Thượng Hội đồng: Suy tư thần học của Cha Ormond Rush tại phiên họp khoáng đại thứ XVI
Trong phiên họp khoáng đại thứ XVI hôm 23. 10, linh mục Ormond Rush, nhà thần học đến từ Úc, trình bày suy tư thần học về “Bản Tổng hợp”.
SUY TƯ THẦN HỌC CỦA CHA ORMOND RUSH TẠI PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI THỨ XVI
BẢN TỔNG HỢP
Sau khi lắng nghe anh chị em trong 3 tuần qua, tôi có ấn tượng rằng một số anh chị em đang đấu tranh với khái niệm về truyền thống, dưới ánh sáng tình yêu sự thật của anh chị em. Anh chị em không phải là người đầu tiên gặp khó khăn về điều này. Đó là một điểm thảo luận chính tại Công đồng Vatican II. Tôi nghĩ có thể sẽ hữu ích nếu gợi lại những vấn đề các nghị phụ Công đồng đã tranh luận và những câu trả lời các ngài đưa ra. Đối với chúng ta, những câu trả lời của các nghị phụ là cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn suy tư của chúng ta về những vấn đề mà chúng ta phải đối diện ngày nay. Vì vậy, có lẽ Công đồng Vatican II có một số bài học cho Thượng Hội đồng này, khi giờ đây anh chị em tổng hợp sự phân định của mình về tương lai của Giáo hội.
Qua 4 phiên họp của Công đồng, một trong những điểm căng thẳng chính thường xuyên xảy ra là vấn đề “truyền thống”. Trong phiên họp đầu tiên năm 1962, một bản dự thảo đã được trình lên Đại hội về “các nguồn mạc khải”; Bản dự thảo được sắp xếp theo các phạm trù của Học thuyết tân kinh viện, vốn đề cập đến mạc khải, đức tin, kinh thánh và truyền thống theo cách thức hầu như một chiều: chỉ dưới dạng những tuyên bố giáo lý mệnh đề. Khi được đưa ra công đồng, các giám mục hầu như đã bác bỏ Bản dự thảo này. Ngày hôm sau, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đồng ý rằng thực sự cần có một bản văn mới. Về ý nghĩa lịch sử của cuộc tranh luận này, cũng như quyết định can thiệp của Đức Thánh Cha, Joseph Ratzinger, chuyên gia Công đồng đã viết vào thời điểm đó:
Câu hỏi thực sự đằng sau cuộc thảo luận có thể được đặt ra theo cách này: Liệu lập trường mang tính trí năng của “Luận trào chống Thuyết tân thời” (anti-Modernism) – cách giải quyết cũ về loại trừ, lên án, và bảo vệ dẫn đến sự phủ nhận gần như mang tính xúc cảm đối với tất cả những gì mới mẻ - có được tiếp tục không? Hoặc liệu Giáo hội, sau khi đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ đức tin, sẽ lật sang trang mới và bước vào một cuộc gặp gỡ mới và tích cực với nguồn gốc của chính mình, với đồng loại, và với thế giới ngày nay chăng? Vì phần lớn các nghị phụ đã chọn giải pháp thứ hai, nên chúng ta thậm chí có thể nói về Công đồng như một sự khởi đầu mới. Chúng ta cũng có thể nói rằng với quyết định này đã có một bước tiến lớn so với Công đồng Vatican I. Cả Công đồng Trentô lẫn Công đồng Vatican I đều đã dựng lên những bức tường thành để bảo đảm và bảo vệ đức tin; Công đồng Vatican II chuyển sang một nhiệm vụ mới, xây dựng trên công trình của hai Công đồng trước đó.[1]
Nhiệm vụ mới đó là sự gắn kết giữa đức tin Kitô giáo với lịch sử. Điều mà Joseph Ratzinger thấy trong Vatican II như là căn nguyên của sự căng thẳng ở đây về cơ bản là 2 cách tiếp cận truyền thống. Ngài gọi đó là sự hiểu biết “tĩnh” và sự hiểu biết “động” về truyền thống.[2] Sự hiểu biết “tĩnh” mang tính pháp lý, đề xuất, và phi lịch sử (tức là phù hợp với mọi thời đại và nơi chốn) còn sự hiểu biết “động” mang tính nhân vị, bí tích, và bắt nguồn từ lịch sử, do đó phải được giải thích với ý thức lịch sử. Sự hiểu biết “tĩnh” có xu hướng tập trung vào quá khứ, còn sự hiểu biết “động” nhìn thấy quá khứ được hiện thực hóa trong hiện tại, nhưng vẫn mở ra một tương lai vẫn chưa được mạc khải. Công đồng đã sử dụng cụm từ “truyền thống sống động” để mô tả sự hiểu biết “động” (Hiến chế DV, 12). Khi nói về sự hiểu biết động chứ không phải sự hiểu biết tĩnh về “truyền thống tông đồ”, Hiến chế Dei Verbum 8 dạy: rằng “Truyền thống do các Tông đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, các sự việc và các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn”. Và Hiến chế tiếp tục đề cập đến 3 cách thế tương liên với nhau mà qua đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn sự phát triển của truyền thống tông đồ: công việc của các nhà thần học; kinh nghiệm sống của tín hữu; và sự giám sát của huấn quyền. Nghe giống như một Giáo hội hiệp hành phải không?
