daminhthanhtam.com

Diễn văn Đức Thánh Cha Dành cho tham dự viên Hội nghị quốc tế của Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice

01.07.2024 Đức Thánh Cha

Sáng ngày 22.06.2024, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế của Tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice. Tập trung vào chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo sáng tạo và Mô hình kỹ trị: Làm thế nào để thúc đẩy phúc lợi của nhân loại, chăm sóc thiên nhiên và một thế giới hòa bình”, Hội nghị diễn ra tại Học viện Giáo hoàng Augustinianum ở Roma từ ngày 20 - 22.06.2024. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ CỦA TỔ CHỨC CENTESIMUS ANNUS PRO PONTIFICE

Hội trường Clementine

Thứ Bảy, ngày 22 tháng 06 năm 2024

Thưa quý vị,

Thưa Đức Hồng y, quý Giám mục,

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi xin chào và cảm ơn Chủ tịch của Tổ chức -Tiến sĩ Anna Maria Tarantola-, và tôi hân hoan chào đón tất cả quý vị đang tham dự Hội nghị quốc tế thường niên của Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice, với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo sáng tạo và Mô hình kỹ trị: Làm thế nào để thúc đẩy phúc lợi của nhân loại, chăm sóc thiên nhiên và một thế giới hòa bình.

Đây là một chủ đề đáng được quan tâm đặc biệt, bởi vì Trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng đột phá đến nền kinh tế và đời sống xã hội, đồng thời có thể có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, đến mối tương quan giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, đến sự ổn định toàn cầu, và đến ngôi nhà chung của chúng ta.

Như quý vị biết, tôi đã đề cập đến sự phát triển công nghệ trong Thông điệp Laudato Si’ và Tông huấn Laudate Deum. Tôi cũng đã thảo luận về Trí tuệ nhân tạo trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm nay, và cách đây vài ngày, trong bài phát biểu của tôi tại G7.

Tôi rất vui vì Tổ chức Centesimus Annus dành nhiều quan tâm về vấn đề này, thu hút các học giả và chuyên gia từ nhiều quốc gia và ngành khác nhau tham gia phân tích những cơ hội cũng như rủi ro liên quan đến việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo, thông qua cách tiếp cận đa ngành (cross-disciplinary) và trên hết là từ quan điểm lấy con người làm trung tâm, ý thức nguy cơ của việc củng cố mô hình kỹ trị.

Trên thực tế, phân tích liên ngành là điều cần thiết để nắm bắt tất cả các khía cạnh hiện tại và tương lai của trí tuệ nhân tạo, những lợi thế tiềm năng của nó đối với năng suất và tăng trưởng, cũng như những rủi ro mà nó có thể gây ra, và phát triển các phương pháp tiếp cận có đạo đức đối với sự tăng trưởng, sử dụng và quản lý của nó.

Trong Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm nay, tôi đã đề cập đến “đạo đức thuật toán (algor-ethics) khi nói về sự cần thiết tuyệt đối của việc phát triển về mặt đạo đức của các thuật toán, trong đó các giá trị hướng dẫn sự tăng trưởng của các công nghệ mới.

Trong bài phát biểu tại G7, tôi đã nêu bật các khía cạnh quan trọng của Trí tuệ nhân tạo, nhấn mạnh rằng nó vẫn đang và phải tiếp tục là một công cụ trong tay con người. Giống như các công cụ đổi mới khác qua các thời đại, trí tuệ nhân tạo chứng tỏ khả năng của con người có thể vượt qua chính mình, động lực đạt được những thành tựu ngày càng lớn hơn, và do đó tiềm năng củamang lại những biến đổi to lớn, cả tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tiêu cực, trí tuệ nhân tạo có thể củng cố tốt mô hình kỹ trị và văn hóa vứt bỏ, làm tăng thêm sự chênh lệch giữa các quốc gia tiên tiến và các nước đang phát triển, đồng thời giao phó cho máy móc quyền đưa ra những quyết định thiết yếu liên quan đến cuộc sống của con người. Do đó, tôi khẳng định sự cần thiết tuyệt đối của việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức, đồng thời mời gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng những hành động cụ thể để quản lý tiến trình phát triển công nghệ đang diễn ra hướng tới tình huynh đệ và hòa bình phổ quát.

Trong bối cảnh này, Hội nghị của quý vị góp phần tăng cường khả năng nắm bắt các khía cạnh tích cực của trí tuệ nhân tạo để nhận biết, giảm thiểu và kiểm soát rủi ro của nó, hợp tác đối thoại với cộng đồng khoa học để cùng nhau xác định các giới hạn áp đặt cho sự đổi mới để tránh trí tuệ nhân tạo phát triển gây tổn hại cho nhân loại.

Stephen Hawking, nhà vũ trụ học, vật lý học và toán học nổi tiếng, đã nhận xét rằng: “Sự phát triển toàn diện của trí tuệ nhân tạo có thể đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Trí tuệ nhân tạo sẽ tự tiến hóa và tự tái tạo lại chính nó với tốc độ ngày càng tăng. Con người, vốn bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa sinh học chậm, không thể cạnh tranh và sẽ bị áp đảo” (Phỏng vấn BBC, ngày 02.12.2014). Liệu đây có phải là điều chúng ta muốn chăng?

Câu hỏi cơ bản mà quý vị đang đặt ra là: Trí tuệ nhân tạo dùng để làm gì? Liệu nó có nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân loại, cải thiện phúc lợi và sự phát triển toàn diện của con người, hay nó nhằm mục đích để làm phong phú và tăng cường quyền lực vốn đã tập trung trong tay một số ít gã khổng lồ công nghệ, bất chấp những nguy hiểm đối với nhân loại? Một lần nữa, đây là câu hỏi nền tảng.

Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có một số khía cạnh cần nghiên cứu sâu hơn. Tôi muốn đề cập đến một vài điểm trong số đó, như một động lực để quý vị tiếp tục khám phá.

• Cần đào sâu vấn đề tế nhị và mang tính chiến lược về trách nhiệm đối với các quyết định được đưa ra bằng việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo; điều này đòi hỏi sự đóng góp của các ngành khác nhau của triết học và luật học cũng như các ngành cụ thể hơn.

• Cần xác định các biện pháp khuyến khích phù hợp và quy định hiệu quả, một đàng nhằm khuyến khích sự đổi mới về mặt đạo đức có ích cho sự tiến bộ của nhân loại, và đàng khác để ngăn cấm hoặc hạn chế những tác động không mong muốn.

• Toàn bộ lãnh vực giáo dục, đào tạo và truyền thông cần bắt đầu một tiến trình phối hợp để nâng cao kiến ​​thức và nhận thức về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách chính xác, và dạy cho các thế hệ mới, ngay từ thời thơ ấu của họ, khả năng phê phán công cụ này.

• Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với thị trường việc làm cũng cần được đánh giá cẩn thận. Tôi khuyến khích các thành viên của Tổ chức Centesimus Annus và tất cả những ai tham gia vào các sáng kiến ​​của tổ chức này hãy đóng vai trò tích cực trong các lĩnh vực tương ứng của mình, để thúc đẩy các tiến trình tái đào tạo chuyên môn và áp dụng các biện pháp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái bố trí những người bị trí tuệ nhân tạo thay thế sang các vai trò khác.

• Những tác động tích cực và tiêu cực của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực bảo mật và quyền riêng tư cũng cần được xem xét cẩn thận.

• Chúng ta cần cân nhắc và nghiên cứu đầy đủ hơn về tác động của trí tuệ nhân tạo đến khả năng tương quan và nhận thức cũng như hành vi của con người. Chúng ta không được cho phép những năng lực này bị suy giảm hoặc bị điều kiện hóa bởi một công cụ công nghệ, tức là bởi những người sở hữu hoặc vận hành nó kiểm soát.

• Cuối cùng, nhưng danh sách này thực ra chưa đầy đủ, chúng ta cần xem xét mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ cần thiết để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhất là khi nhân loại đang phải đối diện với một tiến trình chuyển đổi năng lượng đầy thách đố.

Các bạn thân mến, tương lai của nền kinh tế, của nền văn minh và của chính nhân loại đang bị định hình bởi sự đổi mới công nghệ. Chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội để suy nghĩ và hành động theo một cách thức mới, bằng khối óc, con tim và đôi tay của mình, để hướng sự đổi mới nhắm tới một mô hình ưu tiên phẩm giá con người. Thật không may, điều này chưa được thảo luận. Sự đổi mới phải thúc đẩy sự phát triển, phúc lợi, và chung sống hòa bình, đồng thời bảo vệ những người thiệt thòi nhất. Điều này có nghĩa là tạo ra một môi trường pháp lý, kinh tế và tài chính có khả năng hạn chế sức mạnh độc quyền của một số ít và đảm bảo rằng sự đổi mới mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.

Vì lý do này, tôi hy vọng rằng Tổ chức Centesimus Annus sẽ tiếp tục nỗ lực đề cập đến vấn đề này. Tôi chúc mừng các bạn về việc khởi động dự án nghiên cứu chung thứ hai giữa Tổ chức Centesimus Annus và Liên minh chiến lược các trường đại học nghiên cứu Công giáo (SACRU), về chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và việc Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta: Tập trung vào Kinh doanh, Tài chính và Truyền thông”, do Giáo sư Tarantola điều phối. Xin vui lòng thông báo cho tôi về dự án này!

Tôi xin kết thúc bằng một thách thức: Liệu chúng ta có chắc chắn muốn tiếp tục gọi một cái gì đó là “trí tuệ” mà trên thực tế nó không phải là như vậy chăng? Đây được coi là một thách thức. Chúng ta hãy suy tư và tự vấn xem liệu việc sử dụng không thích hợp từ này có thực sự quan trọng, có đúng chất “người” hoặc có phải là chúng ta đã đầu hàng trước quyền lực kỹ trị hay không.

Tôi chúc lành cho tất cả các bạn và chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong công việc của mình. Hãy tiếp tục làm việc với lòng can đảm và chấp nhận rủi ro! Xin các bạn cũng hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: vatican.va (22. 06. 2024)

 

 

Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...