daminhthanhtam.com

Bảy lời cuối cùng của Đức Ki-tô

30.03.2025 Điểm Sách

 

BẢY LỜI CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC KI-TÔ

Tên sách: Bảy lời cuối cùng của Đức Ki-tô

Tác giả: Lm Timothy Radcliffe, OP

Chuyển ngữ: Anh Em Đa Minh Việt Nam

Xuất bản năm 2004, dày 126 trang, Khổ 20.5 cm x 12.5 cm

Cuốn sách đã hấp dẫn tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự thu hút của nó đến từ cách mà tác giả phối màu và trang trí bìa sách. Tác giả thật tinh tế và biết cách chiều lòng bạn đọc khi đính kèm theo cuốn sách những hình thánh giá nhỏ xinh để người đọc suy niệm về các hình mẫu thánh giá của Đức Ki-tô và của bản thân. Hơn nữa, cuốn sách không chỉ có giá trị ở hình ảnh bên ngoài, nhưng còn chính trong nội dung của nó và tôi đã nhận ra rằng đây là cuốn sách đáng để đọc và nghiền ngẫm. Nhưng điều quan trọng hơn chính là tìm được cuốn sách bổ ích và cần thiết cho nhu cầu của chính mình.

  1. Nội dung cuốn sách

Bảy lời cuối cùng của Đức Ki-tô” là một cuốn sách viết về các bài suy niệm về bảy lời cuối cùng của Đức Ki-tô, hay nói cách khác là di chúc của Đức Ki-tô trên thập giá, trước các bài suy niệm là phần dẫn nhập với tựa đề: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”, tiếp theo các bài suy niệm là hai bài nói về sự thinh lặng và lời: “Bên kia sự thinh lặng” và “Bên kia bạo lực”.

Bảy lời cuối cùng trong Kinh Thánh, số bảy là con số của sự hoàn hảo. Bảy lời này thuộc về sự thành toàn của Thiên Chúa trong việc sáng tạo. Bắt đầu bằng những lời thưa với Chúa Cha, trung tâm là tiếng kêu thương vì cảm thấy sự vắng bóng của Người và kết thúc bằng cách thưa với Chúa Cha một lần nữa, lần cuối cùng.

1. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trên hết, Chúa mời gọi ta tha thứ. Tha thứ đi trước cả việc đóng đinh, đòn roi và cái chết. Ơn tha thứ là ơn mà chúng ta dám nhìn thẳng vào những gì chúng ta đã làm, chúng ta nhớ lại cuộc đời của chúng ta với những thất bại và thua thiệt với sự thiếu vắng của tình yêu, chúng ta nhớ lại không phải để dày vò chính mình, nhưng là để đón nhận sự sáng tạo của Thiên Chúa. Đức Giêsu xin ơn tha thứ không chỉ cho những người đã gây ra cho Người, mà còn xin ơn tha thứ cho hai người cùng đóng đinh với Ngài, họ là những người tượng trưng cho tất cả chúng ta đã nhiều lần đóng đinh Ngài.

2. “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Tiếp đến, Chúa mời gọi ta như người trộm lành biết cách chiếm lấy cho mình điều không thuộc về mình, chúng ta cũng vậy, những gì chúng ta phải làm là đón nhận khi hồng ân này tới.

3. “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26-27). Mỗi người chúng ta đều đã được Chúa Giê-su trao gửi cho Đức Mẹ khi ở dưới chân thập giá.

4. “Lạy Thiên Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài đành bỏ con?” (Mc 17,34). Dường như không mấy ai trong chúng ta có cảm nhận giống nhau, nhưng có thể chúng ta đều mang trong mình sự trống trải, những khoảnh khắc trong cuộc sống của ta bị lấp đầy bởi những khoảng trống chỉ vì vắng bóng Thiên Chúa có khi nào ta cũng thốt lên lời kêu thống thiết này.

5. “Tôi khát” (Ga 19,28). Từ đầu đến cuối dòng lịch sử, Đức Giê-su vẫn đang ngỏ lời xin chúng ta chút nước uống cho đỡ khát. Thiên Chúa là vậy đó, Người luôn khát khao mong mỏi chúng ta đến với Người, cơn khát đó vẫn còn cho đến nay.

6. Khi mọi thứ đã hoàn tất: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

7. Bây giờ, Người trao lại tất cả cho Cha của Người. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

2. Cảm nghiệm từ cuốn sách

Bảy Lời Cuối Cùng Của Đức Ki-Tô” hàm chứa một tình yêu sâu sắc: “Tình yêu hoàn hảo là khả dĩ và chúng ta thấy tình yêu hoàn hảo ấy trên Thánh giá. Nếu chúng ta bắt đầu yêu thương, thì tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa có thể đến cư ngụ trong tình yêu mong manh và bất túc của chúng ta. Và nếu chúng ta chấp nhận yêu thương người khác như họ là, không kêu ca, không trách móc thì tình yêu hoàn hảo ấy của Thiên Chúa sẽ đến với chúng ta”.

Nt. Maria Mai Thị Nhị

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...