TÂM THƯ CỦA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN
DỊP MỪNG 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI DÒNG
21/01/2018
“Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117)
Quý Bề trên và chị em thân mến,
Hội dòng chúng ta đang hân hoan mừng Ngọc khánh- 60 năm Hội dòng được thành lập. Đây quả là niềm vui lớn lao. Thật là phù hợp để chúng ta đọc lại lời khuyên nhủ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông thư gửi cho các tu sĩ nhân năm Đời sống Thánh hiến.
Mỗi gia đình đặc sủng hãy nhớ lại buổi khởi đầu của mình và những chặng phát triển trải qua lịch sử, để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Hội thánh biết bao hồng ân để trang điểm cho Hội thánh và chuẩn bị sẵn sàng để thi hành mọi công cuộc tốt lành (Tông thư Năm ĐSTH 1).
Hôm nay, chúng ta cùng nhau nhớ lại buổi khởi đầu của chúng ta, thuật lại lịch sử của hội dòng trải dài 60 năm, để duy trì căn tính và mối dây hiệp nhất trong Hội dòng. Đó là đi lại con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ các vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi. Nhờ đó, chúng ta được thúc đẩy để hiện thực những khía cạnh làm thành đời sống thánh hiến của chúng ta, đọc ra những dấu chỉ Thần khí cho Hội thánh và Hội dòng ngày hôm nay.
A. GƯƠNG SÁNG NGƯỜI XƯA
a. Trong các nhà Phước
Trong các sử liệu ở Việt nam cũng như của Tỉnh dòng Nữ vương Rất thánh Mân côi, Philippines, cho chúng ta thấy một số nét căn bản về các phụ nữ Đa Minh thời đầu. Các chị sống thành cộng đoàn trong các Nhà Phước, tuân giữ lề luật về cầu nguyện chung, làm việc tông đồ, hãm mình hy sinh. Các chị còn dành các ngày thứ sáu để cầu nguyện cho việc truyền giáo tại Việt nam. Công việc làm thường ngày như bao phụ nữ thời đó là đan lát, dệt vải, cấy lúa, bán thuốc tễ. Nguồn tư liệu năm 1878 – 1916 nhắc đến việc tông đồ của các chị là dạy giáo lý cho tân tòng cũng như cho các phụ nữ trong giáo xứ, chăm sóc các trẻ mồ côi, người đau bệnh, chuộc các trẻ nhỏ gần chết và cho rửa tội. Bên cạnh đó, các chị còn cộng tác giúp đỡ những khi có nạn dịch thiên tai. Các chị đã đóng góp rất nhiều cho sự liên đới chặt chẽ và hiệp nhất thân thương với các Anh Em dòng Giảng thuyết. Bởi đời sống trong sáng tốt lành, các chị thành gương sáng cho nhiều người được cải hoán và giúp các tín hữu thêm đạo đức.
b. Đời sống Hội dòng trải qua năm tháng
Sách Ký sự thời đầu của Hội dòng ghi dấu ấn đời sống các chị là một cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn những tiện nghi vật chất, nhà ở đơn giản. Dù không nói ra, chúng ta cũng có thể mường tượng ra một đời sống vất vả, đòi hỏi chị em phải có một ý chí mạnh mẽ để kiên trì chịu thiếu thốn mọi mặt. Đồng thời cũng phải có một khả năng mềm mại thích ứng với ơn Thánh thần, hầu có thể có một đời sống chung hòa hợp của nhiều chị em từ nhiều nơi khác nhau, với những định hình đào tạo tại các nhà Phước của các chị. Điều gì đã giúp các chị sống hòa hợp, vui vẻ giữa các thế hệ cách biệt về tuổi tác, sức khỏe và khả năng tri thức ? Điều gì nâng đỡ để định hình đời sống Hội dòng, với những trả giá không nhỏ cho việc xây dựng một Hội dòng thống nhất theo đúng nghĩa? Tất cả là nhờ ơn Chúa và thiện chí cộng tác của con người.
