daminhthanhtam.com

Chúa Nhật tuần II Thường Niên B

14.01.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU

Chúa Nhật II Thường niên năm B

Ga 1, 35 - 42

1. BÀI TIN MỪNG: Ga 1, 35 - 42

(35) Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu. (38) Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?" (39) Người bảo họ: "Ðến mà xem". Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.

(40) Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Ðức Giêsu. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Mêsia" (nghĩa là Ðấng Kitô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (tức là Phêrô).

2. BÀI SUY NIỆM: ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU

Sau khi chay tịnh 40 đêm ngày, việc đầu tiên của Chúa Giêsu là thiết lập Hội Thánh, là dân mới để thay thế cho dân Israel cũ, một dân luôn luôn bội phản. Công việc đó được khởi đi từ việc gọi chọn các môn đệ mà bài Tin Mừng hôm nay nói tới bốn môn đệ đầu tiên. Các ông được Gioan Tẩy Giả chỉ cho biết Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, trong đó có hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã lật đật bỏ thầy mình là mà đi theo Đức Giêsu (c.35-37), sau cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng thành công (c.38-39) các ông đã đến và lưu lại với Chúa Giêsu. Sau này Gioan giới thiệu cho Giacôbê anh mình và Andrê giới thiệu cho em mình là Simon. Các Tông đồ đã hiểu “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng Messia” vì tất cả các ông đều đã nói “chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Nhưng chúng ta thấy lạ lùng, vì Gioan Tẩy Giả chỉ nói đây “Chiên Thiên Chúa” mà các ông đã vội vã đi theo?

Thật ra, trước đây các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã từng được thầy mình nói về Đức Kitô, các ông có lòng khao khát muốn đi theo, nhưng hôm đó không một ai theo Chúa Giêsu, vì họ còn tưởng có khi thầy mình là Messia. Sau này, họ nghe thầy khẳng định mình không phải là Đấng Messia, thì lòng khao khát theo Chúa Giêsu càng ngày càng lớn, cho nên khi nghe Gioan Tẩy Giả chỉ Chúa Giêsu và giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa” mới có sức thu hút để các ông theo Đức Giêsu như thế. Khi gặp các ông Ngài hỏi; “các anh tìm gì?” Ngài hỏi như vậy để làm gì? Chúa Giêsu đặt câu hỏi là để thanh lọc ý hướng đi tìm Chúa, phải tìm Đức Kitô nào? Đấng Messia nào? Có phải Đức Kitô chỉ chữa bệnh? Hay Đấng mà họ nói với mẹ xin ngồi hai bên tả hữu? Các ông tuy được hỏi như vậy nhưng trong con người của các ông vẫn tham quyền cố vị khi theo Chúa Giêsu. Dĩ nhiên Chúa Giêsu phải thanh lọc các ông dần dần và phải xác định ý hướng của các ông ngay từ đầu.

Họ thưa “Rabi” có nghĩa gì? Ngay cả sau khi Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” trước mặt hai môn đệ và họ cũng chỉ gọi Chúa Giêsu là “Rabi” bình thường thôi. Chỉ sau khi gặp gỡ riêng thì các ông mới gọi Chúa Giêsu là Messia. Việc chuyển dần cách xưng hô ấy cho thấy đức tin của các ông lớn dần. “Ngài ở đâu?”, chúng ta thấy câu trả lời của các ông thật kỳ cục, các ông có trả lời vào câu hỏi của Chúa Giêsu không ? Họ trả lời bằng một câu hỏi, để thực sự biết Ngài là ai, lưu lại với Ngài, biết Ngài để ở lại với Ngài, muốn làm môn đệ Thầy. Theo nghĩa thiêng liêng thì trong bữa chia tay Chúa Giêsu cũng đã nói: Chỗ Ta là cung lòng của Cha, vậy thì cho con cũng ở lại trong cung lòng của Cha.

Chúa Giêsu trả lời “Hãy đến mà xem”. Đây là cuộc gặp gỡ tương quan cá vị. Nếu gặp Ngài bằng kinh bổn thì sẽ không gặp Ngài trong cuộc sống. Trái lại phải gặp Ngài trong cầu nguyện thì mới gặp Chúa trong cuộc sống, và phải gặp Chúa trong cuộc sống sẽ gặp Chúa trong cầu nguyện nhiều hơn nữa, rất ít trường hợp gặp Chúa trong cuộc sống rồi gặp Chúa trong cầu nguyện. Điều ấy cho chúng ta thấy rằng chỉ gặp Chúa bằng lý thuyết thì sẽ chóng trôi đi, nó không thấm, mà phải gặp Chúa trong cầu nguyện và từ đó đi vào cuộc sống. Họ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia, vì đã được thầy mình nói trước, và khi đến nhà chắc chắn hai ông có trao đổi, gặp gỡ với Đức Kitô. Hai ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia nhanh là do lòng khao khát và Chúa muốn, cả Chúa Giêsu và hai ông đều có sự mong muốn hai chiều nên mới nhận ra nhanh như vậy mà tin theo, chứ chỉ một phía thì bất lực.

Nhờ lưu lại “Hãy ở lại trong Thầy” mà Andrê và Philipphê sau này đã trở thành hai nhà truyền giáo nhiệt thành, với lòng yêu mến Thầy. Andrê sốt sáng giới thiệu Simon với Chúa Giêsu, còn Philipphê nhiệt thành rao giảng Chúa Giêsu cho Nathanael. Như thế để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu cần phải có lòng khao khát, yêu mến và dấn thân, phải gặp gỡ, tương giao mật thiết với Ngài ta mới biết Ngài là ai để nói cho người khác. Và cuối cùng, các ông đã chia sẻ sứ mệnh của Thầy và cùng chết với Thầy. Người môn đệ Chúa hôm nay là chính chúng ta, chúng ta đã tìm gì? - Việc làm, tiện nghi…? Dĩ nhiên là tìm những thứ đó nhưng không đủ nếu chúng ta dừng lại ở đây và coi đó là cùng đích của cuộc đời. Hãy tìm chính Chúa, tìm Chúa nơi tha nhân, nơi cuộc sống gia đình, cộng đoàn, nơi bổn phận mỗi ngày. Tìm Chúa rồi, hãy ở lại với Ngài, hãy để Ngài ở lại với chúng ta. Và hãy tạ ơn Chúa, vì được Giáo Hội hướng dẫn giới thiệu, được Chúa soi sáng thúc đẩy, khao khát và tin theo. Niềm tin đòi buộc truyền giáo, nên hãy mau mắn như Andrê và Philipphê mà đến với tha nhân để nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa như Chúa hằng mong đợi.

Nt. Maria Tăng Thị Thiêng, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...