daminhthanhtam.com

Đức Giêsu - Nhà đào tạo (Phần 2)

13.11.2024 Thần học

ĐỨC GIÊSU – NHÀ ĐÀO TẠO - Phần II

Theo Đức Giêsu

“Theo” (seguire) là một thuật ngữ thuộc hệ thống giáo dục của thời đó và dùng để chỉ mối tương quan giữa thầy và trò. Mối tương quan thầy - môn đệ (maestro - discepolo) khác với mối tương quan giáo sư/ giáo viên - sinh viên/học sinh (professore - alunni). Sinh viên/ học sinh chỉ tham dự các bài giảng của giáo sư/ giáo viên về một vấn đề cụ thể nào đó, không liên quan gì đến cuộc sống của giáo sư; nhưng người môn đệ thì theo thầy của mình, sống nên một cộng đoàn với thầy.

Đức Giêsu, lúc ba mươi tuổi, đã là bậc thầy. Cũng như các bậc thầy Do Thái thời bấy giờ, Người cũng tập họp các nam nữ môn đệ thành một cộng đoàn. Tất cả những người theo Đức Giêsu, hình thành nên một nhóm tụ họp quanh Đức Giêsu:

  • nòng cốt là nhóm Mười Hai (x. Mc 3, 14), như là biểu trưng của mười hai chi tộc Israel (x. Mt 19, 28);
  • một cộng đoàn rộng lớn bao gồm cả nam giới và phụ nữ (x. Lc 8, 1-3);
  • nhóm lớn hơn là bảy mươi hai môn đệ (x. Lc 10, 1);
  • họ là đám đông tụ họp quanh Đức Giêsu để nghe lời Người (x. Lc 5, 2);
  • trong nhóm nòng cốt Mười Hai, tùy theo nhu cầu thực tế lúc bấy giờ, Đức Giêsu lại tập họp những nhóm nhỏ hơn; ví dụ: Đức Giêsu đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê khi Người đi cầu nguyện (x. Mt 26, 37-37; Lc 9, 28);
  • để đào tạo sự trưởng thành và quân bình, Đức Giêsu, vị thầy ba mươi tuổi, luôn đồng hành với mười hai tông đồ. Tuy nhiên, có những lúc Người dường như chịu không nổi và phải rất kiên nhẫn với các ông (x. Mc 9, 19); hoặc tách riêng một mình để cầu nguyện (x. Mc 6, 46).

Giống như tất cả các nhóm môn đệ thời bấy giờ, Đức Giêsu cũng tạo cho họ một nhịp sống riêng của mình: hằng ngày, hằng tuần và hằng năm.

Nhịp sống hằng ngày trong gia đình và trong cộng đoàn

Vào thời của Đức Giêsu, mỗi ngày người ta cầu nguyện ba lần: sáng, trưa và tối. Đây là ba thời điểm người ta dâng hy lễ trong Đền Thờ, có ý nghĩa là toàn dân quy tụ trước nhan Thiên Chúa. Họ cầu nguyện bằng cách đọc Kinh Thánh (Cựu Ước) hoặc những tâm tình được gợi hứng từ Kinh Thánh. Đây cũng là nhịp sống hằng ngày của Đức Giêsu và cộng đoàn các môn đệ của Ngài vẫn làm trong suốt ba năm huấn luyện.

Sinh hoạt hằng tuần trong Hội đường Do Thái

Tác phẩm cổ xưa trong truyền thống Do Thái, gọi là Pirquê Avot, cho rằng: “Thế giới được thành hình trên ba trụ cột chính: lề luật, sự thờ phượng và đức ái”. Người Do Thái vẫn thực hiện ba việc này vào mỗi ngày Sa-bát. Vì vậy, ngay cả trên hành trình thi hành sứ vụ, Đức Giêsu và các môn đệ vẫn giữ tập tục này. Vào các ngày Sa-bát, họ cùng với dân chúng vào Hội đường để lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh (lề luật), để cầu nguyện và tôn vinh Chúa (thờ phượng) và thảo luận các vấn đề đời sống của cộng đoàn (đức ái) (x. Lc 4, 16.44; Mc 1, 39).

