daminhthanhtam.com

Để dạy trẻ theo các giá trị Công giáo

04.09.2024 Giáo dục

ĐỂ DẠY TRẺ THEO CÁC GIÁ TRỊ CÔNG GIÁO

 

Shannon K. Evans

 

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại việc nuôi dạy con cái dựa trên sự vâng lời vì có một số điều phù hợp hơn với các giá trị Công giáo.

Hồi đó tôi 22 tuổi, nghiêm túc ngồi hàng ghế trên, với đôi mắt mở to khi lần đầu tiên tôi nghe cha xứ nhắc nhở các bậc cha mẹ trong giáo xứ dạy con cái họ vâng lời “một cách nhanh nhẹn, vui vẻ, và trọn vẹn”. Cha khẳng định rằng khi làm như vậy, bậc cha mẹ sẽ giúp con cái của mình có nhiều khả năng vâng phục ý Chúa hơn khi trưởng thành. Tuy chưa làm mẹ, nhưng với hy vọng một ngày nào đó sẽ có được hạnh phúc này, nên tôi chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận bài học của cha xứ.

Nhiều năm sau đó, khi trở thành một người mẹ, tôi đã gặp lại triết lý về sự vâng lời này hầu như trong tất cả các nguồn tài liệu về cách nuôi dạy con cái theo giá trị Kitô giáo mà tôi đã thấy. Giống như những người mới làm cha mẹ, tôi tìm kiếm một công thức đảm bảo sự hạnh phúc, thánh thiện và sức khỏe cho con trai của mình. Bị lấn át trước sức mạnh của tình yêu dành cho con, tôi tuyệt vọng bám víu vào bất cứ thứ gì có thể khiến tôi nghĩ rằng tôi kiểm soát được những gì có thể xảy ra với con. Cuối cùng, câu Kinh Thánh được các cha xứ và giáo viên này trích dẫn dạy rằng: “Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ” (Cn 22, 6). Tất cả sách vở và những buổi hội thảo đều cho tôi hiểu rằng điều đó có nghĩa là tôi phải dạy con viết vâng lời mình. Đây là điều mà con trai tôi không hề có.

Tôi không nghĩ chúng tôi là trường hợp bất thường. Tôi đoán là dù con cái họ 2 tuổi hay 22 tuổi, hầu hết các gia đình đều phải chấp nhận sự thật rằng việc nuôi dạy con cái tốt không đảm bảo là sẽ có một kết quả hoàn hảo. Đó là bởi vì trẻ em là con người đích thật—phức tạp và năng động—chứ không phải là người máy, nếu được lập trình chính xác, sẽ trở thành người được đảm bảo hành xử theo một cách nhất định. Tất cả chúng ta đều biết là có những bậc cha mẹ sống đạo rất tốt nhưng vẫn có những đứa con phải vật lộn một cách đau đớn khi trưởng thành. Chúng ta muốn có một công thức hữu hiệu bao nhiêu có thể, nhưng đơn giản là công thức ấy không tồn tại. Vậy thì, liệu việc theo đuổi mục tiêu nuôi dạy con cái như thế có thực sự hiệu quả không? Hoặc liệu có khi nào việc huấn luyện một đứa trẻ biết vâng lời lại là để thuận tiện cho người lớn hơn là sự thực hành tốt nhất cho đứa trẻ chăng?

Việc khảo sát các mô hình nuôi dạy con cái dựa trên sự vâng lời đưa ra vấn nạn: Phải chăng đỉnh cao hy vọng của chúng ta dành cho con cái là chúng sẽ phục tùng cách mù quáng những người có thẩm quyền? Điều này có vẻ không phải là công thức cho một xã hội lành mạnh hoặc an toàn.

Kể từ lần đầu tiên được nghe giới thiệu về một mô hình vâng lời là “nuôi dạy con cái theo Kitô giáo”, tôi đã nhận nuôi 1 đứa con và sinh 4 đứa con. Sau nhiều năm tìm kiếm con đường làm mẹ của riêng mình, giờ đây tôi nhận ra rằng điều tôi muốn dạy cho con không phải là để chúng vâng lời tôi hay bất kỳ ai khác một cách mù quáng; nhưng là chúng học cách phân định hoạt động của Chúa trong tâm hồn chúng, và trang bị cho chúng biết đưa ra những lựa chọn được bắt nguồn từ khả năng đồng cảm, dấn thân, quan tâm và học hỏi. Tôi muốn bọn trẻ nhận ra khi lương tâm của chúng cho thấy rằng trong trường hợp những người có thẩm quyền thiếu mục tiêu và kỹ năng giải quyết vấn đề thì chúng biết phải làm gì với vấn đề ấy. Tôi luôn tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu đây thực sự là ý nghĩa của việc “dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi”? và dạy đứa trẻ nhận ra lương tâm của chính nó?

Là một phụ huynh Công giáo, tôi tin rằng những giá trị này hoàn toàn phù hợp với đức tin của tôi. Trong gia đình, chúng tôi coi trọng giáo huấn xã hội Công giáo và xem đó là cơ sở cho việc chúng tôi hy vọng sống cuộc đời mình như thế nào. Điều này không phải vì lợi ích của các quy tắc như là một mục tiêu của chính nó mà bởi vì chúng tôi tin rằng những giáo huấn Công giáo về tính ưu việt của lương tâm—cũng như về cộng đồng, sự tham gia, và công ích—diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với các mối tương quan của con người, và làm sao để sống hòa thuận với nhau cách tốt nhất.

