daminhthanhtam.com

Chúa Nhật tuần XXXIThường Niên A

06.11.2023 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

Chúa Nhật XXXI Thường Niên, năm A

Mt 23, 1-12

1. BÀI TIN MỪNG: Mt 23, 1-12

(1) Bấy giờ Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: (2) "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".

(8) "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

2. SUY NIỆM: LÃNH ĐẠO: AI VẬY?

Liệu chỉ có một số người được chọn gọi làm tư tế của Chúa? Chỉ có một số người có sứ mạng là thầy dạy đức tin, luân lý, nhân bản? Và chỉ một số nhỏ đảm trách vai trò phục vụ trong cộng đoàn? Nếu câu trả lời, đúng là như vậy, thì Lời Chúa hôm nay chỉ dành cho những tư tế của Chúa, những người đang lãnh đạo đoàn chiên Chúa! Thực tế, câu trả lời chắc chắn là: Không!

Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người được thông hiệp vào ba chức vụ; tư tế, ngôn sứ, và vương giả của Đức Kitô để thực thi, cộng tác vào sứ mạng loan báo ơn cứu độ. Đây là ơn gọi và trách nhiệm của mỗi Kitô hữu qua việc đảm trách vai trò giảng dạy đức tin và phục vụ trong hoàn cảnh cá nhân và cụ thể. Lời Chúa hôm nay nói gì và giải thích những khía cạnh khác nhau của ơn gọi lãnh đạo trong từng hoàn cảnh sống: dạy dỗ đức tin và phục vụ trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và xã hội bằng đời sống chứng tá.

Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa các đạo binh quở trách các tư tế của Ngài khi họ không thi hành đúng chức trách của mình mà làm cho dân đi lầm đường qua lời ngôn sứ Malakhi (2, 8-10). Trong ơn gọi riêng, mỗi người cũng trở nên những thầy dạy đức tin và ơn cứu độ cho những người mình sống với, sống cùng qua lối sống chứng nhân, qua việc thực thi bổn phận của cha mẹ với con cái, bổn phận của anh chị em với nhau, bổn phận của từng thành viên đối với giáo xứ, bạn bè, đồng nghiệp, có trách nhiệm với nhau. Mỗi người đều có một môi trường riêng để thực thi chức vụ tư tế, hướng dẫn người khác bước trên con đường thực thi huấn lệnh yêu thương của Chúa bằng đời sống chứng nhân sống động.

Trong môi trường của mình, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong môi trường làm việc, tôi đã thực thi chức trách của mình ra sao? Tôi có trở nên một ngọn đuốc sáng đưa người khác tìm thấy Chúa và sống yêu thương như Chúa muốn? Tôi có là người trao ban niềm vui cứu độ, và đức tin cho thế hệ sau, cho những người tôi gặp gỡ?

Trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô kể lại những hy sinh vất vả của các vị lãnh đạo trong cộng đoàn nhằm sinh lợi ích cho các tín hữu. Tư chất của người lãnh đạo được tái hiện trong lời kể của Thánh Phao lô là một người đồng hành với mọi người cách chân tình, khiêm tốn, không ngại gian khổ, phục vụ cách nhưng không và vô vị lợi: “chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em” (2, 7b), “trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi” (2, 8), “làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai” (2, 9). Đây là lối sống của môn đệ Chúa Kitô khi mang trong mình lòng nhiệt tâm cho sứ vụ, khát khao ơn cứu độ được loan truyền: Quên mình cho sứ vụ và để phục vụ.

Nhìn lại hành trình sống, trong vai trò của mình, tôi đã sống còn vì sứ vụ như thế nào? Tôi có dám thực sự đồng hành, chung vai gánh vác cuộc đời và chấp nhận liên lụy cùng người để Tin Mừng được gieo vãi và sinh hoa trái? Tôi có dám hy sinh và phục vụ người khác cách nhưng không để niềm vui ơn cứu độ nơi họ được tràn đầy?

