daminhthanhtam.com

Chúa Nhật - Lễ Thánh Gia Thất

31.12.2023 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

LỜI MỜI GỌI CỦA GIA ĐÌNH

Lễ Thánh Gia

Lc 2, 22-40

1. BÀI TIN MỪNG: Lc 2, 22-40

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. (25) Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. (27) Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

(29) Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

(30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

(32) Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.

(33) Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. (34)Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng (35) còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.

(36) Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, (37)rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. (38) Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.

(39) Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. (40) Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

 

2. SUY NIỆM: LỜI MỜI GỌI CỦA GIA ĐÌNH

“Gia đình nơi chúng mình được sinh ra nơi sự sống được thăng hoa, khi tình yêu đơm bông kết trái… là chiếc nôi tình yêu sự sống” (Bài hát Giai điệu mái ấm – Lê Việt Dũng). Gia đình là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho con người bằng tất cả sự chúc lành của Ngài khi chính con THiên Chúa đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình, Thánh Gia mà giáo hội mừng kính hôm nay. Giá trị và ý nghĩa của gia đình trong mầu nhiệm Thiên Chúa là nếu không phải là nơi con người sống và thực thi ý Chúa trong sự thánh thiện và ân sủng?

Gia đình là nơi hồng ân sự sống được trao ban thông qua tình yêu. Con cái là những món quà của Thiên Chúa nên cha mẹ dâng lại cho Thiên Chúa cùng với của lễ như một lời tạ ơn và chân nhận rằng con cái vốn thuộc về Thiên Chúa, là hồng ân Chúa ban (c. 22-23). Cha mẹ là những người được Chúa mời gọi cộng tác trong việc trao ban và nhận lãnh món quà đó. Từ gia đình, sự sống được hình thành, nuôi dưỡng, và triển nở. Từ gia đình, bài học tình yêu đầu tiên được gọi tên và vun đắp. Từ gia đình, ngôi nhà nhỏ bé của bạn và tôi, chúng ta được mời gọi chung sức xây dựng ngôi nhà to hơn, một gia đình rộng lớn hơn nơi Chúa là chủ tể của sự sống và tình yêu. Đó chính gia đình cộng đoàn, giáo xứ, giáo hội, xã hội nơi bạn và tôi đang sống, đang chia sẻ, đang cùng hít thở bầu không khí trên trái đất này. Gia đình ấy còn bao gồm cả hệ sinh thái, cả hành tinh xanh cùng muôn loài thụ tạo. Tất cả đều được mời gọi chia sẻ sự sống, sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Hồng ân sự sống được trao ban khi tình yêu là nền tảng của mọi tương quan: Vì yêu nên quan tâm, vì yêu nên chăm sóc, vì yêu nên sáng kiến, vì yêu nên liên đới, liên lụy với (Cl 3, 12-14). Dù bạn và tôi là ai, trong vai trò nào cũng vẫn được mời trao ban hồng ân sự sống mỗi ngày, qua mỗi giây phút của cuộc sống. Đó là khi bạn và tôi dám chết đi cho những ích kỷ, những nghi ngại để sống quảng đại trao ban sự sống của mình cho người khác. Đó là lúc tôi và bạn dám nhường mọi chỗ trong “gia đình” mình, trong trái tim mình cho một “ai đó”. Và đó chính là lúc bạn và tôi dám đón nhận “ai khác” vào cuộc đời của mình và xem “ai khác” là một thành viên, một thành phần trong gia đình mình với mọi quyền lợi. Gia đình chỉ có thể được hình thành khi bàn tay đưa ra có bàn tay nắm lấy tạo sự nối kết và dám liên lụy với.  

