daminhthanhtam.com

Đức Giêsu - Nhà đào tạo (Phần 1)

09.11.2024 Thần học

ĐỨC GIÊSU – NHÀ ĐÀO TẠO – Phần I

Lời mời gọi: “Hãy theo Ta”

Lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải chỉ dừng lại ở một thời điểm nào đó, nhưng Đức Giêsu mời gọi nhiều người và nhiều lần khác nhau, có những lúc thành công và cũng có khi thất bại:

  • Lời mời gọi các môn đệ cách trực tiếp bắt đầu khi Ngài đi dọc theo biển hồ (Mc 1, 16) cho đến sau biến cố phục sinh (Mt 28, 18-20; Ga 20, 21); bắt đầu ở Ga-li-lê (Mc 1, 14 -17) và cuối cùng, sau một tiến trình lâu dài, lại bắt đầu lại từ Ga-li-lê (Mc 14, 28; 16, 7); và lại một lần nữa cũng ở biển hồ (Ga 21, 4-17). Luôn luôn lại bắt đầu!
  • Thực tế, được Đức Giêsu kêu gọi cũng đồng nghĩa với việc các môn đệ được Chúa huấn luyện qua thời gian ba năm đi theo và sống với Chúa, từ khi Chúa chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả cho đến lúc Chúa lên trời (Cv 1, 21-22).

Cách thức Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vừa đơn giản lại vừa phong phú đa dạng, không trùng lặp nhau:

  • Có những lần, Đức Giêsu là người đi bước trước: Ngài “đi ngang qua”, “thấy” và “gọi” các môn đệ (x. Mc 1, 16-20);
  • Lúc khác, các môn đệ được người thân hay bạn bè giới thiệu để đến với Đức Giêsu (x. Ga 1, 40 -42.45-46); chính Gioan Tẩy Giả chỉ cho hai môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (x. 1, 35-39). Tuy vậy, cũng có những lần khác, có người tự đến gặp và xin theo Đức Giêsu (x. Lc 9, 57-58.61-62);
  • Hầu hết những người được mời gọi theo Đức Giêsu đã được biết Người và đã có cảm nghiệm nào đó về Người. Họ biết Người khi Người chữa lành bệnh tật cho người chung quanh, làm phép lạ hoặc được nghe Người giảng trong hội đường (x. Ga 1,39). Họ cũng quan sát được lối sống và cách suy nghĩ của Người.

Các cuộc kêu gọi hoàn toàn mang tính cách nhưng không. Tuy nhiên, chấp nhận lời mời gọi đòi hỏi phải có sự quyết tâm và dấn thân. Đức Giêsu không che dấu các đòi hỏi của Tin Mừng, vì những người muốn theo Chúa cần phải biết những gì họ phải làm:

  • Họ phải sám hối (thay đổi cuộc sống) và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15).
  • Họ phải sẵn sàng từ bỏ tất cả, sống như người nghèo khó và sống lưu động như Đức Giêsu. Ai không sẵn lòng thực hiện những điều này, thì “không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).
  • Sự khó khăn, tuy nhiên, không nằm trọng tâm ở chữ “từ bỏ’, nhưng quan trọng hơn đó là “tình yêu”, tình yêu mang lại ý nghĩa cho sự từ bỏ đó (x. Ga 21, 15-17): vì yêu Chúa Giêsu (Lc 9, 24) và yêu Tin Mừng (Mc 8, 35), người môn đệ phải từ bỏ chính mình, mang thập giá mình hàng ngày và theo Chúa (x. Mt 10, 37-39; 16, 24-26; 19, 27-29).

Các cuộc kêu gọi là một khởi đầu mới! Mọi thứ phải bắt đầu lại:

  • Ai chấp nhận lời Chúa mời gọi phải sẵn sàng “để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Lc 9, 60);
  • Họ giống như được sinh ra một lần nữa (x. Ga 3,3-8); phải tiến về phía trước, không tiếc nuối hoặc nhìn lại quá khứ (x. Lc 9, 61-62); ơn kêu gọi như là một kho tàng ẩn dấu, một viên ngọc quý; để chiếm hữu được nó, con người phải từ bỏ tất cả để bước theo Đức Giêsu (x. Mt 13, 44-46), để trở thành phần tử của một gia đình mới, của một cộng đoàn mới (x. Mc 3, 31-35).

