daminhthanhtam.com

Sứ điệp của Đức Lêô XIV nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Việc Chăm Sóc Thụ tạo năm 2025

04.07.2025 Đức Thánh Cha

Sứ điệp của Đức Lêô XIV

nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Việc Chăm Sóc Thụ tạo năm 2025

 

Hướng tới Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo lần thứ 10, sẽ diễn ra vào ngày 1/9/2025, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố vào ngày 2/7 Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV với chủ đề: Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

 

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO LẦN THỨ 10

[Ngày 1 tháng 9 năm 2025]


HẠT GIỐNG CỦA HÒA BÌNH VÀ HY VỌNG

 

Anh chị em thân mến!

Chủ đề của Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Việc Chăm Sóc Thụ tạo năm nay, được Đức Thánh Cha Phanxicô kính yêu của chúng ta chọn, là “Những hạt giống của Hòa bình và Hy vọng”. Nhân dịp kỷ niệm mười năm thiết lập ngày cầu nguyện này, trùng với thời điểm công bố Thông điệp Laudato Si', chúng ta hiện đang cử hành Năm Thánh như là “Những Người Hành Hương của Hy Vọng”. Vì thế, chủ đề năm nay trở nên hết sức phù hợp.

Khi công bố Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh hạt giống. Khi gần đến cuộc Khổ nạn, Người đã áp dụng hình ảnh ấy cho chính mình, ví mình như hạt lúa mì phải chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24). Hạt giống được chôn vùi trong lòng đất, và từ đó – một cách lạ lùng – sự sống vươn lên, ngay cả ở những nơi không ai ngờ tới, như một lời hứa về sự khởi đầu mới. Chúng ta có thể nghĩ, chẳng hạn, đến những bông hoa mọc lên bên vệ đường từ những hạt giống rơi xuống một cách tình cờ. Khi những bông hoa đó lớn lên, chúng làm bừng sáng mặt đường xám xịt và thậm chí còn có thể phá vỡ cả lớp mặt cứng rắn của nó.

Trong Đức Kitô, chúng ta cũng là những hạt giống, và thật vậy, là “những hạt giống của hòa bình và hy vọng”. Ngôn sứ Isaia nói với chúng ta rằng Thần Khí của Thiên Chúa có thể biến sa mạc khô cằn và cháy nắng thành vườn tược, một nơi nghỉ ngơi và thanh thản. Theo lời ngài: “Cho đến ngày, từ trên cao thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta. Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng. Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc, và đức công minh trong vườn cây ăn trái. Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình. Thành quả của đức công minh Dân Ta sẽ ở trong cảnh thái bình, trong nơi ở an toàn, trong chốn nghỉ thảnh thơi”. (Is 32,15-18).

Những lời của ngôn sứ sẽ đồng hành với “Mùa Thụ Tạo”, một sáng kiến đại kết sẽ được cử hành từ ngày 1/9 đến ngày 4/10/2025. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng, cùng với lời cầu nguyện, cần có quyết tâm và hành động cụ thể để “cái vuốt ve của Thiên Chúa” có thể trở nên hữu hình đối với thế giới của chúng ta (x. Laudato Si’, 84). Vị ngôn sứ đã đối lập công lý và luật pháp với cảnh hoang tàn của sa mạc. Sứ điệp của ngài thật sự mang tính thời sự sâu sắc, bởi lẽ chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng tại nhiều nơi trên thế giới rằng trái đất đang bị tàn phá. Khắp nơi, sự bất công, vi phạm luật pháp quốc tế và quyền của các dân tộc, tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng cùng với lòng tham vô độ đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Các hiện tượng thiên nhiên cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra bởi hoạt động của con người ngày càng gia tăng về mức độ và tần suất (x. Laudate Deum, 5), chưa kể đến những tác động trung và dài hạn của sự tàn phá con người và sinh thái do các cuộc xung đột vũ trang gây nên.

Cho đến nay, chúng ta dường như vẫn chưa thể nhận ra rằng sự hủy diệt thiên nhiên không ảnh hưởng đến mọi người theo cách giống nhau. Khi công lý và hòa bình bị chà đạp, thì những người bị tổn thương nhiều nhất chính là người nghèo, người bị gạt ra bên lề và những người bị loại trừ. Nỗi đau của các cộng đồng bản địa là biểu tượng rõ nét cho thực trạng này.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Thiên nhiên đôi khi còn bị biến thành món hàng để mặc cả, một loại tài sản bị đem ra trao đổi vì lợi ích kinh tế hoặc chính trị. Hậu quả là công trình sáng tạo của Thiên Chúa trở thành chiến trường giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiết yếu. Chúng ta có thể thấy điều đó nơi những khu vực nông nghiệp và rừng rậm bị rải mìn, nơi áp dụng chính sách “vườn không nhà trống” [1], nơi diễn ra các cuộc xung đột về nguồn nước, và trong tình trạng phân phối nguyên liệu thô bất công – vốn gây thiệt hại cho các quốc gia nghèo hơn và làm xói mòn chính nền tảng ổn định xã hội.