Theo sự hiểu biết động về truyền thống, Ratzinger nói: “Vì lý do đó, không phải tất cả mọi điều tồn tại trong Giáo hội đều phải là một truyền thống hợp pháp; nói cách khác, không phải mọi truyền thống nảy sinh trong Giáo hội đều là sự cử hành đích thực và lưu giữ sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Kitô. Có truyền thống bị bóp méo và cũng có truyền thống hợp pháp… Do đó, truyền thống không được chỉ được xem xét một cách khẳng định mà còn phải được xem xét một cách phê phán; chúng ta lấy Kinh Thánh làm tiêu chuẩn cho sự phê bình không thể thiếu này đối với truyền thống, và vì thế, truyền thống phải luôn gắn liền với Kinh Thánh và được Kinh Thánh đánh giá” [3]. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày ban hành Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ đến 2 cách hiểu khác nhau về truyền thống như sau: “Truyền thống là một thực tại sống động và chỉ có cái nhìn phiến diện mới coi ‘kho tàng đức tin’ như một điều gì đó tĩnh tại. Lời Chúa không thể bị thấm băng phiếm giống như một tấm chăn cũ để xua đuổi côn trùng! Không. Lời Chúa là một thực tại năng động và sống động, phát triển và tăng trưởng vì Lời Chúa hướng đến sự viên mãn mà không gì có thể ngăn cản được” [4].
Trọng tâm của việc Hiến chế Dei Verbum khôi phục lại một cách hiểu động về truyền thống là việc Hiến chế khôi phục lại một cách hiểu theo thuyết nhân vị về mạc khải, như được tìm thấy trong Kinh thánh và trong các tác phẩm của các giáo phụ vào những thế kỷ đầu của Giáo hội. Mạc khải không chỉ là sự truyền đạt sự thật về Thiên Chúa và đời sống con người, vốn được trình bày rõ ràng trong Kinh thánh và trong các tuyên bố về giáo lý vào những thời điểm cụ thể trong lịch sử Giáo hội, để trả lời các câu hỏi có điều kiện thời gian được đặt ra cho truyền thống. Mạc khải trước hết là sự truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần. Hiến chế Dei Verbum nói về sự mạc khải của Thiên Chúa dưới góc độ tình bằng hữu và sự gặp gỡ cá nhân, và đặc biệt là về với nhãn quan tình yêu và sự thật. Tôi xin trích dẫn Hiến chế Dei Verbum: “Như vậy, qua mạc khải này, Thiên Chúa vô hình, do tình thương sung mãn của Ngài, đã ngỏ lời với con người như với bạn hữu, và sống giữa con người để mời gọi và đón nhận con người vào cuộc sống của chính Ngài. Do đó, sự thật sâu sắc nhất [intima veritas] được mặc khải về Thiên Chúa và ơn cứu độ con người chiếu sáng chúng ta nơi Chúa Kitô, Đấng vừa là trung gian vừa là tổng thể của mạc khải”.
Trong Hiến chế Dei Verbum – và điều này rất quan trọng để hiểu tính hiệp hành cũng như mục đích chính của Thượng Hội đồng này – sự mạc khải thần linh này được trình bày như một cuộc gặp gỡ đang diễn ra trong hiện tại, chứ không chỉ là một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Biến cố Thiên Chúa tự mạc khải (luôn luôn ở trong Đức Kitô, qua Chúa Thánh Thần) và việc Thiên Chúa trao ban mối tương quan, tiếp tục là một thực tại sống động ở đây và lúc này. Điều đó không có nghĩa là có thể có một sự mạc khải mới nào đó về Thiên Chúa là ai. Tuy nhiên, cùng một Thiên Chúa, trong cùng một Chúa Giêsu Kitô, qua sự soi sáng và trao quyền của cùng một Chúa Thánh Thần, luôn gắn kết với và đối thoại với con người trong thời điểm luôn mới mẻ ở đây và bây giờ của lịch sử vốn không ngừng đưa nhân loại đến với những nhận thức mới, những câu hỏi mới, và những hiểu biết mới, trong những nền văn hóa và nơi chốn đa dạng, khi Giáo hội-trần thế vượt qua thời gian tiến vào một tương lai không xác định cho đến ngày tận thế.
