daminhthanhtam.com

Con người cầu nguyện - Con người tự do mở ra cho dự phóng của Thiên Chúa

08.02.2025 Thần học

CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN - CON NGƯỜI TỰ DO

MỞ RA CHO DỰ PHÓNG CỦA THIÊN CHÚA

 

Có thể nói “tự do” là vấn đề nóng bỏng, và“khao khát tự do” là nét đặc trưng của thời đại hôm nay. Nhưng đáng tiếc, chính trong thế giới này, hơn lúc nào hết ý nghĩa đích thực của tự do đang bị lợi dụng và bị bóp méo. Người ta nhân danh tự do để cổ võ cho nếp sống buông thả (tự do tính dục, phá thai…), cho nếp sống cá nhân chủ nghĩa, cho một lối sống ích kỷ làm héo mòn đi sức sống sung mãn và sự tự do đích thực của con người.

Là tu sĩ, những người sống giữa thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian, nên chắc chắn chúng ta cũng không tránh khỏi tác động và tầm ảnh hưởng tinh thần thế tục của thế giới này. Một thế giới mà trong đó các giá trị đạo đức đang bị suy thoái và đánh tráo. Do đó, việc định hướng cho mình những giá trị đích thực là điều hết sưcù cần thiết.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã khẳng định trong số 1731- 1732: Tự do đích thực chỉ có khi con người biết gắn chặt vào Thiên Chúa, phục vụ cho sự thiện là chính Thiên Chúa vì chính Ngài là sự thiện hảo tối hậu. Như vậy, “tự do con cái Thiên Chúa” chính là tự do sống và thể hiện Thánh ý Cha trên trời.

Nhưng làm thế nào để có thể sống được sự tự do đích thực đó? Cuộc đời Đức Giêsu Kitô chính là mẫu gương tuyệt hảo, Người đã sống sung mãn sự tự do của mình bằng cách hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha.

1. Con Người Tự Do – Con Người sống theo Thiên Ý.

Đức Giêsu chính là con người tự do tuyệt đối.

Quả thật, Người đã sống sự tự do này từ sự “tự nguyện huỷ mình ra không” khi chấp nhận Nhập Thể làm người (Pl.2,6-11) và dọc dài ba mươi ba năm dương thế, Người luôn hành động theo ý Cha dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đặc biệt được biểu hiện đến cao điểm nơiø hành động vâng phục cho đến chết trên thập giá: “ Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc.23, 46)

Thực vậy, lời cầu nguyện sau cùng này là bằng chứng hùng hồn của sự tự do sung mãn! Vì đây không phải là một lời ai oán, nghi nan hay thất vọng sau tất cả những đau khổ, tủi nhục Người phải chịu ngoài thân xác và trong thẳm sâu của nội tâm, nhưng đó chính là tiếng reo vui của người con thảo hiếu đã dùng tất cả tự do yêu mến của mình để thi hành và đã hoàn tất chương trình cứu độ như Chúa Cha mong muốn.

Tôi thí mạng sống tôi để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống tôi được nhưng chính tôi tự mình thí mạng sống tôi(Ga 10, 17-18).

Nhưng phải chăng Đức Giêsu vì là Con Thiên Chúa nên Người dễõ dàng đạt đến sự tự do vâng phục Thiên Chúa?

Chắc chắn không phải như vậy, vì như thư Do Thái đã nói: Dù là con Thiên Chúa nhưng một khi đã mặc xác phàm, Đức Giêsu cùng phải kêu van khóc lóc khẩn khoản dâng lời nguyện xin lên Thiên Chúa Cha…, cũng phải trải qua những đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ý muốn của Chúa Cha (x Dt 5,7-8). Như vậy, Đức Giêsu cũng đã sống trọn vẹn thân phận con người như chúng ta. Và chính nơi trường cầu nguyện, Đức Giêsu đã học biết ý Chúa Cha và học cho biết vâng phục Người. Cầu nguyện chính là chìa khoá đích thực Đức Giêsu dùng để mở ra và bước vào cánh cửa sự sống tự do trong Thiên Chúa. Đó cũng sẽ là chìa khoá duy nhất cho mỗi ngươiø chúng ta, vì chỉ trong cầu nguyện ta mới nghe biết ý Thiên Chúa và nhất là có đủ sức để thi hành ý Ngài nhờ đó có khả năng tự do mở ra đón nhân dự phóng của Ngài trên cuộc đời ta.