Trong bối cảnh gia đình, điều này dường như nhấn mạnh sự hợp tác hơn là sự vâng lời. Rõ ràng là chúng ta không thể cho phép con cái mình tự do quyết định cuộc sống của chúng; vì đôi khi chúng có những lựa chọn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đến sự phát triển tương ứng, và đến sự an toàn của chúng (và có thể cả sự an toàn của người khác). Nhưng thay vì “đặt ra luật lệ” như một tiếng nói độc đoán từ bên trên, cha mẹ nên để con cái cùng nhau thiết lập các quy tắc của gia đình, như một tập thể. Bằng cách này, mọi người đều thấy có trách nhiệm với nhau.

Trong gia đình, kể cả trẻ em, có thể cùng nhau quyết định những giá trị chung và sau đó lập ra các quy tắc gia đình để mọi người cùng tuân theo những giá trị đó. Ví dụ, ngoài những giá trị rõ ràng về sức khỏe, về sự phát triển não bộ cách thích hợp, và về sự an toàn, trong nhà chúng tôi, mọi người đều đồng ý rằng chúng tôi coi trọng lòng trắc ẩn, và sự tư duy phản biện. Vì vậy, khi ai đó cư xử không theo tiêu chí của lòng trắc ẩn, chúng tôi sẽ dẫn người ấy trở lại với những giá trị mà họ đã tuyên bố. Hoặc khi một đứa trẻ tranh luận với người lớn, chúng tôi có thể khuyến khích chúng hình thành một cuộc tranh luận rõ rang, miễn là phải có sự tôn trọng người khác.

Một người bạn của tôi là nhà thần học, đã từng nói với tôi rằng từ “vâng lời” có nguồn gốc từ tiếng Latinh có nghĩa là “lắng nghe”, cô ấy cho thấy rằng từ “vâng lời” khởi nguyên được sử dụng trong bối cảnh tu dòng của nếp sống đan viện thời cổ xưa. Chúng ta không cam kết vâng lời một cách thiếu suy nghĩ với một nhân vật có thẩm quyền—thậm chí đó là một vị thần linh! Trái lại, chúng ta cam kết lắng nghe nhau, lắng nghe công ích, và lắng nghe hoạt động của Thiên Chúa trong lương tâm của chúng ta.

Rất khó để từ bỏ tư duy về sự vâng lời theo kiểu xưa cũ. Chúng ta càng quen với cách nuôi dạy con theo một cách nào đó thì càng mất nhiều thời gian để thay đổi. Dù thế, chắc chắn là luôn có ân sủng phát triển từ từ, và mọi sự sẽ ổn thôi. Hơn nữa, luôn có đó lời mời đối với sự tự nhận thức một cách lành mạnh khi chúng ta biết tự vấn về mong muốn kiểm soát của mình: Nó đến từ đâu? Nỗi sợ nào nuôi sống nó? Kết quả sẽ là gì?

Thánh Inhaxiô Loyola dạy về những lợi ích thiêng liêng của sự dửng dưng, vốn là một thực hành rất có giá trị đối với các bậc cha mẹ. Dửng dưng không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến con cái, hoặc chúng ta để mình không bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc trước lựa chọn của bọn trẻ. Nhưng dửng dưng ở đây đó có nghĩa là chúng ta chấp nhận rằng có những điều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và rằng có một trí tuệ siêu phàm cao hơn trí tuệ của chúng ta rất nhiều. Lời dạy của thánh Inhaxiô mời gọi chúng ta thành tâm đánh giá những mong muốn, những thất vọng, và cảm xúc của mình mỗi ngày—để thực hành sự không dính bén với những kết quả cụ thể. Khi quyết tâm cởi mở với Chúa Thánh Thần theo cách này, chúng ta được lớn lên trong sự tự do nội tâm và từ đó, cũng biết mời gọi con cái bước vào sự tự do của chính chúng.

Một trong những điều dễ bị tổn thương nhất về việc nuôi dạy con cái là cách nó phản ánh niềm tin sâu sắc nhất, thường không được thừa nhận của chúng ta về chính mình. Cách chúng ta đối xử với bản thân sẽ luôn định hình cách chúng ta đối xử với con cái. Sự thất vọng, xấu hổ, và chỉ trích mà chúng ta cảm thấy đối với chính mình sẽ truyền vào các hành vi nuôi dạy con cái của chúng ta. Là những người có đức tin, một phần trong việc chăm sóc đời sống nội tâm của chúng ta chính là chúng ta phải sẵn sàng nhìn vào cái bóng của mình: những phần mà chúng ta đang sợ hãi hoặc bị tổn thương—và có thể chúng ta đã có từ thời thơ ấu. Tiếp cận những nơi tối tăm của mình với sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô là điều cần thiết để chúng ta dừng lại việc truyền nỗi đau của chính mình sang con cái.

Trong lãnh vực trị liệu tâm lý, điều này thường được gọi là “nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong của bạn”. Ở một khía cạnh nào đó, điều này có lẽ tương tự như lời thúc đẩy của Chúa Giêsu rằng chúng ta phải “sinh lại” (Ga 3, 7). Khi mở lòng mời sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong vết thương của mình, chúng ta có thể tìm thấy sự dịu dàng và thương xót đối với bản thân và được chữa lành. Đồng thời, trong tiến trình này, chúng ta mời người khác tham gia vào tiến trình chữa lành của chính họ.

Được như thế, chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định rằng, để “dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi” không phải là chúng ta có thể kiểm soát được kết quả, mà là chúng ta đồng hành cùng với con cái, để mỗi người có thể học phân định, cho chính mình, tiếng nói của tình yêu.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: uscatholic.org

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...