ĐỨC HỒNG Y JEAN-CLAUDE HOLLERICH:
NGƯỜI ĐIỀU PHỐI THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỚI SỰ HOÀ NHÃ
Lm. Thomas Reese, SJ
*
Một số nhà bình luận Công giáo bảo thủ tin rằng Thượng hội đồng về hiệp hành đang bị điều khiển bởi một nhóm gồm các quan chức và nhà thần học cấp tiến của Giáo hội. Có thể thấy sự ngớ ngẩn của thuyết âm mưu này bằng cách quan sát cách thức nhẹ nhàng mà Đức Hồng Y (ĐHY) Jean-Claude Hollerich đã hướng dẫn công việc của Thượng Hội đồng với tư cách là “Tường trình viên” hoặc người điều phối Thượng Hội đồng do Đức Thánh Cha bổ nhiệm.
Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập Thượng Hội đồng nhằm giúp vượt thắng sự chia rẽ trong Giáo hội qua việc cầu nguyện, đối thoại, và phân định. Khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng đang diễn ra trong tháng 10 này. Khoá họp thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 10. 2024.
Là Tổng giám mục của Luxembourg, ĐHY Hollerich, 65 tuổi, được một nhà quan sát mô tả là một “con gấu bông vĩ đại”. Trước khi được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục vào năm 2011, ngài là nhà truyền giáo Dòng Tên tại Nhật Bản. Với tư cách là Tổng tường trình viên, ngài kêu gọi các thành viên Thượng Hội đồng đón nhận tiến trình này. Ngài đặt ra câu hỏi nhưng không bao giờ áp đặt câu trả lời.
Khi chào đón các thành viên Thượng Hội đồng về chỗ ngồi cho buổi họp, ĐHY nhắc rằng: “Chúng ta không ngồi theo phẩm trật mà ngồi tại các bàn tròn, đây là một cách để khuyến khích sự chia sẻ chân thành và sự phân định đích thực”. Với ĐHY, điều này “phản ánh trải nghiệm của dân Chúa dọc theo lộ trình hiệp hành đã khởi sự vào năm 2021”.
Thượng Hội đồng lần này, có sự tham dự của cả nam và nữ giáo dân, nên rất khác biệt so với các Thượng Hội đồng trước đây vốn chỉ bao gồm các Giám mục.
Theo ĐHY, “Không ai trong chúng ta là ngôi sao trong Thượng Hội đồng này. Trái lại, Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của Thượng Hội đồng. Chỉ với một tâm hồn hoàn toàn rộng mở trước sự hướng dẫn của Thánh Thần, chúng ta mới có thể đáp lại lời kêu gọi mà chúng ta đã nhận được với tư cách là thành viên Thượng Hội đồng”.
Ngài mô tả Giáo hội là “dân Chúa đang bước đi trong lịch sử, với Đức Kitô ở giữa”, điều này không loại trừ những bất đồng trong đám đông này.
ĐHY giải thích: “Việc có một nhóm đi bên phải, một nhóm khác đi bên trái của Đức Kitô, trong khi một số chạy trước và một số khác tụt lại đàng sau là điều bình thường. Khi mỗi nhóm này nhìn lên Đức Kitô, Chúa chúng ta, họ không thể không nhìn thấy nhóm đối diện với mình: những người đi bên phải sẽ thấy những người đi bên trái, những người chạy trước sẽ thấy những người tụt lại phía sau. Nói cách khác, những người trong lộ trình được gọi là cấp tiến không thể nhìn vào Đức Kitô mà không nhìn thấy những người được gọi là bảo thủ đang đi bên cạnh Người, và ngược lại. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nhóm mà chúng ta dường như thuộc về mà là bước đi với Đức Kitô trong Giáo hội của Người”.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thảo luận nhóm nhỏ trong tiến trình Thượng Hội đồng. Việc đối thoại trong Thánh Thần “cho phép mọi người bày tỏ quan điểm, tăng cường sự hòa hợp mà không xao lãng đối với những khác biệt, nhưng trên hết là ngăn cản sự phân cực và bút chiến”.
Việc đối thoại này “nhằm mục đích xây dựng sự đồng thuận mà không chia rẽ thành các phe phái hoặc tạo ra sự đồng nhất”.
