daminhthanhtam.com

Di sản

16.08.2024 Gặp Chúa trên đường

DI SẢN

 

Triết gia Seneca nói: “Chẳng gì đáng khinh hơn một kẻ già lão, nặng nề với dấu vết của thời gian, kẻ chẳng có một dấu chứng gì khác của việc sống lâu ngoại trừ tuổi tác.”

Có điều gì đó dường như tê tái lượn lờ nơi các nấm mộ của các chiến sỹ vô danh, nơi thửa ruộng gốm, nơi các thi thể không người nhận tại các nhà xác thành phố. Nhưng sự đau xót này không chỉ là những cái chết vô danh tính đã đè nặng cảm xúc. Điều đáng nói là vì một cuộc đời đã giã từ ta và ta lại chẳng có cách nào biết họ đã để lại cho ta di sản gì.

Nhưng đây có một sự khác biệt giữa để lại một di sản và rời lại một “di sản”.

Trong xã hội hiện đại, để lại một “di sản” thong thường hiểu là xác định việc phân chia tài sản – tiền bạc, trong phần lớn trường hợp là quyền thừa kế dựa theo những thuật ngữ trong văn bản pháp lý là tờ di chúc. Rất hiếm gặp trường hợp mà ai cũng được đề cập trong một bản chúc thư.

Dù thế, người đời vẫn thường hay kể nhau nghe về cách sống của người đã khuất đã còn đang làm giàu cho cuộc đời họ. Mẫu số chung của mọi cái chết – giàu hay nghèo, nam hay nữ, quyền lực hay bất lực- không phải là tờ di chúc hay bạc vàng. Mẫu số chung chính là những di sản phi vật chất, là sự giàu có đích thực mà ta được hưởng khi đời ta được đụng chạm bởi đời họ.

Những di sản này chẳng hiếm. Chúng là những gì nối kết ta với quá khứ và tương lai.

Những gì ta tưởng là quên lại là những di sản ta để lại dù rằng ta cố tình, muốn hay không. Di sản của ta là chất lượng đời ta. Những gì ta đã và đang là sẽ ghi ấn trong tim của thế hệ tới. Câu hỏi duy nhất được đặt ra là liệu ta sẽ vun trồng di sản cuộc đời mình cách cẩn thận như các ông chủ ngân hàng, những nhân viên thuế vụ và các luật sư thực hiện các di chúc khi phân chia cổ phiếu, trái phiếu, các chính sách bảo hiểm và tài khoản tiết kiệm với những chi phí pháp lý kèm theo là những thứ có thể mất đi?

Ta để lại gì? Đó là câu hỏi đánh dấu hương sắc cuộc đời.

Ta để lại thái độ sống cho cuộc đời. Ta được nhớ đến dù ta có hay không truyền cảm hứng cho người khác một tình yêu cho đời và một sự cởi mở cho tất cả những ai đã sống với ta. Ta sẽ được nhớ tới với những nụ cười và sự cau có, với những tiếng cười và lời càm ràm, với sự tử tế và sự ích kỷ.

Ta để lại cho đời cách ta nhìn nhận những bậc thang giá trị ta sử dụng trong mọi thứ ta làm. Người ta chẳng bao giờ hỏi ta cách trực tiếp rằng ta coi trọng điều gì, chẳng bao giờ nghi hoặc đó là lúc nào, là cái gì. Họ biết được nếu ta đã lo lắng cho hành tinh này vì họ thấy ta gieo trồng những luống hoa- hay để những đồ đạc từ gara vung vãi ra bên ngoài nơi có thể trở thành một khu vườn. Họ nhận ra ta đã nghĩ gì về những người khác màu da, tín ngưỡng bởi ngôn ngữ ta sử dụng và những mảnh đời ta liên hệ với. Họ hiểu chiều sâu đời sống tinh thần của ta theo cách ta đã đối xử với những người quanh ta và những gì ta nghĩ về cuộc đời và những gì ta theo đuổi trong đời.

