daminhthanhtam.com

Tất cả đều quy về sự tha thứ

03.07.2025 Suy Tư

TẤT CẢ ĐỀU QUY VỀ SỰ THA THỨ

 

 

Dann Aungst

 

Tha thứ không chỉ là một phần của đời sống Kitô hữu — mà là cốt lõi của đời sống ấy. Ngay từ khoảnh khắc tội lỗi xâm nhập vào vào thế gian qua Adam và Eva, nhân loại đã cần đến sự chữa lành, hòa giải và phục hồi. Bí tích Rửa tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội nguyên tổ, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục vật lộn với khuynh hướng phạm tội — sự nghiêng chiều dai dẳng về phía tội lỗi. Cuộc chiến nội tâm này khiến lời mời gọi tha thứ càng trở nên cấp bách và cần thiết cho sức khỏe thiêng liêng cũng như vận mệnh vĩnh cửu của chúng ta.

Tha thứ không phải là điều tùy chọn. Đó là nền tảng.

Lời mời gọi Kitô giáo để tha thứ

Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14–15).

Mệnh lệnh này không để chỗ cho sự mơ hồ. Tha thứ là một lệnh truyền chứ không phải một gợi ý. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn vật lộn với điều này—đặc biệt khi vết thương quá sâu, nỗi đau còn mới, hoặc sự phản bội đến từ người thân thiết

Con đường Kitô giáo không phải là con đường của sự báo thù hay cay đắng, mà là con đường của lòng thương xót, được thể hiện cách trọn hảo nơi Đức Kitô—Người Tôi Trung Đau Khổ, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Trên thập giá, Người đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ của Người, chúng ta phải noi gương lòng thương xót ấy.

Không tha thứ: Một nhà tù thầm lặng

Sự không tha thứ thường rất tinh vi. Nó ngụy trang dưới hình thức tự bảo vệ, công lý hoặc thậm chí là sự công chính. Nhưng thực chất, không tha thứ trói buộc chúng ta—vào oán hận, vào nỗi đau, và cuối cùng là vào tội lỗi. Khi từ chối tha thứ, chúng ta vô tình mở đường cho kẻ thù gieo vào tâm trí những lời dối trá về giá trị và căn tính của chính mình.

Khi ôm giữ mối hận thù, chúng ta bắt đầu nuôi dưỡng những điều sai lạc như “Tôi không đáng được yêu thương”; “Tôi sẽ không bao giờ tin tưởng ai nữ”; hoặc “Tôi phải bảo vệ mình bằng mọi giá”. Những suy nghĩ này âm ỉ, làm méo mó hình ảnh bản thân và ngăn cản chúng ta đón nhận cũng như trao ban tình yêu.

Càng để những vết thương này không được chữa lành, chúng ta càng khó càng khó lớn lên trong nhân đức và sự thánh thiện. Chúng ta trở nên trì trệ trong đời sống thiêng liêng, bị đè nặng về mặt cảm xúc và hao tổn thể xác. Thánh Augustinô đã từng nhận định cách khôn ngoan:

“Có nhiều hình thức bố thí giúp chúng ta được tha thứ tội lỗi; nhưng không có gì lớn lao hơn việc tha thứ từ tận đáy lòng cho người đã xúc phạm đến mình”.

Sức Mạnh của Bí tích Hòa giải

Thật may mắn, Thiên Chúa ban cho chúng ta một lối thoát — Bí tích Hòa giải. Trong Tòa giải tội, chúng ta không chỉ gặp sự công minh của Thiên Chúa mà còn cảm nghiệm được lòng thương xót vô biên của Ngài. Chúng ta lãnh nhận ơn xá giải, linh hồn được thanh tẩy, và được ban ơn để tha thứ—cho người khác và cho chính mình.

Tuy nhiên, chúng ta phải đến với bí tích này một cách chân thành. Nếu cố chấp không tha thứ—nhất là khi sự không tha thứ đó nghiêm trọng và có chủ ý—việc xưng tội của chúng ta có thể trở nên vô hiệu. Muốn đón nhận lòng thương xót của Chúa, ta phải biết trao ban sự thương xót. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng để tha thứ ngay lúc đó, mà là ta chọn khởi đầu tiến trình ấy, dù chưa trọn vẹn.

Hãy bắt đầu bằng lời nói. Ngay cả khi trái tim còn chần chừ, hãy thốt lên lời tha thứ trong lời cầu nguyện. Với thời gian, ân sủng sẽ hoàn tất điều mà ý chí chúng ta đã khởi sự..

Xưng tội: Chữa lành tâm hồn và tâm trí

Khoa học ngày nay đã xác nhận điều Giáo Hội đã dạy suốt bao thế kỷ: tha thứ mang lại lợi ích cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Oán giận và giận dữ kéo dài làm tăng nồng độ hormone căng thẳng như cortisol, dẫn đến lo âu, trầm cảm, cao huyết áp và thậm chí suy giảm hệ miễn dịch. Ngược lại, những ai biết tha thứ sẽ giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn, cải thiện các mối tương quan và thậm chí sống thọ hơn.

