daminhthanhtam.com

Những Gì Chúng Ta Đang Phí Phạm... Là Của Người Nghèo!

21.08.2024 Suy Tư Văn hoá

NHỮNG GÌ CHÚNG TA ĐANG PHÍ PHẠM... LÀ CỦA NGƯỜI NGHÈO!

 

Em vẫn thường ra ngoài phố chợ hàng ngày trên chiếc xe tay ga đắt tiền, vẫn rong chơi mỗi tối trên phố đi bộ để mua sắm và ăn uống, đúng không em?

Em đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, tiếp cận nhiều người...và em đã thấy những gì ở xung quanh em, và trong xã hội này?

Chắc em sẽ thấy một thành phố thương mại với những tòa nhà cao ngất, tiện nghi, đẹp? Nhưng em có thấy những căn nhà lụp xụp trong khu ổ chuột của thành phố?

Em thấy người ta chạy xe đời mới nườm nượp, những chiếc xe sang hàng tỷ nối đuôi nhau, diễu binh, phô trương ngoài đường phố? Nhưng liệu em có để ý thấy chiếc xe wave cũ cọc kạch, tróc sơn của anh chàng bán kem hay chiếc ba-gác của hai vợ chồng lượm ve chai vẫn ngang qua nhà mình mỗi ngày?

Em quen tiệc tùng với những bữa ăn thịnh soạn nơi các nhà hàng, nên chắc nhiều khi em chẳng thấy hay để ý hộp cơm nghèo, phần ăn trưa của ông thợ sửa giày ngoài ngã tư chỉ có vỏn vẹn một miếng đậu hũ kho và ít rau luộc?

Giữa cái giàu, cái văn minh, công nghệ hiện đại, ipad, iphone, 3-4 D, những bữa tiệc tính tiền USD, hay những bộ áo quần hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu...thì có một thế giới "rất khác", rất nghèo đang ở đó với biết bao mảnh đời thật đáng thương.

Người nghèo nhiều lắm em...những người mà cái nghèo đeo bám họ riết, cho dẫu họ dầm mưa dãi nắng, quần quật suốt ngày mà vẫn không thoát được cái nghèo. Họ sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, cơm gạo đong cân từng bữa. Trong số họ, những người nghèo ấy xem ra chẳng nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của người khác trong hoàn cảnh bi đát của họ. Đó là những người nghèo mà chị muốn nói đến, mà đôi khi chúng ta đang vô tâm không biết sẻ chia, giúp họ bớt nghèo.  Có những cảnh nghèo, khi tiếp cận thực tế, chúng ta mới chỉ có thể hiểu một phần nào trong cái khốn khó, nghiệt ngã mà người nghèo đang hứng chịu. Cùng sống trong một thời đại, vậy mà, có biết bao người nghèo đang trở nên lạc lõng và cảm thấy cô đơn. Họ mang trong lòng sự tự ti, mặc cảm, với ánh mắt buồn, chất chứa nhiều ưu tư . Họ cũng là con người mà em, nhưng lại chịu quá nhiều thiệt thòi.

Xem ra, chị cũng có một chút trải nghiệm trong đời của cái tủi thân tủi phận khi thấy mình nghèo. Chiếc bánh mì không kèm theo một ít dưa chua và nước sốt...cứ mặn mặn thế nào ấy giữa một ngôi trường dành cho học trò chuyên toán văn, nhưng hầu hết thuộc con nhà khá giả. Chị thường lặng lẽ với ổ bánh mì đó mỗi sáng, trầm ngâm với cảm giác buồn buồn làm sao ấy, ...khiến chị phải thôi nửa chừng để trốn chạy những cảm xúc mặc cảm. Cái cảm xúc, tâm trạng ấy của người nghèo, chị đã nếm cảm, mà cho đến hôm nay, dù đã hơn 30 năm, chị vẫn không thể quên!

Chị nói như thế, là để em hiểu rằng, chỉ khi nào mình đã sống, đã trải nghiệm một cảnh đời nào đó, mình mới có thể cảm, hiểu được phần nào những thực hư, rõ nét tiềm ẩn trong những tình cảnh tương tự. Đúng không em?

