Ngày 22 tháng 10
THÁNH GIOAN PHAOLÔ II GIÁO HOÀNG
(1920 – 2005)
Vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công Giáo sinh ngày 18/ 5/ 1920 tại Wadowice, Ba Lan, có tên Karol Wojtyła và là người con út trong gia đình có 3 người con. Ngoài việc mất người chị trước khi được sinh ra, Karol lần lượt trải nghiệm sự mất người thân, khi thân mẫu qua đời khi cậu lên 9, người anh cả là bác sĩ qua đời khi cậu 12 tuổi và thân sinh là một sĩ quan quân đội qua đời khi cậu 21 tuổi.
Sau khi học hết chương trình trung học, Karol tiếp tục học Đại học và trở thành một sinh viên triết lý và văn chương rất xuất sắc, vừa đồng thời theo học thêm ngành kịch nghệ. Tuy nhiên, trường bị quân xâm lược Naziste đóng cửa vào năm 1939. Karol làm việc (1940-1944) trong một hầm mỏ, và sau đó, trong một nhà máy hóa chất Solvay để kiếm sống.
Từ năm 1942, cảm thấy mình có ơn gọi làm linh mục, Karol bắt đầu âm thầm theo học Đại Chủng viện tại Cracovia và được chịu chức linh mục tại Cracovia vào ngày 11/ 11/ 1946. Năm 1948, cha Karo đậu tiến sĩ thần học tại Roma. Sau đó, cha lần lượt được bổ nhiệm làm cha phó tại một giáo xứ, rồi về làm việc tại một trường Ðại học và giáo sư thần học luân lý và luân lý xã hội tại Ðại chủng viện.
Vào ngày 04/ 7/ 1958, Đức Piô XII bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá giáo phận Kraków khi mới 38 tuổi.
Ngày 26/ 6/ 1967, Đức Phaolô VI đề cử ngài lên tước vị Hồng y.
Ngài tham dự Công đồng Vaticano II (1962-1965) và có đóng góp quan trọng trong việc soạn thảo Hiến chế Gaudium et Spes.
Ngày 16.10.1978, ngài được bầu làm Giáo hoàng với tước hiệu Gioan-Phaolô II, và chọn khẩu hiệu “Totus Tuus” (Tất cả của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ)
Ngoài việc là người có tài năng xuất chúng, khi từng là một vận động viên, một diễn viên, một nhà soạn kịch và một nhà ngôn ngữ học, ngài còn biết 11 ngôn ngữ, trong đó thông thạo 8 ngôn ngữ bao gồm: Anh, Pháp, Đức, Italia,…
Đức Gioan-Phaolô II được coi là “Giáo Hoàng của những kỷ lục”: kỷ lục công du, kỷ lục phong thánh, kỷ lục gặp gỡ, kỷ lục diễn văn... Những kỷ lục này trước hết là kết quả của lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và bí tích Giải tội. Khi viết về những giáo huấn liên quan đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh Thể, gần giống như Thánh Thomas Aquino dựa đầu vào Nhà Tạm trước khi nói về Thánh Thể.
Đặc biệt Đức Gioan-Phaolô II cũng là “Giáo hoàng của Đức Mẹ”. Ngài trung thành lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Nhất là qua biến cố ngài bị ám sát vào ngày 13/ 5/ 1981 và sống sót cách lạ lùng mà sau này, chính ngài nhìn nhận đó là do “bàn tay” của Mẹ Maria. Để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ che chở, đúng một năm sau, ngày 13/ 5/ 1982, đích thân ngài đã gắn viên đạn đã bắn ngài vào vương miện của Đức Mẹ tại đền thánh Đức Mẹ Lusitanian.
Ngài qua đời tại Vatican ngày 02/ 4/ 2005, đã có hơn 3 triệu khách hành hương đến Roma để kính viếng ngài.
Được miễn chuẩn thời gian chờ đợi 5 năm sau ngày qua đời để khởi sự thủ tục phong chân phước và phong thánh, nên chỉ 4 năm sau, ngày 19/ 12/ 2009 Đức Beneđictô XVI phong ngài là Đấng đáng kính, và phong chân phước vào ngày 1/ 5/ 2011.
Cuối cùng, ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót 27/ 4/ 2014 Đức Phanxicô long trọng ghi danh ngài vào sổ bộ các Thánh.
Xin cho tấm gương sáng của vị thánh giáo hoàng thời đại trong việc yêu mến Bí tích Thánh Thể, năng lãnh nhận Bí tích hòa giải, và lòng sùng kính Đức Mẹ thúc đẩy chúng ta không sợ để nên thánh, không sợ để nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, không sợ để bảo vệ sự sống và nền văn minh tình thương, nhờ đó, khuôn mặt Chúa Giêsu được nhìều người biết đến và tin theo.
Nt. Têrêsa Thuỳ Hương tóm lược