2. Con Người Tự Do – Con Người Của Cầu Nguyện

1.1 Cầu Nguyện Để Nghe Được Tiếng Chúa Và Biết Được Ý Muốn Của Ngài.

Theo Thánh Têrêsa Avila định nghĩa: cầu nguyện là một cuộc đối thoại thân tình cha con với Thiên Chúa. Như thế cầu nguyện không là một cuộc độc thoại, nhưng trong đó Thiên Chúa nghe ta nói và ta lắng nghe tiếng Chúa.

Lắng nghe” chính là bài học đầu tiên của trường cầu nguyện, là yếu tố căn bản để bước vào cầu nguyện. Nhưng Đức Giêsu cũng đã khẳng định: trước khi các con cầu xin thì Cha đã biết chúng con cần gì và Ngài sẵn sàng ban ơn cho chúng ta (x Mt 6,7-8). Vì thế điều quan trọng ở đây không phải là ta nói nhưng là làm sao lắng nghe được tiếng Chúa, biết được chương trình tình yêu của Ngài dành cho đời ta.

Trong suốt ba mươi năm âm thầm nơi Narazeth, Đức Giêsu đã không ngừng đối thoại và lắng nghe Chúa Cha trong cầu nguyện nên Người đã xác định hướng đi đời mình ngay từ nhỏ: “Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao?”( Lc2,49). Trước khi khởi sự công cuộc rao giảng, Người cũng đã ăn chay và cầu nguyện trong suốt bốn mươi ngày đểå học biết ý Chúa Cha và con đường cứu độ Người sẽ thực hiện sau này (Lc 4,1-13).

Cầu nguyện chính là kim chỉ nam duy nhất hướng dẫn hành động của Đức Giêsu. Thực vậy, Người đã không tự ý mình làm điều gì, nhưng dù bận rộn việc rao giảng, chữa bệnh, Người luôn dành thời gian để cầu nguyện với Cha. Nhất là trước những biến cố quan trọng như khi chọn nhóm mười hai (Lc 3,13; Lc 6,12), hay trong vườn cây Dầu, khi phải đối diện với cái chết khủng khiếp, Người đã cầu nguyện khẩn thiết với Cha để hiểu được ý muốn của Cha qua biến cố kinh hãi này (Mc 14, 26-41; Lc 22, 46).

Mặt khác, để có thể đối thoại đúng nghĩa cần phải có thái độ chân thànhkhiêm nhường đích thực. Vì đó là một điều kiện để có thể tiếp xúc với Thiên Chúa và có thể tiếp nhận lời Ngài, như hành động tượng trưng Thiên Chúa đòi Môsê: “Hãy cởi dép ra” khi Ngài tỏ mình cho ông qua bụi gai bốc cháy (Xh 1,4-5). Trong Tân ước, Đức Giêsu cũng khẳng định khiêm nhường là điều kiện tất yếu để lời cầu nguyện được chấp nhận và hưởng được ơn tha thứ như người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền cầu nguyện (Lc 18,9-14). Tinh thần khiêm nhường ở đây không phải là thái độ tự ti nhưng là thái độ người nghèo của Thiên Chúa, dám sống con người thực bất toàn và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa: xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18,13). Đây cũng chính là thái độ của kẻ bé mọn mà Chúa Cha muốn mặc khải sự khôn ngoan của Ngài cho (Mt 11,25-27).

Đức Giêsu chính là “kẻ bé mọn” của Thiên Chúa khi Người tin tưởng xoá mình ra không trong mầu nhiệm Nhập Thể. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết … theo ý muốn của Chúa Cha (x Pl 2,6-11). Như vậy, nơi Đức Giêsu, tinh thần khiêm nhường không chỉ dừng ở thái độ trong những giờ cầu nguyện với Cha nhưng còn là chính cách sống, là toàn bộ con người của Người luôn hướng về Chúa Cha nhờ đó mà Người luôn nghe biết được ý Chúa Cha.

Hơn nữa, đi sâu vào đời sống của Đức Giêsu, ta nhận thấy yếu tố cốt lõi cho Người đạt đến thẳm sâu của tinh thần khiêm nhường và hoàn toàn tự do tuân phục ý Chúa Cha chính là mối tương quan tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha. Thực vậy, nơi Đức Giêsu, nhu cầu gặp gỡ, trò chuyện với Cha là nhu cầu sống còn của Người. Người thường đắm mình trong cầu nguyện với Cha từ sáng sớm hay suốt canh khuya (Mt 14, 23; Lc 6,12). Người kết hợp với Cha không ngừng ngay cả khi người chữa bệnh, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại (Mc 7,31; Ga 11,41). Đáp lại, cũng chính trong cầu nguyện mà Chúa Cha đã nhiều lần lên tiếng xác nhận Đức Giêsu là con yêu dấu của Ngài (Lc 3,21-22; 9, 28-36).

