daminhthanhtam.com

Khó nghèo trong thế giới hôm nay

17.07.2024 Thần học

 

Dẫn Nhập

Trong bất cứ xã hội nào, vấn đề kinh tế, tài chánh, vật chất… vẫn là vấn đề con người quan tâm vào bậc nhất. Điều đó càng đúng hơn trong xã hội hôm nay.

Thật vậy, cứ nhìn vào nhịp sống của con người trong xã hội hôm nay, sự tiến triển về khoa học, tri thức, kinh tế làm cho cuộc sống càng ngày càng dồn dập: những xí nghiệp, nhà máy, cơ sở kinh doanh… mọc lên như nấm. Một cuộc sống cứ phải chạy mãi “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, cốt làm sao để kiếm ra thật nhiều tiền mà trang trải cho việc mua sắm, giải quyết vấn đề lương thực, để tích luỹ của cải cho mình, cho con cháu… và hơn thế nữa, người ta còn mong muốn một cuộc sống sung túc, tiện nghi đầy đủ, địa vị và quyền bính.

Giữa một dòng chảy của xã hội tiêu thụ như thế, vậy mà vẫn tồn tại một nếp sống có vẻ nghịch lý với phong trào chung của con người thời đại. Đó là những con người tình nguyện chọn nếp sống nghèo. Vậy đâu là nét đẹp chính yếu để nếp sống này vẫn tồn tại?

I. Nền Tảng Và Bản Chất Khó Nghèo

1. Khó Nghèo Theo Kinh Thánh

CỰU ƯỚC: Khi đất nước Palestine được thiết lập, cuộc sống dân Chúa được ổn định. Nhờ ơn Chúa và tài năng của mình, dân bắt đầu phát triển ngành nông nghiệp. Đất đai trù phú, hoa màu tươi tốt và tất nhiên có nhiều của cải hơn, từ lúc ấy dân bắt đầu gắn bó với của cải, bỏ Chúa để thờ các thần. Ngôn sứ Hôsê đã ghi lại “Dân Israel nói: tôi đã chạy theo những tình lang của tôi, để họ cho tôi bánh ăn, nước uống, vải len, rượu dầu…” (Os 2, 7). Và các tiên tri sống trong bối cảnh ấy cũng đã chống lại tinh thần đó bằng cách luôn đề cao sự khó nghèo, sự lệ thuộc vào Thiên Chúa mà Isaia nói: “Khốn cho những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia, thêm ruộng này đến ruộng khác…” (Is 5, 8) và Jeremia cũng nói: “Kẻ khó nghèo được chúc lành”. Như thế, một cách nào đó cho ta thấy Thiên Chúa đã gay gắt cảnh cáo những người giàu có, Ngài không chấp nhận sự bất công của họ đối với sự nghèo nàn của anh em mình (Is 4, 14-15; 10, 1-2; Am 2, 6-7). Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn hứa sẽ bênh vực những người nghèo, sẽ tái lập sự công bình, loan báo một thời điểm của Đấng Cứu Thế sẽ đến giải thoát con người khỏi cảnh lầm than (Cf. Is, 35, 3-10).

TÂN ƯỚC: Khi lần giở lại Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đến, Ngài thực sự làm cho lời tiên báo ấy trở thành hiện thực. Ngài đã sống khó nghèo một cách tuyệt hảo. Sinh ra không một mái nhà và chết đi trong trần trụi. Đời sống nghèo ấy không phải để ủng hộ sự bần cùng hóa xã hội hay có ý khinh chê của cải trần thế mà chính là để diễn tả một chân lý cao sâu: “Lương thực của tôi là làm theo ý Cha tôi” (Ga 4, 34). Ngài còn tiếp tục mời gọi một số người tham gia nếp sống nghèo ấy, bằng việc sống đơn giản để có thể nhìn thế giới một cách khác và qua đó có thể nắm bắt được đôi nét Thiên Chúa Yêu Thương[1].

