TANG LỄ TRONG CÁC NỀN VĂN HÓA
Chết là quy luật của cuộc sống. Cùng là quy luật nhưng mỗi nơi, mỗi vùng, mỗi miền, và mỗi người lại có những cách hiểu khác nhau. Bối cảnh văn hóa và tín ngưỡng hình thành và quy định cách cử hành việc mai táng và an táng.
Châu Mỹ
Dù rằng việc thảo luận về sự chết được xem là một sự cấm kỵ, người Mỹ lại có những chuẩn bị về cách thức mai táng lại cho riêng mình. [1] Thí dụ, đương sự có thể ghi di nguyện, muốn được mai táng, hỏa táng, hoặc chôn cất thân thiện với môi trường (green burial). Nhìn chung, nghi thức an táng ở Châu lục này được cử hành theo các trình tự:
- Thăm viếng [a wake or viewing]: Thân nhân bạn bè người quá cố quy tụ để nhìn người quá cố lần cuối. Những khung hình, vật dụng, sở thích và thành tựu của người quá cố được trưng bày. Buổi thăm viếng này được thực hiện dưới dạng một một nghi thức cầu nguyện, mở đầu với việc trình bày sơ lược tiểu sử. Các câu chuyện về người quá cố được chia sẻ trong sự chân tình và trân trọng là một phần trong buổi cầu nguyện.
- Lễ an táng: thường được cử hành tại nhà thờ, nhà mai táng, hay thậm chí tại tư gia.
- Mai táng: Những người có quan hệ thân thiết sẽ di chuyển quan tài.
- Bữa ăn: Sau khi nghi thức mai táng hoàn tất, mọi người cùng trở về để ăn uống và gặp gỡ. Mọi người chuyện trò trong bầu khí rất nhẹ nhàng, và không muốm màu tang tóc. [2]
Tuy nhiên, các nghi thức có thể được thay đổi hay thêm vào tùy vào phong tục văn hóa vùng miền. Thí dụ:
- Ở New Orleans, âm điệu nhạc Jazz không thể thiếu trong các dịp lễ, kể cả tang lễ. Bắt đầu với những tiết tấu buồn, sau đó những âm điệu nhạc Jazz vui vẻ sẽ được cất lên, diễn tả nỗi buồn xen lẫn niềm tin vì tin rằng người quá cố đang đi đến một thế giới tốt đẹp. [3]
- Với người thổ dân Mỹ: Những tập tục mai tang lại đa dạng theo từng vùng miền và bộ tộc. Có những bộ tộc để xác người quá cố cho thú rừng, hay thả trôi vào các thuyền bè mai táng. Nơi khác lại để linh cữu vào các hang động, các khe đá, hoặc một ngôi mộ được trang hoàng lộng lẫy. Có bộ tộc thực hiện nghi thức mai táng và tái mai táng cho bộ xương khi huyệt mộ được đào lên sau một thời gian. Có bộ tộc bỏ lông thú và các vật dụng kèm theo vào quan tài. [4]
Trong khi đó, ở khu vực Trung Mỹ, dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, Tuần Cửu Nhật và Kinh Mân Côi lại là những phần không thể thiếu trong an tang. Ngoài ra, mỗi đất nước lại có thêm những phong tục và truyền thống riêng: [5]
- Ở Jamaica, sau nghi thức an táng, mọi người ăn uống và chơi Domino.
- Ở Haiti, tang quyến buộc phải khoác lên mình trang phục đen từ 6 tháng đến 1 năm. Phụ nữ có thai và trẻ em không được tham dự lễ an táng. Nếu là cái chết của trẻ em, màu đen không được sử dụng.
- Ở đảo Puerto Rico, bạn bè và thân quyến chịu trách nhiệm mang thức ăn đến cho tang quyến trong suốt thời gian tang chế.
- Ở đảo quốc Dominincan Republic, cửa chính của tang gia sẽ bị đóng và chỉ được mở ra vào ngày cuối của Tuần Cửu Nhật cầu nguyện. Vào dịp giỗ đầu, họ sẽ có 1 giờ cầu nguyện và đọc Kinh mân côi. Tivi và Radio vẫn không được mở.
- Ở Mexico cũng áp dụng phong tục làm Tuần Cửu Nhật đọc Kinh Mân Côi, ngoại trừ cái chết của trẻ em. Nếu người chết là người lớn, trang phục đi viếng xác là màu đen trong khi với trẻ em là màu trắng và hoa trắng. Mộ trẻ em sẽ có kẹo bánh, mộ người lớn thì có thức ăn, còn mộ người cao niên ngoài thức ăn sẽ có thêm nước và muối. Thêm vào đó, hằng năm, vào Ngày Của Người Chết, các phần mộ được lau rửa, dọn dẹp và trang hoàng lộng lẫy cùng với hoa vạn thọ, nến, và những món ăn mà người quá cố khi còn sống yêu thích. [6]
- Ở đảo Hondura, tang quyến sẽ gắn một cái dải lụa hay nơ đen cửa trước và cửa sau của ngôi nhà như là dấu chỉ của sự khóc thương.
