SỨ VỤ NƠI MIỀN CAO…
Ai từng lên đến miền cao
Một lần là nhớ, xuyến xao cõi lòng…
Bởi đất, bởi núi, bởi sông,
Bởi rừng, bởi khí sạch trong, yên bình.
Bởi người có nghĩa, có tình,
Đơn thành, chất phát, hiền, xinh nụ cười.
Cao Nguyên vẫn tiếng gọi mời,
Vòng tay rộng mở, người người đến thăm…
Đó là những cảm nhận của con khi lần đầu tiên đặt chân lên miền đất Cao Nguyên, và cũng là những trải nghiệm khởi đầu của một hành trình sứ vụ tại cộng đoàn Kim Hoà – giáo phận Ban Mê Thuột.
Rất thật lòng, sau 5 năm học thần học, khi được sai đến đây, con không khỏi lo lắng, bởi đây là lần đầu tiên con được nhận bài sai, lần đầu tiên đi đến miền đất mới – từ đồng bằng lên miền cao, với những con người mới, sứ vụ mới… tất cả đều lạ lẫm đối với con. Tuy nhiên, sự lo lắng ban đầu đó không làm con hoảng sợ, nhưng trái lại, sau khi bình tâm, con lại thấy hăm hở, háo hức và phấn khởi trước sứ vụ mới tại miền đất này.
Sau hơn ba tháng hiện diện và thi hành sứ vụ, giờ đây con đong đầy niềm vui và bình an. Bởi vì con đã phần nào cảm nghiệm được ý nghĩa của việc “hiện diện để được sai đi” và “được sai đi để hiện diện”. Có thể nói, sự hiện diện của người nữ tu Đa Minh Thánh Tâm trên dải đất truyền giáo mênh mông này tuy âm thầm, nhỏ bé, nhưng đã có những tín hiệu tốt lành và hứa hẹn nhiều điều lớn lao hơn. Trong đó, nổi bật lên những hoạt động chính của chị em trong sứ vụ: “Truyền giáo và Giáo dục”.
Truyền giáo: Dấu chân nơi “vùng ngoại biên”…
Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (EG 19,20) và các Sứ Điệp Truyền Giáo năm 2020, 2021, 2022 Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp đi lặp lại lời mời gọi “hãy đi ra các vùng ngoại biên” hoặc các “biên cương mới”…
Nhắc đến Cao Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến rừng, hồ, núi, thác… là nơi hoang vu, xa xôi, hẻo lánh, đời sống con người còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn… và như thế, đây cũng có thể hiểu là “vùng ngoại biên” đối với sứ vụ truyền giáo của chị em. Chính khi đảm nhận sứ vụ tại miền đất này, con phải học cách sống cùng, sống với và sống cho người khác, có khi phải tập từ bỏ cả những thói quen, sở thích, lối suy nghĩ, bước ra khỏi chính mình để có thể hoà nhập và đồng hành với họ.
Gần hai năm hiện diện trên mảnh đất này, chị em trong cộng đoàn không ngừng cộng tác tích cực trước những nhu cầu mục vụ của giáo xứ như: dạy giáo lý hôn nhân, giáo lý dự tòng, bồi dưỡng Giáo lý viên, đồng hành với ban Loan báo Tin mừng, phụ trách ca đoàn tổng hợp, đồng hành với lớp ơn gọi,… Ngang qua những việc làm này, chị em đã thực thi ơn gọi của người Nữ tu Đa Minh Thánh Tâm trước những nhu cầu mục vụ ngày càng đa dạng và mở rộng. Và qua những việc làm cụ thể ấy, chị em phần nào giới thiệu cho người khác thấy sứ mạng của Hội Dòng cách rõ nét hơn; đồng thời cũng tô vẽ thêm những dấu ấn sống động về hình ảnh người nữ tu Đa Minh tràn đầy niềm vui, nhiệt huyết và hăng say phục vụ.