Như vậy, khi bàn về giá trị của lời khấn khó nghèo, Kinh thánh không chủ trương bần cùng hoá xã hội. Vì ý định của Thiên Chúa muốn cho con người sống hạnh phúc, muốn cho con người liên đới với nhau bằng cách nhường cơm sẻ áo cho nhau. Chính vì thế, giá trị sự khó nghèo đích thực phải hiểu trong tinh thần như Matthew đã chú giải ở mối phúc thứ nhất là khước từ của cải thế gian để thiết lập một tinh thần “khiêm nhu trong lòng[2].

2. Khó Nghèo Theo Công Đồng Vatican II:

Nền tảng Kinh thánh đã cho chúng ta thấy giá trị của sự khó nghèo hệ tại ở chỗ chính Đức Giêsu đã sống. Song người tu sĩ cũng được mời gọi “bước theo Đức Kitô” để hoạ lại cuộc sống của Ngài.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến có nói: “Đức khó nghèo theo Tin Mừng tự nó đã là một giá trị rồi, vì nhắc đến mối phúc đầu tiên theo gương Đức Giêsu khó nghèo. Do đó, ý nghĩa tiên khởi của khó nghèo là làm chứng cho ‘Thiên Chúa kho tàng đích thực của trái tim con người’[3].

Hơn nữa, việc sống khó nghèo của người tu sĩ hôm nay còn là một dấu chứng rất được chú ý nhất là trong xã hội tiêu thụ. Với sự chú ý ấy Công đồng cũng nhắn nhủ người tu sĩ trong thời đại không ngừng trau dồi để biểu lộ sự “khó nghèo ấy bằng những hình thức mới[4]”.

Như thế, mặt tích cực của đức khó nghèo là một hiến dâng, hay nói cách khác đức khó nghèo của người tu sĩ là phục vụ cho đức ái. Vì người tu sĩ không tìm kiếm những của cải mà là trao hiến để phục vụ Đức Giêsu qua anh em đồng loại[5].

Có lẽ chính trong cái nhìn tích cực này, mà các nhà tu đức của Công đồng Vatican II không ngần ngại trích đoạn Pl 2,7 khi nói Mầu Nhiệm Nhập Thể. Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Đức Giêsu đã muốn nêu gương cho ta về việc tự trở nên trống rỗng. Sự trống rỗng này quá đặc biệt đến nổi Thánh Phalô đã dùng từ “kenosis” (tự hủy); kenosis là gì nếu không phải là “trút bỏ mọi vinh quang của thần tính” và “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2, 7).

II. Khó Nghèo Tin Mừng Được Hiểu Và Sống Thế Nào Trong Thời Đại Hôm Nay:

Xã hội Việt Nam trong những năm gần đây đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo lên hàng đầu, vì sự nghèo đói là một thảm hoạ đang đè nặng trên con người thời đại. Vậy tại sao Tin Mừng đề cao sự khó nghèo? Phải chăng khía cạnh khó nghèo mà Tin Mừng muốn trao gửi chúng ta không ngừng khám phá để có thể hiểu khó nghèo theo một nghĩa khác sâu xa hơn.

1. Sống Khó Nghèo để loan báo thời cánh chung:

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đặt việc chiếm hưởng Nước Trời (như kho báu) làm mục tiêu cho sự khó nghèo “anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10, 21). Khi người tu sĩ sống khó nghèo là một cách họ “tạm ứng” trứơc phần tài sản vào kho tàng họ được thu phục “vì kho tàng ở đâu thì lòng ở đó”(Mt 6, 21). Hay nói cách khác, chính đời sống không bám víu của cải của người tu sĩ như là một lời vang vọng cho con người hôm nay “chúng tôi đã được chính Chúa” và “Ngài chính là gia nghiệp và kho tàng của đời tôi” (Cf. TV 15). Một đời sống vô chấp vô trước với mọi của cải là cách người tu sĩ “nắm bắt” một kho tàng vĩnh hằng, dù bây giờ chưa rõ ràng[6].

