daminhthanhtam.com

Từ Thập giá đến Phục sinh với 3 bà Maria trong Tin Mừng

26.03.2024 Mùa Chay & Phục sinh

TỪ THẬP GIÁ ĐẾN PHỤC SINH VỚI 3 BÀ MARIA TRONG TIN MỪNG

Lm. Patrick Briscoe, OP

 

Đấng đáng kính Fulton Sheen từng viết rằng: “Nếu không có Thứ Sáu Tuần Thánh trong cuộc đời bạn thì không thể có Chúa Nhật Phục Sinh”. Chẳng ai trong chúng ta có thể hiểu được niềm vui Phục Sinh nếu không cảm nhận được nỗi đau đớn của cuộc Khổ Nạn. Tin Mừng Gioan kể cho chúng ta biết: “Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpat, cùng với bà Maria Macđala” (Ga 19,25). Thật vậy, 3 người phụ nữ tên Maria này là những chứng nhân đặc biệt về cái chết của Chúa.

Nhưng câu chuyện của họ không kết thúc ở đó. Mỗi bà Maria cũng là một chứng nhân riêng biệt về sự Phục Sinh. Do đó, để chuyển từ Thứ Sáu Tuần Thánh sang Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta cần theo bước của người phụ nữ này.

Bà Maria Cơlôpat: Từ Giao ước cũ đến Giao ước mới

Trong số 3 bà Maria, Bà Maria Cơlôpat là người ít được biết đến nhất. Trong Tin Mừng Gioan, bà được cho là có tương quan với Chúa Giêsu đơn giản vì bà là “chị của thân mẫu Người” (Ga 19,25). Một truyền thống cho rằng bà là chị dâu của Đức Maria. Thánh Marcô cho chúng ta biết bà là một trong số những người đã đi theo và giúp đỡ Ðức Giêsu khi Người còn ở Galilê (x. Mc 15,41).

Một số nhà thần học cho rằng bà Maria Cơlôpat đại diện cho vết tích cuối cùng của Giao ước cũ, dọn đường cho kỷ nguyên mới do Đức Kitô khai mở. Sự hiện diện của bà dưới chân Thập giá tượng trưng cho sự chuyển đổi từ một đức tin được xác định bởi dòng dõi và luật pháp sang một đức tin được mở ra cho tất cả mọi người nhờ ân sủng. Với tư cách là “chị của thân mẫu Chúa Giêsu”, bà là hiện thân của những mối ràng buộc gia đình và giao ước của luật cũ, giờ đây được biến đổi thành gia đình phổ quát của con cái Thiên Chúa. Sự biến đổi này được phản ánh trong sự mờ nhạt của Giao ước Cũ, được thay thế bằng Giao ước Mới, nơi mà đức tin, chứ không phải máu huyết, xác định mối tương quan của một người với Thiên Chúa.

Bà Maria Mácđala: Từ sự hư hoại đến vinh quang

Câu chuyện của bà Maria Mácđala nổi tiếng là một trong những câu chuyện về ơn cứu độ. Việc bà được trừ khỏi 7 quỷ nhờ sự can thiệp của Đức Kitô tượng trưng cho sự thanh tẩy bao quát hơn của thụ tạo khỏi sự hư hoại của tội lỗi. Vai trò của bà Maria Mácđala, với tư cách là chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô phục sinh, nhấn mạnh sự đại diện mang tính biểu tượng của bà cho nhân loại được cứu chuộc và phục hồi trong vinh quang. Thánh sử Gioan kể rằng bà là người đầu tiên thấy ngôi mộ trống (x. Ga 20,1).

Nơi bà Maria Mácđala, chúng ta thấy sự đảo ngược giữa sự phạm tội của bà Eva, khi vì hấp tấp muốn đạt được sự thông hiểu giống như Thiên Chúa đã dẫn Eva đến sự sa ngã, thì với sự vâng phục và biết kiềm chế của bà Maria Mácđala báo trước sự sáng tạo mới nơi Đức Kitô. Việc bà Maria Mácđala theo đuổi sự tinh sạch và kiểm soát những đam mê của mình mang lại vinh quang mới, được tìm thấy nơi Đức Kitô phục sinh.

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu: Sự hoàn thiện viên mãn

Đứng dưới chân thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Trinh Nữ Maria hiệp thông sự đau khổ và nỗi buồn phiền với Đức Kitô. Đây là nỗi ưu phiền vì tội lỗi của chúng ta, sẽ được biến thành tình yêu vào Chúa Nhật Phục Sinh. Truyền thống đạo đức cho rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Đức Maria vào buổi sáng Phục sinh, để Mẹ cũng được chia sẻ niềm vui Phục sinh với Người.

Nơi Đức Maria, chúng ta gặp được đỉnh cao của mạc khải thần linh và mẫu mực hoàn hảo của tư cách môn đệ. Mẹ là sự hoàn hảo vừa báo trước vừa hoàn tất tiến trình cứu chuộc. Mẹ là nguyên mẫu của Giáo hội, hiền thê của Đức Kitô, được hiện thực hóa trọn vẹn trong vinh quang và ân sủng.

Mô hình 3 chiều và suy tư Phục Sinh

Sự hiện diện mang tính hiệp đoàn của 3 bà Maria trong cuộc khổ hình thập giá của Đức Kitô không chỉ đơn thuần là sự giải thích mang tính lịch sử mà là một tuyên bố mang tính thần học về bản chất công cuộc cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ba bà Maria phản ánh cuộc hành trình từ Giao ước Cũ đến Giao ước Mới, từ tội lỗi đến ơn cứu độ, và từ tư cách môn đệ đến sự hoàn thiện thần linh. Cả 3 lần lượt tượng trưng cho đức tin, đức cậy và đức mến, vốn là 3 nhân đức đối thần hiện diện trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Trong sự quan phòng, Thiên Chúa đã đưa từng bà Maria đến thập giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh định mệnh đó. Và với tình yêu thương xót, Thiên Chúa đã biến mỗi người trong họ thành chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (19. 03. 2024)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...