daminhthanhtam.com

Tâm thư dịp mừng lễ Thánh Catarina Siena - 29/04/2023

29.04.2023 Tâm thư của Bề trên Tổng quyền

TÂM THƯ DỊP MỪNG LỄ THÁNH CATARINA SIENA

29/04/2023

“Nếu bạn là những gì bạn nên trở thành, bạn sẽ làm cho cả thế giới bừng cháy!” (“If you are what you should be, you will set the whole world on fire!” St. Catarina Siena)

Quý Bề trên và chị em thân mến,

Chị Mary O’Driscoll trong một bài suy tư về thánh Catarina đã mô tả thánh Catarina Siena người phụ nữ nổi bật, hiện diện trong lịch sử, với một nhân cách mạnh mẽ, đam mê và nhiệt huyết, có một niềm say mê phi thường với cuộc sống, luôn đặt hết tâm trí vào điều mình xác tín. Điều mà chị xác tín nhất, đó là niềm xác tín vào một tình yêu bao la, đáng kinh ngạc của Thiên Chúa dành cho thụ tạo biểu tỏ nơi Đức Giêsu Kitô. Đó chính là tin mừng mà chị đã say mê chia sẻ cho thế giới chị sống.1

Hội dòng chúng ta xác định: Mục đích việc đào tạo là giúp chị em khám phá, thủ đắc và đào sâu căn tính tu trì, tận hiến cho Chúa trong việc theo sát Chúa Kitô, tiến dần tới mức thành toàn về các chiều kích nhân bản, tâm linh, tri thức và tông đồ, để trở thành những nữ tu phục vụ đắc lực Nước Chúa trong việc loan báo Tin Mừng theo đặc sủng của Hội dòng.2

Việc đào tạo này được thực hiện qua nhiều cách thức và giai đoạn, có dẫn đưa chúng ta trở thành một nữ tu Đa Minh Thánh Tâm như mong ước, một Catarina, mà như một vị Tổng quyền Dòng nhận xét là “người mang lấy trọn vẹn tâm hồn của thánh Đa minh”3 không?

Dịp mừng lễ kính ngài cũng là dịp mà nhiều chị em trong chúng ta kỷ niệm khấn Dòng, tôi muốn chia sẻ với quý Bề trên và chị em một góc nhìn về thánh Catarina Siena và đôi dòng suy tư liên quan đến đời sống chúng ta.

1. Khám phá căn tính đích thực và việc thể hiện bản thân chính đáng

Cha Timothy Radcliffe trong Thư gửi toàn Dòng đã nói: Thế gới của chúng ta mang dấu ấn của lòng khát khao sâu xa muốn tìm ra căn tính của mình. Đó từng là câu hỏi của chị Catarina. Và nỗi khát khao của nhiều người ngày nay thường là những lo âu vị kỷ, một sự tập trung hướng nội, mong cho mình được thoải mái, cá nhân được phát triển. Đối với Catarina, chị khám phá ra căn tính của mình trong “căn phòng nhỏ của sự biết mình.” Đó là khám phá ra mình bé nhỏ, bất toàn, là vô cùng hạn chế nhưng đồng thời lại thấy mình được yêu thương, được quý trọng vô điều kiện biết chừng nào. Qua đó, thánh Catarina đã cống hiến cho chúng ta một lời giải đáp đầy sức giải phóng, cho nỗ lực tìm kiếm một căn tính đích thực vượt xa căn tính giả tạo, dựa trên sự giàu có hoặc quyền lực.4

Như vậy, chúng ta tìm thấy nơi thánh Catarina lời giải đáp về căn tính đích thực và cách thức thể hiện bản thân chính đáng trong việc “biết Chúa và biết mình.” Hành trình đào tạo và tự đào tạo có đưa chúng ta đến nhận thức này mỗi ngày một sâu sắc hơn không?