 

Hai chiều kích của lời mời gọi

Ngay từ ban đầu, các cuộc kêu gọi đều mang hai mục tiêu:

  • “Hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21). Theo Đức Giêsu có nghĩa là ở lại với Người, trở nên một cộng đoàn với Người (x. Mc 10, 21);
  • “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người” (Mc 1, 17; x. Lc 5, 10): đây là lời mời gọi để thi hành sứ vụ, nghĩa là cùng với Đức Giêsu tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Trong Tin Mừng Máccô, sau một thời gian đã cùng chung sống, Đức Giêsu lại tiếp tục tuyển lựa: Người “gọi đến với Người những kẻ Người muốn”, những người này được gọi là “Nhóm Mười Hai” (Mc 3, 13-14). Họ là những người biết rõ Đức Giêsu:

  • Họ biết cách Đức Giêsu sống và nhìn thấy cách thức sống và lời giảng dạy của Người khác với những người có thẩm quyền thời bấy giờ (x. Mc 1, 21-22);
  • Thấy Người thường đồng hành với những người bị gạt ra bên lề xã hội (Mc 2, 15-16, Lc 7, 37-50);
  • Chứng kiến Người bị bách hại và chống đối (x. Mk 3, 6; Ga 15, 20).

Mục tiêu của lần gọi thứ hai này cũng giống lần thứ nhất, Tin Mừng Máccô mô tả: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 13-15). Đức Giêsu cùng lúc mời gọi các tông đồ hai điều:

  • “Ở với Người”, có nghĩa là làm thành một cộng đoàn ổn định (bền vững) với Người.
  • “Đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”, nghĩa là ra đi thi hành sứ vụ.

Ý chính của phần tiếp sau đây giải thích hai khía cạnh chính của ơn gọi: sống tương quan bền vững với Đức Giêsu và ra đi thi hành sứ vụ nơi các miền đất khác nhau. Đây là hai khía cạnh căn bản của hành trình huấn luyện, điều này không loại trừ điều kia nhưng là bổ túc cho nhau, nếu thiếu một trong hai thì không đạt được mục đích của việc huấn luyện.

Những người được Đức Giêsu kêu gọi

Mười hai tông đồ và các môn đệ khác đi theo Đức Giêsu, cả nam lẫn nữ, đều là những con người bình thường, có các nhân đức và cũng có nhiều khuyết điểm. Các sách Tin Mừng không nói nhiều về hành vi hay cá tính của mỗi người, nhưng những chi tiết ít ỏi này cũng mang lại ý nghĩa cho chúng ta trong hành trình huấn luyện. Hãy nhìn vào một số môn đệ, những người được Đức Giêsu kêu gọi:

  • Phêrô: người nhiệt tình và có chí khí hiên ngang cương quyết (x. Mc14, 29.31; Mt 14, 28-29), nhưng trước hiểm nguy hay cần phải tỏ rõ chính mình lại trở nên chút nhát, muốn thoái lui (x. Mt 14, 30; Mc 14, 66-72);
  • Giacôbê và Gio-an: họ đoan hứa sẵn sàng chịu đau khổ với Đức Giêsu (x. Mc 10, 38-39), nhưng lại là những con người rất bạo lực (x. Lc 9, 54) và Đức Giêsu gọi họ là “con của thiên lôi” (Mc 3, 17);
  • Philipphê: là người trung gian, có khả năng đưa người khác đến gặp Đức Giêsu (x. Ga1, 45-46; 12, 20-22), nhưng lại không có đầu óc suy luận thực tế để giải quyết vấn đề cấp bách (x. Ga 6, 5-7). Ngay cả Đức Giêsu đã có lần mất kiên nhẫn với ông: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Ga 14: 9);
  • Anrê: con người thực tế, ông đã phát hiện ra cậu bé với năm chiếc bánh và hai con cá (x. Ga 6, 8-9). Khi những người Hy-lạp muốn gặp Đức Giêsu, Philipphê đã quay sang Anrê để nhờ vả (x. Ga 12, 20-22) và chính Anrê là người đã giới thiệu Phêrô anh mình đến với Đức Giêsu (Ga1, 40-43);
  • Tôma: người cứng lòng, nhất định không tin vào chứng từ của những người khác cho đến khi được chứng kiến tận nơi (x. Ga 20, 24-25);
  • Nathanaen: là người nhà quê, ông là người dám khẳng định rằng không có cái gì hay ho ở vùng Nazarét (x. Ga 1,46). Tên Nathanaen chỉ xuất hiện trong Tin Mừng của thánh Gio-an. Một số người cho rằng ông chính là Batôlômêô, người được Máccô liệt kê trong danh sách 12 tông đồ (x. Mc 3, 18);
  • Matthêu: làm nghề thu thuế, nghề mà người Do Thái cho là hạng tội lỗi (x. Mt 9, 9). Chúng ta biết rất ít về cuộc sống riêng tư của ông. Trong Tin Mừng Máccô và Luca, ông được gọi là Lêvi (x. Mc 2, 14; Lc 5, 27). Mátthêu có nghĩa là quà tặng của Thiên Chúa. Tên này chỉ có trong Tin Mừng của ông. Ông là Mátthêu, là quà tặng của Thiên Chúa dành cho cộng đoàn;
  • Simon: biệt danh là “quá khích” (Lc 6, 15), là thành phần của nhóm chiến đấu giải phóng quốc gia, những người phản đối sự thống trị của Rôma. Chúng ta biết chỉ có tên và biệt hiệu của Ngài, không có gì khác;
  • Giu-đa: thủ quỹ của nhóm (x. Ga 12, 6; 13, 29) và trở thành kẻ phản bội Đức Giêsu (x. Ga 13, 26-27). Bảy mươi năm sau sự kiện đó, nghĩa là đến cuối thế kỷ thứ nhất, tác giả Tin Mừng thứ tư vẫn còn cay cú gọi ông là “tên ăn cắp” (Ga 12, 6).
  • Nicôđêmô: là thành viên của tòa án tối cao thời đó. Ông là người nắm vai trò quan trọng, đã nhận ra sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng không dám theo Người cách công khai (x. Ga 3, 1);
  • Gioanna và Susan: Gioanna là vợ ông Khuda, quản lý của vua Hêrôđê, người cai trị các xứ vùng Galilê, cùng với Su-san và những người phụ nữ khác theo Đức Giêsu, đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ (x. Lc 8, 2-3);
  • Maria Mácđala: Maria sinh ra tại làng Mácdala, nên được gọi là Maria Mácđala. Cô được Đức Giê-su chữa lành bệnh (x. Lc 8, 2), là một trong những người trung tín nhất của Chúa Giê-su và theo Người cho đến tận dưới chân thập giá (x. Mc 15, 40). Sau biến cố Chúa sống lại, cô là người đầu tiên được vinh dự đón nhận sứ vụ đi loan truyền Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người khác (x. Ga 20, 17; Mt 28, 10).

