daminhthanhtam.com

Tôi phải làm gì để cuộc đời mình có ý nghĩa?

22.06.2024 Suy Tư

TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CUỘC ĐỜI MÌNH CÓ Ý NGHĨA?

 

Jack Rigert

 

Tôi phải làm gì để cuộc đời mình có ý nghĩa? câu hỏi thiết tha này mô phỏng câu hỏi mà người thanh niên đã hỏi Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Tôi phải làm gì để tốt được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16). Liệu người đặt câu hỏi này có nói cùng một ngôn ngữ mà mọi người ngày nay vẫn hiểu được không? Chẳng phải chúng ta là thuộc thế hệ của những người mà tầm nhận thức về sự hiện hữu của mình hoàn toàn bị lấp đầy bởi thế gian và sự tiến bộ tạm thời của nó sao? Chúng ta thường suy nghĩ chủ yếu theo những phạm trù trần thế chứ không theo phạm trù vĩnh cửu. Nếu chúng ta vượt lên trên những giới hạn của hành tinh, chúng ta làm như vậy chỉ để khởi động các chuyến bay liên hành tinh, truyền tín hiệu đến các hành tinh khác và gửi các tàu thăm dò vũ trụ theo hướng của chúng[1].

Khoa học và công nghệ đã khám phá ra những khả năng mà vật chất không thể sánh bì với con người, và những khả năng này thống trị thế giới nội tâm của tư tưởng, năng lực, khuynh hướng và niềm say mê của con người[2]. Kết quả là trong khi con người tìm kiếm những câu trả lời trên bầu trời thì tâm hồn họ đã mất khả năng bay bổng. Tâm hồn con người bị buộc theo chiều ngang mà không có chiều sâu với thế giới. Cái gọi là “con người hiện đại” đã quên Thiên Chúa và không còn nhận ra sự thật, họ sẵn sàng chấp nhận những lời dối trá, sự tuyên truyền và ý thức hệ điên rồ nhất từng được hình thành trong lịch sử nhân loại.

Chúng ta được nhắc nhở về suy tư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về thế kỷ XX, một thế kỷ vốn bắt đầu với hy vọng về sự tiến bộ không giới hạn nhưng lại kết thúc như một thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử. Con người hiện đại đã đặt hy vọng vào một đấng cứu thế nơi thiên tài của chính mình —về khoa học, công nghệ và y học. Bất cứ khi nào con người đánh mất “mầu nhiệm cao cả” và chỉ để mắt đến thế giới này, họ gặp phải sự thất vọng, đôi khi thậm chí là tuyệt vọng.

“Thế gian không có khả năng làm cho con người hạnh phúc. Thế gian không có khả năng cứu con người khỏi cái ác dưới mọi hình thức – bệnh tật, dịch bệnh, biến động, thảm họa, v.v. Thế giới này, với sự phong phú và nhu cầu của nó, cần được cứu, cần được cứu độ”[3] – Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Dường như ngày nay tất cả chúng ta đều phải nắm bắt được câu chuyện vĩ đại này— thiện và ác, ánh sáng và bóng tối, tình yêu và dục vọng — và tìm kiếm cách thế tốt hơn đã được mạc khải cho chúng ta. Tuy nhiên, bằng cách nào đó chúng ta đã bỏ lỡ câu chuyện lớn hơn và để tâm trí mình trở thành nô lệ cho chế độ độc tài của thuyết tương đối về đạo đức.

Mỗi thế hệ đều tưởng tượng mình thông minh hơn thế hệ trước và khôn ngoan hơn thế hệ sau - George Orwell

Kết quả luôn giống nhau: một tâm hồn tan vỡ. Khi nhóm của chúng tôi tại Trung tâm Canh tân Thánh Gioan Phaolô II kết thúc buổi thuyết trình với một nhóm thanh thiếu niên, tôi hỏi họ liệu họ có điều gì đặc biệt muốn chúng tôi đề cập khi chúng tôi quay lại sau một tuần không. Họ yêu cầu nói về chủ đề sức khoẻ tâm thần.

do là vì nhóm thanh thiếu niên này muốn biết tại sao nhiều bạn bè và bạn học của họ lại phải chịu đựng chứng lo âu, trầm cảm, mông lung về giới tính, và thậm chí có ý định tự tử? Tỷ lệ tự tử trong giới trẻ hiện đã vượt qua nam giới trung niên, vốnđộ tuổi từng có tỷ lệ tự tử cao nhất. Thanh thiếu niên đã nghe được thông điệp của nền văn hóa, hoặc thiếu thông điệp đó, một cách rõ ràng và dễ hiểu: chẳng có sự thật nào ngoài sự thật của bạn và sự thật của tôi. Chẳng có ý nghĩa hay mục đích nào cho cuộc sống của bạn ngoài cuộc sống mà bạn tự nghĩ ra cho chính mình. Trong nỗi đau của mình, người trẻ cảm thức được điều mà nhân loại đã biết từ buổi bình minh của lịch sử. Trái tim con người được tạo ra để làm nhiều hơn thế. Trái tim ấy không hoạt động hiệu quả trong một thế giới không có ý nghĩa và mục đích.