Những biến cố hằng năm trong Đền Thờ

Mỗi năm, người Do Thái buộc phải hành hương lên Đền Thờ ba lần vào bất cứ ngày sa-bát nào hoặc vào các dịp lễ lớn (x. Xh 23, 14-17). Đức Giêsu và các môn đệ của Người cũng chu toàn việc hành hương này và hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem vào các dịp lễ lớn (x. Ga 2, 13; 5, 1; 7, 14; 10, 22; 11, 55).

Những dịp hành hương này tạo nên bầu khí thân mật của gia đình và cộng đoàn, giúp mọi người thấm nhuần cách cầu nguyện bằng Lời Chúa. Đức Giêsu đã dùng những dịp này để huấn luyện các nam nữ môn đệ của Người. Chính môi trường huấn luyện này đã hình thành nên những đặc nét hoặc tiêu chí giúp người môn đệ hòa đồng với nhóm và có kinh nghiệm thuộc về gia đình của Đức Giêsu.

  • Học bằng trí nhớ: trong những buổi phụng vụ cộng đồng, các môn đệ học thuộc các bài hát để hát cùng cộng đoàn; đọc thuộc các Thánh vịnh và kinh nguyện. Trong các lời cầu nguyện và chúc lành, người ta ôn lại những biến cố quan trọng trong quá khứ. Những điều này giúp củng cố tư chất của người môn đệ, không quên những biến cố lịch sử mà Chúa hằng dẫn dắt dân Người.
  • Cử chỉ thân xác: những cử điệu được thể hiện thường xuyên trong các thánh vịnh tạo nên bầu khí cầu nguyện. Ví dụ: những cuộc rước (Tv 95, 2), cúi mình phủ phục, quỳ gối (Tv 95, 6), giơ tay (Tv 63, 5), hướng về đền thánh (Tv 138, 3). Mỗi ngày ba lượt, vào giờ cầu nguyện, người Do Thánh tụ họp ở Đền Thờ, những người ở xa thì cầu nguyện hướng về Đền Thờ. Tất cả nhằm giúp người dân ý thức mình cùng thuộc về một dân tộc.
  • Chiều kích thần bí và sáng tạo: cầu nguyện bằng Thánh vịnh không phải chỉ là lặp đi lặp lại những dòng chữ viết sẵn, nhưng còn là dịp để người đọc sống gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn. Những lời trong Thánh vịnh phải giúp người đọc chuyển tải nơi mình những tâm tình cầu nguyện riêng. Ngay cả Đức Giêsu cũng có lời cầu nguyện riêng và dạy cho các môn đệ cầu nguyện, lời cầu nguyện đó chúng ta vẫn đọc cho đến ngày nay, đó là kinh lạy Cha (x. Mt 6, 9-13; Lc 11, 2-4).

Trong ba năm chung sống với Đức Giêsu, các môn đệ (cả nam lẫn nữ) đã được Đức Giêsu đào tạo. Những yếu tố chính của hành trình đào tạo này là gì?

  • Đào tạo để theo Đức Giêsu, không phải là chuyển tải một sứ điệp để học thuộc lòng; nhưng là hình thành nơi người môn đệ một mối tương quan, một kinh nghiệm mới với Thiên Chúa mà họ được chứng kiến qua cuộc sống của Đức Giêsu. Chính cộng đoàn quy tụ quanh Đức Giêsu cũng diễn tả trải nghiệm mới này đối với Thiên Chúa và diễn đạt cảm nghiệm đó trong đời sống.
  • Việc huấn luyện giúp các môn đệ có cái nhìn mới và thái độ mới; làm phát sinh nơi họ một nhận thức mới về sứ vụ và về chính bản thân mình, khiến người môn đệ trở nên cảm thông và gần gũi với những người bị loại trừ trong xã hội, dần dần giúp họ sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1, 15).