Hầu hết những người theo Đức Giêsu để làm thành một cộng đoàn với Người thuộc giới bình dân, đơn sơ. Trong số họ có cả đàn ông lẫn phụ nữ, họ là những phụ huynh trong gia đình (x. Lc 8, 2-3; Mc 15, 40-41); những ngư dân (x. Mc 1, 16,19), các nghệ nhân và cả nông dân. Mátthêu là người thu thuế (x. Mt 9, 9), Simon thuộc phong trào quá khích (Lc 6, 15). Có những người có thể thuộc thuộc nhóm biểu tình cách mạng, vì họ mang theo vũ khí và có những hành vi bạo lực (x. Mt 26, 51; Lc 9, 54; 22, 49-51); và sau hết, họ là những người được Đức Giê-su chữa cho khỏi bệnh.

Trong số những người theo Đức Giêsu cũng có những người giàu có: bà Gioanna (x. Lc 8, 3), ông Nicôđêmô (x. Ga 3, 1-2), Giôxép người Arimathê (x. Ga 19, 38), Dakêu (x. Lc 19, 2-10) và những người khác nữa. Những người này đã trải qua những thách đố đối với bản thân để có được cảm nghiệm gắn kết với Đức Giêsu. Để bênh vực Đức Giêsu trước tòa án, ông Nicôđêmô đã phải chấp nhận sự chống đối (x. Ga 7, 50-52); để xin thi hài Đức Giêsu về chôn cất, ông Giôxép người Arimathê chấp nhận sự liều lĩnh, vì có thể bị tố là kẻ thù của người Rôma và Do Thái (x. Mc 15, 43-45; Lc 23, 50-52); gặp gỡ Đức Giêsu, ông Dakêu chia phân nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn lần những tài sản lấy của người khác (x. Lc 19, 8). Tất cả những người này, kẻ giàu có lẫn người nghèo, sau hết, đều có thể nói như Phê-rô: “phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mt 19, 27); họ là những người đã được biến đổi cuộc sống, có tinh thần sám hối như Đức Giêsu mời gọi (x. Mc 1, 150.

Trước khi tuyển chọn cách đặc biệt mười hai tông đồ, Đức Giêsu đã dành trọn một đêm để cầu nguyện (x. Lc 6, 12-16); Đức Giêsu cầu nguyện để biết phải lựa chọn những ai và Người đã chọn những kẻ Người muốn, được nêu danh tính rõ ràng trong sách Tin Mừng. Nói về nhóm Mười Hai này, Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng trong lịch sử xã hội Tây phương! Người đã không chọn những kẻ cao sang quyền quý, những người đã được chuẩn bị chu đáo, những người có phẩm chất tốt, nhưng tiêu chuẩn là những người bị thu hút bởi sứ điệp cuộc sống của Người.

 

Biên dịch: Nt. Teresa Nguyễn Thị Quỳnh Giao

Nguyên bản: Carlos Mesters, “Gesù Formatore” in Vita Consacrata 38, 2002.

 

Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...