2. Thánh Catarina, một nhân cách triển nở trong khung cảnh “hiệp hành: cùng với người khác”

Đọc lại tiểu sử của thánh Catarina, chúng ta luôn thấy hình ảnh chị “cùng với người khác”: là một trong đôi trẻ song sinh; một bé Vui giữa vòng tay gia đình và hàng xóm; một bé gái tung tăng trên đường đi với anh mình được chiêm ngưỡng thị kiến; một người con ngoan phục vụ gia đình với niềm vui phục vụ gia đình Nagiaret. Khi Catarina lớn lên, chúng ta lại thấy hình ảnh một thiếu nữ trẻ sốt sắng tham gia cung nguyện với cộng đoàn anh em Đa Minh; say sưa nhìn ngắm và được cuốn hút đến độ tìm mọi cách để xin gia nhập Hội các bà Áo choàng. Và sau đó, chúng ta thấy Catarina giữa đoàn môn sinh, một Cataria tiếp xúc với mọi người trên đường du thuyết, chạm tới trái tim nhiều người qua những lá thư. Sau cùng, một Catarina chết trong một tâm trí ngập tràn tình yêu dành cho Hội Thánh, cho những con người.

Ở góc nhìn này, chúng ta thấy một hình ảnh Catarina rất cá vị nhưng không cá biệt; độc đáo nhưng không đơn côi, luôn liên kết với những con người và cho những con người không tách rời; một Catarina luôn phong phú và thích ứng.

Một nhân cách đặc biệt như thế, được nuôi dưỡng và thể hiện hài hoà trong một khung cảnh “hiệp hành”: với Chúa và với con người. Chính sự khao khát và say mê Thiên Chúa làm cho trái tim chị mở rộng thành mênh mông rộng lớn, như lời chị thưa với Chúa, rộng lớn đến nỗi có chỗ cho hết mọi người trong tình bác ái yêu thương.5

Chúng ta ngưỡng mộ và có thể phác hoạ hình ảnh đó trong nỗ lực sống ơn gọi chiêm niệm tông đồ Đa Minh không?

3. Thách đố thực tế của việc sống hiệp hành trong cộng đoàn

Một trong những thách đố lớn trong cộng đoàn chúng ta, đó là khả năng sống cộng đoàn và khả năng làm việc chung. Có những việc nếu chỉ làm một mình có khi còn nhanh và hữu hiệu hơn là trao cho một nhóm làm chung. Vì vậy, người ta thường có cám dỗ là làm một mình cho xong việc. Nhưng câu ngạn ngữ Phi châu nói rất đúng: “Nếu bạn muốn đi nhanh thì đi một mình, nếu bạn muốn đi xa thì hãy đi cùng với người khác.”6

Thật là dễ dàng hơn, nếu mỗi người trong cộng đoàn sống và thực hiện ước mơ riêng mình. Nhưng chúng ta biết rõ là một khi đã tự nguyện gia nhập một Hội dòng, chúng ta phải có một ước mơ chung, một dự phóng chung. Phải “cùng nhau cất bước hành trình và cùng nhau suy nghĩ về hành trình đã thực hiện.”7 Chúng ta không tự mình thăng tiến, càng không thể thăng tiến toàn vẹn, nếu không ở trong và nhờ cộng đoàn. Huấn thị Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn nhắc chúng ta: Phải luôn luôn nhớ rằng sự thành toàn người tu sĩ nam hay nữ đạt được đều qua cộng đoàn của mình. Ai thử cố sống một cuộc đời tự lập, tách biệt khỏi cộng đoàn, chắc chắn không gặp được con đường an toàn dẫn tới sự trọn lành của bậc mình. Và Huấn thị nói tiếp: Mỗi người phải khám phá ra, với lòng biết ơn, tất cả những gì mình đã nhận lãnh và thực sự đang nhận lãnh từ tha nhân. Ngay từ đầu, nhất thiết phải chuẩn bị để mình không phải chỉ là ”khách” của cộng đoàn, nhưng trên hết, phải là những người xây dựng cộng đoàn.”8

Khi bước vào đời thánh hiến tu trì Đa Minh, đời sống cộng đoàn trở thành một trong những cột trụ then chốt để chúng ta xây dựng đời mình. Nếu khả năng sống cộng đoàn mỗi ngày một méo mó, giảm bớt, mất đi… còn có thể nói là chúng ta tiến bộ trên đường nhân đức hay không? Hoặc tệ hơn, chúng ta có sống đúng ơn gọi hay không? Hay chúng ta chỉ xem cộng đoàn như là cơ hội, là bàn đạp cho sự thăng tiến và thể hiện bản thân?