Ta để lại những ký ức về cách ta xử thế với những người xa lạ, cách ta yêu những người gần ta nhất, cách ta chăm sóc những người yêu ta, cách ta ứng xử với họ trong lúc hoạn nạn, cách ta cho đi chính mình để giúp họ.

Ta để lại kiểu mẫu trong tương quan với Chúa trong triết lý sống của ta về sự chết và cuộc đời, về mục đích và ý nghĩa. Đời sống tinh thần của ta vừa là sự chất vấn vừa là sự nâng đỡ cho những tâm hồn đang gặp thử thách quanh ta. Khi họ tiến dần tới giờ khắc mang tính quyết định, như ta, họ vạch tìm những kiểu mẫu có ý nghĩa để bước tiếp đằng sau trí hiểu của con người, dù rằng bấp bênh.

Di sản của ta vượt xa giá trị tài chính. Di sản của ta chẳng đặt dấu hết vào ngày ta chết. Ta thêm vào di sản của mình mỗi phút giây trong đời. Đó là giờ khắc đăng quang của sự già lão. Làm giàu di sản là bổn phận chính yếu của những tháng năm còn lại. Trong những thời gian còn lại này, ta có tầm nhìn và sự khôn ngoan để xem xét di sản nào ta muốn để lại.

Nếu ta muốn xóa đi những kỷ ức không hay và tạo những cái mới, đây là lúc để thực hiện.

Nếu ta đã và đang sống một cuộc sống mất quân bình, quá chú trọng đến hưởng thụ và thu quén hơn là cho đi, chia sẻ và tiết kiệm, đây là những năm tháng để ta chấn chỉnh lại cách sống để những người khác có thể sống tốt hơn nhờ đó.

Nếu ta đã bê trễ sự phát triển cho đời sống tâm linh chỉ vì những cứu cánh vật chất, ta có thời gian để suy gẫm lại đâu là ý nghĩa của việc ta còn sống, sống tròn đầy, yêu thương tất cả cuộc sống, và được tràn đầy Chúa. Những năm tháng này có thể là lúc đời sống tinh thần của ta được soải cánh, vượt xa khỏi những tổn thương cũ, vượt lên những hèn mọn cũ rích, vượt qua những vết khắc định kiến đã và đang kìm hãm ta khỏi làm giàu đời mình với bạn hữu là những người da den, da nâu, da vàng, da đỏ và da trắng. Họ là những ai khác hơn ta. Đời họ khác đời ta. Họ có nhiều điều để dạy ta về những cách hiện sinh khác trong thế giới này.

Nếu ta cần nghĩ lại tất cả những quan niệm xưa là những điều giờ đây quá mâu thuẫn với thế giới quanh ta, nếu ta cần nghĩ lại thậm chí cách ta hiểu về Chúa, giờ là lúc ta cho mình vào những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Những vấn đề này không còn là công việc và tiền bạc, đặc quyền và địa vị, ưu thế và sự kiêu ngạo.

Giờ là lúc để tự vấn di sản của ta là đang để lại là gì. Vì chỉ có một điều chắc chắn là dù ta có dành nhiều giờ để suy nghĩ về nó hay không thì những người khác mà ta biết sẽ làm điều đó.

Gánh nặng của những tháng năm còn lại là để nhận ra rằng sự phát triển đời sống tâm linh cá nhân ta không còn là vấn đề và đó là để lại cho đời một di sản còn dang dở.

Ơn lành của những tháng năm còn lại là có thời gian để hoàn thành những gì ta đã và đang bỏ bê, để rồi di sản ta để lại cho đời sẽ bằng với những tiềm năng ta được ban tặng.

Nt. Anna Kim Anh, OP

Chuyển ngữ từ “Legacy,” The Gift of Years, Joan Chittister, OSB pp. 215-218.

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...