Sáng hôm 30.11, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến 30 thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế (The International Theological Commission). Vì đang bị viêm phổi, nên Đức Thánh Cha đã không đọc trực tiếp nhưng trao Bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn cho Ủy ban. Thay vào đó, ngài có những lời chia sẻ tự phát ngắn trong buổi gặp gỡ. Sau đây là nội dung Bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
BÀI DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ
Thứ Năm, ngày 30 tháng 11 năm 2023
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi xin chào Đức Hồng Y Fernández và chào đón toàn thể anh chị em, đồng thời tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn về công việc quý giá của anh chị em.
Ngày nay chúng ta được mời gọi cống hiến hết mình với tất cả nghị lực của con tim và khối óc cho “sự hoán cải truyền giáo của Giáo hội” (Tông huấn Evangelii gaudium, 30). Điều này đáp lại lời mời gọi loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, được Công đồng Vatican II thực hiện, và vẫn hướng dẫn hành trình mang tính giáo hội của chúng ta: ở đó Chúa Thánh Thần đã cất tiếng nói của Ngài cho thời đại chúng ta. Công đồng nêu rõ mục đích khi tuyên bố rằng Công đồng “tha thiết mong muốn, bằng việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, (1) mang ánh sáng của Chúa Kitô đến cho mọi người” (Hiến chế Lumen Gentium, 1). Và, như Ủy ban của anh chị em đã nhận xét, “việc biến một Giáo hội hiệp hành thành hiện thực là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với động lực truyền giáo mới sẽ thu hút toàn thể Dân Chúa” (Tính Hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội, 9): một động lực truyền giáo có khả năng truyền đạt vẻ đẹp của đức tin.
Kế đến, chuyển sang nhiệm vụ cụ thể hơn của anh chị em, trong Thư gửi tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, tôi đã nhấn mạnh rằng ngày nay “Chúng ta cần một lối suy nghĩ biết trình bày cách thuyết phục về một vị Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, cứu độ, giải thoát, thăng tiến con người và mời gọi họ phục vụ tình huynh đệ” (ngày mồng 01.07.2023). Anh chị em được yêu cầu đảm trách đòi hỏi này một cách có chất lượng, thông qua việc đề xuất một nền thần học mang tính Phúc âm hoá, vốn thúc đẩy việc đối thoại với thế giới văn hóa. Và điều thiết yếu là, với tư cách là thần học gia, anh chị em phải thực hiện điều này một cách hòa hợp với Dân Chúa, “từ bên dưới”, nghĩa là, với cái nhìn ưu tiên dành cho người nghèo và người đơn sơ, đồng thời với sự “quỳ gối”, vì thần học được sinh ra từ sự quỳ gối, trong sự tôn thờ Thiên Chúa.
Tôi biết rằng anh chị em đang đào sâu 2 thách đố hiện nay: vấn đề nhân học và chủ đề sinh thái. Những công việc của anh chị em cũng liên quan đến việc anh chị em đề xuất một suy tư cập nhật và sâu sắc về sự liên quan lâu dài của đức tin Ba Ngôi và Kitô học được Công đồng Nicaea tuyên xưng, mà chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 1700 năm tiến hành Công đồng, trùng với Năm Thánh sẽ được cử hành vào năm 2025. Do đó, tôi muốn chia sẻ với anh chị em 3 lý do khiến việc tái khám phá Công đồng Nicaea trở nên đầy hứa hẹn.
Trước hết, là lý do tâm linh. Tại Công đồng Nicaea, đức tin được tuyên xưng nơi Chúa Giêsu, Con Một của Chúa Cha: Đấng đã làm người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng”. Đây không chỉ là ánh sáng của một kiến thức không thể hình dung, mà còn là ánh sáng chiếu soi cuộc đời bằng tình yêu của Chúa Cha. Đúng vậy, chính ánh sáng hướng dẫn chúng ta trên lộ trình và xua tan bóng tối, đồng thời ánh sáng này, vốn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, mang lại nguồn mạch sự sống và vĩnh cửu: làm sao chúng ta có thể làm chứng cho điều đó, nếu không phải bằng một cuộc sống rạng ngời, với một niềm vui lan tỏa? Lời mời gọi của Chúa Giêsu đừng “thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà” (x. Mt 5, 15) cũng có giá trị đối với tác vụ của anh chị em với tư cách thần học gia. Các nhà thần học có nhiệm vụ toả lan những tia sáng mới và đáng kinh ngạc về ánh sáng vĩnh cửu của Đức Kitô trong ngôi nhà Giáo hội cũng như trong bóng tối của thế giới.