Do đó, đối với các Kitô hữu đầu tiên, theo Đức Giêsu có nghĩa là:

  • Bắt chước gương của Thầy. Các môn đệ phải bắt chước gương của Đức Giêsu và thể hiện ra trong cuộc sống của mình (x. Ga 13, 13-15). Cuộc sống gắn kết hàng ngày với Đức Giêsu giúp phản chiếu liên tục gương sống của Người và nơi trường học Giêsu, bài học duy nhất là Nước Thiên Chúa, được thể hiện ra trong cuộc sống và hoạt động của Người.
  • Đồng số phận với Thầy. Những ai theo Đức Giêsu phải từ bỏ chính mình, để trung thành với Người trong những cơn thử thách (x. Lc 22, 28); ngay cả trong bách hại (x. Ga 15, 20; Mt 10, 24 -25); phải sẵn sàng vác thập giá và chết với Chúa (x. Mc 8, 34-35; Ga 11, 16).
  • Mang trong mình sự sống của Đức Giêsu. Sau biến cố Chúa phục sinh, các Kitô hữu tiên khởi hướng đến chiều kích thứ ba: trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Đấng đang hiện diện trong cộng đoàn. Họ muốn được thông phần vào sự sống của Người, Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết để rồi được sống lại nhờ quyền năng của Thiên Chúa (x. Pl 3: 10-11). Đây là chiều kích thần bí của việc đi theo Chúa Giêsu Kitô, là hoa trái của Chúa Thánh Thần: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20).

Cộng đoàn đào tạo quy tụ quanh Đức Giêsu là cộng đoàn sứ vụ

Vào thời của Đức Giêsu, dân chúng phải sống dưới sự cai trị của hai thể chế: thể chế tôn giáo và thể chế chính trị do Hêrôđê trị vì, dưới quyền thống trị của đế quốc Rôma, là một hệ thống tổ chức bóc lột và đàn áp dân. Vì vậy có nhiều bộ lạc, gia đình, cộng đoàn đã phải ly tán và nhiều người dân sống lưu vong, lang thang, bị loại trừ khỏi tôn giáo cũng như xã hội. Đó cũng là lý do có nhiều phong trào hoặc nhóm được hình thành để sống thành cộng đoàn theo cách sống riêng của họ: phái Êsêniô (những nhóm người Do thái sống khổ hạnh), nhóm Pharisiêu, và nhóm quá khích Zealot. Cộng đoàn của Đức Giêsu cũng được xem như là một nhóm thời bấy giờ. Điều khác biệt và mới của cộng đoàn này là lưu tâm đến người nghèo và những người bất hạnh.

Nhóm Pharisiêu, tiếng Do thái là “những người tách biệt”, họ sống tách biệt khỏi sự ô uế của dân chúng. Nhiều người thuộc nhóm này cho rằng dân chúng là những người không biết lề luật, đáng bị nguyền rủa (x. Ga 7, 49), những người sinh ra trong tội lỗi, những người dân đen không làm được chuyện gì (x. Ga 9, 34). Đức Giêsu và các môn đệ của Người, trái lại, sống chung và đồng hành với những người bị xã hội loại trừ, bị cho là ô uế hay tội lỗi: đó những người thu thuế, đàng điếm, cùi hủi (x. Mc 2, 16; 1, 41; Lc 7, 37). Đức Giêsu ghi nhận phẩm giá và giá trị của người nghèo (x. Mt 11, 25-26; Lc 21, 1-4) và tuyên bố rằng họ là những người có phúc, vì Nước Thiên Chúa thuộc về họ (x. Lc 6, 20; Mt 5, 3). Đức Giêsu công bố rằng sứ mạng của Người là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 16) và Người sống như một người nghèo: không có gì cho mình, thậm chí “không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Những ai muốn theo Đức Giêsu và sống liên kết với Người, đòi hỏi phải chó sự lựa chọn: hoặc Thiên Chúa hoặc tiền của (x. Mt 6, 24). Vì người môn đệ buộc phải chọn cách sống của người nghèo (x. Mc 10, 21).

Sống nghèo khó là nét đặc trưng và cũng là sứ vụ của Đức Giêsu và các môn đệ của Người, điều này khác với các nhà truyền giáo khác lúc bấy giờ (x. Mt 23, 15). Đức Giêsu và các môn đệ, cả nam lẫn nữ, sống nhờ vào sự tín nhiệm và quảng đại của dân chúng; vì vậy, họ không bao giờ có bất cứ điều gì: không vàng bạc, không mặc hai áo, không mang bao bị, không giày dép (x. Mt 10, 9-10), vì họ tin cậy vào sự đón tiếp của người dân (x. Lc 9, 4; 10, 5-6). Mỗi khi được người dân tiếp đón, họ dùng những gì người ta dọn cho, vì họ cũng làm việc và đáng được hưởng công như bất cứ người lao động nào (x. Lc 10, 7-8). Bên cạnh đó, họ còn có sứ vụ giúp đỡ các bệnh nhân và những người thiếu thốn bất hạnh (x. Lc 10, 9; Mt 10, 8) và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10, 9).