Gia đình là nơi sự thánh thiện được vun trồng, nơi kế hoạch cứu độ của Chúa được thể hiện và được thi hành trong sự bình an và phó thác. Lời tiên tri của ông già Simeon dành cho gia đình thánh không dễ dàng đón nhận (c. 34-35). Thế nhưng Thánh Giuse, Đức Maria, và Đức Giêsu đã hoàn thành cách trọn vẹn trong thân phận người với tất cả tâm hồn và lý trí trong niềm tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa. Sự khổ đau trong đời sống gia đình là một phần tất yếu của con người khi đối diện với thân phận người bất toàn và mỏng dòn. Thế nhưng nỗi đau khổ có thể trở thành cứu cánh của ơn cứu độ khi con người cưu mang tìm thấy ý nghĩa của nó trong bàn tay yêu thương của Chúa: Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Tìm Thánh ý Chúa trong đau khổ luôn là thách đố của con người. Gia đình là nơi mọi thành viên nâng đỡ nhau cùng vượt qua những gian nan thử thách. Chẳng ai chào đón những bất hạnh! Nhưng bất hạnh là phản ánh sự bất toàn của con người rõ nhất. Trong chính những bất toàn, con người có khả thể tìm thấy sự hoàn thiện duy nhất. Nơi gia đình của Thánh Giuse tìm Thánh Ý Chúa và thực thi ý Ngài là một hành trình liên lỷ đối với từng thành viên. Từ tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ Maria, một hành trình đức tin xuyên suốt được mở ra. Tiếng thưa “xin vâng” ấy mở ra một huyền nhiệm của sự phó thác khi đối diện với những thách thức mang tính sống còn: sống và chết, danh dự và sự khinh khi. Thiên Chúa đã hành động trong sự tín thác ấy. Thánh Giuse cũng phải đối diện với một hiện thực gia đình vượt quá sự trí hiểu của mình khi chấp nhận đón Đức Maria, làm cha nuôi của Đức Giêsu. Và đến cả Con Một Chúa, Đức Giêsu cũng phải học thế nào là vâng phục để thực thi Thánh Ý Chúa Cha, một sự vâng phục cho đến chết.

Trong viễn cảnh của sự khổ đau, mối dây liên kết trong gia đình chính là một điểm tựa. Mọi người cùng nhau đồng hành, cùng nhau vượt qua (Cl 3, 16b). Lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô dành cho các thành viên trong gia đình là một lời nhủ bảo trong yêu thương để làm đẹp lòng Thiên Chúa: “phục tùng”, “yêu thương chứ đừng cay nghiệt” (Cl 3, 17-18). Gia đình Nadaret không phản ánh quyền hành, vị thế, hay sự ngột ngạt với những nghi kỵ lo lắng. Gia đình Thánh tràn ngập sự bình an và ân sủng của Chúa, “nguyện cho ý Cha thể hiện”. Thánh Giuse, Đức Thánh Trinh Nữ Maria, và Chúa Giêsu hiểu rằng, gia đình của các Ngài là gia đình của Chúa. Thánh ý Chúa nối kết mọi thành viên. Chúa mãi mãi chăm sóc cho gia đình của Ngài.

Giữa những xáo động và khổ đau của riêng mình và của gia đình, tôi và bạn đều được mời gọi sống ơn gọi nên Thánh bằng việc hiến tế những bất toàn và bất lực lên Chúa. Khó khăn trong đời sống có thể làm cho bạn và tôi trở nên hoặc là cay nghiệt, đắng đót hoặc mềm mại hơn, phó thác hơn. Nó có thể làm cho tương quan giữa người với người rạn nứt hoặc có thể làm cho mối dây liên kết thêm khắng khít. Nó có thể giúp bạn và tôi ai đang làm chủ cuộc đời, là mình đang cố lái con đò cuộc đời hay để Chúa nhận lấy bánh lái, cây chèo. Hãy để Chúa làm chủ gia đình, làm chủ cuộc đời thì ta sẽ được bình an giữa trăm chiều thử thách. Hãy nắm lấy tay nhau để thêm sức mạnh, để nhủ bảo nhau. Hãy cùng nhau nguyện cầu để Thánh Ý Chúa được tỏ hiện và được cùng nhau thực thi.

Sự tùng phục nhau và chăm sóc nhau trong gia đình là bước khởi đầu để bạn và tôi biết tùng phục Chúa, đón nhận sự chăm sóc của người khác để rồi biết chăm sóc cho nhau nơi gia đình nhỏ, nơi cộng đoàn nhỏ và cho đại gia đình. Thánh ý Chúa chính là tình yêu được trao ban, là tình yêu cứu độ được biết đến. Gia đình chính là môi trường căn bản nhất để học, để hành, và để tình yêu cứu độ được lan tỏa từ tương quan vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau, người với người rồi đến tận cùng mọi thụ tạo.

Lạy Chúa, những giá trị về gia đình ngày càng bị bào mòn giữa một thế giới tục hóa, hình ảnh Thánh Gia thất trở thành một lời thách thức. Đó là sự thách thức về niềm tin, về đau khổ, về phẩm giá, về trách nhiệm con người, và về cùng đích của con người. Gia đình là món quà nơi sự sống nảy sinh và triển nở. Gia đình là nơi Thánh ý được thực thi. Gia đình là máng chuyển ơn cứu độ. Tạ ơn Chúa đã cho con những gia đình. Xin cho con biết giữ gìn những giá trị ấy và góp phần làm cho những giá trị ấy được sung mãn hơn trong sự tín thác. Vâng, Chúa là chủ gia đình, còn chúng con tất cả là anh chị em với nhau. Amen.

                                                                      Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...