Giữa sự đổ vỡ của thế giới, và tất cả chúng ta đều đổ vỡ theo một nghĩa nào đó, sẽ xuất hiện một “Tin Mừng!”. Lộ trình dẫn đến ý nghĩa, sự chữa lành và hy vọng, dẫn đến tình yêu đích thực và hạnh phúc sâu xa, có thể được tìm thấy! Trước hết, hãy biết rằng có một lý do khiến bạn khao khát điều gì đó sâu xa hơn. Solzhenitsyn có khi nói rằng con người hiện đại đã quên Thiên Chúa, nhưng Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta rằng, “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Có một thông điệp. Có một lộ trình. Khởi đi từ con tim thổn thức của bạn và của Đấng Cứu độ, Vị thầy thuốc vĩ đại, Đấng chữa lành những tâm hồn tan vỡ, tổn thương, và khắc khoải.

Thông điệp này đã được khuếch đại và lộ trình này đã phát triển trong suốt 27 năm sau đó dưới sự lãnh đạo của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II. Lộ trình là “con đường của con người”. Lộ trình này bao hàm một nhận thức đúng đắn về lương tâm, giáo dục và nhân phẩm. Nhưng cốt lõi của tất cả, đó là lộ trình của tình yêu. Đó là lộ trình của Đức Kitô và các Thánh. Đó là lời mời gọi nên thánh phổ quát và thánh hóa đời sống hằng ngày.

Những gì mà con người ngày nay và mọi thời tìm kiếm là Vinh quang, Sự sống và Tình yêu vĩnh cửu, và tất cả chỉ được cảm nếm trên trần gian. Thật ra, tất cả Vũ trụ đều được tạo dựng cách tốt đẹp, đều nhằm mục đích trở thành dấu chỉ của vẻ đẹp hướng đến sự Hoàn Mỹ là chính Thiên Chúa. Dấu chỉ cao nhất của Công trình Sáng tạo, một dấu chỉ nguyên thủy mang tính bí tích, là hôn nhân và gia đình – vốn không chỉ nhằm hướng tới Thiên Chúa, mà, khi được nhận thức và sống cách xứng hợp, còn cho phép con người, dù là nam hay nữ, cảm nhận và ham gia vào hành động đồng sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này được giải thích qua cách diễn tả con người là hình ảnh và được tạo thành giống Thiên Chúa.

Kitô giáo dạy chúng ta hiểu sự hiện hữu tạm thời từ góc độ Vương quốc Thiên Chúa, nghĩa là từ góc độ sự sống vĩnh cửu. Không có sự sống vĩnh cửu, thì sự hiện hữu tạm thời, dù phong phú và phát triển đến đâu, cuối cùng không mang lại cho con người điều gì khác ngoài sự tất yếu không thể tránh khỏi của cái chết. Kinh nghiệm của con người cũng nói lên điều tương tự như lời Kinh Thánh: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần”. Tác giả được soi dẫn để nói thêm: “và sau đó là sự phán xét”. Tuy nhiên, kinh nghiệm của con người được Đức Kitô nâng cao qua lời hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống; Ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống, còn ai sống và tin vào Ta thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

Bạn phải quyết định đặt câu hỏi về sự sống đời đời. Vì thế giới này đang qua đi và mỗi chúng ta đều chịu ảnh hưởng bởi sự qua đi này. Con người được sinh ra với viễn cảnh về ngày chết của mình trong chiều kích của thế giới hữu hình; đồng thời, với lý do tồn tại bên trong là vượt lên trên chính mình, cũng mang trong mình mọi thứ nhờ đó vượt ra ngoài thế giới[4].

Vậy hãy hỏi Chúa Giêsu, giống như người thanh niên trong Tin Mừng: “Tôi phải làm gì để tốt được hưởng sự sống đời đời?”[5]. Sau đó, hãy hướng tâm hồn bạn với tất cả những mối bận tâm, ước mơ, lo âu và lo lắng về Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô, vị Thầy thuốc vĩ đại của trái tim con người.

 

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (18. 06. 2024)

 

==

1. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Dilecti Amici, số 5.

2. sđd.

3. Bước qua Ngưỡng cửa Hy vọng, Đức Gioan Phaolô II, tr. 56.

4. X. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Dilecti Amici, số 5.

5. sđd.

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...