- Ở Peru, họ hàng tang quyến có thể lưu lại với tang quyến khoảng 1 tuần. Ảnh tượng và chuỗi Mân côi là những vật lưu niệm dành cho khách đi viếng xác hay tham dự lễ an tang.
- Ở Colombia, thi thể của người quá cố sẽ được lưu trữ tại nhà 7 ngày. Tuần cửu nhật, và thánh lễ và dầu thánh không dành cho trẻ nhỏ.
Châu Âu
Màu đen là màu của tang tóc. [7]
- Ở Đức, những điều luật về tang lễ hay hỏa táng được đề ra và thực hiện cách nghiêm túc và trang trọng. Tro cốt cũng phải được chôn cất.
- Ở Albania, mai táng được cử hành tại tư gia hoặc một nhà hội nào đó. Nhạc dân gian là một phần không thể thiếu. Hỏa táng không được chấp thuận.
- Ở Ireland, nghi thức dành cho người chết kéo dài từ ngày này qua ngày khác trước khi linh cữu được mang đi mai táng. Các cửa sổ tại tang gia phải để mở. Người quá cố sẽ được liệm lại bộ trang phục đẹp nhất của mình. Các đồng hồ trong nhà sẽ ngưng lại vào giờ khắc người đó qua đời. Mọi tấm mành sẽ phải đóng lại, mọi tấm gương soi phải bị phủ kín. Khi thực hiện nghi thức di quan, đằng chân của người quá cố sẽ được di chuyển trước để linh hồn người chết không tìm được đường về nhà. [8]
Châu Á
Màu trắng là màu chủ đạo tuy nhiên màu đen và màu sắc tối có thể sử dụng. [9]
- Ở Nhật, hỏa táng là hình thức phổ biến. Sau khi thi hài được hỏa táng, người trong tang quyến sẽ trân trọng dùng đũa để gắp và truyền phần xương còn lại ra khỏi tro cốt để đặt vào bình đựng cốt. Bình cốt này có thể giữ tại tang gia trong vòng 49 ngày và sau đó được mang tới nghĩa trang. [10]
- Ở Mông Cổ và Tây Tạng, an táng dưới bầu trời [Sky burials] vẫn còn phổ biến. [13] Thi thể của người quá cố sẽ được cắt và đặt trên một đỉnh núi để dâng cho chim điêu. Người dân vùng này tin rằng, chim điêu, biểu tượng của thần linh- sẽ đưa linh hồn người quá cố về miền cực lạc hoặc bước vào sự đầu thai mới.
- Ở Ấn Độ, nghi thức hỏa táng sẽ được thực hiện với nghi thức Ấn Giáo. Sau khi được hỏa táng khoảng 12 tiếng, tang quyến sẽ đến nhận tro cốt .Vào ngày thứ 13 sau khi hỏa táng hoặc trước ngày cuối năm đó, tro cốt sẽ được rắc xuống một dòng sông hay một đại dương để linh hồn được tái sinh hay hòa cùng thần linh. [14]
- Ở Pakistan, nghi thức an táng mang đậm nét Hồi giáo. Mai táng được thực hiện cách nhanh gọn trong vòng một ngày. Thi thể và những người tham dự mai táng phải hướng về thánh địa Mecca. Thời gian tang chế là 40 ngày. Than khóc bày tỏ sự đau thương mất mát và sẻ chia giữa thân bằng quyến thuộc với tang gia. Quá đau đớn cùng than khóc dằn vặt sẽ bị coi là người mất lòng tin vào Đấng Allah. [15]
- Người Do Thái viếng và canh thức cùng thi thể cả ngày lẫn đêm cho tới khi được đem đi mai táng. Xé rách trang phục như là dấu hiệu của sự mất mát trong tang quyến. Sau khi mai táng, tang quyến sẽ than khóc trong vòng 7 ngày, và ngày thứ 7 là thời gian để tưởng nhớ những kỷ niệm tốt đẹp về người quá cố. Những người quen biết và bạn bè sẽ ghé thăm và mang thức ăn đến tang gia. [16]
Châu Úc
Giống như người dân Mỹ, phần lớn người dân Úc cũng lựa chọn chôn truyền thống hoặc thân thiện với môi trường hay thậm chí có những độc đáo riêng. Nghi thức an táng thường diễn ra trong khoảng một tuần. Hỏa táng là chọn lựa phổ biến. [17]
