TÂM THƯ CỦA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN
DỊP LỄ THÁNH CATARINA SIENA 29/4/2020
Thân gửi: Quý Bề trên và Chị em
Hội dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm, thánh hiệu Catarina Siena Quý Bề trên và Chị em thân mến,
Cùng với thế giới, với Hội thánh toàn cầu, chúng ta đang trải qua một giai đoạn có thể nói là rất khốc liệt và đau buồn, vì đại dịch Covid 19 đã và đang hoành hành trên thế giới. Cơn đại dịch này đe dọa và ảnh hưởng đến đời sống hầu như của tất cả nhân loại. Đời sống của chị em chúng ta cũng bị tác động không ít. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải tạ ơn Chúa vì chúng ta vẫn còn mạnh khỏe và bình an. Tại Việt nam, giờ đây là lúc đối diện với điều mà Đức Thánh Cha Phanxico gọi là “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid 19 (x. Vatican news tiếng Việt.18/4/2020). Đó cũng là điều mà Đức Cha Giuse trong Lời Chủ chăn tháng 4 chia sẻ với các linh mục tu sĩ của Giáo phận Xuân lộc về những băn khoăn về mục vụ thời hậu Covid 19.
Và đây cũng là câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Sau một thời gian “Lặng”, chúng ta sẽ làm gì để khởi động lại? Những kinh nghiệm thiêng liêng sau thời gian mà xã hội gần như tê liệt vì hoang mang trước giới hạn mong manh của con người khi đối diện với dịch bệnh và thần chết, giúp gì cho chúng ta khi chúng ta trở lại với cuộc sống vẫn phải chuyển động vì những nhu cầu đời này? Những “tiếp xúc gần” với thế giới thần thiêng, như tĩnh tâm, sa mạc, hồi tâm, chầu Thánh thể.., trong thời gian nhiều thinh lặng và cô tịch với những biện pháp cách ly vì lý do phòng bệnh sẽ giúp gì cho chúng ta khi trở lại với một cuộc sống bận rộn vì bổn phận, một cuộc sống cộng đoàn, cần những chia sẻ, cần góp sức và hội tụ sức mạnh của tình liên đới?
Chắc hẳn, trong bất cứ sự kiện hoặc biến cố cũng mang lại những tác động có tính hai mặt, tích cực và tiêu cực. Xin gợi ra với quý Bề trên và chị em về một số kinh nghiệm tích cực mà chúng ta có thể có được trong thời gian qua, để tận dụng trong thời gian hậu Covid 19. Ước chi những kinh nghiệm tích cực đó sẽ làm phong phú và tròn đầy hơn những giá trị có sẵn trong đời sống tu trì của chúng ta.
1. Một lối sống đơn giản, gần với thiên nhiên, xanh và sạch hơn
Khi nạn dịch bắt đầu bùng ra tại nhiều nơi, tại Việt nam, bộ y tế đã đưa ra những biện pháp phòng chống, liên quan tới việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường, hạn chế đi chuyển, hạn chế đến chỗ đông người... Chính trong dịp này, cũng như nhiều người, chúng ta có thời gian để làm những việc mà nhiều khi, chúng ta không để ý tới như thu dọn, làm sạch nơi ở, quan tâm đến môi trường thiên nhiên, tập thể dục để nâng cao sức khỏe bản thân, đọc thêm những cuốn sách, và với nhiều chị em, có thời gian để ghi lại những suy tư và cảm nghiệm của mình. Vì lo sợ lây nhiễm bệnh, chúng ta không dám dành thời gian vào siêu thị hay cửa hàng để mua vài món đồ cá nhân phù hợp với món tiền tết khiêm tốn của mình. Có lẽ cũng nhờ thế mà chúng ta khám phá ra rằng, có những chi tiêu tiền bạc, chi phí thời gian, thực sự không cần thiết. Qua những biện pháp cách ly xã hội, chúng ta có cơ hội thưởng thức khoảng thời gian yên ả, lắng nghe được tiếng chim hót, hít thở bầu khí trong lành trong không gian thinh lặng vắng những tiếng gầm rú của phương tiện giao thông. Chúng ta từng nghe khuyến cáo về nạn ô nhiễm môi trường, nay chúng ta biết thế nào là môi trường trong lành mà chúng ta phải ước mơ và gìn giữ. Chúng ta cũng nghe biết đến những ô nhiễm tinh thần bởi những thông tin đa dạng đủ chiều, những tương quan đủ loại, thì nay chúng ta biết đến sự nhẹ nhàng của một tâm hồn biết buông bỏ và nhận ra những giá trị thực sự của con người trong một thế giới, đầy những bất ngờ và thật mau qua. Những điều này, cách cơ bản, vẫn cần được giữ lại dù đang có nạn dịch hay không.
