Ngày 9 tháng 11
CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LATERANÔ
Hôm nay Giáo hội mừng lễ Cung hiến Vương cung thánh đường Lateranô, là ngôi thánh đường cổ nhất và có địa vị cao nhất trong số các thánh đường ở Rôma và phương Tây.
Theo lịch sử, khoảng năm 312, hoàng đế Rôma Constantinô vừa mới trở lại Kitô giáo, đã dâng tặng Đức giáo hoàng Miltiade (311-314) cung điện Latêrani trên núi Coelius. Một thời gian sau, Đức giáo hoàng cho xây ở đây một thánh đường, đó là vương cung thánh đường Latêranô. Một truyền thống nói rằng thánh đường này được Đức Giáo Hoàng Sylvestre (314-335) cung hiến ngày 9/11/ 324. Bảng chữ trên cửa lớn của thánh đường ghi:“Mẹ và Đầu của mọi thánh đường”, như một dấu hiệu của tình yêu và sự kết hợp với ngai toà Phêrô. Do đó, Vương cung thánh đường này là nhà thờ chính của Đức giáo hoàng trên cương vị Giám mục Rôma, chứ không phải Vương cung thánh đường Thánh Phêrô như nhiều người lầm tưởng.
Ban đầu thánh đường được cung hiến dưới tước hiệu Vương cung thánh đường Chúa Cứu Thế, sau đó được dâng kính hai thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ; Trong nhiều thế kỷ, thánh đường Latêranô từng là nơi mà nền phụng vụ của Giáo hoàng được triển khai những bước đầu tiên, có giếng rửa tội cổ xưa nhất của Rôma: hàng ngàn tân tòng đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong đêm Phục Sinh. Thánh đường Latêranô cũng được coi là trung tâm của thế giới Công giáo, 28 vị giáo hoàng được chôn cất tại đây. Sau khi bị hư hại nặng vì chiến tranh, hoả hoạn và bỏ hoang, thánh đường đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII cho xây dựng lại và được cung hiến lại năm 1726. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Vương cung thánh đường là những bức tượng hoành tráng của 12 vị tông đồ đứng như thể các ngài đang nâng đỡ trần nhà của thánh đường và trên tay cầm các dụng cụ tử đạo của mình.
Toàn thể Giáo hội cử hành ngày lễ Cung hiến Vương cung thánh đường Lateranô là sự khẳng định về sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, là Giám mục của Rôma và cũng là mục tử tối cao của Giáo hội Hoàn vũ, và thánh đường là biểu tượng của sự hiệp nhất đó. Ngoài ra, khi mừng lễ, các Kitô hữu qui tụ để thờ phượng Chúa trong ngôi thánh đường được xây dựng bằng gạch, đá trên trần gian, được mời gọi đón nhận ơn thánh và những gì Chúa thực hiện thông qua Giáo hội cũng như hướng về ngày được bước vào đền thờ vĩ đại trên Trời là chính Chúa Giêsu Kitô.