- Người thổ dân Úc có nghi thức an táng riêng. Nghi thức bắt đầu với việc cử hành khói [smoking ceremony] tại tang gia để đưa tiễn linh hồn ra khỏi nhà. Mọi chỗ của người quá cố ở sẽ được sơn bằng một màu vàng nâu và được cắm cờ tang. Thay vì tiếng than khóc của tang quyến, mọi người sẽ ăn uống, ca hát và nhảy múa. Tên hoặc các tranh ảnh của người quá cố là một cấm kỵ (vì họ cho rằng những thứ này sẽ làm phiền linh hồn người quá cố trên hành trình tái sinh). [18]
- Ở New Guinea, chồng/vợ khóc thương người bạn đời của mình hàng tháng qua việc tránh gặp mặt mọi người trong cộng đồng. Ở West Papua, với người thổ dân Dani, các thành viên thân thiết trong gia đình thường thực hiện nghi thức cắt cụt một đốt ngón tay hay một cái tai của để bày tỏ sự mất mát đau thương. Thêm vào đó, việc quẹt tro/bùn lên mặt vẫn được thực hiện. Các người phối ngẫu sẽ cởi bỏ tang phục sau buổi tiệc mãn tang để tái hội nhập với cộng đồng. [19]
- Ở New Zealand, linh cữu được đưa đi hỏa táng hoặc mai táng. Tùy theo từng gia đình, tro cốt có thể được giữ lại hoặc rắc đi. Nghi thức an táng có thể được thay đổi tùy nhu cầu, tôn giáo, và bộ tộc [20]
Châu Phi
Người dân Phi Châu tin rằng chết là cửa ngõ bước vào thế giới của tổ tiên. Chết không phải là hết. Chết là bước vào một thực tại khác. Tuy nhiên bàn luận về cái chết có thể là một điều cấm kỵ. Một quy trình chung cho các nghi thức an táng ở Châu lục này thường là: [21]
- Mọi tấm gương soi phải bị phủ kín, giường của người quá cố phải đưa đi, một trinh nữ phải hiện diện tại nhà hiếu.
- Chân của người quá cố được đưa ra khỏi nhà trước và phải di chuyển linh cữu tới cửa huyệt theo cách thức khó nhớ nhất để linh hồn người chết không nhớ đường quay về.
Bên cạnh đó, thời gian an táng và cách thức tổ chức lại tùy thuộc vào phong tục mỗi bộ tộc:
- Ở Ghana, nghi thức an táng có thể diễn ra trong vòng 7 ngày. Trang phục cho đám tang sẽ là áo choàng đỏ hoặc đen và đeo trang sức vàng. Một số gia đình sẽ thuê người khóc mướn. Nhảy múa, đánh trống theo sau linh cữu được xem là cách tang quyến và thân bằng quyến thuộc đồng hành với người chết bước vào thế giới khác. [22]
- Với người Luo ở Kenya, tiếng gào khóc của phụ nữ cùng tiếng trống là dấu hiệu cho biết một người mới qua đời. Phân chia tài sản là một trong những nghi thức sau cùng của nghi thức an táng. Vật dụng và quần áo được chia cho vợ và con gái. Đất đai và súc vật là phần cho các con trai. [23]
- Ở Nigeria, có những gia đình phải lùi đám tang cho thân nhân của mình một năm sau đó chỉ vì không lo nổi chi phí đám tang. Tang quyến phải lo chi phí cho tiệc rượu, đồng phục cho họ hàng và bằng hữu, cũng như các chi phí phát sinh bao gồm khoản tiền cho ca hát nhảy múa phục vụ cộng đồng. Thêm vào đó chi phí vận chuyển linh cữu về vùng đất của tổ tiên rất đắt đỏ vì xa. [24]
- Ở Nam Phi, trẻ em và người độc thân đôi khi không được tham dự lễ an táng. Thời gian để tang tối thiểu là 1 tuần sau lễ mai táng. Tang quyến không ra khỏi nhà, không nói cười lớn tiếng, mang trang phục đen. Các quả phụ để tang ít nhất là 1 năm. Những người tiếp xúc với người chết sẽ phải tham dự nghi thức thanh tẩy sau đó. [25]
Thay lời kết
Nhân loại, khi đối diện với các chết của người thân, không ai không cảm thấy mất mát, tiếc thương. Mỗi người lại có những cách than khóc riêng. Mỗi nơi lại có những truyền thống và phong tục riêng. Và mỗi tôn giáo lại chứa đựng một niềm hy vọng, một ước nguyện riêng khi tin vào một điều gì đó xảy ra đằng sau cái chết. Trong nền văn hóa nhiều màu sắc như Việt Nam, chắc chắn truyền thống tang lễ trong các dân tộc cũng biểu lộ điều đó.
