daminhthanhtam.com

Cánh bướm trong đời tu

29.02.2024 Cổ võ ơn gọi

Ô kìa, một đàn bướm! 

Chúng bay qua trước mắt tôi, trong nhiều màu sắc thật lạ, mà có thể nói, tôi chưa từng thấy. 

Những con bướm... 

Cơ mà chúng đâu phải là con bướm ngay từ khi mới sinh ra. Để có con bướm đẹp trước mắt tôi, nó phải trải qua nhiều giai đoạn, ít nhất là chặng hành trình với 4 lần thay đổi trong đời. 4 giai đoạn, từ lúc đẻ trừng đến khi trưởng thành kéo dài trong khoảng một tháng, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường và nguồn thức ăn. 

Giai đoạn 1: Trứng: Bướm cái sẽ chọn những cây mà ấu trùng bướm(sâu bướm) có thể ăn được và đẻ trứng lên các lá non, hoặc cành cây. 

Giai đoạn 2: Ấu trùng: Trứng sẽ nở thành ấu trùng(sâu bướm) sau 3 đến 6 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường. Ở hầu hết các loài bướm, sau khi nở sâu bướm sẽ ăn vỏ trứng vì chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để sâu bướm phát triển, chúng sẽ ăn lá cây để phát triển. Trong quá trình phát triển, chúng phải trải qua nhiều lần lột xác, sâu bướm sẽ to hơn. 

Giai đoạn 3: Tạo kén (nhộng): Sau khoảng 2 tuần, sâu bướm sẽ dệt một chiếc kén và đính nó vào mặt dưới của lá hoặc thân cây, sau đó nó sẽ treo mình ở đó và lột xác lần cuối cùng để tạo thành nhộng. Giai đoạn nhộng là thời điểm sự chuyển đổi bên trong xảy ra mạnh mẽ nhất mặc dù nó không thể di chuyển và ăn trong suốt thời gian nay. Nó tập trung cho việc tái thiết cơ thể thông qua những quá trình sinh hóa chuyển đổi sâu bướm thành bướm. 

Giai đoạn 4: Trưởng thành: Khi sự biến đổi đã hoàn thành, con bướm sẽ nghỉ ngơi trong kén, giai đoạn này kéo dài khoảng 10 ngày. Đến thời điểm phù hợp con bướm trưởng thành sẽ tự chui ra khỏi chiếc kén. Trong vài giờ đầu tiên nó sẽ bơm máu vào các tĩnh mạch trong cánh để mở rộng chúng. Sau khi cánh của nó đã khô và mở rộng hoàn toàn, bướm trưởng thành bắt đầu cuộc hành trình của mình. 

Các bạn thấy bướm được sinh ra thật thú vị, đúng không. 

Nhưng điều tôi muốn chia sẻ ở đây chính là qua các giai đoạn của chú bướm đã gợi lên trong tôi một quá trình của đời tu. 

Giai đoạn Thỉnh Viện: Các em giống như những trứng bướm mới được đặt vào môi trường đời tu của Hội Dòng, còn nhiều bỡ ngỡ, ngạc nhiên. 

Giai đoạn Tập Viện: Trong giai đoạn ấu trùng của mình, công việc của những chú sâu bướm đó là ăn và chỉ ăn mà thôi. Chúng sẽ tích lũy những chất dinh dưỡng để sử dụng khi trưởng thành. Thì đời tu trong giai đoạn Tập Viện các em cũng chuyên chăm cầu nguyện để có một đời sống nội tâm, kết hợp mật thiết với Chúa. Đó là nền tảng và yếu tố cần thiết giúp cho người tu sĩ sau này. 

Giai đoạn Học Viện: Đâu phải cứ chui vào trong kén là một con sâu lập tức phát triển cơ quan để thành bướm. Chúng phải nhịn ăn trong suốt hành trình liền, tự tiêu biến các bộ phận trong cơ thể thì mới hình thành được các cơ quan trưởng thành của một chú bướm. Chưa kể ở giai đoạn sâu non trước đó, chúng phải tự lột xác nhiều lần mới có thể lớn lên được. Và các tu sĩ trong giai đoạn này cũng phải vất vả thức khuya dậy sớm, miệt mài trau dồi về Thần học, Tín lý, Luân Lý, Triết Lý, Mục Vụ Huấn Giáo.... Ở giai đoạn này học là một khổ chế của người tu sĩ. 

Giai đoạn Khấn trọn: Thời khắc quan trọng đã đến chú nhộng nay đã phát triển hoàn chỉnh, sẽ chui ra khỏi kén và vùng vẫy vào bầu trời xanh. Nhưng để được điều này chú phải khổ sở và đau đớn mới phá hủy được lớp vỏ bên ngoài. Người tu sĩ phải mất 6 năm vừa học hành và thực tập sứ vụ cộng đoàn mới được Khấn trọn. 

Tôi thiết tưởng để có được một đôi cánh cứng cáp, rộng lớn bay vào bầu trời, để thi hành sứ vụ người tu sĩ phải có một đời sống nội tâm kết hợp mật thiết với Chúa, có một sự nỗ lục học hành, nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và yêu mến đời sống cộng đoàn, yêu mến kỷ luật tu trì. 

Nhìn lại bản thân tôi, tôi đã được Hội Dòng tạo mọi điều kiện để tôi được lớn lên và phát triển, được có một đôi cánh chắc chắn nhưng tôi đã sống ra sao. Tôi đã sử dụng và dành thời gian cho việc cầu nguyện, học hành như thế nào? Tôi chia sẻ cuộc sống với những người chị em sống cùng với mình đã tốt chưa? Công việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng tôi có sống là chứng nhân không? Rất rất nhiều những câu hỏi đặt ra để cật vấn tâm hồn tôi... Và cuối cùng tôi có dám hướng về tương lai hay còn ngại ngần không dám tung cánh trên bầu trời. Hay tôi còn sợ bầu trời nhiều mây đen, sợ mưa gió bão bùng. Sợ hãi làm cho tôi không có khả năng sáng tạo, sợ hãi làm cho tôi khép kín bản thân mình và sợ hãi làm cho tôi không thấy được những điều ngạc nhiên trong đời tu. 

Ước gì đôi cánh thần kỳ mà Chúa và Hội dòng đã ban cho tôi, tôi biết sử dụng chúng một cách hiệu quả. Và tôi ước mong những người tu sĩ luôn thấy được đời sống cầu nguyện, học hành, cộng đoàn và sứ vụ luôn là điều cần thiết để chúng ta sống đời tu. Và đó cũng là đôi cánh hoàn hảo để người tu sĩ bay vào trần gian. 

Nt. Anna Tuyết Bình, OP 

(Trích NS. Catarina 47) 



 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...