daminhthanhtam.com

Hy tế Kitô giáo

17.04.2025 Mùa Chay & Phục sinh

HY TẾ KITÔ GIÁO

Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta không tôn thờ đau khổ, chúng ta tôn thờ Đấng đã biến đau khổ thành tình yêu.

Lm. Luis Herrera Campo

 

Mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội dừng lại trước mầu nhiệm Thập giá. Đối với nhiều người, đó có thể là một cảnh tượng bạo lực, gây sốc, thậm chí là phi lý: Thiên Chúa làm người, bị treo trên thập giá, giữa những lời chế nhạo và máu đổ. Làm sao một biểu tượng đau thương như vậy lại có thể đồng thời là điều đẹp đẽ nhất? Câu trả lời nằm ở tình yêu: Thập giá không phải là cái kết bi thảm của một câu chuyện, mà là hành động tự hiến và cứu chuộc cao cả nhất.

Tin Mừng theo Thánh Máccô kể lại những khoảnh khắc cuối cùng của Đức Giêsu: phiên tòa trước Philatô, dân chúng chọn tha Baraba, đội mão gai, hành trình lên đồi Gôn-gô-tha, và cuộc đóng đinh. Ở mỗi bước đi, sự thinh lặng và sự tự nguyện phó mình của Đức Kitô mạc khải một tình yêu không đáp trả bằng thù hận hay bạo lực, mà bằng sự vâng phục và lòng trắc ẩn. Qua Cuộc Khổ nạn, chúng ta nhận ra mình là ai - những tội nhân có khả năng khước từ Thiên Chúa—và Thiên Chúa là ai: Tình Yêu tự hiến đến cùng.

Hai nền thần học lớn đã từng cố gắng giải thích mầu nhiệm này: thần học về Thập giá và thần học về Nhập thể. Cả hai đều đồng thuận ở một điểm thiết yếu: Đức Kitô cứu độ chúng ta không chỉ bằng sự đau khổ của Người, mà còn bằng tình yêu, mà với tình yêu này, Người đã tự nguyện chịu đựng đau khổ. Trên Thập giá, đau khổ tự nó không có giá trị, nhưng đau khổ trở nên có giá trị vì được tình yêu đón nhận. Và đây cũng là lộ trình của người Kitô hữu: biến mọi hoàn cảnh thành một hy tế của tình yêu.

Linh đạo Kitô giáo từ lâu đã hiểu rằng hy tế là một hành động vượt xa nghi thức hay vẻ bề ngoài. Ngay từ thời Cựu Ước, các ngôn sứ đã lên án những hy tế trống rỗng và loan báo một hình thức thờ phượng mới – thờ phượng bằng sự vâng phục của con tim. Đức Kitô chính là sự hoàn tất của lời hứa ấy: toàn bộ cuộc đời của Người – từ nhịp đập đầu tiên trong cung lòng Đức Maria cho đến hơi thở cuối cùng trên Thập giá – là một hành vi yêu thương trọn vẹn dâng lên Chúa Cha và hiến trao cho nhân loại.
Từ đó, hy tế trong Kitô giáo mang một ý nghĩa hoàn toàn mới: không còn là việc hủy hoại sự vật hay tuân thủ những quy tắc bên ngoài, mà là biến từng khoảnh khắc thành một cơ hội để yêu thương. Đó chính là sự thờ phượng chân thực, là con đường nên thánh đích thực: sống các nhân đức ngày qua ngày, cho đến khi chúng trở thành thói quen tốt lành. Không phải nhờ nỗ lực cá nhân siêu phàm, nhưng nhờ ân sủng âm thầm mãnh liệt, đang biến đổi con tim từ bên trong.

Sự khổ chế—một thực hành thường bị lãng quên trong thế giới hiện đại —không phải là hình phạt, mà là phương thế để yêu mến trọn vẹn hơn. Như Thánh Josemaría từng nói: “Hãy làm điều phải làm, và hiện diện trọn vẹn trong điều mình làm”. Từ việc thức dậy đúng giờ, đến nụ cười dành cho người đang gặp khó khăn, hay việc chu toàn bổn phận cách cách vui vẻ… tất cả những hành vi nhỏ bé ấy, khi được thực hiện với tình yêu, đều là cách thế giúp chúng ta nên giống Đức Kitô. Là Kitô hữu, chúng ta không tìm kiếm đau khổ, nhưng nếu đau khổ đến, chúng ta không khước từ: chúng ta đón nhận đau khổ trong Đức Kitô, vì biết rằng đau khổ có thể trổ sinh hoa trái thiêng liêng.

Cuối cùng, Thứ Sáu Tuần thánh không phải là một sự tôn vinh đau khổ, nhưng là một lời mời gọi sống như Đức Giêsu: biến cuộc đời mình thành một lễ dâng, ngay cả khi điều đó khiến con tim chúng ta tan nát. Bởi lẽ điều cốt yếu không phải là cam chịu thập giá, mà là yêu mến thập giá trong niềm tín thác. Và những ai biết yêu mến thập giá sẽ khám phá ra—như các thánh đã từng—rằng yêu thương, ngay giữa khổ đau, chính là điều mang tính phàm nhân nhất… và cũng là điều mang tính thần linh nhất.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Lược dịch từ: exaudi.org (14/04/2025)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...