“XƯA” VÀ “NAY” TRONG THƯ CÔLÔSÊ
Trong thư gởi cho Giáo đoàn Côlôsê, thánh Phaolô có nói: “Xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. Nhưng nay nhờ Đức Giêsu, là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.” (Cl 1, 21-22). Đây là điều mà tác giả bày tỏ sự vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đời sống của các tín hữu có sự biến đổi. Vậy “xưa kia” họ là những người như thế nào?, “nay” họ có lối sống ra sao, điều gì làm cho cuộc sống của họ được biến đổi và ranh giới của hai thời điểm này được xác định như thế nào?
Theo Cl 1, 21, ta thấy các tín hữu “xưa kia” là những người xa lạ, thù địch của Thiên Chúa. Lý do xa lạ và thù địch với Thiên Chúa là vì họ bị nô lệ những cái thuộc hạ giới, trong con người của họ có những lối sống lạc xa Thiên Chúa như: gian dâm, ô uế, đam mê… (Cl 3, 5). Bên cạnh đó, tác giả không ngần ngại cho người đọc thấy chiều kích sâu xa của hành động tham lam vật chất cách vô độ đó chính là việc thờ ngẫu tượng mà người Côlôsê vướng phải (Cl 3, 6).
Mặt khác, họ xa lạ và thù nghịch với Thiên Chúa vì họ không vâng phục Thiên Chúa (Cl 3, 6), chỉ sống theo những giới luật và giáo huấn của người phàm (Cl 2, 22, họ chỉ tìm kiếm những gì thuộc hạ giới. Những kiểu sống này bị tác giả chỉ trích cách mạnh mẽ, cho dù họ đang sống nhưng ông gọi họ là những người đã chết (Cl 2,13).
Vậy trong thư Côlôsê, khi nói “xưa kia”, dường như tác giả muốn nhắm đến hai khía cạnh. Trước hết tác giả muốn nói đến xưa kia các tín hữu Côlôsê chưa theo đạo, vì thế họ không biết Thiên Chúa, nên có lối sống đạo lạc xa Thiên Chúa. Nhưng cũng có thể tác giả muốn nói đến khía cạnh các tín hữu Côlôsê đã trở lại đạo rồi nhưng vẫn sống như những người chưa theo đạo, do đó họ vẫn là những con người thuộc về “xưa kia”, sống những điều nghịch với Thiên Chúa, sống xa những gì thuộc thượng giới mà gắn bó với những gì thuộc hạ giới thấp hèn. Nếu so sánh hai lối sống ấy thì lối sống khi đã trở thành các tín hữu mà vẫn trở lại đường lối xưa thì đáng bị chê trách hơn. Bên cạnh đó, một sự trái ngược của “xưa kia” là “nay” cũng được tác giả nói đến.
“Nay họ được hoà giải, được thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa” (Cl 1, 22). Đời sống của họ được biến đổi là do Thiên Chúa hoà giải họ với Người, Người giải thoát họ khỏi quyền lực tối tăm (Cl 1, 13), lột bỏ con người tội lỗi của họ (Cl 2, 11). Một sự sống mới được khai mở và họ được mặc lấy con người mới (Cl 3, 9), được ơn thông hiểu, biết dùng sự khôn ngoan lựa chọn cách sống cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, biểu hiện một lối sống trưởng thành trong đời sống đạo và họ hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá (Cl 3, 10). Hình ảnh này đã được chính Đức Giêsu thể hiện, Ngài là hiện thân của Đấng Tạo Hoá nơi trần gian, Ngài đã gần gũi với con người, chính nhờ sự gần gũi này một cách nào đó đã làm cho đời sống của họ trở nên hoàn hảo bằng sự hiệp nhất trong Đức Kitô, không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, cắt bì hay không cắt bì, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và cho mọi người (Cl 3, 11)
Mặt khác, tác giả cho ta thấy chính trong Đức Kitô, tin vào Người họ nhận được phép cắt bì nơi tay Người (Cl 2, 11) nên họ không còn sống với những gì thuộc hạ giới (Cl 3, 5), từ bỏ những gì là giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ (Cl 3, 8). Nay họ bỏ những giới luật và những giáo huấn của người phàm để gắn kết với Đức Kitô là Đầu, nhờ đó họ nhận được sức mạnh và được lớn lên, được trở thành mạnh mẽ và có khả năng kiên trì chịu đựng tất cả (Cl 1, 11). Họ được trở nên những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương (Cl 3, 12) và luôn có niềm hy vọng (Cl 1, 27). Vì vậy, nay họ được sống cùng với Đức Kitô (Cl 2, 13) và hơn nữa còn được gọi là các thánh của Thiên Chúa (Cl 1, 2.26).
