“Để chống lại đói nghèo, hệ thống lương thực phải phục hồi, bao gồm và bền vững hơn”, là lời phát biểu của Đức ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Tổ chức Lương Nông - FAO, tại buổi hội thảo về lương thực với chủ đề “Hệ thống lương thực phục hồi, bao gồm và bền vững: Từ lời nói đến việc làm” do Bộ phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, cùng một số tổ chức liên quan, thực hiện vào ngày 13/10/2021.
Khi đề cập đến mục tiêu chấm dứt nạn đói, Đức ông Fernando Chica Arellano nhấn mạnh rằng, để giải quyết tình trạng nghèo đói thì cần phải phục hồi, sửa đổi hệ thống phân phối vì lợi ích của mọi người. Hệ thống Quản lý hành chánh công, Thị trường tư nhân và các Tổ chức xã hội dân sự (Tôn giáo, thiện nguyện) là các bên liên quan đến việc sửa đổi hệ thống hành chánh. Song song với cơ cấu hành chánh, nhóm phụ nữ lao động ở nông thôn, nhóm người trẻ đại diện các nhà lãnh đạo và người dân địa phương trong vai trò bảo vệ thiên nhiên cũng liên quan để hệ thống phân phối lương thực. Hơn nữa, việc sửa đổi hệ thống phân phối lương thực để giải quyết nghèo đói cần thực hiện trong định hướng bảo tồn môi trường, quan tâm đến người lao động và các thế hệ đến sau. [1]
Ý nghĩa của lao động
Cũng vào thời điểm này, ngày 14/10, Đức Thánh Cha đã gửi một thông điệp qua video đến Chương trình Hội thảo thường niên của Viện phát triển doanh nghiệp của nước Argentina. Ngài đề cao sứ mạng của doanh nhân “là người sáng tạo, tìm cách tạo ra của cải và đa dạng hóa sản xuất, đồng thời có thể tạo ra công ăn việc làm”. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng quan tâm đến “phẩm giá của công việc, giá trị của lao động, phát triển khả năng xây dựng tương lai” của mỗi người. Qua việc làm, con người khẳng định vị trí cá nhân trong việc nuôi sống, tương trợ và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Hơn nữa việc lao động của mỗi người góp phần vào sự vận hành trong đời sống xã hội. Trong lăng kính này, Đức Thánh Cha xác định: “trợ cấp chỉ có thể là viện trợ tạm thời” trong hoàn cảnh đương sự gặp khó khăn. Mỗi người có nhu cầu làm việc bằng khả năng cá nhân và “... xây dựng tương lai bằng nỗ lực và sự khéo léo” [2]. Do đó, gút thắt tình trạng nghèo đói cần được tháo gỡ là cung ứng việc làm cho người lao động.
Mỗi quốc gia xây dựng chính sách phúc lợi xã hội và mô hình tổ chức theo bối cảnh riêng. Dẫu vậy trên nguyên tắc phát triển xã hội và từ kinh nghiệm hình thành những mô hình An sinh xã hội nơi một số quốc gia phát triển cho biết, những yếu tố như cấu trúc dân số, việc làm, nguồn lực lao động, ngân sách quốc gia, chính sách xã hội là những điều kiện chính yếu tác động đến hệ thống an sinh xã hội và phân phối phúc lợi. Mặt khác, hệ thống phúc lợi xã hội được xây dựng trên sự công bằng, bình đẳng, nguyên tắc bổ trợ và tự do cá nhân. Đó là sự bình đẳng trong đóng góp, công bằng để hưởng lợi, và trợ cấp từ thiện nhằm giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn có được nhu yếu phẩm để sống xứng hợp với phẩm giá con người. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tổng dân số thế giới hiện nay khoảng 7,8 tỷ người. Năm 2017 trên thế giới có khoảng 696 triệu dân số sống dưới mức nghèo khổ với mức chi phí là 1.9 Usd/1 ngày. Năm 2018, tỷ lệ người dân sống ở ngưỡng nghèo khổ tại Việt Nam chiếm 6.7% trong tổng dân số khoảng 98,1 triệu người. [3]
Nhu cầu việc làm và trách nhiệm liên đới
Trước hết, mỗi người có nhu cầu làm việc và khẳng định bản thân qua nghề nghiệp. Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động còn được đặt trong giá trị đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Chúng ta làm việc và nhận tiền lương không chỉ trên nguyên tắc “công bằng giao hoán”, nhưng nguồn cảm hứng trong công việc là sự góp phần xây dựng đời sống xã hội. Sự đa dạng trong nghề nghiệp cho mỗi cá nhân ý thức sâu xa sự phụ thuộc và liên đới với người khác trong đời sống thường nhật. Vì thế, một nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân không thay thế công việc của người thợ điện; người bán quán ăn không thay thế vai trò của bác tài xế...