Vì thế, xưng tội không chỉ mang lại ơn cứu độ thiêng liêng mà còn giúp phục hồi tâm lý. Khi quỳ gối trong tòa giải tội, chúng ta không chỉ trút bỏ gánh nặng tội lỗi, mà còn nhổ tận gốc những lời dối trá đã ăn sâu trong các vết thương của mình. Chúng ta phá vỡ những thoả hiệp với kẻ thù và giành lại sự bình an đích thực.

Tha thứ cho người khác… và cho chính mình

Dù việc tha thứ cho những người đã làm tổn thương ta là điều thiết yếu, chúng ta cũng không được quên một sự thật khó khăn khác: ta cũng cần phải tha thứ cho chính mình. Nhiều tín hữu Công giáo mang trong lòng nỗi xấu hổ sâu xa vì những lỗi lầm trong quá khứ, đặc biệt là những tội trọng. Thế nhưng, việc không thể tha thứ cho chính mình lại là một hình thức kiêu ngạo tinh vi. Nó như muốn nói rằng: “Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi, nhưng chính tôi thì không thể”. Thực ra, khi từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta đang đặt phán đoán của mình lên trên sự phán xét của Ngài.

Sách Giáo Lý dạy rằng không có tội nào lớn hơn lòng thương xót của Thiên Chúa (GLCG 982). Chúng ta không phải là tổng hòa của những thất bại — chúng ta là những tạo vật mới trong Đức Kitô (2 Cr 5,17). Khi xưng tội, chúng ta cần mang đến cả hành vi phạm tội lẫn sự xấu hổ, để Chúa có thể phục hồi chúng ta một cách trọn vẹn. Như thư Do Thái 10,17 tuyên bố: “Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa”. Nếu Thiên Chúa đã quên tội của ta, tại sao ta còn bám giữ lấy chúng?

Thực hành tha thứ: Một bài tập thiêng liêng

Tha thứ không phải là một cảm xúc. Đó là một quyết định, một kỷ luật, và thường là một thập giá phải vác hằng ngày. Sau đây là một bài tập đơn giản nhưng mạnh mẽ mà bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay:

- Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn biết ai là người bạn cần tha thứ — có thể đó là một người thân, một người bạn cũ, một người xa lạ, hoặc chính bản thân bạn.

- Hình dung người đó trong tâm trí.

- Cầu nguyện bằng lời nguyện sau:

Lạy Chúa, con chọn tha thứ cho [tên người] vì hành động [mô tả sự việc] đã khiến con cảm thấy [cảm xúc: bị tổn thương, bị phản bội, bị bỏ rơi, …]. Con giải thoát người ấy khỏi mọi quyền lực mà họ đang nắm giữ trên con. Con trao cho Chúa quyền xóa đi cay đắng và xét đoán trong lòng con, và con xin Chúa chữa lành vết thương mà họ để lại. Con từ bỏ quyền trả thù và con xin phó thác cho Ngài là Đấng Thẩm Phán Công Minh. Con cũng xin Ngài tha thứ cho con vì những cách con đã phản ứng bằng giận dữ hoặc tự vệ. Con chọn tha thứ cho chính mình. Con cầu xin nhờ danh Chúa Giêsu. Amen.

Hãy thực hiện lời cầu nguyện này cho từng người mà Chúa Thánh Thần gợi lên trong tâm trí bạn. Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra sự biến đổi — không chỉ trong suy nghĩ, mà cả trong tâm hồn và lối sống của mình.

Lời Kinh Thánh: Lời chữa lành

Kinh Thánh tràn đầy chân lý của Thiên Chúa về sự tha thứ:

- Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau…. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. (Cl 3,13)

- Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.. (Ep 4,32)

- Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. (Cv 3,19)

- Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thụ tạo mới. (2 Cr 5,17)

- Dù tội các ngươi có đỏ như son, sẽ trở nên trắng như tuyết. (Is 1,18)

Đây không chỉ là những lời thơ mỹ miều — mà là những lời hứa, được neo vững trong quyền năng Thiên Chúa.

Lời Kết: Cánh cổng dẫn vào Thiên Đàng

Tha thứ không phải là một ý tưởng đẹp dành riêng cho những người thánh thiện — mà là cánh cổng mà mọi Kitô hữu đều phải bước qua. Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô hoàn toàn là về lòng thương xót, về việc hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Khi chúng ta tha thứ, chúng ta trở nên giống Người.

Đúng thế, tha thứ có thể diễn ra chậm chạp, có thể gây đau đớn. Nhưng mỗi hành động tha thứ là một viên gạch trên con đường dẫn đến Thiên Đàng.

Vậy nên, với ơn Chúa, chúng ta hãy giải thoát những người xúc phạm đến mình khỏi món nợ họ đang mang. Hãy chúc lành cho họ thay vì nguyền rủa. Hãy siêng năng đến với Bí tích Hòa Giải— không phải như một nghi thức lặp đi lặp lại, mà như một cuộc gặp gỡ với tình yêu chữa lành.

Vì sau cùng, tất cả đều quy về sự tha thứ.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (01/07/2025)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...