Là người chịu trách nhiệm giới thiệu từng Module trong số 4 Module và các chủ đề được liệt kê trong Tài liệu làm việc hoặc các Phiếu làm việc để thảo luận trong các nhóm nhỏ, ĐHY nhắc các tham dự viên rằng, Trong Thượng Hội đồng, không nên có “cuộc chiến giữa vị trí A và B, nhưng qua sự phân định chân thành, Chúa Thánh Thần mở tâm trí chúng ta đến những vị trí mới, bỏ A và B lại phía sau!”
Các cuộc đối thoại trong các nhóm nhỏ bắt đầu với việc mỗi người có 4 phút để truyền đạt những gì quan trọng nhất đối với mình. Sau đó, các nhóm nhỏ tiếp tục cuộc đối thoại và phân định của nhóm mình.
Cuối cùng, mỗi nhóm soạn thảo một báo cáo dài 2 trang về mỗi Module, trong đó trình bày những điểm đồng nhất và khác biệt, những căng thẳng nổi lên cũng như những vấn đề còn bỏ ngỏ. Bản dự thảo đầu tiên của mỗi báo cáo được trình bày tại phiên họp chung, sau đó mỗi nhóm sẽ hoàn thiện báo cáo của mình sau khi nghe những gì đã được phát biểu trong Đại hội.
Sau đó, những báo cáo của nhóm nhỏ này sẽ được sử dụng để soạn thảo một báo cáo tổng hợp của Thượng Hội đồng.
Đối với Module thứ nhất, ĐHY đề nghị các nhóm nhỏ kết nối lại với trải nghiệm “hành trình cùng nhau” của dân Chúa trong 2 năm thỉnh vấn diễn ra tại các giáo xứ, giáo phận, và quốc gia của mình. Ngài giải thích:
“Mỗi chúng ta được mời để chọn điều gì có vẻ quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất, điều gì cảm thấy hiện lên mạnh mẽ nhất trong trí nhớ. Suy tư của chúng ta không nên mang hình thức một chuyên luận thần học hoặc xã hội học. Chúng ta cần bắt đầu từ những trải nghiệm cụ thể, những kinh nghiệm cá nhân, và trên hết là những kinh nghiệm hiệp đoàn của dân Chúa đã nói lên qua giai đoạn lắng nghe”.
Theo ĐHY, việc lắng nghe những cuộc đối thoại trong Thánh Thần giúp “xây dựng sự hiệp thông và mang lại động lực truyền giáo”.
Khi giới thiệu Module thứ hai về “Sự hiệp thông”, ĐHY đề nghị các thành viên “trước hết tập trung vào tiêu đề 'Một sự hiệp thông tỏa sáng', thậm chí hơn thế nữa là tập trung vào câu hỏi liền ngay đó: ‘Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại một cách trọn vẹn hơn?’”
Ngài cũng lưu ý rằng: “Trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã mở rộng sự hiệp thông này với tất cả mọi tội nhân. Chúng ta có sẵn sàng làm điều tương tự không? Chúng ta có sẵn sàng làm điều này với những nhóm có thể khiến chúng ta khó chịu vì cách sống của họ dường như đe dọa căn tính của chúng ta không?”
Mỗi Module có 5 Phiếu làm việc để khuyến khích cuộc đối thoại và mỗi nhóm trong số 35 nhóm nhỏ sẽ thảo luận về 1 Phiếu làm việc. Một số nhà phê bình phàn nàn rằng điều này khiến các tham dự viên Thượng Hội đồng không thể thảo luận về tất cả các chủ đề. Nhưng thực ra, các tham dự viên đã được thăm dò ý kiến về sở thích của mình và hầu hết mỗi người đều thuộc nhóm nhỏ được giao Phiếu làm việc mà họ yêu cầu. Ngoài ra, trong các buổi họp chung hoặc các phiên họp khoáng đại của Thượng Hội đồng, luôn có thời gian dành cho những đóng góp ý kiến cá nhân về bất cứ chủ đề nào.
Khi giới thiệu Module thứ ba về “Đồng trách nhiệm trong sứ mạng”, ĐHY nhắc nhở tham dự viên: “Chúng ta là thành phần của cùng một Giáo hội, và chúng ta chia sẻ cùng một sứ mạng: loan báo cho thế giới Tin Mừng Phúc âm, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại, và thực ra là đối với mọi thụ tạo”. Câu hỏi được đặt ra cho Thượng Hội đồng trong Module này là: “Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân ban và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng?”
