ để điền vào chỗ trống cho Chúa của mình đã “biến mất”. Trái lại, Giáo hội tìm thấy “lý do cho sự hiện hữu và sứ mạng của mình trong sự hiện diện vô hình của Chúa Giêsu, một sự hiện diện hoạt động nhờ quyền năng của Thánh Thần của Người” (Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24.05.2009). Trên hết, sự Thăng thiên nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội sống động không phải vì sự vắng mặt của Chúa, nhưng chính vì sự hiện diện của Người. Sự Thăng thiên nhắc nhở chúng ta rằng Chúa càng hiện diện thiết thân hơn bao giờ hết vì Người đã thực sự trở về với Chúa Cha, nơi Ngườihằng sống để chuyển cầucho “những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Vương quốc của Đấng Messia đã bắt đầu chính vì Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha, nơi “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Dan 7,14).

Niềm vui hậu Phục sinh của lễ Phục sinh càng tăng lên trong mùa đặc biệt này. Chúng ta có 50 ngày để mở lòng đón nhận lễ Chúa Thăng thiên, Đấng luôn hiện diện, và không ngừng tuôn đổ sự sống của Người cho chúng ta trong Thánh Thể để chúng ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Người. Nên dù được cử hành vào thứ Năm hay vào Chúa nhật thì niềm vui của ngày lễ Chúa Thăng thiên không thể bị bỏ lỡ.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (09. 05. 2024)

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...