Chết không phải là hết nhưng là cánh cổng cho những điều mới bao gồm trong tương quan của chúng ta với người đã khuất cũng như với những người còn sống. Đó là cơ hội của sự gặp gỡ, của tình thân, của tình bạn, và của tình làng nghĩa xóm. Trong niềm tin công giáo, chết là bước vào đời sống mới, là bước vào một thực tại mới, nơi mầu nhiệm hiệp thông liên đới cách sâu xa hơn. Đó là mầu nhiệm hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, mầu nhiệm hiệp thông giữa người còn sống và người đã qua đời, mầu nhiệm hiệp thông giữa các thánh- trong đó có tổ tiên chúng ta. Phải chăng niềm tin này giúp chúng ta thêm bình an trước cái chết của những người thân? Phải chăng khi ý thức về “xác loài người ngày sau sẽ sống lại” sẽ giúp ta thêm xác tín rằng sự sống đời này sẽ là khởi điểm cho đời sau, để rồi ta sống từng giây phút đời này ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn?
Nt. Anna Kim Anh, OP
Tham khảo
[1], [7], [9], [14], [17], [20] & [21] Gabrielle Applebury [Nd]. Different Cultural Beliefs on Death and Dying Practices. Love to Know. https://dying.lovetoknow.com/death-cultures-around-world/different-cultural-beliefs-death-dying-practices.
[2] The Funeral Source [2020]. “Funeral Traditions U.S Funeral Traditions.” https://thefuneralsource.org/trad01.html
[3] & [13] Kate Torgovnick May [2013]. Death is not the end: Fascinating funeral traditions from around the globe. Ideas.Ted. https://ideas.ted.com/11-fascinating-funeral-traditions-from-around-the-globe/
[5] Ivette Hidalgo, Dorothy Brooten, JoAnne M. Youngblut, Rosa Roche, Juanjuan Li, Ann Marie Hinds [2020]. Practices Following the death of a loved one reported by adults from 14 countries or cultural/ethic group. Nursing Open. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1002/nop2.646.
[6] Logan Ward [2017]. Top 10 things to know about the Day of the Dead. Nationalgeographic. https://www.nationalgeographic.com/travel/article/top-ten-day-of-dead-mexico
[8] Siead Murphy. Burial and Funeral Customs of Ireland. My Real Ireland. https://myrealireland.com/irish-knowledge/burial-and-funeral-customs-of-ireland/
[10] Naomi Starlight [2021]. Death and Funerals in Japanese Culture. Owlcation. https://owlcation.com/social-sciences/Death-and-Funerals-in-Japanese-Culture
[11] Cultural Spotlight [2019]. Chinese Funeral Traditions. Beyond the Dask. https://beyondthedash.com/blog/cultural-spotlight/chinese-funeral-traditions/6346
[12] Anne Tsang [2018]. Chinese Death Rites. Parramatta History and Heritage. https://historyandheritage.cityofparramatta.nsw.gov.au/blog/2019/03/02/chinese-death-rites
[13] Kate Torgovnick May [2013]. Death is not the end: Fascinating funeral traditions from around the globe. Ideas.Ted. https://ideas.ted.com/11-fascinating-funeral-traditions-from-around-the-globe/
[15] “Islamic Funeral Etiquette, Traditions, Rites, and More.” MemorialPlanning. https://www.memorialplanning.com/resources/religious-funerals-guide/islamic-funeral-guide
[16] Lisa Alcalay Klug. Jewish Funeral Customs: Saying Goodbye to a Loved One. Jewish Federation. https://www.jfedgmw.org/jewish-funeral-customs-saying-goodbye-to-a-loved-one/
[18] Jen Pianin [2017]. Aboriginal Mortuary Rituals. Anthropoligical Perspectives on Death. https://scholarblogs.emory.edu/gravematters/2017/04/18/aboriginal-mortuary-rituals/
[19] Frazer Consultants [2017]. Cultural Spotlight: Dani Funeral Traditions of Papua New Guinea. Frazer Consultants. https://www.frazerconsultants.com/2017/07/cultural-spotlight-dani-funeral-traditions-of-papua-new-guinea/
[22] Adamu, Zaina [2020]. Ghana’s lavish funerals can last up to seven days. Now, a centuries-old tradition has gone online. CNN. https://www.cnn.com/2020/04/08/world/africa/ghana-burial-traditions-intl/index.html
[23] Exploring Africa. The funeral rites of the Luo People. https://www.exploring-africa.com/en/kenya/luo-population/funeral-rites-luo-people
[24] Adaobi Tricia Nwaubani [2013]. Igbo burials: How Nigeria will bid farewell to Achebe. BBC. https://www.bbc.com/news/world-africa-22610497
[25] Jennyy Goldade [2017]. Cultural spotlight: South African Funeral traditions. Frazer Consultants. https://web.frazerconsultants.com/2017/01/cultural-spotlight-south-african-funeral-traditions/