THANH THIẾU NIÊN NGHĨ GÌ VỀ GIÁO HỘI?
Matthew Buscarino,
một học sinh trung học ở Millington, New Jersey, Hoa kỳ
Chủ nghĩa thế tục gia tăng trong giới trẻ Mỹ là điều chẳng có gì phải giấu giếm. Một cuộc khảo sát năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Pew về thanh thiếu Mỹ từ 13 đến 17 tuổi cho thấy chỉ 50% tin rằng tôn giáo là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ, trái ngược với 73% cha mẹ của họ. Quan tâm đến xu hướng này, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (the United States Conference of Catholic Bishops – USCCB) đã công bố trên trang web của USCCB một bài báo có tiêu đề “Đương đầu với chủ nghĩa thế tục ngày nay” (Confronting Secularism Today) của Linh mục Robert Spitzer, SJ. Trong bài viết, tác giả đã trình bày 4 nguyên nhân dẫn đến xu hướng này:
- Sự mâu thuẫn về nhận thức giữa Thiên Chúa và khoa học.
- Thiếu bằng chứng về Thiên Chúa từ khoa học và logic.
- Niềm tin ngầm vào chủ nghĩa duy vật.
- Sự hoài nghi về tính lịch sử và thần tính của Đức Giêsu.
Mặc dù tất cả những yếu tố này thực sự có thể khiến một số người trẻ từ bỏ đức tin, nhưng tôi cảm thấy danh sách này chưa đủ. Cuối cùng, một cuộc khảo sát tương tự của Pew cho thấy khoảng 85% thanh thiếu niên tin vào một quyền lực cao hơn. Là một người Công giáo 17 tuổi, tôi biết nhiều người ở độ tuổi của tôi đang từ bỏ Giáo hội và đức tin của họ. Tôi đã nói chuyện với một số người để hiểu lý do tại sao. (Do tính chất cá nhân, nên tôi đã sử dụng những tên giả, trong các chia sẻ của họ.)
Đối với nhiều bạn đồng trang lứa của tôi, Giáo hội thể chế bị coi là cổ hủ và mục nát bởi lòng tham, nạn ấu dâm, và định kiến. Họ đổ những điều sai phạm này lên vai những vị mục tử của Giáo hội. Ngoài ra, nhiều người cũng cảm thấy bất mãn cá nhân đối với Giáo hội. Trong khi những câu trả lời mà bạn bè tôi đưa ra không hoàn toàn đúng, một chủ đề phổ biến đã nổi lên: Vấn đề thịnh hành nhất đang làm gia tăng khoảng cách giữa người trẻ và Giáo hội chính là thể chế của Giáo hội.
Những vết thương và nỗi đau
Phong thái và sự nhấn mạnh của huấn giáo, đặc biệt là để chuẩn bị cho việc lãnh các bí tích, có thể có tác động thực sự đến cách người trẻ nhìn nhận về Giáo hội nói chung. Một trong những người bạn của tôi, Jo, đã nói về một bài giảng về sự tiết dục và phò sự sống mà cô ấy buộc phải tham dự để chuẩn bị cho Bí tích Thêm sức, một bài giảng mà cô ấy cảm thấy rất khó chịu. Cô có cảm giác là những người thuyết trình không có chỗ cho những câu hỏi chân thành từ những người nghi ngờ giáo huấn của Giáo hội và tập trung quá nhiều vào vấn đề ngượng ngùng. Jo nói với tôi rằng, cô ấy e rằng mọi người sẽ cho là cô ấy sẽ giống như vậy khi thảo luận về chính trị hoặc niềm tin cá nhân dựa trên sự xác nhận về tôn giáo của cô ấy. Jo cho biết rằng, “Tôi chỉ nói với mọi người rằng tôi là một Kitô hữu, nhưng tôi sẽ không nói tôi là người Công giáo”.
Ý tưởng rằng ai đó có thể bị Giáo hội từ chối vì Giáo hội có thể khó để nắm bắt. Một trong những người tôi đã nói chuyện với là bạn của tôi tên là Dominic, một người có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và đi lễ vào mỗi Chúa nhật. Khi tôi hỏi anh ấy có nghĩ rằng Giáo hội đang xua đuổi mọi người không, anh ấy nói với tôi, “Tôi nghĩ tin vào Thiên Chúa trong thế kỷ XXI là không thực tế, bởi vì mọi người muốn tin vào những gì họ nhìn thấy, chứ không phải điều gì đó chỉ cần có đức tin… Họ không quen với ý tưởng rằng thứ gì đó không thể nhìn thấy có thể là có thật”. Câu trả lời của Dominic cũng gây tiếng vang mạnh mẽ với niềm tin rằng mọi người đang rời bỏ Giáo hội vì cảm thức về chủ nghĩa vật chất ngày càng tăng và cảm giác rằng Thiên Chúa không có chỗ trong cuộc sống hàng ngày.
Một người bạn khác quyết định bỏ đạo vì nhận thức được sự xa cách giữa họ và Thiên Chúa. James, người lớn lên theo Công giáo và tham dự Thánh lễ vào mỗi Chúa nhật khi còn nhỏ, hiện là một người theo thuyết bất khả tri. Trong khi chuẩn bị thêm sức, anh ấy bắt đầu cảm thấy rằng việc dựa vào một vị Thiên Chúa vô hình để nâng đỡ anh ấy trong thời điểm khó khăn thì chưa đủ. Chứng kiến những cái chết đau thương kéo dài của người dì và chú của mình, vốn đều là những người rất sùng đạo, cũng khiến anh ấy thất vọng.
