LÝ DO HIỆN HỮU TRONG ƠN GỌI DÂNG HIẾN
Cuộc đời mỗi người là một dòng sông, mỗi dòng sông chảy theo ngã rẽ của nó nhưng vẫn cùng một dòng nước. Tôi sống trong cuộc đời như bao người, nhưng tôi có riêng đường đời của tôi, như dòng sông lớn lên âm thầm rẽ nhánh. Và tôi, tôi đi theo tiếng gọi của Đấng yêu tôi, vì tôi sống là đi tìm hạnh phúc, đi tìm tiếng gọi của tình yêu. Tôi hiểu rằng, có yêu tôi, Ngài mới cất tiếng gọi. Tiếng gọi là cử chỉ biểu lộ lòng yêu mến, không thương mến chẳng ai cất tiếng gọi bao giờ! Làm sao tôi xác định được ánh sáng, nếu không có bóng đêm. Cũng vậy, làm sao tôi xác định được ơn gọi, nếu Ngài không gọi. Tôi đã lựa chọn hiện hữu trong ơn gọi dâng hiến, và tôi vẫn tự hỏi: lối đi của tôi hôm nay có là lời đáp trả tình yêu cách sung mãn hay không?
Người ta vẫn thường nói: đi lộn một quãng đường thì mất thời gian đi lại, nhưng chọn lầm lý tưởng sống là mất cả cuộc đời.
Tôi tin và xác tín: không phải tôi đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn tôi (x. Ga 15, 16).
Khi tôi chưa hiện hữu trên đời, Ngài đã yêu tôi, một tình yêu nhưng không, một hồng ân vẫn luôn dành cho tôi và dù tôi vô tình, Ngài vẫn mở rộng vòng tay đón lấy hữu thể hữu hạn của tôi. Đối với tôi, yêu thương là con đường duy nhất tạo nên bình an và làm cho cuộc đời trở nên đáng sống. Nhưng tự bản thân, tôi mang những yếu đuối, ích kỷ. Tôi cũng không thể chối từ được chính mình, vì sống là nhìn nhận sự hiện hữu, sự hiện hữu của tôi là tất cả những gì tôi “là” (être), và Đấng yêu tôi không vì tôi tốt, Ngài yêu vì muốn và để tôi nên tốt. Ngài đã đón nhận trọn vẹn con người của tôi, để tôi được lớn lên trong tình yêu. Nhưng tôi có dám đánh đổi cuộc đời mình để đáp trả một tình yêu nhưng không đó?
Khi tôi hiện hữu trong ơn gọi dâng hiến không phải là tôi đã trở nên thánh, đúng hơn, tôi trở nên một con người thực sự. “Biết Chúa là Đấng tạo thành, biết tôi là hư vô”. Mỗi ngày tôi phải thanh luyện để đạt đến mức hoàn hảo nhất trong dự phóng Thiên Chúa đã dành cho tôi. Tuy nhiên, tôi không có thể có một lựa chọn hoàn hảo, tuyệt đối, vì tôi là một hữu thể bất toàn. Mặc dù cuộc sống dâng hiến vẫn có những khó khăn, những thách đố, nhưng không vì thế mà lý tưởng của tôi hao mòn. Trái lại, chính cuộc sống đó làm tăng khả năng lựa chọn của tôi. Tôi vẫn có tự do để đáp trả hay không đáp trả tình yêu đó.
Không ai có thể biết rõ tương lai, nếu biết rõ chỉ còn là hiện tại. Khi tôi tin bất cứ điều gì, là tôi đã liều và sống đời dâng hiến cũng là một bước liều. Liều, vì chẳng ai nắm bắt được tương lai trong tay. Nhưng hiện tại tôi vẫn xác tín: Chúa yêu tôi và Ngài đã chọn tôi, Ngài đã đặt để tôi trong đời sống dâng hiến. Điều này đáp ứng phần nào khát vọng của tôi: được yêu để rồi tôi sẽ biết yêu. Nhưng yêu ở mức độ nào cho cân xứng được? Hẳn là, mức độ của tình yêu là “yêu không mức độ” (Thánh Têrêxa Hài Đồng).
Ai đó đã nói rằng: yêu thương là bài học không có ngày ra trường, nó dai dẳng cả đời. Quả thật, bài học yêu thương không hề có chứng chỉ xác nhận, vì có ai yêu thương một lần là xong? Mà tình yêu vô hình, không thể thấy. Nhưng tình yêu hiện hữu trong những gì hữu hình. Người ta không thể thích bông hồng, nếu không có nó. Thiên Chúa không thể yêu tôi nếu không có tôi, và tôi không thể yêu tha nhân, nếu không có họ.
Tôi hiểu, tôi “hiện hữu là do đón nhận” (Thánh Tôma Aquinô) từ một hữu thể khác. Tôi sống là sống cùng với anh chị em mình, vì “không ai là một hòn đảo”. Tôi không thể tự thân lập hữu, do đó, tôi không thể tự cung cấp những nhu cầu cần thiết cho đời sống của riêng tôi. Và tôi sống là sống trong thời gian, nếu không, tôi không hiện hữu. Bởi đó, tất cả mục đích thời gian Thiên Chúa ban tặng cho tôi gọi tôi đi tới và hãy sống. Nếu không đi, tôi sẽ lùi, và nếu không sống, tôi sẽ chết. Tôi muốn sống để được yêu và tôi muốn chết khi tôi đã yêu tha nhân.
Tôi vẫn khao khát cuộc đời dâng hiến của tôi trở thành lời ca ngợi tình yêu, và trong sứ vụ của người tu sĩ, tôi dám can đảm làm chứng cho Đấng Tình yêu bằng chính tình yêu. Tình yêu là nguồn sống và là cùng đích đời tôi. Để rồi tôi cũng có thể thốt lên như Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: “Ơn gọi của tôi chính là Tình yêu”.
Bông hồng nào mà chẳng có gai? Tình yêu nào mà chẳng phải trả giá bằng hy sinh, đau khổ? Có đau khổ nhưng không vô vọng, bởi Đấng Tình yêu đã phải trả giá bằng cái chết tủi nhục trên thánh giá, để nhân loại được phục hồi trong đời sống vĩnh cửu.
Trong rẽ nhánh của dòng sông đời tôi, tôi cũng phải chảy qua những thác ghềnh, khe đá, thậm chí còn cuốn theo rác rến bẩn thỉu. Nhưng khi được hoà chung vào dòng nước yêu thương, tôi vẫn được Thiên Chúa và đồng loại đón nhận tôi như tôi đang hiện hữu.
“Ngài đã yêu tôi, một tình yêu muôn thuở” (Gr 31, 3), và tình yêu đồng loại giúp tôi hiện hữu cách trọn vẹn hơn trong lựa chọn sống đời dâng hiến.
Nt. M.Têrêsa Bích Ngọc, OP