Mặt khác, người tu sĩ sống nghèo còn cho thấy một sự dấn thân vào thế giới tục hoá duy vật để làm chứng cho một Đức Kitô trần trụi và tự huỷ, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”, điều đó cho thế gian thấy rằng “Trên đời này chúng ta không có thành trì nào vững chắc” (Hs 3, 4) và rồi bộ mặt thế giới này sẽ qua đi, chỉ có một kho tàng trường tồn đó chính là Thiên Chúa, là vâng nghe Lời Người[7].

2. Người Tu Sĩ Sống Nghèo Để Chia Sẻ:

Vì ý thức mình tình nguyện “sát tế” theo Đức Giêsu, nên người tu sĩ cũng sẵn sàng chia sẻ cho người khác bằng nhiều cách: của cải, tinh thần và những ưu tư khoắc khoải của tha nhân. Việc đón nhận và chia sẻ cho người khác là một bổn phận và là một trách nhiệm. Thực ra, cái nghèo mà người tu sĩ sống là cách biết dùng của cải đời này một cách khôn ngoan, nghĩa là của cải đối với người tu sĩ chỉ là tên đầy tớ tốt trong vai trò phục vụ, để thuận lợi hơn cho người tu sĩ trong cuộc sống làm chứng tá cho Tin Mừng của Đức Giêsu, để cũng nhờ đó mà hướng đến Caritas, tức là chính sự sống của Thiên Chúa[8].

Như thế, khi sống lời khấn này, người tu sĩ ý thức rằng cuộc sống của mình chính là góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, để chia sẻ, cảm thông và hội nhập giữa cái tôi trong cái chúng tôi trong những bất hạnh của cuộc sống.

3. Khó Nghèo Còn Có Giá Trị Huấn Luyện Người Tu Sĩ:

a. Trong Đời Sống Thiêng Liêng:

L.De Candido nhận định: “Người tu sĩ sống nghèo theo gương Chúa Giêsu là người luôn luôn ở trong tư thế chờ đợi, Chấp Nhận và Cầu Nguyện”, điều này cũng có nghĩa là người tu sĩ có tinh thần nghèo khó là người dễ dàng chấp nhận Thánh Ý Chúa, chấp nhận cái tôi hữu hạn thụ tạo hèn yếu bất toàn và chấp nhận tha nhân như họ là. Như thế chính sự nghèo ấy đào luyện người tu sĩ sống an bình, cảm thông và sẵn sàng hợp tác. Song người tu sĩ ấy cũng là người luôn cầu nguyện, vì chẳng ai mở miệng kêu cầu, một khi chưa cảm thấy mình thiếu … mà lời cầu nguyện sẽ thành khẩn biết bao, nếu nó phát xuất từ một con tim khát mong tình thương như một Ông Gióp hay như một Ngôn Sứ Giêrêmia.

Quả thực, chỉ khi người ta cảm thấy sẽ mất tất cả, thì lại là lúc ta cần phải đặt niềm tin cách triệt để ở Đấng ta tôn thờ.

b. Trong Đời Sống Nhân Bản:

Một tác giả cho rằng: “Sở dĩ người tu sĩ sống nghèo là để dấn thân hơn trong cuộc sống làm người của mình”[9], nghĩa là người tu sĩ sống khó nghèo là người luyện để có khả năng làm chủ bản năng muốn chiếm hữu, nói cách khác là người biết điều khiển quyền sở hữu cách khôn ngoan; vì ý thức con người mang bản chất “xã hội tính”, do đó cuộc sống của mỗi người có mắc míu, liên lụy với mọi người, mọi nơi và mọi thời. Mặt khác, tinh thần khó nghèo ấy còn giúp cho người tu sĩ có một tấm lòng biết ơn sâu xa khi sử dụng của cải, dù là những vật dụng phục vụ cho sự sống còn của bản thân (cơm ăn, nước uống, áo, quần …). Có lẽ từ hiểu biết ấy người tu sĩ cũng không ngừng khám phá những “nguồn tài nguyên” đang ẩn tàng trong cuộc sống của chính bản thân, trong cộng đoàn, trong việc bổn phận, trong môi trường sống … Đó chẳng phải là một dấn thân cho ra người hơn và cho con người hơn sao? Như thế, giá trị nhân bản của nghèo khó mà người tu sĩ chân nhận là đón nhận nó trong thái độ tự trọng.