Chị nhớ những lần em phát hiện hay ngửi thấy mùi hôi xung quanh nhà, em khó chịu, càu nhàu và lẩm bẩm suốt. Em làm ra thể cứ như là tận thế sắp đến nơi rồi không bằng! Vậy mà, em tưởng tượng mà xem, đã có những vợ chồng, con cái dắt díu nhau ăn ở, ngủ nghỉ ở dưới cái gầm cầu với nước đặc quánh đen xì, hôi thối. Họ chọn nơi ấy là nhà, khi không còn một lựa chọn nào khác. Họ không có một nơi để ở, thôi thì, cực chẳng đã, họ phải sống cùng với cái bẩn thỉu của người khác xả ra, cho dù họ vẫn là người như mình, phải không em. Nếu là mình, liệu chừng chúng ta có thể sống nổi chỉ vài phút trong cái ẩm thấp, hôi thối đó mà không nôn lên ọe xuống vì khiếp đảm? Vậy mà họ đã sống!

Mấy bữa trời nóng, chị cũng hay kêu than. Không nhăn nhăn nhó nhó nhiều, nhưng thi thoảng, chị xem ra mình đang ở trong hoàn cảnh tội nghiệp, không máy điều hòa như bao người khác. Cái phàn nàn vì thời tiết quá oi bức đang cao trào, chị bỗng khựng mình, nhìn ra ngoài trời nắng gắt như đổ lửa, chợt nhớ đến bao người nghèo đang phơi mặt, phơi lưng dưới cái nắng nóng từ 37-400, môt hoàn cảnh mà họ không thể trốn chạy. Thế là lập tức, chị lẳng lặng tắt đài. Chị tắt đi cái đài hưởng thụ bao lâu vẫn có, mà chị là trung tâm! Nhiều khi mình tận hưởng nhiều thứ quá, không biết cái khốn khó bần cùng của cảnh nghèo, khiến chúng ta dễ lẩm bẩm, kêu than, mà quên rằng: biết bao người nghèo đang phải chịu những cay cực đó thay mình!

Em biết không, có những người phải làm nai lưng ra 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, hay ngụp lặn trong những giòng nước lạnh để mò cua bắt ốc...cuối cùng chỉ kiếm được mấy chục ngàn, mà với số tiền ấy, em vui vẻ ăn hàng chỉ một tí là hết. Còn họ, những người nghèo ấy, lại phải chắt chiu dè xẻn, chỉ dám mua một vài miếng đậu hũ với bó rau muống làm thức ăn cho cả gia đình trong bữa tối. Thằng bé nghèo, đứng giữa phố, rao bán những con hạc giấy em gấp...chỉ vì gia cảnh em nghèo. Ông cụ già mù nghèo, mỗi ngày giã bột, làm bánh, lọ khọ mò bước bán rong...nuôi bà bệnh, kiếm được trăm ngàn trong ngày là vui lắm rồi. Trăm ngàn đối với người nghèo, là lớn, còn với em hay chị, đôi khi chúng ta rút từ trong ví bóp của mình ra 10 tờ một trăm ấy, nghĩa là bằng 10 ngày công nhật dưới nắng thiêu đốt, 10 ngày giã bột, làm bánh, lò mọ đeo thúng bánh đi bán của ông cụ mù, để chỉ mua một đôi giày, mà sau đó, nhiều khi mình xài có đôi ba lần rồi bỏ.

Có người trong chúng ta chỉ ăn chơi một chút xíu thôi, nhưng cái hóa đơn tính tiền lại chẳng chút xíu tí nào. Cái số tiền hơn 90 triệu trên hóa đơn cho khoảng 10 hay 20 người với những món lạ miệng, sơn hào hải vị, bổ dưỡng ...trong một buổi tiệc thôi, thì đối với một số người nghèo là một giấc mơ mà mãi họ không thành hiện thực, mong mãi mà chả có tiền làm nổi một căn nhà che nắng mưa với chi phí khoảng 20 triệu. Xem ra chua chát lắm thay trong một bức tranh vẽ lên hai cuộc sống: kẻ giàu khoe đẳng cấp, post up cái hóa đơn 90 triệu ấy cho thiên hạ nể ...còn người nghèo với đôi tay nhăn nheo, đen đủi cầm lấy đồng một trăm mân mê mãi, không dám tiêu dù bụng đang cồn cào vì đói. Họ càng khoe, thì dường như nỗi đau của người nghèo càng nhân lên.