2. Một lối sống nội tâm hơn
Vào dịp đại dịch qua, mỗi ngày chúng ta nghe, nhìn, suy tư trước những thông tin về sự tàn phá của dịch bệnh. Ai trong chúng ta không thổn thức trong lòng, khi qua màn hình trực tuyến, nhìn thấy quảng trường thánh Phêrô trống vắng, khi nhìn thấy khuôn mặt, dáng người và những bước đi của Đức Thánh Cha Phanxicô như chất đầy nỗi thống khổ của dân Chúa; lòng chúng ta rưng rưng khi nhìn thấy những giọt nước mưa trên tượng Thánh giá đọng lại như những giọt nước mắt của Đấng Cứu Chuộc, trong nghi thức tưởng niệm tối Thứ Sáu Tuần Thánh. “Lạy Cha, xin thương xót dân của Cha… Chính vì dân Ta mà Ta đã đến trong Giờ này”.
Một số cộng đoàn của chúng ta vẫn được may mắn tham dự Thánh lễ hàng ngày, nhưng nói chung, trên toàn thế giới, nhà thờ chỉ còn những Thánh lễ không có giáo dân tham dự, thiếu những sinh hoạt ca hát rộn ràng, không còn những ngày họp mặt tín hữu. Những buổi cầu nguyện đông người giờ chỉ còn lại một vài bóng người lặng lẽ cầu nguyện. Cơn đại dịch còn khủng khiếp hơn cả việc bắt bớ đạo.
Trong bối cảnh đó, chúng ta trở nên ý thức hơn trong đời sống thờ phượng. Khi không có những sinh hoạt bên ngoài hỗ trợ, trong một không gian cách ly trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta may mắn vẫn còn những không gian, để ở đó, chúng ta nhìn sâu vào trái tim mình, cùng với những sáng kiến để củng cố đời sống nội tâm, giúp đời sống cầu nguyện của chúng ta càng tha thiết và mạnh mẽ hơn. Vào mùa dịch hay hậu mùa dịch, chúng ta vẫn được mời gọi “ở yên trong căn nhà nội tâm” của mình. Và tình yêu của chúng ta dành cho Chúa không bao giờ bị đóng khung trong một nơi chốn hay thời gian cố định, vì lời của Đấng Cứu thế nói với người phụ nữ Samaria cũng nói với chúng ta “giờ là lúc thờ phượng trong Thần khí và sự thật”. Lời ngợi ca dù thốt ra từ cửa miệng hoặc những âm thanh ấp ủ trong lòng cũng được lắng nghe, vì: “Cha chúng ta biết rõ những gì các con muốn cầu xin”.
Khi những sinh hoạt thờ phượng được bình thường hóa, chúng ta đừng quên sự mòn mỏi mong chờ: “bao giờ dịch bệnh qua đi để chúng ta được tụ họp cùng nhau ca tụng Chúa”, để biết trân quý những thời gian thờ phượng chung với cộng đoàn, biết tham dự Thánh lễ và các bí tích một cách sốt sắng và tích cực hơn, đồng thời cũng biết “nội tâm hóa” ngày giờ sống của chúng ta hơn.
3. Một lối sống yêu thương có trách nhiệm và sáng tạo hơn
Đức Thánh Cha Phanxico, trong cái nhìn khôn ngoan của ngài, nói với chúng ta về “kháng thể liên đới” như một cách thức để đối phó với dịch bệnh. Trước một con virus nhỏ có sức hủy diệt kinh hoàng, chúng ta nhận ra thế giới chúng ta rất liên đới với nhau. Như lời Đức Thánh Cha Phanxico: “thế giới chúng ta đang trên cùng một con thuyền”. Chúng ta thương xót và cầu nguyện cho những nạn nhân tại Vũ hán cũng như tại Bergamo hay New York và nhiều nơi khác trong ý thức rằng dịch bệnh này có thể xảy đến cho chính chúng ta. Chúng ta cùng liên đới và liên lụy. Liên đới để trợ giúp nhau và liên lụy để phòng ngừa cho nhau. Chẳng hạn như một thú nhận chân thực về tình trạng bệnh để phòng tránh dịch bệnh cho người khác cũng quan trọng không kém gì việc giúp gạo cho người nghèo. Chúng ta được mời gọi san sẻ yêu thương nhưng chúng ta cũng được mời gọi hãy yêu thương để đừng trở thành nguyên nhân gây ra sự lây lan của dịch bệnh. Những diễn đạt yêu thương từng được cổ võ, đơn giản như những cái bắt tay, nay phải tìm một cách thức diễn đạt khác. Nói cách khác, những hình thức diễn đạt yêu thương theo tự nhiên cần một lý trí suy nghĩ và khôn ngoan chọn lựa. Không chỉ cho mình vì mình mà phải quan tâm đến những liên lụy cho người khác. Việc rửa tay hay những chiếc khẩu trang mà chúng ta buộc phải sử dụng, là một thí dụ, có thể nói với chúng ta nhiều điều.