James đã suy tư về trải nghiệm này khi nói, "Tôi đoán điều khiến tôi trở đạo chỉ để nhận ra Thiên Chúa có thể làm gì với những người tốt lành như vậy, những người cũng tin tưởng vào Ngài". Hiện nay, James đã bỏ Giáo hội, và phần lớn là đức tin của anh ấy. James nói rằng anh ấy chỉ nuôi dưỡng ý tưởng về Thiên Chúa hiện hữu khi một người nào đó mà anh biết là có đạo đang trải qua thử thách đau buồn hoặc đau đớn. Trong những tình huống đó, anh nói rằng anh cầu nguyện cho người đó nếu có một vị Thiên Chúa đang lắng nghe.
Đương đầu với xu hướng thế tục
Anh bạn Andrew của tôi là một người vô thần, dù được nuôi dưỡng bởi cha mẹ Công giáo nhưng anh hiếm khi tham dự Thánh lễ. Từ khi biết anh, tôi đã nghe anh nói về tư tưởng của anh về tôn giáo như một thể chế vô dụng đặt ra những quy tắc thừa thãi. Anh nói rằng anh không chống đối Giáo hội; thay vào đó, anh chỉ đơn giản là cảm thấy không muốn đi theo. Anh cũng nói rằng việc ít tiếp xúc với tôn giáo đã khiến anh thắc mắc về giá trị của đạo.
Đối với Andrew, khái niệm về đức tin tự nó là một thách đố. Và thực sự, 4 lý do của Cha Spitzer cũng có thể áp dụng trong trường hợp của Andrew, vì anh tin rằng khoa học và Thiên Chúa mâu thuẫn với nhau, và có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học đáng giá nào về một vị sáng tạo. Andrew không phản đối việc đi lễ, nhưng không cho mình là tuýp người sẽ đến nhà thờ. Anh nói với tôi, “Có lẽ nếu có cơ hội, tôi sẽ sẵn sàng cho việc đó. Nhưng hiện tại, tôi thấy chưa thực sự có lý do để tham dự Thánh lễ hoặc đến nhà thờ thường xuyên".
Mặc dù phương pháp tiếp cận trí tuệ có thể giải đáp một số vấn nạn mà những người bạn có khuynh hướng thế tục của tôi đưa ra— chẳng hạn như vấn nạn của Andrew về Thiên Chúa liên quan đến khoa học và vấn nạn của James về sự đau khổ — tôi tin rằng các vị mục tử Giáo hội cũng cần tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác.
Các vị mục tử cần phải tính đến thực tế là nhiều người ở độ tuổi của tôi không cảm thấy rằng họ cần thể chế Giáo hội để giúp họ có cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn về mặt tâm linh. Jo kể cho tôi nghe là cô ấy thực hành cầu nguyện và thiền định thay vì tham dự Thánh lễ trong thời kỳ đại dịch ra sao, và cô ấy cảm thấy được kết nối với Thiên Chúa nhiều hơn trong thời kỳ đó so với khi tham dự Thánh lễ như thế nào. Jo nói rằng, “Tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có thể theo đạo mà không cần liên kết với thể chế hay không. Và giờ đây, tôi nói có, tôi có thể, và tôi làm điều đó”.
Còn James thì vẫn không chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng anh cho biết anh rất có thể sẽ nuôi dạy con cái theo đạo Công giáo, chủ yếu là vì sự đề cao luân lý và giáo huấn tốt lành của đạo. Anh nói rằng việc anh từng là thành phần của một gia đình Công giáo cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của anh về việc nuôi dạy con cái trong Giáo hội. Nhưng hiện tại, anh cảm thấy thoải mái với niềm tin và ý nghĩ của mình về Thiên Chúa. Anh vẫn suy ngẫm về đức tin của mình hàng ngày, anh nói, “Tôi suy nghĩ về niềm tin của mình và tôi nghi ngờ đức tin của mình. Tôi muốn nói rằng điều này xảy ra hàng ngày… và thực, với tôi, việc nghi ngờ về đức tin là một điều lành mạnh”.
Cách hành động quan trọng nhất đối với các vị mục tử Giáo hội -những người hy vọng sẽ có thêm nhiều người trẻ kết nối với Giáo hội- có lẽ là tiếp cận với những người trẻ có đức tin, nhưng không cảm thấy như Giáo hội dành cho họ. Để thu hút thế hệ trẻ, những người trẻ đó cần cảm thấy được chào đón, yêu thương và chấp nhận. Giáo hội của chúng ta là nơi nương tựa dành cho những người tội lỗi, không phải là một câu lạc bộ cho những người công chính. Giáo hội phải thích ứng với một thế hệ kỹ thuật số am hiểu, và có chính kiến hơn, bởi vì mỗi khi Giáo hội xảy ra chuyện lộn xộn, thế giới sẽ chú ý đến. Giáo hội không thể tồn tại nếu không có người trẻ, nhưng, như những người bạn của tôi sẽ nói với bạn, nhiều người vẫn đang tồn tại mà không có Giáo hội.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org