4. Thực hành sống hiệp hành

a. Tôn trọng phẩm giá mọi người vì xác tín vào tình yêu Thiên Chúa dành cho thụ tạo

Thánh Catarina Siena viết trong tâm thư số 243 của ngài: “Chúng ta có giá trị đối với Thiên Chúa đến nỗi Người đã đến sống giữa chúng ta. Người đi đến bất kỳ nơi đâu để tìm kiếm chúng ta, thậm chí chấp nhận bị treo trên thập giá, để kéo chúng ta trở lại với Người” (Tâm thư 243, x. lịch HD tháng 4/2023).

Để có sự hiệp hành thực sự trong cộng đoàn, cần phải có một tư duy coi mọi người đều có phẩm giá như nhau. Điều đó không có nghĩa là sự cào bằng vị trí, một cách sống rạch ròi, cân đo chia chác đều đặn, hoặc mỗi người tự do làm theo ý mình trong cộng đoàn. Ý nghĩa phẩm giá của mỗi người được đặt nền trên ý nghĩa tạo dựng và cứu chuộc. Ý nghĩa ấy cũng đặt trên sự bình đẳng lời khấn, trong sự tôn trọng và tuân giữ lời khấn, tuân giữ luật dòng, tôn trọng trách nhiệm của nhau. Bản đúc kết ý kiến của Giáo hội Nhật Bản cho thấy: “Càng ngày người ta càng hiểu rằng điều quan trọng đối với tất cả những ai đã lãnh nhận ân sủng của Bí tích Thánh tẩy là phải đi cùng nhau, chia sẻ và phân định sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã kêu gọi họ. Người ta đã nhận thức sâu sắc rằng trong Hội Thánh hiệp hành, bước đi cùng nhau là cách thức trở thành một Hội Thánh truyền giáo.”9 Điều đó càng đúng hơn, đối với chúng ta, các tu sĩ trong cùng một Hội dòng, sống theo một đặc sủng Truyền giáo và Giáo dục.

b. Đặt tầm quan trọng cho công ích

Sự tôn trọng con người, có thể bị dẫn tới một hướng sai lạc, đó là nhấn mạnh quá mức đến sự thoải mái cá nhân, đến việc dành ưu tiên cho công việc có uy tín nổi bật, ưu tiên tuyệt đối cho khát vọng và đường lối riêng của cá nhân. Cần phải có một sự quân bình chính đáng của tôn trọng công ích và quyền cá nhân, giữa đòi hỏi và nhu cầu của cá nhân và cộng đoàn. Và nỗ lực tìm kiếm sự quân bình này chính là một cuộc vượt qua từ “cái thuộc về tôi” đến “cái thuộc về

Đức Kitô.”10 Về việc này, Tu luật thánh Augustinô cho chúng ta một tiêu chuẩn thẩm định: Chị em càng lo cho công ích hơn tư lợi bao nhiêu, chị em càng biết mình tiến bộ trong đức bác ái bấy nhiêu. Huấn quyền cũng đưa ra cho chúng ta một giải pháp tìm kiếm sự hoà điệu trong cộng đoàn, đó là biết cùng nhau tạ ơn vì hồng ân ơn gọi và sứ vụ chung; đó là tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận hành trình chậm chạp nhưng không bóp nghẹt những khả năng sáng tạo; đó là hiến dâng tài năng riêng mình để cộng tác vào sứ vụ chung, ý thức sự phụ thuộc và liên đới của cá nhân vào sứ vụ cộng đoàn…11

Câu hỏi chúng ta được cật vấn trong thời gian đào tạo cũng cật vấn mỗi người trong suốt hành trình cuộc sống tu trì: “Tôi có khả năng hội nhập những hồng ân cá nhân và tình huynh đệ và sứ vụ chung không? Các hồng ân của Thiên Chúa trong tôi có xây dựng sự hiệp nhất và đào sâu sự hiệp thông cộng đoàn không?12 Và câu trả lời, thật quan trọng, vì nó liên quan đến ơn gọi của chúng ta trong Hội dòng.