Thứ đến, ý nghĩa của lao động không chỉ dừng ở chất lượng sản phẩm, thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình; nhưng phẩm chất của lao động còn là niềm đam mê nghề nghiệp và ước nguyện cống hiến cho công ích. Mặt khác, chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm khi việc làm để lại những hệ quả ảnh hưởng sức khỏe, tác hại cho môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hằng ngày chúng ta phải đối diện với tình trạng “thực phẩm bẩn”, thực phẩm có hóa chất độc hại trong quá trình canh tác hay trong chế biến; nước thải từ khu vực sản xuất công nghiệp... Thực vậy, lợi nhận không thể là mục tiêu “ngự trị” ở trên phẩm chất của việc làm, lương tâm nghề nghiệp, giá trị đạo đức và sự công bằng với hệ thống sinh thái (Đức Giáo Hoàng Phanxico. 2015. Thông điệp Laudato Si, Chương I, số 27-29; Chương III, số 122; Chương V, số 182-185).
Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy, thị trường hàng hóa luôn thay đổi với những mẫu mã rất phong phú, sáng tạo... Kỹ thuật sản xuất không ngừng tiến triển, khả năng chuyên môn hóa trong các lãnh vực nghề nghiệp ngày càng trở nên thách đố cho người lao động. Kỹ thuật chuyên biệt cũng đẩy người lao động không có kỹ năng rơi vào tình trạng thất nghiệp, hoặc người lao động “bị để lại” phía sau công nghệ mới vì không thích ứng với kỹ thuật hiện đại (Thông điệp Laudato Si, Chương III, số 127-128).
Hơn nữa, vai trò của các nhà quản lý hành chính, quyết định chính sách, các doanh nghiệp có vị trí then chốt trong việc kiến tạo việc làm việc làm cho nguồn lực lao động. Khi cha mẹ có việc làm, họ tự chăm lo đời sống gia đình, trẻ em không bị rơi vào hoàn cảnh sống cùng cực. Hơn nữa, qua việc làm, mỗi cá nhân tham gia vào vòng xoay vận hành đời sống xã hội, có cơ hội cống hiến cho tha nhân qua phẩm chất việc làm... nhờ đó, gút thắt của sự nghèo đói sẽ dần dần được tháo gỡ.
Cuối cùng, sự đa dạng trong nghề nghiệp cho chúng ta cảm nhận khả năng nơi mỗi người là ân huệ Thiên Chúa ban, mỗi cá nhân chịu sự phụ thuộc và liên đới với người khác trong vòng xoay cuộc sống. Với công việc hằng ngày, mỗi Kitô hữu được mời gọi hãy trở nên “những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10) để mưu sinh, để chăm sóc gia đình, và để góp phần mình trong Công Trình Tạo Dựng của Thiên Chúa.
Nt. M. Emmanuel Hồng Yến, OP
Tham khảo
[1] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/toa-thanh-he-thong-luong-thuc-bao-gom-ben-vung-hoi-phuc.html
[2] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-idea-argentina-cong-viec-mang-lai-pham-gia-cho-con-nguoi.html
[3] https://worldpopulationreview.com/country-rankings/poverty-rate-by-country