Hành trình sống chứng nhân như là người lãnh đạo trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và xã hội không dễ dàng. Vậy đâu là tấm gương chân thực nhất cho hành trình làm người lãnh đạo? Đức Giêsu trong bài Tin Mừng cho chúng ta lời giải đáp khi nhắc nhở đám đông và các môn đệ xa tránh thói đạo đức giả của các kinh sư và các người Pharisêu nhưng lắng nghe những lời giảng dạy của họ. Người cũng dạy rằng, tất cả chúng ta “chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c. 8) và “chỉ có một Cha là Cha trên trời” c. 9) và “chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô” (c. 10). Tấm gương duy nhất cho chúng ta trên hành trình này chính là Đức Kitô.

Lời Đức Giêsu dẫn chúng ta về vị trí của mỗi người trong gia đình Chúa Cha, “tất cả là anh chị em với nhau”. Tất cả đều bình đẳng trong phẩm giá là con Thiên Chúa. Là anh em, chúng ta có trách nhiệm nhủ bảo lẫn nhau và làm gương cho nhau. Sự thiếu sót, yếu đuối - một phần không tách rời nơi thân phận người bất toàn không thể làm chúng ta chùng bước trong ơn gọi sống chứng tá. Cơn cám dỗ của những Pharisêu, những người thông luật vẫn còn đó! Lời nhắc nhở của Đức Giêsu về sự giả hình cần tránh luôn có giá trị trong đời sống Kitô hữu.

Ngẫm lại, tôi có đang sống giả hình? Lối sống của tôi có là một dẫn chứng sống động cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa như những gì tôi muốn loan báo hay tôi có bóp méo khuôn mặt của Thiên Chúa?

Thần tượng của con người luôn có điều kiện, có giới hạn, và có thời hạn trong sự mỏng manh hạn hẹp của nó. Không ai có thể trở thành gương mẫu tuyệt đối, tuyệt hảo ngoài Vị Thầy duy nhất, ngoài vị Cha duy nhất, và ngoài vị lãnh đạo duy nhất là Đức Kitô như lời giảng dạy của Đức Giêsu.

Nhìn lại đời sống của mình, liệu tôi có “idol” nào khác ngoài Đức Kitô? Liệu tôi có để cho mình bị ảnh hưởng, mất niềm tin hay hy vọng chỉ vì “idol” đó bị sụp đổ hay vỡ vụn, khi tôi khám phá ra đó chỉ là hình ảnh do “tôi đồ họa” ra?

Lời cuối của bài Tin Mừng hôm nay là sự phục vụ trong khiêm nhường, bé nhỏ: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (c. 12). Sự tôn lên hay hạ xuống không là phương thế để đạt được vị thế cao hơn nhưng là hệ quả của một tình yêu phục vụ, muốn được phục vụ như đức Giêsu với hình ảnh vươn cao của Thập tự Giá trong tình yêu đến cùng. Tình yêu này không là mời gọi cho riêng một bậc sống hay vai trò nào, nhưng là mời gọi tất cả: Yêu như Thầy đã yêu (x. Ga 15, 12) như là điểm đầu và điểm cuối của phục vụ trong ơn gọi “làm người lãnh đạo”.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã đón nhận chúng con vào gia đình của Ngài, có Ngài là Cha, có Đức Kitô là thầy, là vị lãnh đạo. Chúng con cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con những “người lãnh đạo,” những người hướng dẫn chúng con trong đời sống đức tin và nhân bản, những người anh chị em, những người đi trước, đi cùng chúng con trong hành trình cuộc sống. Chúng con xin tạ lỗi với Chúa khi chúng con chưa chu toàn bổn phận, trách nhiệm là những chứng nhân của Ngài trong đời sống khi hành động và lời nói bất nhất. Xin Chúa hãy biến đổi trái tim tham lam, ích kỷ của chúng con bằng trái tim yêu thương quảng đại của Chúa. Xin cho chúng con chỉ biết hướng nhìn lên Thánh giá Chúa để hiểu đâu là ý nghĩa của “người lãnh đạo” trong phục vụ và yêu thương đích thực. Amen.

Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh, O.P

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...