c. Yêu mến Hội dòng, yêu mến cộng đoàn

Thánh Catarina đã yêu mến Giáo Hội trong thực tại có hai mặt: một bên là huyền nhiệm, thiêng liêng, vô hình là khía cạnh thiết yếu và hoà tan trong Đức Kitô, Đấng cứu độ hiển vinh, Đấng không ngừng tuôn đổ máu Ngài cho trần thế qua Giáo hội; mặt khác là bộ mặt con người, lịch sử, cơ chế, cụ thể, nhưng không bao giờ tách rời khỏi bộ mặt thần linh...” (Insegnamenti di Paolo VI).13 Hội dòng, cộng đoàn chúng ta cũng là một thực tại có hai mặt: một mặt đó là hồng ân của Chúa Thánh thần, được liên kết với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội, mặt khác, là tập họp những con người, chịu những tác động của thời đại,14 đang nỗ lực tiến tới đức ái trọn hảo.15 Qua lời của thánh Giáo Hoàng Phaolo VI được trích dẫn ở trên, chúng ta có học nơi thánh Catarina để yêu mến Hội dòng, yêu mến cộng đoàn trong thực tại đó hay không? Có khi nào cách sống của chúng ta góp thêm sức nặng vào phần bộ mặt mang chất con người của cộng đoàn, Hội dòng hay không? Chúng ta có khám phá được niềm vui và sự tự hào vì đã cùng với cộng đoàn, Hội dòng vượt qua những thăng trầm thử thách của phận người mỏng manh và giới hạn không?

Quý Bề trên và chị em thân mến,

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta qua lời nhắn gửi cho các bạn trẻ: “Hãy luôn canh tân, hãy làm mới ngọn lửa của con ở mọi lứa tuổi, hãy mở rộng lòng ra để thanh lọc những gì chưa tốt và đón nhận những ân sủng mới từ Thiên Chúa. Hãy dám để cho Chúa đảo lộn những kế hoạch của mình, và con hãy phục vụ. Đừng để cuộc sống trôi mất đi mà không có sự chuẩn bị cho thời gian vĩnh cửu.”16

Chúng ta trở lại với câu nói nổi tiếng của thánh Catarina Siena được nhắc tới ở đầu thư: “Nếu bạn là những gì bạn nên trở thành, bạn sẽ làm cho cả thế giới bừng cháy!” Vâng, nếu tất cả chúng ta là những gì chúng ta nên trở thành thì Hội dòng, cộng đoàn của chúng ta, và xã hội của chúng ta đã tốt hơn. Hoặc nói theo tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, nếu chúng ta sống tròn đầy mọi khoảnh khắc trong đời mình, sống cho đi cách trọn vẹn và lấp đầy yêu thương trong mọi giây phút,17 chúng ta sẽ thấy mình trong diện mạo một Catarina thời hiện đại, nhiệt thành sống và làm việc cho một cộng đoàn, cho một thế giới tươi đẹp hơn.

Kính chúc quý Bề trên và chị em mừng lễ thánh Catarina với sự tươi mới, bình an và hạnh phúc trong tình yêu của Đấng Phục Sinh.

Thánh Tâm, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, 16/04/2023
Nữ tu Maria Madalena Phạm Thị Huy
Bề trên Tổng quyền

 

 

 

1 x. Mary O’Driscoll, “Catherine of Siena, Woman of Passion and Praise”

2 x. HP 74

3 x. Mary O’Driscoll, ibid

4 x. Timothy Radcliffe, “Thánh Catarina bổn mạng Châu Âu,” Can đảm hướng tới tương lai, tr. 539

5 Oraison 21, x. sách đã dẫn, tr. 538

6 x. Christus Vivit, số 167

7 x. Chủ đề của THĐGMTG lần thứ XVI “Hướng tới một Hội thánh hiệp hành”

8 x. ĐSHĐCD, số 25

9 x. Tài liệu làm việc THĐGM (HĐGM Nhật Bản)

10 x. ĐSHĐCĐ số 39

11 ibid số 40

12 ibid.

13 x.Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trích lời của Đức Phaolo VI, Tông Thư Amantissima Providentia, 1980 14 x. ĐSHDCD số 5

15 x. HP số 2 và số 3

16 Đức Thánh Cha Phanxicô, Sống tốt, LM Phương Đình Toại chuyển ngữ, tr. 210tt

17 Ibid tr. 220-221

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...