Và Hội dòng đã hình thành theo khuôn mẫu của Giáo luật và tinh thần Dòng. Cơ sở tu viện được xây dựng. Đời sống cầu nguyện, việc giữ lời khấn và kỷ luật tu trì được thực thi nghiêm túc. Một đời sống tu trì có thể nói là nhẹ nhàng êm đềm, dù trong tiếng đạn bom, những tách rời của cuộc chiến tranh bên ngoài cũng như những chia cắt nội bộ (1954-1973). Hoạt động tông đồ có tính bền vững và có tính cơ cấu hơn qua các trường học, nhà cô nhi, viện bác ái…
Trong dòng chảy xem ra êm đềm và tiến triển tốt đẹp đó, biến cố 1975 đã làm đảo lộn tất cả. Những bộ áo dòng thướt tha trong những lớp học được thay bằng những bộ quần áo lao động lam lũ. Một cuộc sống của Hội dòng thấm đẫm những giọt mồ hôi, đong đầy những nỗi e ngại, chập chờn những thao thức tông đồ. Nhưng Hội dòng, với những người chị em tiếp nối, vẫn trung tín, sáng tạo và vững bước trên đời sống tu trì, nối bước chân sứ vụ. Dần dần, từng bước, mở ra cho những hội nhập và phát triển.
B. NHỮNG ĐẶC NÉT CỦA HỘI DÒNG TRẢI QUA DÒNG LỊCH SỬ
a. Trung thành với việc cầu nguyện:
Từ những ngày đầu và kể cả những thời gian gian nan vất vả nhất, đời sống chị em vẫn được kết bằng những giờ kinh nguyện đều đặn trong ngày. Chúng ta có thể điểm lại những ngày giải tội tứ kỳ, những ngày tĩnh tâm chung Hội dòng, tĩnh tâm đầu tháng ở các cộng đoàn, được giữ một cách nghiêm túc và đầy đủ. Tại tu viện nhà Mẹ, những giờ chầu Thánh thể liên tiếp, hoặc vào đêm thứ Năm đầu tháng; những chuỗi Mân côi cộng đoàn từ tháng 10 sang tháng 11, những buổi cầu nguyện, đi đàng Thánh Giá ngoài trời.. đều được thực hiện cách sốt sắng và bền bỉ.
b. Đề cao tinh thần học hỏi, nhất là việc học thánh khoa:
Việc học là một trong những yếu tố chính của đời sống Đa Minh được Hội dòng trân trọng. Vào thời gian lao động vất vả, cộng đoàn nhà Mẹ vẫn giữ việc học thần học mỗi ngày một giờ, học Thánh Kinh hàng tuần. Chương trình học thánh khoa được chú trọng trong các giai đoạn đào tạo. Ngoài ra, Hội dòng cũng lo liệu cho chị em được học chuyên môn, nâng cao kiến thức, nhất là những kiến thức về sứ vụ. Tuần Thường huấn chung cho mọi chị em được thực hiện kiên trì hàng năm với những thích nghi cập nhật. Tinh thần học hỏi cũng được khơi lên nơi các chị em qua từng giai đoạn đào tạo cũng như khi đã khấn trọn đời. Một trong những cách thức học hỏi, không cần trường lớp, được chị em áp dụng, đó là nghe những thông tin, học hỏi suy niệm qua đài phát thanh Công giáo.
c. Tinh thần chịu gian khổ, sự kiên trì, dấn thân vào các vùng biên cương sứ vụ, ưu tiên cho người di dân, người nhập cư, người nghèo.
Hội dòng chúng ta khởi đầu là những người di cư, những chị Nhà Phước di cư, chúng ta hiểu những người di dân phải nỗ lực như thế nào để có đời sống ổn định. Vì vậy trong những chọn lựa sứ vụ của Hội dòng, chúng ta thường khởi nghiệp tại những nơi nghèo và đang cần sự hiện diện của chúng ta để nâng đỡ tinh thần của họ. Đặc biệt trong thời gian sau biến cố 1975, Hội dòng đã làm nổi bật đặc nét này, khi chọn lựa hiện diện tại những nơi nghèo nàn và thiếu thốn: Bảo toàn, Bàu cá, Bình sơn, Cây Bốm, Hòa trung, Banmethuot, Mang yang, Tam đa… những nơi nhiều di dân như Trảng dài, Long thành, những vùng đất mới cần ổn định: Đông sơn, Thuận tâm… Sự hình thành Tỉnh dòng Đức Maria Vô Nhiễm cũng làm nổi bật lên đặc nét “di cư” này. Chúng ta cũng quan tâm tới những thành phần này qua việc Khuyến học, mở các lớp phổ cập cho con em di dân trong nhiều năm vừa qua.