Vì thế, Sống thân mật với Chúa cũng sẽ là yếu tố không thể thiếu trong đời chúng ta. Chính nhờ tương quan mật thiết với Chúa, ta sẽ có được trực giác bén nhậy của tình yêu để dễ dàng nhận ra tiếng Chúa trong cầu nguyện. Nhất là hiểu được ý Ngài trong từng biến cố xảy ra trong cuộc sống để có thể mau mắn thưa tiếng xin vâng và tuân phục ý Ngài.

1.2. Cầu Nguyện Để Có Khả Năng Vượt Thắng Những Trở Ngại Để Đón Nhận và Thi Hành Ý Thiên Chúa

Trong thư Roma 7,19 Thánh Phaolô đã nói: những điều tôi muốn nhưng tôi lại không làm, còn những điều tôi không muốn làm tôi lại làm. Thánh nhân cho thấy, nhận ra điều Chúa muốn đã là khó nhưng để làm theo ý Ngài lại càng khó hơn. Chính Đức Giêsu cũng đã căn dặn các mộn đệ: Anh em hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ; hãy cầu nguyện luôn hầu có thể đứng vững trước mặt Con Người (Lc22,40.46). Đây cũng chính là kinh nghiệm sống của Đức Giêsu, với cơn cám dỗ bốn mươi ngày trong sa mạc, Ngườøi đã chiến thắng quỷ dữ bằng sức mạnh lời Chúa và cầu nguyện (Lc 4,1-13).

Cầu nguyện vẫn là cách Đức Giêsu dùng để đối đầu với những cơn cám dỗ Người đi sai đường lối của Chúa Cha, như trong biến cố người làm phép hoá bánh ra nhiều. Sau khi được ăn no, đám đông muốn tôn Người làm vua, Đức Giêsu đã giải tán đám đông và rút lên núi cầu nguyện một mình với Cha (Mt 26,30-46). Hay khi đứng trước cái chết khủng khiếp sắp phải chịu với cám dỗ trốn chạy khỏi chén đắng Cha trao. Bằng sự cầu nguyện tha thiết và tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Cha, Đức Giêsu thắng vượt được nỗi sợ hãi mà sẵn sàng đón nhận chén đắng như ý Cha (x Lc 22,41-46).

Như vậy, để sống được sự sống tự do đích thực, chính Đức Giêsu đã học trong đời sống cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa là Cha của Người. Phần chúng ta, chúng ta cũng cần có một ý chí mạnh mẽ, kiên trì trong cầu nguyện hầu lắng nghe được ý muốn của Chúa trên cuộc đời ta. Đặc biệt trong sức mạnh của đời sống cầu nguyện, chúng ta tự do và sẵn sàng vâng phục ý Ngài. Bởi vì chính cầu nguyện cho ta khả năng nhận biết tình thương của Thiên Chúa, từ đó thúc đẩy ta sẵn sàng hiến thân để tôn phục ý Ngài, phó thác toàn thân trong tay Ngài. Do đó:

1.3. Con Người Cầu Nguyện chính là Con Người Tự Do Mở Ra Cho Dự Phóng Của Thiên Chúa.

Như Abraham, từ sự nhạy cảm của một tâm hồn luôn hướng về trời cao, ông đã tự do mau mắn ra đi theo tiếng Chúa bước vào cuộc phiêu lưu theo lời hứa của Ngài. Luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Abraham đã sống sự tự do của mình bằng một niền tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và đối lại, Thiên Chúa cũng dành cho ông tình bạn chân thành (St 18,17-33). Sự tự do nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện đã cho Abraham hy vọng và tin tưởng ngay cả khi phải từ bỏ cơ may duy nhất để Thiên Chúa có thể thực hiện lời hứa. Ông đã chấâp nhận hiến tế cho Chúa đứa con duy nhất trong tuổi già. Và Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cho ông nên tổ phụ một dân tộc lớn, một dân đông đảo không chỉ bó hẹp trong một huyết tộc nhưng là tổ phụ của tất cả những kẻ có lòng tin.