ĐHY nói về sự hiệp thông (chủ đề của Module thứ hai) và sứ vụ (Module thứ ba) có mối liên hệ với nhau ra sao:
Sự hiệp thông không khép kín trong chính mình nhưng được thấm nhuần bởi động lực hướng tới sứ mạng; đồng thời, mục đích của sứ mạng chính là mở rộng phạm vi hiệp thông, cho phép ngày càng nhiều người gặp gỡ Chúa và đón nhận lời mời gọi trở thành một phần của Dân Ngài”.
Theo ĐHY, sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, vốn bao gồm “sự cam kết hướng tới một hệ sinh thái toàn diện, đấu tranh cho công lý và hòa bình, ưu tiên lựa chọn người nghèo và các vùng ngoại biên, cũng như sẵn sàng cởi mở để gặp gỡ mọi người”.
Module này cũng đặt ra câu hỏi: “Bằng cách nào chúng ta có thể đảm bảo rằng phụ nữ cảm thấy họ là một phần không thể thiếu của Giáo hội thừa sai này?”
Module thứ tư đề cập đến “Tham gia, quản trị, và quyền bính: Những tiến trình, cấu trúc và cơ chế nào được cần đến trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?”
ĐHY khẳng định: “Tư cách môn đệ thừa sai hay đồng trách nhiệm không chỉ là những khẩu hiệu, nhưng còn là một lời kêu gọi mà chúng ta chỉ có thể cùng nhau thực hiện, với sự hỗ trợ của những tiến trình, cấu trúc, và thể chế cụ thể thực sự hoạt động theo tinh thần hiệp hành”. Điều này có thể tác động đến đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ.
Ở phần này, ĐHY lưu ý về sự nguy hiểm của giáo sĩ trị. Ngài lập luận rằng:
“Nơi nào giáo sĩ trị ngự trị, nơi đó có một Giáo hội không chuyển động, một Giáo hội không có sứ mạng. Giáo sĩ trị có thể ảnh hưởng đến hàng giáo sĩ và thậm chí đến cả giáo dân, khi họ tuyên bố sẽ nắm giữ trách nhiệm mãi mãi. Những người theo giáo sĩ trị chỉ muốn duy trì ‘status quo’ (hiện trạng như trước), bởi vì chỉ có ‘status quo’ mới củng cố quyền lực của họ. Nhiệm vụ …. bất khả thi!”
Thay vào đó, thách đố là đem tính hiệp hành qua các cuộc đối thoại trong Thánh Thần và sự phân định đến các cơ cấu giáo hội địa phương.
Với tư cách là thành viên của Ủy ban Soạn thảo báo cáo cuối cùng, ĐHY chắc chắn sẽ có ảnh hưởng cách nào đó, nhưng bản báo cáo này sẽ phải được toàn thể Thượng Hội đồng xem xét và thông qua. Ít có khả năng báo cáo này sẽ đưa ra khuyến nghị cuối cùng về các nội dung gây tranh cãi. Đúng hơn là nó sẽ tạo tiền đề cho những cuộc thảo luận sâu hơn trong các Giáo hội địa phương.
ĐHY hy vọng rằng Thượng Hội đồng “có thể phát triển một lộ trình cho năm tới” về việc thỉnh vấn toàn cầu trước Khoá họp tiếp theo của Thượng Hội đồng vào tháng 10. 2024. “Lý tưởng là lộ trình này sẽ chỉ ra nơi chúng ta cảm thấy đã đạt được sự đồng thuận giữa chúng tôi và trên hết là trong dân Chúa, đặt ra những bước thực hiện khả thi nhằm đáp lại tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng cũng nên cho biết chỗ nào cần suy tư sâu hơn và điều gì có thể giúp ích cho quá trình suy tư đó”.
Thật khó hiểu là làm thế nào mà những người chỉ trích tiến trình Thượng Hội đồng lại có thể nhìn thấy nơi ĐHY Hollerich một nhân vật Machiavelli [1] đang cố gắng lèo lái Thượng Hội đồng. Thực ra, tiến trình hiệp hành này mang lại nhiều cơ hội cho các tham dự viên được lên tiếng và bày tỏ quan điểm của mình. Với tư cách là người điều phối Thượng Hội đồng, ĐHY Hollerich đã rất ôn hòa.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
[1] Machiavelli là một nhân vật đầy tham vọng, xảo quyệt, mưu mô và vô đạo đức trong tác phẩm Vị Quân vương (The Prince), được viết vào năm 1513, của tác giả Niccolo Machiavelli, một triết gia, một nhà văn, và một nhà ngoại giao nổi tiếng người Ý vào thời Phục hưng.