Mặt khác, trong những dụ ngôn nói về việc sử dụng của cải, Đức Giêsu nói về sự nghiêm trọng trong cách thức sử dụng chúng thế nào cho đúng (x. Mt, 25, 21.26; Lc 19, 22-23). Của cải là để phục vụ cho cuộc sống (x. Lc 16, 9-13). Đối với Ngài, nghèo không có nghĩa là sống lơ là và bê trễ.

Ủng hộ đứng về phía người nghèo là một bước chấm phá mà các phong trào thời đó không lưu tâm đến. Trong Kinh Thánh, mỗi khi nhắc lại lời giao ước là cố gắng khôi phục lại quyền lợi của người nghèo và những người bị loại trừ trong xã hội; thiếu đi yếu tố này thì giao ước vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, các ngôn sứ, và bây giờ là Đức Giêsu, đã lên án truyền thông cổ xưa là nhân danh Thiên Chúa để loại trừ người nghèo; và công bố một khởi điểm mới là nhân danh Chúa để tiếp đón những kẻ bị loại trừ. Đây là ý nghĩa và lý do để gia nhập và thi hành sứ vụ của cộng đoàn những người theo Đức Giêsu, cộng đoàn sống giữa người nghèo, nguồn gốc và ý nghĩa của việc loan truyền giao ước mới.

Sứ vụ của cộng đoàn được quy tụ quanh Đức Giêsu

Nguồn gốc của sứ vụ phát xuất từ kinh nghiệm mới về một Thiên Chúa là Cha (Abba). Thiên Chúa là Cha có nghĩa rằng tất cả mọi người là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, vào thời đó, quan niệm về người thân cận khác hẳn với mối tương quan huynh đệ mà Thiên Chúa muốn nơi tất cả mọi người! Được thúc đẩy từ kinh nghiệm về Thiên Chúa và đứng về phía người bất hạnh, Đức Giêsu xác định sứ vụ của mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Sứ vụ của cộng đoàn các môn đệ lãnh nhận từ Đức Giêsu cũng giống sứ vụ mà Đức Giêsu lãnh nhận từ Chúa Cha: “như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Điểm khởi đầu của sứ vụ xuất phát từ cộng đoàn sống tình huynh đệ mới. Cộng đoàn huynh đệ này phải phản ảnh được khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, loan báo Tin mừng cho dân chúng.

Điều này có nghĩa là gì? Mỗi kinh nghiệm mới và đích thật về Thiên Chúa đều ảnh hưởng sâu xa đến đời sống cộng đoàn giữa con người với nhau. Chúng ta hãy liệt kê một vài điểm đặc biệt xảy ra trong cộng đoàn quy tụ quanh Đức Giêsu, những đặc nét của việc đào tạo mà những người môn đệ lĩnh hội được trong thời gian ba năm chung sống với Đức Giêsu:

  • Tất cả đều là anh chị em. Trong cộng đoàn đừng để ai gọi mình là thầy, là cha là mẹ, hoặc là người lãnh đạo, vì “anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8-10). Điều căn bản của cộng đoàn đào tạo không phải là kiến thức, quyền lực, giai cấp nhưng là sự bình đẳng giữa mọi người trong tình huynh đệ, tình huynh đệ liên kết tất cả trong cùng một lý tưởng.
  • Bình đẳng giữa nam và nữ. Đức Giêsu thay đổi quan niệm về tương quan nam nữ, Người hủy bỏ những đặc quyền của người nam trên người nữ (x. Mt 19, 7 -12). Trong số những người theo Đức Giêsu từ Galilêa, không phải chỉ có nam giới mà có cả nữ giới (x. Mc 41; Lc 23, 49; 8, 1-3) và Đức Giêsu mạc khải bí mật về Người cho đàn ông lẫn phụ nữ: người phụ nữ Samari được mạc khải cho biết Người là Đấng Mêsia; Maria Mađalêna là người được Chúa hiện ra đầu tiên sau khi sống lại và cũng là người đầu tiên được sai đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ (x. Mc 16, 9-10, Ga 20, 17).
  • Để chung tài sản. Trong cộng đoàn, không ai có tài sản riêng (x. Mc 10, 28). Đức Giêsu không có nơi để gối đầu (x. Mt 8, 20) và quỹ chung cũng dùng để chia sẻ với người nghèo (x. Ga 13, 29). Trên hành trình truyền giáo, người môn đệ tùy thuộc vào sự tiếp đón của người dân và đón nhận những gì họ cung cấp (x. Lc 10, 7). Đức Giêsu đã ca ngợi bà góa nghèo khi bà bỏ vào thùng tiền dân cúng vào đền thờ từ số tiền túng thiếu của mình (x. Mc 12, 41-44).
  • Tương quan bằng hữu chứ không phải là nô lệ. Việc chia sẻ trong cộng đoàn khởi đầu từ của cải vật chất, và phải tiến xa hơn là chia sẻ tinh thần, đồng tâm nhất trí với nhau (x. Cv 1, 14; 4, 32). Trong cộng đoàn, cần bớt đi sự cục bộ, giấu diếm: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa (…). Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
  • Quyền bính để phục vụ. “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 25-26). “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 44). Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ (x. Ga 13, 15). “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).
  • Quyền tha thứ và hòa giải. Quyền tha thứ không phải chỉ là đặc ân cho một số người, nhưng được trao ban cho cộng đoàn (x. Mt 18, 18), các tông đồ (x. Ga 20,23) và Phêrô (x. Mt 16, 19). Ơn tha thứ của Thiên Chúa được ban qua cộng đoàn, nên cộng đoàn phải là nơi tha thứ và chốn an vui, không kết án lẫn nhau.
  • Cầu nguyện chung. Mọi người cùng hành hương tới đền thờ (x. Ga 2, 13; 7, 14; 10, 22-23), cầu nguyện trước bữa ăn (x. Mc 6, 41; Lc 24, 30), tham dự các buổi cầu nguyện tại Hội đường (Lc 4, 16). Ngoài ra, Đức Giêsu còn lánh riêng ra cùng với nhóm nhỏ để cầu nguyện (x. Lc 9, 28; Mt 26, 36-37).
  • Niềm vui. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20). Họ là những người có phúc vì được thấy điều Chúa mạc khải cho (Lc 10, 23-24), được thuộc về Nước Thiên Chúa (x. Lc 6, 20). Và đây là niềm vui đi cùng với nỗi đau và những cuộc bách hại (x. Mt 5, 11), niềm vui không ai có thể lấy đi được (x. Ga 16, 20-23).

Trên đây là một số đặc nét của cộng đoàn đào tạo các môn đệ tụ họp quanh quanh Đức Giêsu, là mô hình cho cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, như sách Công Vụ Tông Đồ mô tả (x. Cv 2, 42-47; 4, 32-35). Để sống được trong những cộng đoàn như thế đồng nghĩa với việc người môn đệ cần phải được huấn luyện.

Trong cộng đoàn, sứ vụ thuộc về bản chất của cộng đoàn, không phải cộng đoàn chỉ thi hành sứ vụ khi cần và hết việc là xong. Cộng đoàn phải là cộng đoàn sứ vụ, nói cách khác, nếu không thi hành sứ vụ thì không phải là cộng đoàn. Để duy trì tính sứ vụ trong cộng đoàn, đừng rơi vào tình trạng thỏa mãn vì sứ vụ đã hoàn thành, nhưng cần phải lưu tâm đến việc đào tạo thường xuyên và nắm bắt những dấu chỉ của thời đại. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn hiện diện như là người bạn và đào tạo các môn đệ qua việc đồng hành và sự hiện diện của mình.

Biên dịch: Nt. Teresa Nguyễn Thị Quỳnh Giao

Nguyên bản: Carlos Mesters, “Gesù Formatore” in Vita Consacrata 38, 2002.

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...