Thứ đến, là lý do hiệp hành. Công đồng đại kết đầu tiên đã được tổ chức tại Nicaea, trong đó Giáo hội có thể bày tỏ bản chất, đức tin, sứ mạng của mình, như Công đồng cuối cùng khẳng định, là “dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Hiến chế Lumen Gentium, 1). Hiệp hành là con đường, một con đường chuyển thành những hành vi hiệp thông và những tiến trình tham gia sự năng động Ba Ngôi mà Thiên Chúa, qua Đức Kitô và trong hơi thở của Chúa Thánh Thần, đến với nhân loại. Các nhà thần học được trao phó trách nhiệm lớn lao trong việc giải thoát sự phong phú của “năng lượng nhân bản hóa” tuyệt vời này. Chính anh chị em, đến từ nhiều nơi trên thế giới, khi tham gia vào công việc của Ủy ban, mang theo những hồng ân và sự phong phú, những vấn đề và đau khổ của Giáo hội và dân tộc của anh chị em. Hãy là những chứng nhân, trong công việc mang tính hiệp đoàn và trong việc chia sẻ những nét đặc thù về giáo hội và văn hóa của anh chị em, về một Giáo hội bước đi theo sự hòa hợp của Thánh Thần, bắt nguồn từ Lời Chúa và Truyền thống sống động, đồng thời đồng hành với tình yêu và sự phân định các tiến trình mang tính văn hóa và xã hội của nhân loại trong quá trình chuyển đổi phức tạp mà chúng ta đang trải qua. Đừng hài lòng với những gì anh chị em đã đạt được: hãy giữ con tim và khối óc của mình rộng mở trước những đòi hỏi nhiều hơn của Thiên Chúa.
Và cuối cùng, là lý do đại kết. Làm sao chúng ta có thể không nhớ đến tầm quan trọng đặc biệt của dịp kỷ niệm này đối với cuộc hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn của các Kitô hữu? Thật vậy, lời Tuyên tín của Công đồng Nicaea không chỉ hiệp nhất các môn đệ của Chúa Giêsu, mà theo sự quan phòng của Thiên Chúa, vào năm 2025, ngày cử hành Lễ Phục sinh của tất cả các hệ phái Kitô sẽ trùng nhau. Thật là tuyệt vời biết bao nếu sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cụ thể của việc cử hành Lễ Phục Sinh chung giữa các Kitô hữu!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ấp ủ ước mơ này trong lòng và cầu xin sự sáng tạo của Thánh Thần, để ánh sáng Tin Mừng và sự hiệp thông chiếu sáng rực rỡ hơn nữa. Tôi xin lặp lại lời cảm ơn của tôi đối với sự phục vụ của anh chị em và chúc lành cho anh chị em, xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.
Những lời chia sẻ tự phát của Đức Thánh Cha:
Xin cảm ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm này. Và cảm ơn anh chị em vì công việc của anh chị em. Tôi đã có sẵn một bài diễn văn hay về những vấn đề thần học, nhưng vì lý do sức khỏe, tôi không trực tiếp đọc nó. Thay vào đó, tôi sẽ trao bài diễn văn đó cho anh chị em.
Xin cảm ơn vì những gì anh chị em thực hiện. Thần học, suy tư thần học, rất quan trọng. Nhưng có một điều về anh chị em mà tôi không thích, xin thứ lỗi vì sự chân thành của tôi. Một, hai, ba, bốn người nữ: Thật là tội nghiệp! Thật lẻ loi! À, xin lỗi, năm. Chúng ta phải tiến hơn nữa về việc này. Người nữ có khả năng suy tư thần học khác với nam giới chúng ta. Có lẽ là do tôi đã nghiên cứu nhiều về thần học của phụ nữ. Qua tác phẩm của một nữ thần học gia tốt lành người Đức, bà Hanna-Barbara Gerl, về nhà thần học Romano Guardini. Bà đã nghiên cứu rằng lịch sử và thần học của người nữ không sâu sắc lắm, nhưng nó rất đẹp và có tính sáng tạo. Và hiện nay, trong cuộc họp sắp tới của Hội đồng 9 Hồng y cố vấn, chúng tôi sẽ suy tư về chiều kích nữ tính của Giáo hội.
Giáo Hội là người nữ. Và nếu chúng ta không hiểu người nữ là ai, thần học của người nữ là gì, thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được Giáo hội là gì. Một trong những tội nặng mà chúng ta mắc phải là “nam giới hóa” Giáo hội. Và điều này không thể giải quyết bằng lộ trình mang tính thừa tác vụ; nhưng là một điều gì đó rất khác. Nó được giải quyết bằng cách thế mang tính thần bí, một cách thế đích thực. Tư tưởng của nhà thần học Hans Urs von Balthasar đã soi sáng cho tôi nhiều điều: nguyên lý Phêrô và nguyên lý Maria. Điều này có thể bị tranh luận, nhưng luôn có đó 2 nguyên lý. Nguyên lý Maria quan trọng hơn nguyên lý Phêrô, bởi vì có Giáo hội hiền thê, Giáo hội nữ tính, không bị nam tính hoá.
Và anh chị em sẽ hỏi tôi: cuộc thảo luận này sẽ dẫn đến đâu? Không chỉ để nói với anh chị em rằng Uỷ ban cần có thêm người nữ - đó là một chuyện - mà còn để giúp anh chị em suy tư. Giáo Hội là người nữ, Giáo Hội là hiền thê. Và đây là một nhiệm vụ mà tôi yêu cầu anh chị em. Xin hãy làm cho Giáo hội bớt nam tính hơn.
Và xin cảm ơn vì những gì anh chị em thực hiện. Tôi xin lỗi, tôi đã nói nhiều và nó khiến tôi bị đau. Vì hiện đang ngồi, nên chúng ta hãy cứ ngồi và cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình, và sau đó tôi sẽ ban phép lành.
Đọc kinh Lạy Cha
Phép lành
Xin hãy cầu nguyện cho tôi. Hãy cầu nguyện chứ đừng chống đối, vì công việc của tôi không hề dễ dàng. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP