CHÚNG TA ĐANG TÌM GÌ?
Chúa Nhật V Thường Niên – Năm B
(Mc 1, 29-39)
BÀI TIN MỪNG: (Mc 1, 29-39)
(29) Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Ðức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. (30) Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
(32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34) Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
(35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" (38) Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." (39) Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
SUY NIỆM: CHÚNG TA ĐANG TÌM GÌ?
Tác giả Hùng Lân đã sáng tác một bài hát có tựa đề: “Đời Tôi” để ví cuộc đời này như là một chuyến đi tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm Thiên Chúa.
Đời tôi là một chuyến đi,
Đi tìm hạnh phúc vô biên.
Đời tôi là một chuyến đi,
Đi tìm Thiên Chúa vô biên...
Tìm kiếm một vật gì, một điều gì, một ai đó, có lẽ đó chính là một nỗi khắc khoải khôn nguôi trong con người chúng ta. Có khi chúng ta tìm kiếm những điều rõ ràng, cụ thể, nắm bắt được, và có lúc ta lại đuổi theo một cái gì đó mơ hồ, trừu tượng, mà lắm khi chính mình cũng không thể hiểu thấu. Và vì thế, không bao giờ là đủ, là thỏa mãn, là lấp đầy trái tim ta, để rồi trong kiếp nhân sinh này, ta vẫn cứ loay hoay... kiếm tìm!
Vậy, bạn và tôi, chúng ta có biết, mình đang tìm gì không?
1. Tìm những nhu cầu vật chất thiết yếu?
Mỗi ngày, khi đi ăn trưa từ căn tin nhà trường về phòng mình, tôi thường thấy cô lao công cứ đứng mở từng thùng rác tìm tìm, kiếm kiếm. Lần đầu gặp, tưởng cô đánh mất cái gì, tôi liền hỏi: - Cô tìm gì thế?
- Con nhặt những đồ ăn dư các em bỏ đi, còn sót lại trong hộp. Con mang về cho con chó, con gà, con vịt ăn kẻo phí đi, sơ ạ. Cô lao công tươi cười trả lời - Với lại, như thế cũng đỡ tốn tiền mua đồ ăn cho chúng đó sơ. - Cô nói thêm.
Vâng, với những mảnh đời chưa đầy đủ những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, họ phải vất vả, dành dụm, chắt bóp từng đồng như thế để tìm kiếm cái ăn, cái mặc cho bản thân và gia đình. Nhưng khi đã tiền dư bạc thừa, người ta lại tìm kiếm một cuộc sống mới lạ hơn.
2. Tìm kiếm danh, lợi, thú?
Nhiều người ở thời đại hôm nay quan niệm rằng:
Có tiền là có tất cả!
Có tiền mua tiên cũng được!
Do đó, họ lao vào để kiếm tiền, có khi bất chấp mọi thủ đoạn. Khi đã kiếm thật nhiều tiền, người ta lại muốn khẳng định địa vị, danh dự cho bản thân và gia tộc. Thế nhưng, càng tìm kiếm, người ta lại càng cảm thấy chưa hài lòng, muốn tìm cái gì khác tốt hơn, đẹp hơn.
Nhìn lại bản thân, ta nhận thấy mình cũng có xu hướng ấy: Khi còn nhỏ, ta mơ ước có cái áo mới, lớn lên ta mơ ước có chiếc xe đạp, có xe đạp rồi ta lại thấy thích xe honda, đi honda nhiều nhàm chán, người ta lại khao khát lái xe hơi. Hay như nói về việc sở hữu cái điện thoại: Khi xưa, ta chỉ mơ ước có cái điện thoại bàn để gọi, rồi sau đó, ta thích chiếc điện thoại di động (giới trẻ ngày nay gọi là “cục gạch” ấy!), rồi cứ thế, đến cái smart phone, và khi đã sở hữu chiếc Iphone 2G (năm 2007), đến nay người ta vẫn chưa muốn dừng lại, mà vẫn muốn làm thế nào để có được chiếc Iphone 15 pro max đang ‘hót’ nhất hiện nay.
Thực ra, điều này không phải là xấu, vì tìm kiếm tiện ích chính là động lực cho sự phát triển. Về khía cạnh tinh thần, một người khát vọng lập công danh, khẳng định chính mình, được mọi người kính nể, tôn trọng. Đây là một ước muốn lành mạnh, chính đáng, vì nó thúc đẩy xã hội mỗi ngày một phát triển hơn. Thế nhưng, có những người bất chấp mọi thủ đoạn để có được tiền tài, danh vọng và quyền lực, thì khi đã đạt được rồi, tất cả cũng chỉ là vô nghĩa. Người ta vẫn cứ khắc khoải, thao thức kiếm tìm một điều gì đó mà không bao giờ thấy đủ. Để rồi vẫn cứ tìm mãi, tìm nữa!
