daminhthanhtam.com

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm B/2023

02.12.2023 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

1. TIN MỪNG: Mc 13, 33-37

33 “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.

36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

Đó là lời Chúa.

2. SUY NIỆM: BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?

Truyện thánh Đa minh Saviô kể lại rằng: Một lần, khi đang giờ chơi, cậu Saviô được hỏi: “Nếu chỉ còn 1 giờ nữa con chết, thì con làm gì?”. Cậu bé Saviô đáp ngay: “Con vẫn tiếp tục chơi”.

Cậu bé Saviô có thể an tâm chơi mà không chút bận tâm lo lắng vì cậu luôn ở trong một tư thế sẵn sàng đón Chúa đến.

Còn bạn và tôi, khi đối diện với câu hỏi như vậy, ta sẽ trả lời thế nào, “Bạn đã sẵn sàng chưa?” Bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở chúng ta về sự sẵn sàng của mình trong hành trình tìm và gặp Chúa. Chúng ta có sẵn sàng để đón Chúa đến trong đời mình? Chúng ta phải sẵn sàng như thế nào và tại sao?

Bài Tin mừng được mở đầu với lời cảnh cáo của Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình sau khi các môn đệ hỏi về ngày giờ của ngày cánh chung đến. Câu trả lời rõ ràng của Đức Giê su đập tan những ước lượng, tính toán của con người, “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được ... chỉ có Chúa Cha biết” (c. 32). Ngày cùng tận của thế giới là một ngày không ai biết và ngày cùng tận của một cuộc đời cũng thế. Không ai biết ngày mình sẽ ra đi. Vì thế ta cần chuẩn bị để ngày đó đến, ta đang ở tư thế sẵn sàng không phải tiếc nuối “nếu...” và “giá như..”?

Nhưng chuẩn bị điều gì, tỉnh thức thế nào?

Như những người tôi tớ, chu toàn công việc của mình cách tốt đẹp là một phần của bổn phận (c. 34); tận tâm với công việc là một phần ý thức trách nhiệm; hết lòng cho công việc là sự phản ánh của lòng yêu mến. Đó là ơn gọi và bổn phận của những người tôi trung, trung thành với sứ mạng của mình đã được trao phó.

  • Ơn gọi của bạn và tôi là gì?
  • Bổn phận của bạn và tôi gồm những gì trong xã hội, giáo hội, đời sống cộng đoàn, trong gia đình, và nhất là với cuộc đời và sứ mạng của tôi - một Kitô hữu?
  • Bạn và tôi đã thực thi trách nhiệm của mình như thế nào, làm cách tận tâm tận lực hay chỉ là một sự phòng ngừa đối phó?

Sự sẵn sàng của ta được sánh với vai trò là một người canh cửa, phải luôn trong tư thế chào đón và mở cửa cho chủ (c. 36). Vì ta không biết khi nào chủ về nên ta luôn đợi, dù đó là đêm dài. Sự đợi chờ này là mong ngóng sự trở lại của người chủ đan xen với lòng háo hức: vì yêu nên chờ, vì nhớ nên đợi. Tình yêu đánh tan sự mệt mỏi của người canh gác.

  • Bạn và tôi đang canh gác cho điều gì? Cho Chúa hay điều gì khác?
  • Có lúc nào bạn và tôi buông xuống tư thế sẵn sàng vì mệt mỏi?
  • Có bao giờ bạn và tôi chìm ngập trong cơn mê của bóng đêm của những cám dỗ về sự nghỉ ngơi, sự an toàn và dễ dãi của cá nhân, hay ngủ mê trong chính những tham vọng dự tính riêng?
  • Bạn và tôi có yêu có nhớ người chủ cuộc đời mình?

Và cuối cùng có bao giờ chúng ta ước gì ông chủ đừng đến, đừng trở về thì cuộc sống của mình sẽ đẹp hơn, sẽ thoải mái hơn?

Tiên tri Isaia trả lời: Chúa đến viếng thăm thì dân Ngài sẽ được giải thoát khỏi áp bức bạo tàn, được hưởng hạnh phúc (Is 63, 17). Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất, là Cha yêu thương, là niềm hy vọng, và cứu cánh duy nhất (Is 64, 7).

Niềm hạnh phúc thật của bạn và tôi cũng là chính Chúa, là sự hiện diện của Chúa trong đời. Thế nhưng có bao nhiêu lần chúng ta đã lãng quên và cảm thấy “phiền toái” về sự hiện diện của Chúa? Ta có nhận thấy mình cần Chúa đến để cứu vớt ta, cứu chuộc ta, ban ân sủng cho ta? Chúa có phải là cứu cánh duy nhất, là niềm hy vọng duy nhất trong đời ta? Hay là ta cảm thấy cuộc đời ta vẫn ổn, vẫn bình an, và bằng lòng, không cần phải thay đổi?

Thánh Phaolô khẳng định sự bình an và tràn đầy chỉ có thể được thông ban trong Đức Giêsu Kitô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 1, 3). Thành quả của việc Chúa đến trong đời, của việc gặp gỡ là sự biến đổi nhờ ân huệ của Đấng cứu thế. Ân huệ này củng cố và gia tăng luôn hiệp nhất của ta với Người, được triển nở trong Người.

Mùa Phụng vụ năm cũ khép lại, mùa Phụng vụ mới mở ra, bắt đầu bằng Mùa Vọng, là mùa của sự chờ đợi trong tỉnh thức và hoán cải. Một hành trình mới mở ra hướng ta về cội nguồn của đời mình là Chúa như thánh Autinh xưa, “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thuật 1,I,1). Hành trình mùa vọng là một nhắc nhở cho bạn và tôi ý nghĩa cuộc đời: mong ngóng Chúa đến thăm. Chúa đến trong tâm hồn, Chúa đến trong cuộc đời để gặp gỡ, để sống cùng, và để mang ta về với Ngài.

Lạy Chúa, đã bao mùa vọng qua đi mà con vẫn còn mê ngủ với những bình an giả tạo, với những chống chế cho sự sẵn sàng trong hời hợt của mình. Xin thêm ân sủng cho con để con biết rằng con cần Chúa và con cần hoán cải khi nhận ra những cám dỗ bóng đêm của đời mình. Xin thêm tình yêu nơi con để con biết mong ngóng và chờ đón Chúa với sẵn sàng trong tâm hồn, trong bổn phận, và trong tình con thảo. Xin cho lời cầu xin “Lạy Chúa xin hãy đến” luôn vang vọng trong tâm trí và con tim của con với sự bình an và thanh thản mọi lúc và mọi nơi. Amen.

Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...