Thay Lời Kết

Cuộc đời của người tu sĩ là bước theo Đức Kitô và đi trên con đường Ngài đã đi. Vì thế lời mời gọi của Đức Kitô không chỉ vang vọng trong tâm hồn người tu sĩ trong những nghi lễ phụng vụ nghiêm trang sốt sắng, nhưng còn trong chính cuộc sống thường nhật của mình (cơm, áo, gạo, tiền…). Ở đó Đức Kitô cũng không ngừng cật vấn niềm Tin – Cậy - Mến của chúng ta. Ý thức thế để không ngừng cộng tác với Ân Sủng, với Chúa Thánh Thần để sống trong sự tỉnh thức bằng cách dấn thân phục vụ, và để yêu thương anh em đồng loại. Cái nghèo không phải là một cứu cánh, nó chỉ có giá trị khi là dấu chỉ, là chứng tá của một Tình Yêu luôn luôn muốn chia sẻ. Song việc khó nghèo trong tinh thần và vật chất cũng là một yếu tố cần thiết trong một cộng đoàn tu trì, một cộng đoàn huynh đệ mà mọi sự làm của chung. Thánh Phaolô cho thấy rằng: cái nghèo của Đức Giêsu không chỉ từ bỏ quyền lợi cá nhân, mà từ bỏ cả những uy quyền của địa vị Thiên Chúa, trở nên nghèo để sống trong thế gian (Cf. Pl 2, 6-8). Đây chính là động lực, là nét đẹp làm cho nếp sống nghèo mãi tồn tại và không ngừng phát triển, và cho đến hôm nay vẫn là một lối đi mà chúng ta cần đào sâu mỗi ngày để xác tín một lời mời gọi khẩn thiết cho nguời tu sĩ trên bước đường theo Chúa.

Chúng ta đang sống trong ngàn năm thứ III, ngàn năm phát triển về nhiều phương diện, kéo theo là hố sâu ngăn cách giữa con người với con người ngày một lớn. Là những người dấn thân trong bước đường theo sát Đức Kitô, thiết nghĩ mỗi người chúng ta phải khiêm tốn đặt mình trứơc mặt Chúa để tự hỏi về trách nhiệm của mình trong những nỗi đau khổ của con người thời đại. Đối với vấn đề lớn về đau khổ của con người hôm nay mà chúng ta chỉ phản ứng bằng thái độ phản loạn hay chỉ là chia sẻ một chút vật chất thì e rằng chưa đủ!

Một lần tìm hiểu là một lần tập sống và cũng là một lần hoán cải, và có lẽ cuộc hoán cải nào (cá nhân hay tập thể) cũng đều mong đạt đến một cuộc sống có tính vượt qua và cánh chung trong chính đời tạm này. Chỉ có đời sống đức tin mới soi sáng mầu nhiệm đau khổ và luồng khí của hy vọng là sức mạnh của Đức Ái vàø sau cùng chỉ có Tình Thương mới có thể trở nên đòn bẩy nâng thế giới lên[10]. Vì tình thương là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người sống trên hành tinh này được hưởng nên phải chung tay góp sức gầy dựng. Hơn thế nữa, tình thương chính là quà tặng mà Chúa ban cho nhân loại “Ta đến là để cho chúng được sống dồi dào” (Yn 10,10).

 

Nt. Isave Phi Long

 

Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...