Không chỉ dừng lại ở đó, sứ vụ của chị em còn được rộng mở khi dấn thân ra đi đến những “vùng ngoại biên” để thực hiện các chuyến viếng thăm, mục vụ bác ái nơi các giáo xứ, giáo điểm xa xôi, các buôn làng hẻo lánh của đồng bào H’Mông, Êđê, M’Nông,… vốn là những anh chị em khổ đau, nghèo khó không những về vật chất mà còn về tinh thần. Những phận người ốm đau bệnh tật, những hoàn cảnh neo đơn, những em nhỏ côi cút với đôi mắt đượm buồn nhưng tiềm tàng một khát vọng sống mãnh liệt.
Giáo dục: Âm thầm gieo mầm xanh…
Song song với việc thực thi sứ mạng truyền giáo, chị em cộng đoàn cũng dấn thân vào sứ mạng giáo dục trong việc dạy kèm văn hoá, dạy đàn cho các em Tiểu học và Trung học Cơ sở. Với sứ vụ này, chị em thực thi vai trò giảng thuyết trong việc đồng hành, hướng dẫn và dạy dỗ các em thiếu nhi không chỉ về mặt tri thức, nhưng còn giúp các em phát triển về mặt nhân cách khi giáo dục các em về nhân bản, hành vi ứng xử để thành “nhân”, thành người.
Ngoài ra, chị em còn có cơ hội tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của từng em, qua đó có thể chia sẻ phần nào những khó khăn trong cuộc sống mà gia đình các em đang phải đối diện. Điển hình, những em mồ côi cha hoặc mẹ, những em gia đình bị đổ vỡ phải sống với ông bà, những em có hoàn cảnh nghèo khó, cha mẹ đi làm xa,… Có những trường hợp, họ không thiếu thốn về vật chất nhưng lại cần có người lắng nghe, chia sẻ, an ủi, khích lệ, quan tâm. Vì thế, có thể nói, sự hiện diện của chị em như một nguồn động lực, nâng đỡ rất thiết thực.
“Ở đâu có tu sĩ, ở đấy có niềm vui”, ngày nay, Chúa Giêsu vẫn cần những trái tim quảng đại, sẵn sàng trao hiến và can đảm ra đi đến những vùng ngoại biên, là nơi mà Thiên Chúa muốn họ hiện diện như một chứng từ sống động về tình yêu và tác nhân của lòng thương xót Chúa. Nhìn lại hành trình mà chị em đã và đang đi, trong con càng ý thức rõ hơn về sự hiện diện của người nữ tu Đa Minh Thánh Tâm tại những nơi được sai đến, và đó cũng chính là chứng từ sống động nhất cho sự hiện diện của Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài.
Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 60 năm 2023 ĐTC Phanxicô đã ân cần nhắn nhủ:
“Các con thân mến! Ơn gọi là một hồng ân và một nhiệm vụ, một nguồn sống mới và niềm vui đích thực… Xin Thần Khí của Chúa phục sinh xua tan sự thờ ơ của chúng ta và ban cho chúng ta những món quà của sự cảm thông và đồng cảm, để sống mỗi ngày như những người được tái sinh với tư cách là con cái của Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 16) và đến lượt mình, trao ban tình yêu đó cho người khác. Mang sự sống đến mọi nơi, nhất là những nơi bị loại trừ và bóc lột, nghèo đói và chết chóc, để nới rộng những không gian yêu thương, để Thiên Chúa ngự trị trọn vẹn hơn trên thế giới này.”
Ước gì, những tâm tình và thao thức của ĐTC Phanxicô sẽ luôn thúc bách chị em chúng con sống ơn gọi của mình ngày một sung mãn hơn trong “Hồng ân trung tín” và “Niềm vui kiên trì”. Nguyện xin tình yêu và lòng thương xót của Chúa chạm đến trái tim của chúng ta – những người nữ tu Đa Minh Thánh Tâm – và làm cho tất cả chúng ta trở thành những “môn đệ thuyết giáo” đích thực của Ngài, theo gương Thánh phụ Đa Minh.
Cộng đoàn Kim Hoà