Vậy trong thư Côlôsê, khi nói đến “nay”, tác giả muốn nói đến tình trạng cuộc sống của các tín hữu trong cộng đoàn đã được biến đổi từ những kẻ ở xa thành những người ở gần, được chỗi dậy cùng với Đức Kitô để sống một đời sống mới như Đức Kitô Giêsu đã sống (Cl 3, 1).
Đời sống các tín hữu ở Côlôsê được thay đổi hoàn toàn, trước kia họ là những kẻ xa Thiên Chúa nay đối với họ là những người ở gần Thiên Chúa. Tác giả thư Côlôsê khẳng định bước ngoặc này khi nói về ân sủng Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu qua Đức Kitô được biểu lộ trong niềm tin của họ (Cl 1, 4), chính nhờ lòng tin này mà làm cho họ sinh hoa trái khi họ đón nhận Tin Mừng (Cl1, 6). Mà Tin Mừng chính là Đức Giêsu. Nơi Đức Giêsu đã có sức lôi kéo, giải thoát họ khỏi quyền lực tối tăm, thứ tha tội lỗi để họ được cứu chuộc (Cl 1, 13-14) và Người còn xoá sổ nợ bất lợi mà các giới luật cũ đã chống họ, Người đã đóng đinh những giới luật cũ vào thập giá, Người đã tẩy rửa mọi thứ vẩn đục của hạ giới, đưa họ lên một thực tại thuộc thượng giới để được cùng sống với Đức Kitô và được trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng bằng chính con người xác phàm của Người (Cl 2, 14; 1, 22), Người đã đổ máu và chết trên thập giá (Cl 1, 20). Vậy có thể nói chính Đức Giêsu là ranh giới mà từ đó các tín hữu Côlôsê trước kia là những người ở xa, là thù địch của Thiên Chúa nay họ trở thành những kẻ ở gần, gần đến độ Đức Kitô ở giữa họ (Cl 1, 27)
Tóm lại, qua hai câu 21 và 22 trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gởi cho Giáo đoàn Côlôsê, tác giả không chỉ trình bày cho chúng ta thấy những điều khác biệt giữa đời sống “xưa kia” và “nay”, nhưng còn nhằm nhắc lại những ân huệ thiêng liêng cao quý mà Cộng đoàn Côlôsê đã đón nhận, được thể hiện qua việc biến đổi lối sống nhờ chính Đức Giêsu. Cho dầu đã là những người ở gần Thiên Chúa nhưng tác giả thư cũng nhắc nhở các tín hữu hãy cảnh giác trước những lời dụ dỗ của thế gian và mời gọi mọi người kết hợp, bén rễ sâu, xây dựng đời sống mình trên tảng đá là Đức Kitô Giêsu và luôn giữ vững niềm tin vào Người (Cl 2, 6-7). Chắc hẳn đây cũng là đường lối sư phạm mà Thiên Chúa đã dẫn dắt các tín hữu Côlôsê trong việc giáo dục đời sống của họ nhờ việc họ nhận biết và tin vào Đức Giêsu. Thiết nghĩ phương cách giáo dục này vẫn hợp với thời đại hôm nay, đặc biệt trong việc giáo dục đời sống các Kitô hữu.
Nt. Têrêsa Thanh Huyền, OP