daminhthanhtam.com

Tha thứ

23.04.2025 Suy Tư Văn hoá

THA THỨ 

 

Luật gia Oliver Wendell Holmes có viết rằng: “Người trẻ biết các quy tắc, còn người già thì hiểu các ngoại lệ.”

Sự mềm mỏng của con tim đến cùng tuổi tác, chứ không phải từ có nhiều nhân đức hoặc kinh nghiệm. Đến độ tuổi 70, ta không chỉ ý thức được rằng không ai là hoàn hảo, mà còn nhận ra rằng chẳng ai có thể hoàn hảo. Không phải ta, không phải họ, không phải bất kỳ ai cả. Thật vậy, khi tháng năm trôi qua, ta học một điều là, đời chẳng là gì ngoài một chuỗi ngoại lệ nối tiếp nhau để mà xem xét, suy gẫm, và thông hiểu. Tiêu chuẩn thì cũng vẫn chỉ là tiêu chuẩn. Chúng không tuyệt đối và người tìm cách để biến tiêu chuẩn thành tuyệt đối thì không chóng thì chày sẽ bị rơi vào thế kẹt của chính mình.

Ta hiểu được thế nhờ vào thứ kiến thức đến từ sự biết mình, từ việc nhận thức ra thất bại, lỗi lầm, sự khao khát nên hoàn thiện của chính mình và, dù ta có nỗ lực đến đâu đi nữa thì tại sâu thẳm, ta cần đến lòng thương xót. Ta biết được điều này và vô vàn điều khác nữa, rằng mọi sự nên được cân nhắc ân cần hơn, có tình hơn, và mềm dẻo hơn. Vấn đề ở đây là một khi ta hiểu điều gì đó, ta chẳng thể nào phủ nhận được sự hiện diện của nó nữa Sự hiểu biết này đòi ta phải chân thành. Sự chân thành mới này buộc ta với sự thật của sự hiểu biết.

Tuổi tác là một kho tàng thực sự chứa đựng những sự thật khắc nghiệt. Ta khám phá ra rằng hôn nhân không luôn luôn là “sống hạnh phúc mãi mãi.” Tuổi trẻ chẳng phải là “vô tư lự,” dù rằng ai đó nói vậy. Các chính quyền không phải lúc nào xứng đáng với “lòng trung thành” của ta, và rồi tôn giáo cũng “tội lỗi” Nhưng có thể dễ thuyết phục hơn cả là ý thức rằng dù có chống lại sự thất bại, chúng ta cũng vẫn thất bại. Ta không chỉ có quá nhiều điều để tha thứ, mà ta cũng có quá nhiều điều để được tha thứ- nếu không phải được tha thứ bởi người khác thì ít nhất là bởi chính mình. Thi sĩ Alfred Lord Tennyson đã diễn tả điều này như sau: “Hai người trung niên, vốn là kẻ thù truyền kiếp của nhau, Gặp nhau nơi nấm mộ, họ khóc- và trong những dòng lệ, họ rửa sạch ký ức về những xung đột giữa họ, Rồi sau đó họ khóc vì lãng phí ngần ấy năm.”

Thông thường sự dằn vặt nhất không phải là do những gì ta đã làm hay những gì ta phải chịu cho bằng là những hành động ta làm vì đau khổ. Thí dụ, những hận thù truyền kiếp của gia đình cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chẳng ai còn nhớ hay hiểu lý do chính xác sự rạn nứt bắt đầu như thế nào hoặc tại sao. Có một thứ còn tệ hại hơn những bất hòa trong gia đình đó là tình bạn bị tan vỡ và khoảng thời gian bị mất giữa bạn và ta, bởi vì, khác với mối tương quan trong gia đình, giữa tình bạn chẳng có điểm nối kết tự nhiên nào để hàn gắn hai người lại với nhau. Ngay cả sự bất hòa là ngoài ý muốn của bạn và ta.

Điều thường xảy ra là khi cơn nóng giận của ta lên tới đỉnh điểm, sự non nớt và ứ mọng nọc độc của sự cầu toàn, ta gân cổ đòi hỏi quyền lợi Và khi không đạt được, ta dậm chân gắt gỏng, ta công chính hóa sự nóng giận của chính mình, ta tử đạo trong tâm hồn. Ta thà làm nạn nhân hơn là kẻ thua cuộc. Ta đã sai. Ai đó đã phá vỡ luật bất thành văn của cuộc đời theo cách ta giữ. Ai đó đã cào xước chính bề mặt hoàn hảo của ta và khiến ta bị phơi bày, bị bỏ rơi, bị xa lánh, bị xa cách, và bị rời xa. Đôi khi có ai đó biết điều gì đã xảy ra tổcho ta và tại sao. Đôi khi chẳng ai biết. Ta cứ đơn sơ chờ đợi sự bồi lấp lại trong vô vọng.

Thế rồi, năm tháng cứ trôi qua. Mối tương quan càng quan trọng, thì ký ức về sự tổn thương càng sâu sắc. Thay vì giảm đi, những ký ức- tổn thương- lại tăng thêm mỗi năm. Đây là một vết thương hở, mưng mủ theo thời gian, một nhát khứa trong tim, dịch axit trong bao tử. Và rồi thời gian thì cứ trôi.

Chỉ có sự tha thứ mới có thể chữa lành vết thương đó trong ta. Chỉ duy lời xin lỗi thì không đủ. Kiểu tổn thương này, vốn đã bị giam hãm trong lòng ta nhiều năm, bị liếm láp và chăm sóc, được nuôi dưỡng theo thời gian, được đánh bóng cùng tuổi tác, chỉ có thể được chữa lành bởi chính đương sự đang cưu mang thương tổn chứ không phải người đã gây tổn thương, vì vấn đề là ở chính người bị tổn thương, kẻ đang nắm giữ nó.