3. Tìm kiếm bình an, hạnh phúc?
Trong thế giới hiện đại, những tưởng rằng người người đang hạnh phúc với thế giới công nghệ 4.0, với những kỳ tích đáng kể về tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhưng kỳ thực, bao con người vẫn đang ưu phiền sầu khổ ngay trong chính thế giới hiện đại này. Hay nói cách khác, người ta không biết tìm đâu nơi nương tựa, sự cảm thông giữa một cái thế giới tuy gần mà lại rất xa, giữa những con người tuy sống bên cạnh mà lại xa cách vời vợi.
Nhiều bạn trẻ ngày nay muốn khẳng định mình, muốn tìm chính mình trong thế giới công nghệ, họ bị cuốn vào một thế giới ảo khi chìm đắm mình hàng giờ trong game online; họ tìm mình qua những làn khói của thuốc lá điện tử và những chất gây nghiện khác. Nhiều khi ngồi bên cạnh nhau, nhưng mỗi người lại ở một thế giới khác với màn hình điện thoại. Nhiều khi ở với nhau hàng giờ, nhưng lại chẳng một lời chia sẻ. Vậy tìm đâu niềm cảm thông, hạnh phúc thực sự?
4. Tôi đi tìm Chúa hay Chúa đang tìm tôi?
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marcô thuật lại cho chúng ta một khung cảnh: con người bất lực trước những vấn nạn trong cuộc sống. Họ kéo nhau đi tìm Chúa.
- Các môn đệ thì kéo nhau đi tìm Chúa Giêsu để mong Ngài có hướng giải quyết những khó khăn họ đang gặp: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" (Mc 1, 37). Các ông không biết giải quyết làm sao, nên đi tìm Thầy để xin Thầy giải quyết.
- Dân chúng cũng mong gặp Chúa Giêsu vì họ đang phải mang những bệnh tật, khổ đau, họ không thể tự cứu mình mà phải đến cùng Chúa Giêsu để được Người thương cứu chữa: Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ,... (Mc 1, 32-34).
- Còn tôi, còn bạn, và thời đại của chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có còn đi tìm Chúa để xin Người giúp giải gỡ những gánh nặng cuộc đời này không, hay chúng ta đang tìm những điều gì khác trong cuộc sống này?
Có một điều tôi chợt nhận ra khi chia sẻ bài Tin Mừng này đó là: Chính Chúa Giêsu cũng đi tìm kiếm điều gì đó: Ngay từ sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa đã dậy và đi ra một nơi hoang vắng (Mc 1, 35). Người đi đâu vậy? Thưa: Người đi Tìm Chúa Cha trong cầu nguyện. Người tìm Chúa Cha để xin được biết ý của Cha. Người tìm Chúa Cha để có nguồn lực thần thiêng cho ngày sống mới. Và, Người tìm Chúa Cha để dạy chúng ta cũng hãy tìm đến với Cha mỗi ngày.Vậy, Ta hãy noi gương Chúa Giêsu, cầu nguyện và tìm ý Chúa Cha ngay từ sớm ban mai. Hãy kết hợp với Chúa ngay từ đầu ngày sống. Phải chăng đó là sứ điệp Tin Mừng Chúa gởi gắm cho tôi hôm nay?
Và, bạn có biết không, chính khi chúng ta cứ ngỡ mình đang kiếm tìm Chúa, thì lại là lúc Chúa đang tìm kiếm ta, và mời gọi ta trở về bên Người để sống trong bình an, hạnh phúc đích thực.
Như Bà Maria Madalena sáng sớm đã chạy ra mộ Chúa tìm kiếm Người. Nhưng kìa, Chúa lại đang tìm bà và gọi chính tên bà. “Maria!”
Như bài ca “Dấu Chân”, một sáng tác của Thông Vi Vu. Có lúc trong đời mình, những tưởng Chúa đâu mất rồi, sao chỉ còn một dấu chân thôi? Nhưng kìa... Chúa đang ẵm tôi trong vòng tay của Ngài!
Và, như nỗi khắc khoải của thánh Âu-tinh được ghi lại trong tác phẩm Tự Thuật của ngài: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con hằng khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”.
Vâng, lạy Chúa, đời con trên cõi dương gian này vẫn mãi luôn khắc khoải kiếm tìm, nhưng xin cho con suốt một đời chỉ mong tìm kiếm Chúa và mong gặp được Chúa mà thôi! Amen.
Nt. Maria Lê Thị Thanh Thảo, OP