Chúng ta thấy bản chất- hiện tại này của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa-con người trong Hiến chế Dei Verbum 8: “Thiên Chúa, Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho Lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ”. Do đó, theo Joseph Ratzinger, trong Hiến chế Dei Verbum, chúng ta được ban cho “một sự hiểu biết về mạc khải về cơ bản được xem như một cuộc đối thoại… Việc đọc Kinh thánh được mô tả như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người … Cuộc đối thoại của Thiên Chúa luôn được tiếp tục trong hiện tại… với mục đích buộc chúng ta phải trả lời”[5].
Thượng Hội đồng này là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Đó chính là đặc ân và thách đố của “những cuộc đối thoại trong Thánh Thần” của anh chị em. Thiên Chúa đang chờ đợi câu trả lời của anh chị em. Khi kết thúc tuần tổng hợp này, anh chị em có thể muốn bắt đầu bàn tổng hợp đó bằng cách nói, giống như Công đồng Giêrusalem đầu tiên, được mô tả trong sách Công vụ chương 15: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”. Vào thời Giáo hội sơ khai, lá thư của các tông đồ gửi cho các giáo hội sau đó tiếp tục đề cập đến một vấn đề mà chính Chúa Giêsu đã không để lại hướng dẫn cụ thể nào. Các tông đồ và Chúa Thánh Thần phải cùng nhau đi đến một sự thích nghi mới với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô liên quan đến vấn đề mới đó, điều mà họ chưa từng đối diện trước đây.
Vì vậy, Công đồng Vatican II mời gọi Giáo hội luôn chú ý đến những chuyển động của Thiên Chúa mạc khải và cứu độ hiện diện và hoạt động trong dòng lịch sử, bằng việc lưu tâm đến “các dấu chỉ thời đại” dưới ánh sáng Tin Mừng sống động [6]. Sự phân định các dấu chỉ thời đại trong hiện tại nhằm xác định điều Thiên Chúa thúc giục chúng ta nhìn– với đôi mắt của Chúa Giêsu – trong thời đại mới; nhưng cũng thúc giục chúng ta chú ý đến những cạm bẫy - nơi chúng ta có thể bị lôi kéo vào những lối suy nghĩ không phải “của Thiên Chúa”. Những cái bẫy này có thể nằm ở chỗ nó chỉ được neo giữ trong quá khứ, hoặc chỉ ở hiện tại, hoặc không mở ra cho sự thật trọn vẹn trong tương lai của Thần Khí Sự thật đang dẫn dắt Giáo hội. Việc phân định sự khác biệt giữa cơ hội và cạm bẫy là nhiệm vụ của tất cả các tín hữu – giáo dân, giám mục và các nhà thần học – mọi người, như Hiến chế Gaudium et Spes 44 dạy: “Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học, là lắng nghe, phân định và giải thích nhiều tiếng nói của thời đại, rồi đánh giá dưới ánh sáng lời Chúa, để sự thật được mạc khải đó luôn có thể được thâm nhập sâu hơn, được hiểu rõ hơn, và mang lại lợi ích lớn hơn” [7]. “Sự thật được mạc khải” đó là một con người, Chúa Giêsu Kitô. Do đó, khi chúng ta tiến tới việc phân định Bản tổng hợp cuối cùng, mong sao chúng ta được hướng dẫn bởi lời huấn thị của Thư gửi tín hữu Do Thái 12, 2: “Chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
*
Meyer, Albert Cardinal. "The Defects of Tradition." In Third Session Council Speeches of Vatican II, edited by William K. Leahy and Anthony T. Massimini, 79–80. Glen Rock, N.J.: Paulist Press, 1966.
Ratzinger, Joseph. "Chapter I: Revelation Itself". In Commentary on the Documents of Vatican II. Volume 3, edited by Herbert Vorgrimler, 170–80. New York: Herder, 1969.
———. "Chapter II: The Transmission of Divine Revelation". In Commentary on the Documents of Vatican II. Volume 3, edited by Herbert Vorgrimler, 181-98. New York: Herder, 1969.
———. Theological Highlights of Vatican II. New York: Paulist Press, 2009.
--
[1] Joseph Ratzinger, Theological Highlights of Vatican II (New York: Paulist Press, 2009), 44. Emphasis added.
[2] See throughout Joseph Ratzinger, "Chapter II: The Transmission of Divine Revelation", in Commentary on the Documents of Vatican II. Volume 3, ed. Herbert Vorgrimler (New York: Herder, 1969), 181-98.
[3] sđd., 185. Meyer’s intervention can be found in AS III/3, 150–51. For an English translation of his speech, see Albert Cardinal Meyer, "The Defects of Tradition," in Third Session Council Speeches of Vatican II, ed. William K. Leahy and Anthony T. Massimini (Glen Rock, N.J.: Paulist Press, 1966), 79–80.
[4]https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2017/october/documents/papa-francesco_20171011_convegno-nuova-evangelizzazione.pdf [Accessed 26. 07. 2022]
[5] Ratzinger, "Chapter I: Revelation Itself," 171.
[6] Hiến chế Gaudium et Spes, 4. Xem thêm GS, 11.
[7] Hiến chế Gaudium et Spes, 44.