Nếu sinh – lão – bệnh – tử, được nhìn như thang bậc định mệnh của đời người, thì cái chết của cha cố Inhaxiô cũng là lẽ thường tình của một người cao tuổi đang mang trọng bệnh. Tuy nhiên, đối với tôi, cái chết của cha cố dù rất thường tình nhưng vẫn tỏa chiếu những giá trị khác thường làm sáng lên ý nghĩa giữa sinh và tử, giữa hiện hữu và tiêu tan của đời người:
1. Chết mà vẫn sống: Từ khi được tin cha cố Inhaxiô qua đời, những câu chuyện về cha và cuộc đời của cha đã sống lại giữa chúng tôi, đặc biệt là nơi những chị em từ thế hệ cao niên đến thế hệ trung niên trong Hội dòng. Đủ loại chuyện liên quan đến cha cố đã được chúng tôi nhắc đến: chuyện của đời thường, chuyện trong đời tu, chuyện trong tương quan, chuyện từ lớp học... Có một điểm rất hay là: tất cả những câu chuyện về cha cố, dù khác nhau về nơi, hoàn cảnh hoặc con người, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, là khơi lên trong chúng tôi một niềm vui lành thánh trong mối tương quan chân chất, cá vị và đầy nghĩa tình. Chúng tôi đã kể về cha như nói về người cha hiền, vị thầy khả kính và cũng là “người bạn đồng hành” của chị em chúng tôi trong ơn gọi và đời sống của Hội dòng. Điều này cho tôi có một cảm nhận thật rõ về một sự sống tinh thần bên cạnh cái chết thể lý của cha cố Inhaxiô. Cha đã chết, đó là một sự thật, nhưng cũng có một sự thật, đó là cha vẫn sống, vẫn đang hiện diện giữa chúng tôi; bởi lẽ: vẫn còn đó những lời khuyên, nhất là vẫn còn đó tinh thần sống của cha, đã được chúng tôi mang theo (có thể là đã rất lâu), giữ lấy…và rồi hôm nay, âm vang lên trong trí lòng và sẽ còn đi theo chị em chúng tôi trong cuộc sống.
Vâng, cha chết mà vẫn sống, điều này lại khơi lên trong giòng suy tưởng của tôi ý nghĩ về một nét khác nơi cuộc đời của cha:
2. Chết cho chính mình để người khác được sống: một nguyên do để cha cố vẫn sống trong lòng người dù rằng cha đã thực sự lìa bỏ cõi đời, đó chính là cha đã “chết” để người khác được “sống”. Tôi muốn nói đến tinh thần hy sinh, vì người sẵn sàng quên mình của cha cố, một tinh thần như gắn liền với con người và cuộc đời của cha. Qủa thực:
- Nếu ai đó (có thể là nhiều người đã xác nhận: Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam có một “cộng đoàn Điếc – Mù – Gù – Điên” tồn tại và sống vui trong đời tu; hoặc là: để những anh chàng ngang ngông của cộng đoàn Tam Hà thời xa xưa khốn khổ ấy có thể “tu được” và “được tu” chính là nhờ sự hủy mình tận căn của cha cố Inhaxiô.
- Thì tôi, một người đã sống trong Hội dòng Đa Minh Thánh Tâm hơn 50 năm, cũng có thể nói: chị em chúng tôi, Hội dòng chúng tôi cũng đã lớn lên nhờ công khó đồng hành, giảng dạy của cha cố Inhaxiô:
+ Chúng tôi nhớ ơn cha cố, vì nhờ công hy sinh, kiên trì giảng dạy Kinh Thánh của cha trong suốt những năm tháng dài đầy khó khăn của một xã hội biến động, mà chị em chúng tôi đã được lãnh nhận của ăn tinh thần là Lời Chúa trong trọn bộ Thánh Kinh. Chúa đã ban Lời của Ngài cho chúng tôi nhờ lòng nhiệt thành và tinh thần hy sinh của cha, để nhờ đó, chúng tôi khám phá và nếm được vị ngọt của đời tu, giữ được Tin Mừng trong cuộc sống.
+ Chúng tôi nhớ ơn cha vì trong tư cách là Thầy dạy nhiều năm và của nhiều người, cha cũng đã từng lãnh nhận khổ đau, đã cùng mang vác bao nỗi ưu tư, lo buồn, trăn trở, khốn khó của chị em chúng tôi và cũng là của Hội dòng chúng tôi. Xin tri ân Cha vì mối tương quan lành thánh của cha, mối tương quan có dấu ấn của tình mến và thập giá, có tinh thần tự hiến để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được sống.
3. Cuối cùng, trong tư cách “người con không chính danh” và cũng là “Nicôđêmô của Thầy Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao”, tôi xin được dâng lên Cha và Thầy nén hương lòng là lời hứa sẽ noi gương sống của Cha, sẽ nhớ và giữ những lời Thầy đã dạy tôi.
Người con không chính danh
M.N.T.T.P