Tuyệt vời hơn là sự tương phản kỳ diệu nơi hình ảnh của Mẹ Maria, Một thôn nữ nhỏ bé, yếu đuối, nhưng bằng sức mạnh nội tâm sâu xa của đời sống luôn kết hợp với Thiên Chúa (đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng), Mẹ đã làm nên điều kỳ diệu khi thưa tiếng “xin vâng”với Thiên Chúa (Lc1,26-38). Chính trong sức mạnh của đời sống chiêm niệm: suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc2,19.51), Mẹ đã có khả năng chấp nhận tin vào điều quá sức tưởng tượng của con người là “làm mẹ Đấng Cứu thế – con Thiên Chúa”. Và cũng chính trong sự tự do và kiên cường trong cầu nguyện, Mẹ đã tự do đi đến cùng lời xin vâng ngay cả khi đứng dưới chân thánh giá (Ga19,25- 27). Như vậy, bằng tự do Chúa ban, mẹ đã mở ra đón nhận dự phóng của Thiên Chúa và đã để Ngài hoàn tất chương trình tuyệt vời đó trên chính cuộc đời Mẹ.

Đặc biệt qua gương mẫu sống sự tự do sâu xa của Đức Kitô, việc Người thuộc trọn về Cha hẳn phải là bối cảnh để người tu sĩ suy nghĩ về sự tự do hiến thân cho Thiên Chúa qua lời khấn vâng phục của mình. Thực vậy, như Đức Kytô, lời khấn vâng phục của ngưòi tu sĩ biểu lộ vể đẹp thanh thoát của sự lệ thuộc đầy tình con thảo chứ không phải nô lệ, đầy ý thức trách nhiệm và đầy lòng tin cậy lẫn nhau … (ĐSTH 21). Do đó vâng phục và tự do không hề mâu thuẫn nhau nhưng cho thấy mầu nhiệm về sự tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn tình yêu của Chúa Cha và mầu nhiệm vâng phục là con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật của con người tự do đích thực. (ĐSTH 91)

Thế nhưng, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người tu sĩ ý thức hơn lúc nào hết vị trí “giữa lòng thế giới” của mình thì cũng phải ý thức hơn những thách đố của việc “ sống giữa thế gian” nhưng “không thuộc thế gian”. Chính vì thế, điều quan trọng hàng đầu của người tu sĩ là không ngừng thiết lập cho mình một “căn phòng nội tâm” để có thể đối phó với thế giới được mệnh danh là“Kỷ nguyên của tiếng ồn, duy vật chất và cá nhân chủ nghĩa” hôm nay. Và chiến đấu bằng chính vũ khí mà Đức Giêsu đã dùng và đã dạy, là biết trang bị cho mình một ý chí kiên trì tìm kiếm ý Thiên Chúa, kết hợp sâu xa với Ngài trong cầu nguyện. Nhờ đó, lời khấn vâng phục không là sự trói buộc tự do, trái lại đó sẽ là cách thế tiếp nhận và thi hành ý muốn Thiên Chúa của một ý chí tự do sung mãn vì đã tự do tin tưởng vào Niềm Hy Vọng không bao giờ lừa dối (Chứng Tá Phúc âm 43).

Thay Lời Kết:

Trong thư gởi giáo đoàn Galat, thánh Phaolô đã khuyến cáo: Anh em đã được kêu gọi để hưởng sự tự do nhưng đừng lợi dụng sự tự do mà sống theo tính xác thịt. Và chính là để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Do đó anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa (x Gl 5,13.1). Và để trợ lực cho chúng ta sống trong tự do đích thực của con cái Chúa, Đức Kitô cũng đã trao ban Thánh Thần cho chúng ta. Vì thếø đừng dập tắt Thánh Thần nhưng hãy bước đi trong Ngài. Với sức mạnh của Ngài, từ nay chúng ta không còn sống theo những đam mê của xác thịt nữa (x Gl5,16).

Ước mong mỗi người biết lắng nghe lời khuyên nhủ đó mà ngoan ngoãn sống theo sự hưỡng dẫn của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện liên lỉ. Có như thế, chắc chắn chúng ta sẽ có sự tự do đích thực qua việc thi hành các Lời Khấn, nhất là với Lời Khấn Vâng Phục hầu sẵn sàng mở ra đón nhận ý muốn tình yêu của Thiên Chúa và để Ngài hoàn tất nơi chúng ta dự phóng tình yêu của Ngài.

Vâng, xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Cách riêng xin cho ý Cha được thể hiện nơi Hội dòng con,

Và cụ thể xin cho ý Cha được thể hiện trên chính cuộc đời mỗi người,

… trên chính cuộc đời con.

 

Nt. Gioan Xuân Mai

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...