daminhthanhtam.com

Vai trò của lòng biết ơn trong đời sống tu trì

16.02.2025 Suy Tư

VAI TRÒ CỦA LÒNG BIẾT ƠN TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ

 

 

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

 

Cách đây vài tháng, tôi có cuộc trò chuyện với một ứng viên gần 50 tuổi muốn gia nhập chủng viện của chúng tôi. Khi tôi hỏi tại sao anh lại theo đuổi ơn gọi đời sống tu trì và chức linh mục ở độ tuổi muộn như vậy, anh trả lời: "Thưa cha, suốt bao năm qua con luôn bối rối về ơn gọi của mình. Con đã thử rất nhiều điều, nhưng lúc nào cũng cảm thấy hoang mang và bất an. Vì vậy, con nghĩ rằng mình cũng nên thử đời sống tu trì và chức linh mục xem thế nào". Tôi đã phải nhẹ nhàng từ chối đơn xin gia nhập của anh ấy vì anh ấy đã quá tuổi so với giới hạn tuyển sinh của chúng tôi.

Tuy nhiên, khi suy tư về câu chuyện của anh —một người đàn ông 50 tuổi mà vẫn chưa biết rõ ơn gọi của mình—tôi nhận ra một cách sâu xa hồng ân tuyệt vời của việc được kêu gọi để thuộc trọn vẹn về Chúa Giêsu trong đời sống tu trì. Thật là một ân huệ lớn lao khi cảm thức được sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để bước vào lối sống này. Và cũng thật là một ân sủng lớn lao hơn nữa khi bước theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và đón nhận ơn gọi ấy.

Nhưng liệu chúng ta có thực sự biết ơn biết ơn hồng ân này trong ơn gọi của mình chăng? Liệu chúng ta có chỉ thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói thôi không? Chẳng phải đôi khi chúng ta dễ dàng xem đó là điều hiển nhiên sao?

Tông huấn Vita Consecrata nhấn mạnh rằng lời mời gọi sống đời thánh hiến là một ân sủng mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần:

Chính Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn; chính Người tháp tùng cuộc tăng trưởng của nguyện ước này, giúp người ta thuận theo đến cùng, và nâng đỡ người ta trung thành thực hiện lời đáp trả; chính Người đào tạo và củng cố tinh thần của những người được kêu gọi, bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, và bằng cách thúc đẩy họ nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Khi để cho Thánh Thần hướng dẫn hầu tiến đi không ngừng trên hành trình thanh luyện, ngày qua ngày, họ trở thành những con người mang danh Đức Ki-tô, nối dài trong lịch sử sự hiện diện đặc biệt của Chúa Phục Sinh. (đoạn 19)

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khơi dậy trong chúng ta khát khao sống đời tu trì. Ngài hướng dẫn sự phát triển, làm cho trưởng thành, và duy trì khát khao này suốt hành trình ơn gọi của chúng ta. Ngài cũng là Đấng uốn nắn tâm hồn chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu hơn, và thúc đẩy chúng ta bước theo Chúa Giêsu, đồng thời không ngừng thanh luyện chúng ta trong đời tu.

Nếu chúng ta không thành tâm biết ơn sự hiện diện liên lỉ, sự soi dẫn, và hồng ân của Thánh Thần trong đời sống thánh hiến, chúng ta sẽ không thể chu toàn những đòi hỏi của ơn gọi. Chỉ những tâm hồn thực sự biết ơn, nhận ra ơn gọi của mình là một món quà nhưng không từ Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần, mới có thể là những tâm hồn tràn đầy hy vọng.

Câu chuyện Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lc 2,22-32) cho chúng ta thấy 3 tâm hồn tràn đầy lòng biết ơn, góp phần làm cho ánh sáng của Đức Kitô tỏ hiện và tỏa sáng trong đền thờ.

Lòng biết ơn đón nhận tất cả từ Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta có Đức Trinh Nữ Maria, Đấng có lòng biết ơn sâu xa vì Mẹ luôn tràn đầy hy vọng. Mẹ biết ơn vì Thiên Chúa đã yêu thương mạc khải ơn gọi của Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Mẹ biết ơn sự hiện diện và tác động không ngừng của Chúa Thánh Thần trong ơn gọi của Mẹ, như lời sứ thần Gabriel loan báo: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1:35). Lòng biết ơn của Mẹ không chỉ dừng lại ở lời nói, mà còn thể hiện qua sự tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, vui vẻ đón nhận tất cả những gì Ngài ban và cho phép xảy ra trong hành trình ơn gọi của Mẹ.

Khi dâng Chúa vào đền thờ, Mẹ khiêm khiêm nhường đón nhận cả những lời chúc lành của ông Simêôn lẫn lời tiên báo về những đau khổ mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu: “Người sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34). Đồng thời, Mẹ cũng can đảm chấp nhận chính đau khổ của mình khi bước theo ơn gọi: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

Mẹ chấp nhận tất cả điều này mà không có bất kỳ sự bi kịch hóa, phản đối, chất vấn hoặc thất vọng nào. Trong sự thinh lặng trọn vẹn – điều minh chứng sức mạnh nội tâm – Mẹ đón nhận vì Mẹ có một niềm hy vọng mạnh mẽ rằng Thiên Chúa, Đấng yêu thương đã gọi Mẹ vào ơn gọi này, sẽ không bao giờ bỏ rơi Mẹ.

Lòng biết ơn bền bỉ

Thứ đến, ông Simeon là người biểu lộ lòng biết ơn bền bỉ vì ông cũng là một người đầy hy vọng. Ông biết ơn vì ơn gọi được phục vụ Chúa: “Lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2,29). Một lần nữa, lòng biết ơn của ông không chỉ dừng lại ở lời nói.