Sự cứng cỏi nằm trong trái tim ta. Nó vượt xa và vượt quá sự nhẫn tâm của người đâm con dao vào ta. Sự cứng cỏi là của ta. Ta nắm giữ nó. Ta nuôi dưỡng nó. Và ta đau khổ vì sự cứng cỏi nhẫn tâm của chính mình hơn là người mà ta nghĩ phải chịu trách nhiệm về sự thương tổn của ta.

Kiểu tổn thương này giống như kiểu mua bán còn dang dở. Vấn đề đặt ra là tại sao vết thương cũ lại càng lúc càng đau hơn khi ta thêm tuổi so với lúc nó mới xảy ra? Nói cách khác, tại sao bây giờ ta lại nhạy cảm với tổn thương của mình hơn nhiều so với trước đây? Và câu trả lời là “bởi vì.” Bởi vì ta già dặn hơn. Bởi vì ta cảm thấy sự vội vàng của thời gian. Bởi vì ta nhận ra sự ngớ ngẩn của mình. Bởi vì ta nhận ra sự xa cách giữa ta và ai đó ta yêu thương lại gây ra nhiều tổn thương cho tâm hồn ta hơn là đối với người đó. Bởi vì cuối cùng ta dần dà học được rằng nguyên tắc gần như chẳng quá quan trọng trong đời như là những ngoại lệ. Bởi vì ta đã lãng phí quá nhiều năm vào những điều chẳng đáng gì. Bởi vì giờ là lúc trân trọng những ngoại lệ hơn là sự buộc tội.

Cáo trạng chẳng bao giờ thực sự giải quyết được bất cứ điều gì. Nó chỉ cân bằng cán cân. Nó chẳng thể nào biến tiếng nói của công lý thành hương thơm của tình yêu. Nó chẳng giúp ta trở lại với chính mình, khiêm tốn hơn một chút, có lẽ, nó cũng chẳng biến ta thành người nhiều hơn. Chỉ có sự tha thứ mới làm được điều đó.

Chỉ có tha thứ mới là liệu pháp của tuổi già, có khả năng làm mới lại mọi sự, tha thứ chữa lành khi nó bao bọc các tổn thương.

Lòng rộng lượng vị tha của tha thứ là một truyền thuyết. Tha thứ thì quan trọng đối với người tha thứ hơn với người được thứ tha.

Sự cay đắng, một khi nó chìm lắng như hạt sạn trong tâm hồn, nó sẽ nạo khoét sự cân bằng tương lai của ta. Nó tồn tại, cào cấu và khoét sâu, gặm nhắm và thiêu huỷ trái tim của vìta. Dĩ nhiên, ta vẫn mỉm cười với một vài ai đó, nhưng nụ cười của ta mang tính giả vờ hơn là chân thật. Ta không thực sự mở lòng, không thật sự đáng yêu, không thực sự là một người vui vẻ. Và rồi thời khắc cuối của đời ta đang tiến ngày càng gần.

Chỉ ta mới có thể giải thoát chính mình khỏi gánh nặng của sự cay đắng, giận dữ cũ để lấy lại sự tĩnh mịch. Chỉ ta mới có thể là người bước trước tìm kiếm những ngoại lệ cho những hành vi sai trái để khiến nó trở nên hành vi có thể thứ tha thay vì xem nó là sự ác tâm. Ta có còn nhớ chính xác những gì đã xảy ra không? Ta có dám chắc sự xúc phạm là cố tình như ta đã đinh ninh trong những năm tháng qua không? Chẳng lẽ không có gì có thể giải thích, làm giảm nhẹ, làm cho dễ hiểu sao? Thi sĩ Mary Lou Kownacki viết, “Liệu có ai mà ta không yêu thương nếu ta chỉ biết câu chuyện của họ.”

Chẳng phải ta đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những cái cỏn con vô nghĩa rồi sao? Đây có phải là điều mà ta muốn tiếp tục để cho nó kéo trì ta xuống khi ta trải qua những khoảnh khắc cuối đời, những khoảnh khắc tốt đẹp nhất đời ta không? Đây có phải là kết cục quắt queo mà ta tự mang cho mình không? Đây có phải là sự xa cách mà ta muốn giữa ta và cuộc đời khi mà ta thừa biết cuộc đời tươi đẹp thực sự có nghĩa là gì không?

Tha thứ gắn kết cuộc đời lại với nhau. Nó là bằng chứng của việc ta tự đào luyện mình. Nó là dấu chứng của sự chữa lành nội tâm. Nó đánh dấu việc ta tự biết mình. Nó là thước đo sự thần linh nơi ta.

Tuổi tác nhắc ta rằng ta thường xuyên vấp ngã, ta chẳng bao giờ thực sự làm điều gì hoàn toàn đúng cả, và ta chẳng thực sự hoàn hảo- và rằng điều này hoàn toàn không sao. Ta là chính ta là- và mọi người cũng thế. Và chính sự tha thứ của ta dành cho người khác đem lại cho ta quyền tha thứ cho chính mình vì ta thấp kém hơn điều ta hằng mong muốn là.

Gánh nặng của những năm tháng còn lại này là ta có nguy cơ để mình bị bóp nghẹt bởi những thách đố trong quá khứ.

Sự chúc phúc cho những năm tháng còn lại là khả năng nhận ra rằng cuộc đời này không buộc phải hoàn hảo, trở nên hoàn hảo, nó chỉ cần tha thứ và được thứ tha.

Nt. Anna Kim Anh, OP
Chuyển ngữ từ “Forgiveness” trong The Gift of Years, Joan Chittister, OSB pp. 189-200.

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...