C. VIẾT TIẾP TRANG SỬ HỘI DÒNG: LỜI MỜI GỌI HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI.
“Can đảm hướng tới tương lai” là tựa đề lá thư của Cha Bề Trên Tổng quyền Vincent de Couesnon, OP, gửi cho Anh em dòng Giảng thuyết năm 1975, là một lá thư đầy sức mạnh của niềm hy vọng. Không kể một số chi tiết hoàn cảnh cụ thể, thì những ý tưởng cơ bản về linh đạo Dòng vẫn phù hợp cho mọi thời, đặc biệt khi chúng ta, trong chặng dừng 60 năm này, biết “sống giây phút hiện tại với niềm say mê và hướng về tương lai với niềm hy vọng”. Trong thư này, cha Bề trên Tổng quyền đã đưa ra một số nét đặc trưng của việc “Can đảm hướng tới tương lai” như sau:
∙ Một cái nhìn mới
∙ Thái độ sẵn sàng trước những thay đổi
∙ Kiên vững trong niềm hy vọng
Việc mừng 60 năm, lần giở lại ký ức lịch sử của Hội dòng, nhắc chúng ta tiếp tục viết nên trang sử trong tương lai, với niềm xác tín rằng Thánh Linh thúc đẩy chúng ta về tương lai để, cùng với chúng ta, tiếp tục thực hiện những điều vĩ đại. Lời Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II:
Các con không những phải nhớ và kể lại một lịch sử huy hoàng, mà còn phải kiến tạo một lịch sử vĩ đại nữa ! Hãy hướng về tương lai, tới chỗ mà Thánh Thần đang sai các con đi để cùng với các con làm những việc trọng đại.
Hỡi những người tận hiến yêu quý, các con hãy biến cuộc đời thành cuộc sốt sắng trông đợi Đức Kitô ; hãy đi đón Người như những trinh nữ khôn ngoan đi đón Lang Quân. Hãy sẵn sàng luôn luôn, hãy trung thành với Đức Kitô, với Giáo Hội, với tu hội của mình và với con người thời đại. Nhờ thế, ngày qua ngày, các con sẽ được Đức Kitô đổi mới, và nhờ Thánh Thần trợ giúp, các con sẽ kiến tạo những cộng đoàn huynh đệ, để cùng với Đức Kitô, rửa chân cho người nghèo, và đóng góp phần độc đáo của các con vào sự biến hình của thế giới (Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 110).
Hãy ý thức cách thức mà các bậc tiền bối đã sống, đã đi qua, với những thách đố phải đương đầu và vượt qua. Dù có thể nhận ra những sự bất nhất do tính yếu đuối của con người, thậm chí kể cả có lúc quên mất những khía cạnh cốt yếu của đặc sủng. Nhưng điều đó mời gọi chúng ta hoán cải (Tông thư năm DSTH).
Lời kết
Quý Bề trên và chị em thân mến,
Thuật lại lịch sử của mình là một cách để chúc tụng Thiên Chúa và tạ ơn vì những ân huệ mà Ngài đã ban. Chúng ta cảm tạ Chúa vì 60 năm qua, Chúa gìn giữ Hội dòng được bước đi
trong trung tín và bình an. Ước chị dịp kỷ niệm này thôi thúc chúng ta sống mạnh mẽ và vui tươi làm chứng cho sự hiện diện của Chúa ngay ở trần gian này.
Và lời sau cùng xin gửi tới các chị em trẻ, các chị là hiện tại, bởi vì các chị đang sống trong Dòng, và mang lại sự đóng góp quyết định cho Dòng nhờ sự trẻ trung và quảng đại của cuộc lựa chọn của các chị. Đồng thời các chị cũng là tương lai bởi vì các chị sẽ được gọi để nắm giữ vai trò điều khiển việc linh hoạt, huấn luyện, phục vụ, sứ vụ của Dòng (x. Tông thư Năm ĐSTH). Hãy can đảm bước đi trong sự trung tín sáng tạo. Hãy ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh của Hội dòng. Hãy truyền lan cho nhau sức mạnh của niềm hy vọng. Chặng đường kế tiếp đang chờ đợi các chị em. Hãy viết tiếp trang sử của Hội dòng trong sự mềm mại tuân theo tác động của Thánh Thần. Và sẵn sàng thưa như Mẹ Maria “ Xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse, thánh phụ Đa Minh, thánh Catarina Siena và các Anh Chị thánh Dòng luôn phù trợ chúng ta trong hành trình trở nên người ngôn sứ của Chúa trong thời đại chúng ta đang sống.
Làm tại Trụ sở Trung ương, lễ các Anh Chị thánh Dòng, ngày 7/11/2017
Nữ tu Maria Madalena Phạm thị Huy, OP
Bề trên Tổng quyền