Ông tiếp tục bước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần sau bao năm chờ đợi và mong mỏi ánh sáng của Đấng Kitô: “Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ” (Lc 2,27). Dù bao năm không được thấy Đấng Mêsia, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, ông không hề từ bỏ việc lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, bất kể hoàn cảnh nào.

Khi gặp Chúa trong Đền Thánh, ông không chỉ loan báo về Người cho người khác, mà còn sẵn sàng đối diện với cái chết trong bình an.

Lòng biết ơn cầu nguyện và hy sinh liên lỉ

Cuối cùng, bà Anna thể hiện lòng biết ơn bằng sự cầu nguyện và hy sinh liên lỉ, bởi bà cũng có một niềm hy vọng vững chắc. Bà cầu nguyện và hy sinh bản thân trong mọi hoàn cảnh đời mình, dù khi còn độc thân, lập gia đình, hay góa bụa: “Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37).

Bà đã nhận ra và loan báo về Đấng Kitô với lòng biết ơn sâu sắc: “Bà cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2, 38).

Anh chị em thân mến, những tu sĩ nam nữ trên toàn thế giới, đặc biệt là những người tuyên khấn hoặc lặp lại lời khấn trong Ngày đời sống Thánh hiến, chúng ta cần dừng lại và cẩn trọng xét mình về lòng biết ơn của mình nếu chúng ta muốn đón nhận ơn gọi với niềm hy vọng.

Lòng biết ơn của chúng ta sâu sắc đến đâu? Lòng biết ơn này có phải là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta không? Chúng ta có tin tưởng vững vàng rằng Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta hồng ân ơn gọi, chắc chắn sẽ không bỏ rơi chúng ta không? Chúng ta đã để cho những lỗi lầm, tội lỗi trong quá khứ, những trải nghiệm tiêu cực, thất bại, tổn thương, những khó khăn hiện tại, hoặc số lượng ơn gọi ngày càng giảm sút làm suy yếu lòng biết ơn và giết chết niềm hy vọng của chúng ta như thế nào?

Chúng ta có còn đủ lòng biết ơn để chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa cho phép xảy ra trong ơn gọi của mình không? Chúng ta có đón nhận những hoàn cảnh bất lợi mà chúng ta không thể thay đổi trong gia đình, cộng đoàn và Giáo Hội không? Chúng ta có sẵn sàng đón nhận những bề trên mà ta thấy khó hòa hợp, những mối tương quan căng thẳng chưa thể hóa giải, những mệnh lệnh đôi khi khó hiểu, những nhiệm vụ không đúng sở thích, hoặc những cộng đoàn không phù hợp với mình?

Chúng ta có đủ lòng biết ơn để kiên trì bước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong ơn gọi không? Hay chúng ta đang theo đuổi sở thích, cảm xúc, trí tưởng tượng cá nhân hoặc dư luận xã hội? Chúng ta có dễ dàng rơi vào thất vọng khi thực tế không như những gì ta mong đợi không?

Chúng ta có đủ lòng biết ơn để cầu nguyện và hy sinh bản thân để mang ánh sáng của Chúa Kitô đến cho người khác không? Chúng ta có kiên trì trong đời sống cầu nguyện, sẵn sàng cầu nguyện không ngừng, ngay cả khi không thấy hiệu quả của việc cầu nguyện không? Chúng ta có luôn kết hợp với Thiên Chúa qua cầu nguyện và hy sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống không? Chúng ta có còn lắng nghe tiếng gọi của Chúa Thánh Thần, Đấng đã mời gọi chúng ta, hay chúng ta đang cố gắng thích nghi một cách vô ích và chạy theo một thế giới luôn thay đổi?

Chúa Giêsu mãi mãi là ánh sáng của thế gian. Chúng ta không phải là ánh sáng của thế gian; chúng ta chỉ phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô. Ánh sáng này thực sự chính là sự sống của Người trong chúng ta, như Thánh Gioan khẳng định: “Nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể để ban cho chúng ta sự sống và ánh sáng qua Thánh Thần của Người, Đấng nhân từ soi dẫn, thúc đẩy, nâng đỡ, thanh luyện và kêu gọi chúng ta trở thành những tu sĩ nam nữ trên hành trình thi hành sứ mạng vì Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu.

Khi bước vào Năm thánh này với chủ đề Những người hành hương của hy vọng”, chúng ta hãy nhắc mình về một chân lý quan trọng: chúng ta không thể là những người hành hương của hy vọng nếu chúng ta không thực sự biết ơn sự sống của Chúa Kitô nơi mình và ơn gọi của chúng ta để mang sự sống ấy đến cho thế giới. Lòng biết ơn của chúng ta phải vượt lên trên lời nói, để biết đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa cho phép và trao tặng, biết kiên trì trung thành với Thánh Thần, cũng như biết luôn cầu nguyện và hy sinh vì Chúa Kitô.

Khi đón nhận hồng ân sự sống và ánh sáng qua Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn lại và gọi tên một điều đang cản trở lòng biết ơn của chúng ta, làm suy yếu niềm hy vọng của chúng ta. Hãy mang điều đó đến với Mẹ Maria và nài xin Mẹ chia sẻ với chúng ta lòng biết ơn sâu thẳm của Mẹ—lòng biết ơn vì được Thiên Chúa kêu gọi, vì được Chúa Thánh Thần mặc khải ơn gọi của mình. Chỉ khi chúng ta trở thành những tâm hồn tràn đầy lòng biết ơn và hy vọng, chúng ta mới có thể thực sự mang sự sống và ánh sáng của Chúa Kitô đến với thế giới.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (11/02/2025)

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...