Cũng vậy, trong bối cảnh đời sống tu trì thường ngày, yêu thương thực sự nhiều khi đòi chúng ta phải biết hạn chế, chẳng hạn, không nói những điều, có thể là sự thật nhưng là thứ sự thật nửa vời, nhiều khi mang tính hủy diệt sự đơn sơ của người em nhỏ bé, những câu hỏi hoặc bình luận tiêu cực có sức hủy diệt cả niềm vui vừa nhen nhúm trong đời sống cộng đoàn. Đức ái chân thực đòi tinh thần trách nhiệm và sáng tạo. Cây ATM gạo chắc chắn không thể thay thế được nụ cười tỏa nắng, thái độ ân cần của con người chạm tới trái tim con người, nhưng lúc này, nó lại là cách diễn đạt yêu thương tốt nhất. Là tu sĩ Đa Minh, chúng ta được mời gọi phải luôn biết suy nghĩ, tìm tòi những cách thức phù hợp để sống và loan báo Tin Mừng yêu thương, ngay tại bối cảnh hiện tại của mỗi cá nhân. Xét cho cùng, hãy để cho tình yêu chân thực của Đấng Cứu độ trên Thập giá và Phục sinh, lên tiếng nói.
Quý Bề trên và chị em thân mến,
Trong bài giảng ngày lễ Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxi co, khi suy niệm về câu chuyện các phụ nữ trong Tin mừng, ngài nói: các phụ nữ không để cho các biến cố khổ nạn của Chúa Kitô làm họ tê liệt. Từ tình yêu dành cho Thầy, và với thiên tài nữ tính được chúc phúc, không thể thay thế và đặc nét của họ, họ đã có thể đối đầu với cuộc sống khi nó đến. Ước gì mỗi chị em và mỗi cộng đoàn chúng ta, với những sáng kiến và sự trung tín tự trong bản chất đời sống tu trì của mình, sẽ có những cách thế để cùng nhau trở lại với nếp sinh hoạt đời tu và công việc thường ngày một cách “có chất lượng” hơn.
Trong câu chuyện kể về đại dịch xảy ra vào năm 1347, một đại dịch thảm khốc “ người ta đột nhiên ngả bệnh khi đang nói chuyện với nhau và chết trước khi kịp về tới nhà”, thánh Catarina Siena, vẫn giữ được tinh thần lạc quan và sự hăng say đức ái của ngài. Thánh nữ nói với Messer Matteo, người bị lây nhiễm vì chăm sóc bệnh nhân nạn dịch, khi cầu nguyện chữa lành cho ông: “Dậy ngay đi thôi, bây giờ không phải là lúc nằm trên giường”. Thánh nữ cũng cầu nguyện chữa lành cho cha Raymundo, “ bây giờ thì xin cha đi làm việc cứu rỗi các linh hồn. Cha hãy tạ ơn Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã bảo toàn mạng sống cho cha”. Chúng ta hãy xem đó như là những lời của vị bổn mạng Hội dòng, thánh nữ Catarina Siena, nói với chúng ta, trong mùa hậu Covid 19 này. Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương bảo toàn mạng sống chúng ta, và hãy chỗi dậy sau những ngày dài “nằm nghỉ” vì phòng ngừa dịch bệnh, để tiếp tục thi hành sứ vụ truyền giáo và giáo dục trong sức mạnh của Thánh thần và trong niềm phó thác cho sự quan phòng chở che của Thiên Chúa.
Hãy bước đi trong niềm tin và tình yêu, vì chúng ta là những người đã được Thiên Chúa kết ước yêu thương trong đức tin, SPONSABO TE MIHI IN FIDE.
Xin Thiên Chúa thương xót chúng ta và xin Thánh Nữ Catarina chuyển cầu cho chúng ta,
Thánh tâm, ngày lễ thánh Catarina Siena, 29 tháng 4 năm 2020
Nữ tu Maria Madalena Phạm thị Huy
Bề trên tổng quyền