daminhthanhtam.com

Chúa Nhật Lễ Lá - Năm B

24.03.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

CỔNG THÀNH NÀO?

Chúa Nhật Lễ Lá Năm B

Mc 11, 1-10

 

1. BÀI TIN MỪNG: Mc 11, 1-10

(1) Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêrusalem, gần làng Bếtphaghê và Bêtania, bên triền núi Ôliu, Người sai hai môn đệ (2) và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và đem nó về đây. (3) Và nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy?", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." (4) Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền tháo dây lừa ra. (5) Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh tháo con lừa ra làm gì vậy?" (6) Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông. (7) Hai ông đem con lừa về cho Ðức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. (8) Nhiều người cũng trải áo họ xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. (9) Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! (10) Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ðavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!"

2. SUY NIỆM: CỔNG THÀNH NÀO?

Khi con người cất tiếng khóc chào đời, cánh cửa đầu tiên của cuộc đời mở ra. Những cánh cửa khác cũng dần mở ra để con người hoàn tất ơn gọi của mình. Cuối cùng của kiếp nhân sinh là cánh cửa của cái chết để bước vào cõi sống vĩnh hằng. Bước vào phận người qua mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu cũng bước đến hành trình cuối cùng khi tiến vào mầu nhiệm Khổ Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh. Ngài đi bước trước, dẫn đường cho con người bước vào sự sống vĩnh cửu, hưởng vinh quang cùng Thiên Chúa.

Phụng vụ Tuần Thánh, đỉnh cao của năm Phụng vụ mời gọi mỗi người hãy khám phá và sống mầu nhiệm Khổ nạn của Đức Giêsu để có thể bước vào Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng chính hành trình cuộc đời mình.  Cuộc khám phá ấy được khởi đi từ hành trình tiến vào thành Giêrusalem.

Thành Giêrusalem có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cứu độ nói chung và trong lịch sử dân Do Thái nói riêng. Đây là ngôi đền thờ đầu tiên của dân Do Thái, là điểm hành hương để mừng các lễ lớn, mà mỗi người đều mong muốn trở về, nơi mà họ được gặp gỡ Thiên Chúa gần nhất và phụng thờ Ngài cách long trọng nhất. Thành thánh Giêrusalem, đó là nhà của Thiên Chúa, là nơi Ngài cư ngự (Tv 122, 1-2). Với Đức Giêsu đây là điểm hẹn của ơn cứu độ, nơi Người sẽ trở nên hiến tế duy nhất, là Đền thờ duy nhất, nơi Thiên Chúa giao hòa với con người. Đức Giêsu là Đấng Mêsia của lời hứa, là “Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa” (Mc 11, 9).

Cổng thành Giêrusalem, là cửa ngõ để Đức Giêsu bước vào những cánh cửa khác trên hành trình thi hành Thánh Ý, hoàn tất ơn cứu độ. Người đã bước qua cánh cửa nhà ông Simon Cùi, cánh cửa lòng người phụ nữ mang bình bạch ngọc quý giá (Mc 14, 3). Ngài chạm tới và cố bước vào cửa lòng của các tông đồ. Ngài cũng tiến vào cánh cửa phòng tiệc ly cùng với những lời dạy cuối (Mc 14, 17- 25). Đức Giêsu tiến vào cửa vườn Ghết sê ma ni (32), cố gắng tiến vào cánh cửa của lòng tín trung nơi các môn đệ (37 – 50). Và cuối cùng là bước vào cánh cửa của cuộc khổ nạn – cánh cửa của sự chối từ (Mc 14, 55- 15,39).

Cuộc đời chúng ta cũng là những hành trình gõ và mở các cánh cửa để tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa, sống ơn gọi của mình cách trọn vẹn nhất. Khởi đi từ bí tích Rửa Tội, cửa ngõ đổi mới con người cách tận căn, chúng ta được trở nên con Chúa, được mặc lấy Đức Kitô. Ta được mời gọi sống như Đức Kitô, tiến vào cuộc đời với Ngài, cùng Ngài bước đi và tung hô Ngài là Chúa của đời mình (Mc 11, 8-9). Với Ngài, ta tiếp tục mở các cánh cửa khác trong ân sủng và tình yêu.

Cuộc đời của bạn và tôi đã vượt qua những cổng thành nào? Đâu là cổng thành Giêrusalem trong đời – nơi mà chúng ta phải đối diện với sự yếu đuối và mỏng giòn nhất của phận người? Chúng ta có chào đón “ai khác” vào trong cổng thành của mình như ông Simon Cùi sẵn sàng đón Chúa? Chúng ta có đủ yêu mến và “lãng phí” đổ hết bình dầu thơm quý giá của mình cho Chúa?  Hay chúng ta ngại, chúng ta tiếc, và chúng ta sợ “ai khác” bước vào chỗ, vào cõi lòng mình vì mình phải nhường, phải mất đi vị trí hay điều gì đó? Và cuối cùng là cánh cửa của sự tín trung, ta có dám thực thi thánh ý của Chúa với bất cứ một giá nào, kể cả giá máu?

Lời Chúa hôm nay khắc họa một Đức Giêsu rất người khi bước vào hành trình thương khó. Đó là hình ảnh của một người tôi trung, người tôi tớ của Chúa trong sách Tiên tri Isaia: Một người hiền lành, chấp nhận sỉ nhục, phỉ báng vì “Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn” (Is 50, 7). Và con người đó cũng không tránh khỏi những sự cám dỗ về lòng tín thác khi sự thử thách dường như quá sức chịu đựng và thốt lên “Ôi Thiên Chúa, Ôi Thiên Chúa, sao Chúa đã bỏ con?” (Tv 21). Trên tất cả, Đức Giêsu đã vượt qua và chiến thắng tất cả với phận người khi vét rỗng chính mình, “mặc lấy thân phận tôi đòi” ( Pl 2, 7). Người đã dạy cho ta biết thế nào là yêu và vâng phục. Người đã chỉ cho ta bằng chính hành động của mình. Người đã vượt qua những gì tưởng chừng là không thể “...vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Xướng trước Phúc Âm) để chúng ta cũng có thể bước đi như Người. Đức Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta, là động lực cho chúng ta để chúng ta hiên ngang vững bước, vững tin bước vào thành thánh Giêrusalem trong cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chết để chúng con được sống. Chúa đã đi qua kiếp người để chúng con cũng dám vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, và những cuộc thử thách của niềm tin như Người. Xin ban ơn trợ lực cho chúng con, để chúng con không bao giờ chùn bước trước những cổng thành của con người, của cuộc đời, và của những yếu đuối bản thân. Xin cho chúng con biết mở cánh cửa của chính mình để chào đón Chúa và mọi người trong yêu thương và tín thác. Xin cho hành trình tuần Thánh này mang lại cho chúng con nhiều hoa trái của sự hiệp thông và chia sẻ, của sự khiêm hạ và tín thác, của sự hoán cải và đổi mới. Xin Chúa hãy làm vua lòng chúng con luôn mãi. Amen.

Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...