Việc thành lập Gian hàng Đức tin (Faith Pavilion) tại Hội nghị COP28 là nỗ lực mới nhất của các tôn giáo trên thế giới không chỉ nhằm nâng cao tiếng nói của các nhà lãnh đạo tôn giáo về việc bảo vệ hành tinh, con người, và hệ sinh thái mà còn để đóng vai trò là địa điểm để các đại biểu quốc gia gặp gỡ các tổ chức dựa trên tín ngưỡng. Một cách cụ thể, trong suốt thời gian Hội nghị, Gian hàng Đức tin sẽ tổ chức 65 sự kiện với sự góp mặt của các diễn giả đến từ 54 quốc gia.
Vì Đức Thánh Cha Đức Phanxicô không thể tham dự Hội nghị COP28 như dự kiến, nên hôm mồng 03.12, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà thánh, đã thay mặt ngài tuyên đọc bài diễn văn chào mừng nhân dịp khai trương “Gian hàng Đức tin”. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN CHÀO MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN DỊP KHAI TRƯƠNG “GIAN HÀNG ĐỨC TIN” TẠI COP28
Expo City, Dubai
Chúa nhật, ngày mồng 03 tháng 12 năm 2023
Tôi được hân hạnh đọc bài Diễn văn Chào mừngcủa Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị cho dịp này:
Thưa Hoàng thân,
Thưa ngài Tổng thư ký,
Anh chị em thân mến!
Tôi gửi xin lời cảm ơn tới Tiến sĩ Ahmad Al-Tayyeb, Đại Imam của Al-Azhar, người đã đã bày tỏ sự gần gũi với tôi; tới Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, người mà tôi đã gặp năm trước; tới Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP); và tới tất cả các liên minh đã tổ chức và hỗ trợ Gian hàng Đức tin (Faith Pavilion) này. Đây là loại hình đầu tiên nằm ở trung tâm của COP, điều này cho thấy rằng mọi tín ngưỡng đích thực đều là nguồn gốc của sự gặp gỡ và hành động.
Trước hết là sự gặp gỡ. Điều quan trọng là phải nhận thức về chính mình, vượt lên trên những khác biệt, với tư cách là anh chị em trong gia đình nhân loại, và trên hết, là những người có niềm tin, đểi nhắc nhở bản thân và thế giới rằng, là những lữ hành trên trái đất này, chúng ta có nhiệm vụ phải bảo vệ ngôi nhà chung. Các tôn giáo, với tư cách là tiếng nói lương tâm của nhân loại, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những thụ tạo hữu hạn, sống trong nỗi khao khát cái vô hạn. Đúng vậy, chúng ta là phàm nhân, chúng ta có những giới hạn, và bảo vệ sự sống cũng có nghĩa là chống lại ảo tưởng tham lam về sức mạnh vô hạn đang tàn phá hành tinh. Lòng khao khát quyền lực vô độ đó trỗi dậy khi chúng ta tự cho mình là chủ nhân của thế giới, khi chúng ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và kết quả là chúng ta trở thành con mồi của những thứ chóng qua. Khi đó, thay vì làm chủ công nghệ, chúng ta lại để công nghệ thống trị mình. Chúng ta chỉ là hàng hoá, vô cảm, không có khả năng đau buồn và thương cảm, mà thu mình vào chính mình, đồng thời quay lưng lại với đạo đức và sự khôn ngoan, đến độ hủy diệt chính nguồn mạch sự sống. Đó là lý do tại sao vấn đề biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề tôn giáo: bởi vì gốc rễ của nó nằm ở giả định về khả năng tự cung tự cấp của thụ tạo. Tuy nhiên, “không có Đấng Tạo Hóa thì thụ tạo sẽ biến mất” (Hiến chế Gaudium et Spes, 36). Thay vào đó, mong sao Gian hàng này trở thành nơi gặp gỡ, và các tôn giáo luôn là “những nơi chào đón” minh chứng về nhu cầu của chúng ta về sự siêu việt, nói với thế giới về tình huynh đệ, sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, mà không biện minh cho việc ngược đãi thiên nhiên dù dưới bất cứ hình thức nào (x. Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống, Abu Dhabi, ngày 04. 02. 2019).
Điều này đưa chúng ta đến chủ đề trung tâm khác của Gian hàng và của mọi tín ngưỡng: hành động. Hành động vì môi trường là điều cấp bách, nhưng chỉ sử dụng nhiều nguồn lực kinh tế hơn thì chưa đủ: Cần phải thay đổi lối sống và do đó, cần phải giáo dục lối sống tiết độ và huynh đệ. Đây là một nghĩa vụ thiết yếu đối với các tôn giáo, vốn cũng được mời gọi dạy về chiêm niệm, bởi vì công trình sáng tạo không chỉ là một hệ sinh thái cần được bảo tồn mà còn là một món quà cần được đón nhận. Một thế giới nghèo nàn về chiêm niệm sẽ là một thế giới bị ô nhiễm trong tâm hồn, sẽ tiếp tục chối bỏ con người và tạo ra rác thải. Một thế giới thiếu cầu nguyện sẽ nói nhiều lời nhưng thiếu lòng trắc ẩn và nước mắt, sẽ chỉ sống nhờ chủ nghĩa duy vật làm bằng tiền bạc và vũ khí.
Về vấn đề này, chúng ta biết hòa bình và việc quản lý công trình sáng tạo phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Mọi người đều chứng kiến chiến tranh và xung đột gây tổn hại đến môi trường và chia rẽ các quốc gia ra sao, ngăn cản sự cam kết chung đối với các vấn đề chung, như bảo vệ hành tinh chẳng hạn. Thật vậy, một ngôi nhà chỉ có thể chung sống được nếu bên trong có được bầu khí hòa bình. Đối với trái đất của chúng ta cũng vậy, chính nơi mảnh đất dường như hòa với tiếng kêu khóc của trẻ em và người nghèo để tạo nên một lời cầu xin duy nhất về hoà bình thấu tới trời cao. Bảo vệ hòa bình cũng là nhiệm vụ của các tôn giáo. Xin đừng có sự mâu thuẫn về điều này. Mong sao hành động của chúng ta không mâu thuẫn với những lời chúng ta nói; Mong sao chúng ta không chỉ nói về hòa bình, mà còn có lập trường chống lại những người tự cho mình là tín hữu nhưng lại kích động hận thù và không chống lại bạo lực. Tôi nhớ đến những lời của Thánh Phanxicô Assisi: “Khi bạn rao giảng về sự bình an trên môi miệng, hãy chắc chắn rằng bạn có một sự bình an dồi dào hơn trong tâm hồn” (The Legend of the Three Companions, XIV, 5: FF 1469). Anh chị em thân mến, xin Đấng Tối Cao chúc lành cho tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể cùng nhau trở thành những người xây dựng hòa bình và bảo vệ công trình sáng tạo. Cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP