daminhthanhtam.com

Để lớn lên trong lòng biết ơn

28.01.2024 Suy Tư Văn hoá

 

ĐỂ LỚN LÊN TRONG LÒNG BIẾT ƠN

Emily Jaminet

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm về việc chúng ta quên rằng Thiên Chúa đã lo liệu cho chúng ta ra sao khi chúng ta quá tập trung vào những phúc lành của người khác. Thật dễ dàng để ghen tị với những điều tốt lành của người khác khi đó là điều mà bản thân chúng ta mong muốn. Điều này khiến chúng ta đánh mất nhiều cơ hội để nhìn nhận các phúc lành của mình, và quên rằng những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta là quá đủ.

Là Kitô hữu, sống một cuộc sống bắt nguồn từ lòng biết ơn là điều cần thiết để lớn lên trong đức tin. Sau đây là vài bước đơn giản giúp chúng ta  lớn lên trong lòng biết ơn:

Sự cầu nguyện tác động tới quan điểm của chúng ta

Nếu đang gặp khó khăn với lòng biết ơn, chúng ta hãy đưa vấn đề này vào lời cầu nguyện! Hãy cầu xin Chúa ban thêm nhiều ân sủng để chúng ta có thể chấp nhận từng khoảnh khắc trong cuộc sống của mình và vượt thắng bất cứ điều gì cản trở chúng ta biết ơn.

Kết bạn với những người có lòng biết ơn cuộc sống. 

Lòng biết ơn là một đức tính quan trọng và bắt nguồn từ sự khiêm tốn. Thánh Têrêsa Ávila nói: “Tâm hồn khiêm tốn sẽ được dẫn đến việc tạ ơn”. Chúng ta cần vượt thắng ước muốn trở thành hoàn hảo hoặc tin rằng sự hoàn hảo y sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc!

Chủ nghĩa duy vật thúc đẩy sự vô ơn của chúng ta.

Nền văn hóa ham chuộng vật chất và lòng tham thường dẫn chúng ta vào vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa duy vật: Càng có nhiều, chúng ta càng muốn nhiều hơn nữa. Nó dẫn đến tư duy hưởng thụ và đồ vật lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn chúng ta. 

Điều này đặc biệt đúng trong việc nuôi dạy con cái. Một cách cụ thể, không phải lúc nào chúng ta cũng cần “thưởng công” cho trẻ bằng những thứ vật chất, nhưng thay vào đó hãy khen thưởng bằng những trải nghiệm giúp trẻ nhận ra phẩm giá là con Thiên Chúa, và tránh cái bẫy mà chủ nghĩa vật chất làm cho chúng ta nghĩ rằng đó là hạnh phúc. Ngoài ra, khi muốn mua một món đồ, chúng ta hãy nghĩ xem liệu món đồ này có thực sự cần thiết, hoặc có mang lại cho tôi hoặc gia đình tôi niềm vui lâu dài hay không? Liệu nó có bị vứt vào thùng rác trong vòng vài tuần lễ hay không?

Trở ngại lớn nhất đối với lòng biết ơn là từ chối tha thứ.

Khi từ chối tha thứ chúng ta sẽ ngày càng trở nên cứng lòng. Hãy cân nhắc việc tha thứ cho những người đã làm tổn thương hoặc lấy đi niềm vui của chúng ta. Hãy tìm cách hàn gắn mối tương quan đó, vì khi tìm cách củng cố mối tương quan của mình với người khác, chúng ta sẽ đến gần Đức Kitô hơn. 

Sự lo lắng và bất an cũng có thể khiến chúng ta mất đi lòng biết ơn.

Có mối liên hệ trực tiếp giữa thời gian sử dụng thiết bị và sự lo lắng. Hơn bao giờ hết, mạng xã hội là một công cụ để chia sẻ nhưng cũng là một nguy cơ dẫn chúng ta đến sự ghen tị với những phúc lành của người khác và lo lắng về cuộc sống của mình. Thánh Phaolô khuyên chúng ta rằng: 

Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. (7) Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Ðức Kitô Giêsu. (Pl 4,6-7)

Nếu cảm thấy lo lắng và căng thẳng, chúng ta hãy tách ra khỏi mạng xã hội và dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên hoặc đến Chầu Thánh Thể để có được sự yên tĩnh, thanh thản trước Chúa Giêsu. 

Chúng ta hãy nhắc mình với những lời mạnh mẽ này của Thánh Gioan Phaolô II:

Hãy nhớ lại quá khứ với lòng biết ơn… sống hiện tại với lòng nhiệt tình và… tin tưởng hướng tới tương lai. (Tông thư Novo Millennio Ineunte, 1)

Khi có được lòng biết ơn, chúng ta sẽ sống ý nghĩa mỗi ngày bằng những suy nghĩ tích cực, những hành động tử tế, và những lời nguyện tạ ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP 
Lược dịch từ: catholicdigest.com

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...