Chị cảm thấy buồn. Buồn, vì chị không hiểu những người có tiền nghĩ gì, khi phô trương cái giàu.... Buồn cho người nghèo...bởi những bất công đang đè lên trên họ, những bất công đẩy người nghèo đến cảnh nghèo hơn, bởi sự vô tâm của những con người đồng loại!

Chị nhắc chừng đến em và cho cả chị trong cách sống của chúng ta hướng về người nghèo.

Không chỉ là một đôi dép, nhưng còn nhiều thứ khác nữa chúng ta mua về, xài dăm ba bận, rồi quăng một góc, chẳng thèm đụng đến lần nào khác nữa, bởi cho đã lỗi "mốt". Trong khi với người nghèo, cái đôi dép em quẳng trong góc nhà, bụi mốc, lại là điều mơ ước của họ. Người nghèo chỉ có đôi giày da cứng ngắc, nặng nề, mà đi hơn 100m đã thấy bàn chân ê ẩm, vậy mà, đôi giày êm ái kia, em lại quăng góc xó, chẳng dùng đến, cũng chẳng san chia cho ai. Em ơi, đôi giày em không xài là của người nghèo đó em! Cái túi em không đeo nữa vì chê nó không hợp, cũng là của người nghèo. Quần áo em may, em mua rồi chất đống trong tủ đồ, năm thì mười họa mới lôi ra mặc...cũng là của người đang rách, người nghèo đang cần em sẻ chia. Đồ ăn dư thừa em lấy chất đống rồi bỏ thừa trong tiệc buffet, cái bánh bông lan em ăn một nửa, bỏ một nửa hay chén cơm em ăn không hết trong bữa... là của người đang đói, của người đang lả đói trên khắp thế giới. Nước em không uống hết, cũng là ly nước của những người đang trong cơn khát, những nơi đang thiếu nước trầm trọng. Đồng tiền trong bóp của em, không hẳn là của em hết đâu, nhưng là một phần của người nghèo, em à.

Ông nhà giàu trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu " Anh Lazarô và ông phú hộ" ( Lc 16, 9-31), em còn nhớ chứ. Ông nhà giàu, sau khi chết, không được Abraham ôm vào lòng như Lazarô, nhưng phải chịu lãnh hình phạt đau đớn. Vì sao ông lại phải đau khổ sau khi chết? Giàu có là một tội ư? Không em à! Ông ta có tội không phải vì ông ta giàu, nhưng là vì ông ta đã chẳng quan tâm đến một Lazarô hàng ngày ngồi ăn xin trước cổng nhà mình. Cái cổng đó, mỗi ngày, ông đều đi qua! Nhưng xem ra, ông nhà giàu chỉ nhìn thấy Lazarô như một vấn đề, một hiện tượng trước mắt. Có lẽ, ông chưa bao giờ nhìn thấy Lazarô như là một con người, mà Thiên Chúa muốn ông yêu thương, quan tâm, an ủi cái nghèo khổ, ghẻ chốc của Lazarô. Ông nhà giàu chỉ biết thụ hưởng với những gì mình có trong áo đẹp, hay yến tiệc hàng ngày...những thứ làm ông quên mất người khác sống xung quanh mình.

Chúa Giêsu cũng đang nhắc nhở chúng ta qua câu chuyện dụ ngôn đó: đừng quá hưởng thụ, vì một khi chúng ta sống trong một sự tiện nghi, hưởng thụ...chúng ta có thể dễ lãng quên người khác, đặc biệt với những người nghèo xung quanh đang cần chúng ta giúp đỡ.

Thiên Chúa không muốn cho con người phải sống trong nghèo khổ, bởi đôi khi, nghèo làm cho con người ta dễ bị tha hóa, dễ rơi vào những cạm bẫy. Ngài muốn mỗi người chúng ta hãy cùng với Ngài xóa bớt đi những cái nghèo mà anh chị em mình đang gặp phải. Ngài muốn chúng ta cần phải biết chia sẻ và quan tâm đến những người nghèo xung quanh mình. Em và chị hãy tập sống vì người nghèo, để mỗi khi cần tiêu xài thứ gì, em và chị hãy đắn đo suy nghĩ, chọn lựa để mình không chỉ sống cho riêng mình, nhưng còn cho những anh chị em đang nghèo đói xung quanh mình, được không em?

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...