Những vết thương khác nhau này là hậu quả của tội lỗi. Đây chắc chắn không phải là điều Thiên Chúa đã định khi trao phó trái đất cho con người – nam và nữ – được tạo dựng theo hình ảnh của Người (x. St 1,24-29). Kinh Thánh không hề biện minh cho việc chúng ta áp đặt “sự thống trị chuyên chế trên công trình sáng tạo” (Laudato Si’, 200). Ngược lại, “các bản văn Kinh Thánh cần được đọc trong bối cảnh của chúng, với một cách giải thích thích hợp, nhận ra rằng những bản văn ấy mời gọi chúng ta ‘cày cấy và canh giữ’ khu vườn của thế giới [x. St 2,15]. ‘Cày cấy’ có nghĩa là canh tác, cày bừa hay làm việc, còn ‘canh giữ’ có nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, trông coi và gìn giữ. Điều đó hàm ý một mối tương quan trách nhiệm lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên” (sđd, 67).

Công lý môi trường – điều vốn được ngôn sứ loan báo cách mặc nhiên – không còn có thể bị xem như một khái niệm trừu tượng hay một mục tiêu xa vời. Đó là một nhu cầu cấp thiết, liên quan đến nhiều điều hơn là chỉ đơn thuần bảo vệ môi trường. Vì đó là vấn đề của công lý – công lý xã hội, kinh tế và con người. Đối với người tin hữu, đây còn là một bổn phận phát xuất từ đức tin, vì toàn thể vũ trụ phản chiếu dung nhan của Đức Giêsu Kitô, Đấng mà nơi Người mọi sự được tạo dựng và cứu chuộc. Trong một thế giới mà những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta lại là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và ô nhiễm, thì việc chăm sóc công trình sáng tạo trở thành một biểu hiện cụ thể của đức tin và nhân tính của chúng ta.

Giờ đây là lúc biến lời nói thành hành động. “Sống ơn gọi bảo vệ công trình của Thiên Chúa là điều thiết yếu trong đời sống nhân đức; đó không phải là một khía cạnh tùy chọn hay thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo của chúng ta” (Laudato Si’, 217). Bằng tình yêu và sự kiên trì trong hành động, chúng ta có thể gieo nhiều hạt giống của công lý, nhờ đó góp phần làm triển nở hòa bình và đổi mới hy vọng. Có thể phải mất nhiều năm thì cây ấy mới sinh hoa kết trái lần đầu tiên – những năm tháng đó đòi hỏi một hệ sinh thái toàn diện, bao gồm sự sự kiên định, trung tín, cộng tác và tình yêu, nhất là khi tình yêu ấy phản chiếu Tình Yêu tự hiến của chính Chúa.

Trong số những sáng kiến của Giáo hội như những hạt giống được gieo trên mảnh đất này, tôi muốn nhắc đến dự án “Borgo Laudato Si’” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại cho chúng ta tại Castel Gandolfo. Đó là một hạt giống hứa hẹn sinh hoa trái của công lý và hòa bình, đồng thời là một dự án giáo dục về sinh thái toàn diện, có thể trở thành mẫu mực cho cách con người sống, làm việc và xây dựng cộng đoàn dựa trên các nguyên tắc của Thông điệp Laudato Si’.

Tôi cầu xin Thiên Chúa toàn năng tuôn đổ dồi dào trên chúng ta “Thần Khí từ trên cao” của Người (Is 32,15), để những hạt giống này, cũng như những hạt giống khác như thế, có thể sinh hoa kết trái dồi dào của hòa bình và hy vọng.

Thông điệp Laudato Si’ đã hướng dẫn Giáo hội Công giáo và nhiều người thiện chí suốt mười năm qua. Ước gì thông điệp này tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta, và cho sinh thái toàn diện ngày càng được nhìn nhận là con đường đúng đắn để bước theo. Như thế, những hạt giống của hy vọng sẽ tiếp tục được sinh sôi, được “cày cấy và canh giữ” nhờ ân sủng của Đấng là niềm Hy vọng cao cả và không bao giờ cạn của chúng ta – Đức Kitô Phục Sinh. Nhân danh Người, tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em.

 

Từ Vatican, ngày 30 tháng 6 năm 2025

Lễ nhớ Các Thánh Tử Đạo tiên khởi của Giáo hội Rôma

Giáo hoàng Lêô XIV


 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: vatican.va (02/07/2025)

 

--

[1] x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Đất đai và Lương thực, Nhà xuất bản Vatican, 2015, tr. 51–53

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...