BÀN ĂN GIA ĐÌNH: HƠN CẢ BỮA ĂN, ĐÓ LÀ SỰ HIỆP THÔNG

Tầm quan trọng của việc cùng nhau dùng bữa như một hành động hiệp thông và phát triển nhân bản cũng như tâm linh
Cùng nhau ăn uống ư? Bạn có biết là chúng ta sẽ nói về điều đó không?
Đúng vậy. Chúng ta sẽ nói về điều tưởng chừng như bình thường nhất trên đời… cho đến khi nó không còn bình thường nữa. Có bao nhiêu gia đình mà bạn biết vẫn ăn cùng nhau mỗi ngày? Và không phải là vừa ăn vừa cầm điện thoại, vừa xem TV ồn ào, hay ăn mỗi người một lúc khác nhau. Chúng ta đang nói đến việc ngồi quanh bàn, nhìn vào mắt nhau, trò chuyện, chia sẻ cuộc sống và lương thực.
Bởi vì, dù nghe có vẻ đơn giản, bàn ăn gia đình là một bài học về nhân tính, một Bí tích Thánh Thể nhỏ mỗi ngày, nơi ta học cách trao ban, đón nhận và biết ơn.
Bàn ăn: trường học của sự hiệp thông
Từ Sách Sáng Thế đến Tin Mừng, bữa ăn chung là dấu chỉ của giao ước và tình bạn. Chính Chúa Giêsu đã chọn bàn ăn làm khung cảnh cho những cuộc gặp gỡ thân tình nhất của Người: với Giakêu, với Matta và Maria, với các môn đệ ở Emmau… và dĩ nhiên, tại Bữa Tiệc Ly.
Trong gia đình, bàn ăn là nơi đầu tiên chúng ta học biết lắng nghe và chờ đợi, hỏi han: “Ngày hôm nay của con thế nào?” và thể hiện sự quan tâm đến người khác. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tông huấn Amoris Laetitia:
“Thời gian bên nhau quanh bàn ăn cần được xem là thời khắc quý giá cho sự đối thoại và gặp gỡ mang tính giáo dục”. (AL 50)
Thật dễ dàng để quên mất điều đó! Và cũng thật dễ để biến việc ăn uống thành một trạm dừng giữa các hoạt động, hoặc tệ hơn nữa, thành một hành động đơn lẻ trước màn hình.
Cùng nhau ăn uống nuôi dưỡng nhiều hơn chỉ là dạ dày
Khi cùng ngồi vào bàn, chúng ta không chỉ chia sẻ thức ăn. Chúng ta chia sẻ cuộc sống, niềm vui, những nỗi lo, ước mơ, những câu chuyện hài hước, và cả những khoảng lặng cũng nói lên rất nhiều điều.
Đây là lúc mà trẻ em học được những giá trị mà không cần ai phải giảng giải: tôn trọng (chờ đến khi mọi người đều có phần), biết ơn (tạ ơn vì bữa ăn), quảng đại (chuyền thức ăn cho người khác), kiên nhẫn (chờ đến lượt mình để nói).
Và trên hết, đó là không gian để đức tin được nảy sinh cách tự nhiên: một lời cầu nguyện đơn sơ trước bữa ăn liên kết cả gia đình quanh Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta mọi sự.
Cùng nhau ăn uống trong gia đình: một hành động đi ngược dòng văn hóa
Ngày nay, trong thời đại “ai lo phần nấy”, việc cùng ngồi ăn với nhau gần như là một hành động cách mạng. Đó là lời tuyên bố: “Không, chúng ta sẽ không sống vội vã. Không, chúng ta sẽ không để công việc, trương học, điện thoại hoặc áp lực cướp đi giây phút linh thiêng này của chúng ta”.
Như Đức Bênêđictô XVI từng nói, đời sống Kitô hữu không phải là một chuỗi các quy tắc, mà là tình bạn với Đức Kitô và, vì thế, là tình bạn với tha nhân. Còn nơi nào tốt hơn để nuôi dưỡng tình bạn ấy ngoài bàn ăn?
Một gợi ý thiết thực và thú vị:
Muốn làm cho bữa ăn gia đình thêm sinh động? Hãy thử những điều sau:
- Tắt điện thoại, máy tính bảng và TV. Thật sự, không có gì sai khi dành nửa tiếng mà không cần kết nối.
- Mỗi người chia sẻ một điều tốt đẹp và một điều khó khăn trong ngày.
- Trò chuyện thoải mái , không sợ hãi.
- Thỉnh thoảng, thay đổi cách xếp đặt bàn ăn
- Và trên hết: hãy cười thật nhiều! Sự hài hước là gia vị không thể thiếu nơi bàn ăn Kitô giáo.
Hơn cả một thói quen hằng ngày: là dấu chỉ của Nước Trời
Mỗi bữa ăn gia đình, với mỗi chiếc bánh được bẻ ra và chia sẻ, chúng ta đang âm thầm tiên báo Bữa Tiệc của Nước Trời, nơi mọi người đều được mời gọi, không ai bị loại trừ, và tình yêu là trọng tâm.
Ước gì bàn ăn gia đình chúng ta thật sự trở thành như thế: nơi những điều bình thường trở thành lễ hội, thức ăn trở thành hiệp thông, và đời sống hằng ngày trở thành lời cầu nguyện sống động.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: exaudi.org (12/07/2025)